logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Những hành động XANH: Thực hiện thế nào cho hiệu quả, bền vững? (22/04/2021)

Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người ta hô hào bảo vệ cây xanh, bảo vệ nguồn nước, không vứt rác-xả thải bừa bãi, không vận chuyển-giết mổ-tiêu thụ động vật hoang dã…để giữ cho trái đất được xanh, duy trì sức sống cho con người. Tuy nhiên, hành động thực tế ở nhiều nơi, nhiều lúc, không như lời hứa đó: cây xanh vẫn bị triệt hạ vô tội vạ, rác thải vẫn ngang nhiên được xả ra môi trường bất chấp chỉ dẫn-cảnh báo, động vật hoang dã, rừng nguyên sinh vẫn là mục tiêu làm giàu…
Vậy làm thế nào để những hành động XANH không chỉ là khẩu hiệu-phong trào, mà là những việc làm thiết thực, bền vững? Giáo sư. Tiến sĩ Khoa học Đặng Huy Huỳnh, “cây đại thụ” của ngành tài nguyên môi trường, người Việt đầu tiên nhận danh hiệu Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN bàn luận về vấn đề này.

Giỗ tổ Hùng Vương: Lan tỏa sức mạnh đoàn kết, tương thân tương ái, gắn kết cội nguồn (21/4/2021)

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa, trở thành bản sắc văn hóa riêng có của cộng đồng người Việt. Ngày 10/3 âm lịch hằng năm - ngày giỗ Tổ Hùng Vương, dù đi đâu, ở đâu, mỗi người con đất Việt cũng hướng về nguồn cội hoặc hành hương về đất Tổ để thắp nén tâm nhang, thành kính tri ân Đức quốc Tổ Hùng Vương.
Luôn có một giá trị bất biến, dù ngày Quốc giỗ được tổ chức với quy mô, hình thức như thế nào thì đó vẫn là những giá trị văn hóa được vun đắp qua nhiều thế hệ. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi là biểu tượng của tinh thần dân tộc, cội nguồn sức mạnh, là cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào của người Việt về quá khứ hào hùng và hướng đến tương lai.
Đại dịch COVID-19 làm cho cả thế giới, trong đó có Việt Nam không còn giữ được nhịp sống yên bình. Và trong lúc gian nguy nhất, “ngọn lửa” đoàn kết dân tộc lại bùng cháy lên mạnh mẽ ở khắp mọi nơi. Toàn dân chống dịch – đó không phải là khẩu hiệu, mà là thực tế sinh động về tinh thần đoàn kết, truyền thống quý báu của dân tộc mà càng trong khó khăn, càng sáng lên bản lĩnh và ý chí Việt Nam – bản lĩnh và ý chí của con cháu Vua Hùng. PGS TS Đinh Hồng Hải, Khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia HN bàn luận về nội dung này.

Tắc nghẽn hàng không – các cơ quan chức năng nói gì? (20/4/2021)

Hành khách tăng đột biến, sân bay Tân Sơn Nhất rơi vào tình trạng quá tải dịp cuối tuần qua. Theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với nhu cầu đi lại tăng cao, tới 83.000 - 85.000 lượt khách đi - đến mỗi ngày, đang “đè nặng” lên hạ tầng sân bay, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới, dự kiến lượng hành khách sẽ còn tăng cao, hay cao điểm hè tới có thể lên 80 nghìn đến 90 nghìn lượt khách/ngày. Tình huống này tiếp tục đặt ra các yêu cầu đối với các cơ quan chức năng cần phải chuẩn bị những phương án để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Phạm Vũ Cường, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đề cập vấn đề này.

Cần dạy con đúng cách, đừng dạy con theo kiểu vi phạm pháp luật! (17/4/2021)

Những ngày gần đây dư luận bức xúc trước vụ việc một người cha ở tỉnh Lạng Sơn xích cổ con vào cột điện ven đường vì mục đích răn đe do con lười học. Nhiều người quan tâm về cách dạy con theo kiểu "thương cho roi cho vọt” liệu có còn phù hợp trong thời đại ngày nay? Làm thế nào để dạy con một cách hợp lý mà không vi phạm pháp luật? Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đề cập mối quan tâm này

Phòng tránh đuối nước ở trẻ em: Trách nhiệm không của riêng ai (16/4/2021)

Trong những ngày qua, những vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em liên tiếp xảy ra khiến chúng ta không khỏi đau xót. Đau lòng hơn, có những vụ không chỉ một mà nhiều trẻ em bị đuối nước cùng một lúc, nhiều gia đình bỗng chốc rơi vào cảnh vĩnh viễn mất con, cháu của mình. Báo cáo gần đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, mỗi năm Việt Nam có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đây là con số khiến chúng ta cảm thấy đau lòng, gióng lên hồi chuông về tình trạng đuối nước, nhất là trong dịp nghỉ hè.
Những cái chết thương tâm của các em là sự thật quá đau lòng. Một nỗi đau mà lẽ ra có thể phòng ngừa nếu như người lớn không bất cẩn, ngành giáo dục triển khai dạy bơi học bơi một cách nghiêm túc. “Phòng tránh đuối nước ở trẻ em: Trách nhiệm không của riêng ai” là nội dung được Tiến sĩ xã hội học Thân Trung Dũng, Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển đề cập.

Làm sao để "hạ nhiệt" tuyển sinh đầu cấp và nạn “chạy trường” (15/04/2021)

Hàng năm, cứ vào mùa tuyển sinh đầu cấp, chuyện thi tuyển, chọn trường lại nóng hơn bao giờ hết với trường chuyên, lớp chọn. “Độ nóng” của cuộc "chạy đua" này đã và đang có sự phân cấp theo các phân khúc, mức độ khác nhau. Nhiều phụ huynh tìm mọi cách để con có được 1 suất vào học trường tốt, với mong muốn con tiếp thu được nhiều kiến thức ở những trường có tên tuổi. Trong đó, đua tranh khốc liệt nhất chủ yếu tập trung vào các trường chuyên, trường chất lượng cao, trường điểm, lớp chọn…
Cùng với đó, trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp lại nóng câu chuyện “chạy” lớp, “chạy” trường dẫn đến tình trạng nhiều trường thương hiệu gạt đi không hết hồ sơ đăng ký nhập học, từ chối nhận học sinh trái tuyến, nhưng có những trường lại trong cảnh “ngóng” học sinh. Vậy làm sao để hạ nhiệt tuyển sinh đầu cấp và vấn nạn “chạy trường”, chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương, Nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bàn luận kỹ hơn vấn đề này.

Mang thai hộ: Vì sao lại biến tướng thành đẻ thuê? (14/4/2021)

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định mang thai hộ là trường hợp người mẹ vì nhiều lí do khác nhau không thể mang thai, được quyền nhờ một phụ nữ khác mang thai hộ và sinh con cho mình hoàn toàn vì mục đích nhân đạo. Tuy vậy, thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp mang thai hộ thu lợi nhuận, thậm chí mang thai hộ xuyên quốc gia. Việc thương mại hóa hoạt động mang thai hộ đang gây ra những hệ lụy gì? Cần phải làm gì để quy định về mang thai hộ ngày càng sát thực tiễn và nhân văn? TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế bàn luận về câu chuyện này.

Cảnh giác với các chiêu trò dụ dỗ và lạm dụng trẻ em trên không gian mạng (13/04/2021)

Việc nữ học sinh lớp 5 ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị kẻ lạ nhắn tin qua Zalo, dụ dỗ quay clip nhạy cảm để đổi lấy trà sữa đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Mục đích của những kẻ tội phạm này là gì? Cha mẹ có thể làm gì để bảo vệ con em mình trước mánh lới ngày càng tinh vi của tội phạm mạng? Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc công ty cổ phần Tham vấn, Nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống lý giải phần nào thực trạng này.

Tranh cãi về chất lượng thơ đạt giải cao nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 2019 - 2020 (12/4/2021)

Kết quả cuộc thi thơ báo Văn nghệ 2019 – 2020 vừa công bố cách đây ít ngày đang gây rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, đặc biệt liên quan đến việc không có giải A và trao giải B cho tác giả Tòng Văn Hân với bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”. Có nhà phê bình nổi tiếng nhận định, ban tổ chức đã "giết chết nền thơ" Việt Nam khi trao giải cho bài thơ "dở nhất nước". Trong khi một số người khác cho rằng, nếu đọc kỹ sẽ cảm nhận được tình cảm chân thật, đáng yêu của tác giả trong bài thơ, vì đây là một nhà thơ người dân tộc.
Vì sao lại xảy ra những tranh cãi nảy lửa như vậy? Liệu có thể thống nhất tiêu chí để đánh giá hay – dở của một bài thơ hay không? Đâu là những vấn đề cần xem lại từ cuộc thi thơ uy tín bậc nhất cả nước này?

Vì sao chi phí y tế của người dân vẫn cao tới 43%? (9/4/2021)

Hiện nay nước ta có gần 91% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Nếu xét về mức độ bao phủ lớn như vậy thì chi phí khám chữa bệnh cho người dân sẽ chủ yếu do Quỹ BHYT chi trả. Thế nhưng thực tế theo thống kê của Bộ Y tế, số tiền người dân phải chi khi khám chữa bệnh vẫn chiếm tới 43% chi phí y tế. Đây là mức chi cao so với nhiều nước trên thế giới, khi tỷ lệ này ở những nước phát triển chỉ là 14%, còn khuyến cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới là khoảng 20%.
Điều đáng nói là cách đây 10 năm, khi mà độ phủ của BHYT chỉ là 50% thì chi phí y tế người dân là 49%, còn nay khi độ phủ BHYT lên đến 91% thì chi phí y tế của người dân vẫn là 43%, không giảm được bao nhiêu. Nguyên nhân của thực tế này là do đâu?
Trao đổi với TS. Bác sĩ Võ Xuân Sơn, chuyên gia y tế, để bàn về nội dung: “Vì sao chi phí y tế của người dân vẫn cao tới 43%?”.

Bỏ ‘Giấy phép con’ mang tên chứng chỉ: Không chỉ dừng lại ở tin học, ngoại ngữ (08/04/2021)

Cùng với Bộ Giáo dục và đào tạo, đã có thêm Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng không quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn viên chức thuộc ngành mình. Bộ Nội vụ thì đang dự thảo thông tư sửa đổi về tiêu chuẩn đối với công chức hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Bộ Thông tin truyền thông cũng đã có dự thảo thông tư theo hướng bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Tuy nhiên, thực tế, không chỉ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà còn nhiều loại chứng chỉ, giấy tờ khác, như chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên; chứng chỉ bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên… với báo chí hiện cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng không phù hợp. Rõ ràng, việc rà soát lại những giấy tờ này là cần thiết, nhằm tiến tới loại bỏ dần “giấy phép con” trong công tác cán bộ.

Học sinh giỏi tăng đột biến: Cần tạo nền móng học tập, không chạy theo thành tích (07/04/2021)

Số học sinh giỏi cấp thành phố của TPHCM năm học 2020-2021 là hơn 6.000 em, tăng hơn 2.000 em so với năm ngoái. Nhiều tỉnh thành khác cũng có số lượng học sinh giỏi tăng trong điều kiện việc dạy và học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này lẽ ra là tin rất vui, phản ánh sự tăng trưởng của chất lượng giáo dục. Nhưng khi số lượng học sinh giỏi trong các cuộc thi tăng “đột biến” đã khiến nhiều người băn khoăn, liên tưởng đến “bệnh” thành tích trong giáo dục. Đằng sau kết quả học tập “đẹp như mơ”, đằng sau thành tích lung linh đó là gì? Điểm 10 nhiều vô kể, học sinh chúng ta giỏi cả như vậy, liệu có khiến một lứa học trò ảo tưởng về năng lực của mình? Các trường đại học tăng tỉ lệ xét tuyển bằng học bạ có phải là nguyên nhân dẫn đến những cuốn “học bạ đẹp” để tăng cơ hội trúng tuyển?. Đây là những câu hỏi lớn cần được mổ sẻ, để điểm số phải thực chất với trình độ của học sinh.

Cần nhanh chóng giải quyết ra sao những lỗ hổng trong quản lý quảng cáo trực tuyến? (06/04/2021)

Quảng cáo trực tuyến đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại nước ta. Trong đó, Google và Facebook chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. Điều đáng nói là trên 2 nền tảng này thời gian qua xuất hiện dày đặc những quảng cáo chưa được kiểm chứng, thậm chí sai sự thật, gây ngộ nhận cho người xem, dẫn đến một số hệ lụy nghiêm trọng.
Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra là: Vì sao nạn quảng cáo láo, công khai lừa gạt diễn ra ngang nhiên trên môi trường mạng Internet? Cơ quan, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này? Lỗ hổng trong quản lý quảng cáo trực tuyến cần phải nhanh chóng được giải quyết ra sao, trước khi gây thêm nhiều hậu quả lớn hơn?

Cần khởi tố bảo vệ dân phố, xem xét trách nhiệm người liên quan vụ dân phòng đánh dã man hai thiếu niên ở TP HCM (05/04/2021)

Ngày 2-4, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tài đoạn clip dài hơn một phút ghi cảnh 2 thiếu niên 14 tuổi bị bảo vệ tổ dân phố 12, phường 14, quận 10 TP HCM liên tục đấm, đá, tát vào mặt. Dư luận đã vô cùng bức xúc, phẫn uất khi nhìn thấy những hình ảnh này. Ngay trong buổi sáng ngày 2-4, Quận ủy Q.10 tổ chức họp khẩn với các đơn vị liên quan. Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố nhìn nhận đây là sự việc đáng tiếc và lên tiếng nhận trách nhiệm cá nhân trước vụ việc. Hiện cơ quan công an đã vào cuộc để điều tra làm rõ vụ việc và sẽ báo cáo UBND Thành phố trước ngày 8/4.
Bảo vệ dân phố - cụm từ đó hàm chứa nhiều ý nghĩa lớn lao, đó là những người bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người dân và trên hết phải thượng tôn pháp luật. Thế nhưng, với trường hợp này lại vi phạm nghiêm trọng đến thân thể người khác, đặc biệt là các thiếu niên. Những vi phạm này có nguyên nhân từ đâu? Tại sao ngày càng nhiều vụ bạo hành trẻ em như vậy? Giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? BTV Lê Tuyết trao đổi cùng ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và trao đổi qua điện thoại với luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư TP Hà Nội để hiểu rõ hơn về nội dung này.

Bệnh viện điều trị bệnh tâm thần thành “động bay lắc", trách nhiệm của người liên quan ra sao? (02/04/2021)

Một trong những sự việc gây rúng động dư luận trong mấy ngày qua, đó là bệnh nhân ở Bệnh Viện Tâm thần Trung ương 1 đã cải tạo phòng điều trị trong Bệnh viện thành "động bay lắc" có cách âm, lắp dàn loa công suất lớn, đèn trang trí để sử dụng trái phép chất ma túy. Trước vụ việc nghiêm trọng này, dư luận đặt ra câu hỏi, công tác quản lý của bệnh viện như thế nào mà để biến bệnh viện điều trị bệnh tâm thần thành “động bay lắc", nơi điều trị bệnh trở thành nơi gieo rắc tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người? Trách nhiệm của những người liên quan ra sao?

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h59 Quảng cáo
5h59-6h00 Báo giờ
06h28-6h30 Quảng cáo
08h35-8h40 Quảng cáo
11h54-11h59 quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h05-13h20 Mùa vàng (PL)
13h40-13h45 Quảng cáo
14h00-14h05 Bản tin TS
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
00h00-04h45 Nhập hệ
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: