logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Người dân cần thể hiện tinh thần như thế nào trong giãn cách xã hội? (19/7/2021)

Đến thời điểm này, nước ta đã vượt ngưỡng 50 nghìn ca mắc Covid 19 kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 vào ngày 27/4, trong đó, dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Và từ 0h sáng 19/7, 16 tỉnh thành khu vực này bắt đầu giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ, nâng tổng số địa phương phải giãn cách theo chỉ thị này lên  con số 19.
Khó khăn, vất vả là điều người dân các tỉnh phía Nam không thể tránh khỏi khi thực hiện giãn cách xã hội, song điều quan trọng hơn cả lúc này, đó là tinh thần nghiêm túc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch, tinh thần đoàn kết vì cộng đồng không để ai bị đói, bị bỏ lại phía sau để vượt qua giai đoạn cam go.
Trong văn bản hỏa tốc gửi các địa phương về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: việc thực hiện chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.
 Vậy cùng với nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, các địa phương, mỗi người dân cần một tinh thần như thế nào trong giãn cách xã hội? TS.BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh bàn luận về nội dung này.

Cần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho trẻ (16/07/2021)

Trong bối cảnh thế giới và nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số rộng khắp, trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm. Trên môi trường mạng, các em thay đổi từ việc học tập, kết bạn cho đến cách giao tiếp so với thế hệ trước. Tuy nhiên, nhiều ứng dụng, trò chơi không lành mạnh trên không gian mạng đã phần nào ảnh hưởng đến các em. Vì vậy, xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho trẻ em, đặc biệt là việc ứng dụng các công nghệ, các phương thức giáo dục nhằm xây dựng ý thức cho trẻ em trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay là điều cấp thiết.

Quy chế mới về đào tạo tiến sĩ, làm sao để đảm bảo tính thực tế và hiệu quả? (15/07/2021)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 18 năm 2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế Thông tư 08 năm 2017. Thông tư 18 có hiệu lực từ ngày 15/8 – đúng dịp tuyển sinh nghiên cứu sinh khóa mới của nhiều cơ sở đào tạo. Với những điểm mới, Thông tư 18 được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở trong nước, phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch nhằm tạo lập niềm tin của xã hội về chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam. Tuy nhiên, những ngày qua, không ít ý kiến cho rằng quy chế mới có cải tiến, nhưng có những dễ dãi vì hạ thấp chuẩn làm giảm chất lượng đào tạo tiến sĩ, thậm chí quy chế mới vấp phải sự tranh cãi quyết liệt giữa các nhà khoa học.

Làm sao để “chung sống” an toàn với dịch bệnh? (14/7/2021)

Đã một tuần nay, chúng ta ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày lên tới 4 con số và dự báo dịch còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc làm ăn, đời sống của bà con hầu hết các tỉnh, thành phố có dịch đều khó khăn, vất vả hơn. Trong khi chờ độ bao phủ vắc xin cả nước đạt mức cao như mục tiêu, trong giai đoạn này, những cách thức hay bài toán nào có thể “chung sống” an toàn với dịch bệnh? PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng bàn luận về vấn đề này.

Cần làm gì để xử lý hành vi vi phạm trên mạng XH và xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam? (13/7/2021)

Một trong những thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày vừa qua là dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mà Bộ Thông tin và truyền thông vừa đưa ra. Nghị định này nhằm siết chặt quản lý các hoạt động livestream, kiếm tiền trên mạng xã hội, buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ những quy định của pháp luật. Dự thảo Nghị định 72 được đưa ra trong bối cảnh việc livestream trên mạng xã hội dẫn đến rất nhiều hệ lụy tiêu cực như: bán hàng lậu, hàng cấm; lừa đảo; khiêu dâm; xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức; truyền bá tin giả. Hệ thống facebook, google đã tiếp tay cho những người lợi dụng kẽ hở luật pháp như thế nào? Cần phải làm gì để xử lý những hành vi vi phạm trên mạng xã hội và xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam? BTV Lê Tuyết trao đổi cùng bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin Điện tử, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông; Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về nội dung này.

Phòng ngừa những ẩn họa đối với trẻ nhỏ từ các chung cư cao tầng (12/7/2021)

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến việc trẻ em rơi, ngã tử vong tại các chung cư cao tầng. Mới nhất là sáng 2/7 cháu bé 5 tuổi rơi từ tầng 11 chung cư Vinaconex 1 (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) theo lối cửa sổ xuống sảnh văn phòng tầng 3 tòa nhà tử vong.
Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và gia đình trong việc thực hiện các biện pháp, tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là ngăn chặn nguy cơ trẻ bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.
Vậy làm thế nào để phòng ngừa những ẩn họa đối với trẻ nhỏ từ các chung cư cao tầng? Bố mẹ và những người lớn cần có sự quan tâm tới con trẻ trong những ngày nghỉ hè và nghỉ ở nhà phòng dịch ra sao để trẻ thực sự được an toàn? Phó giáo sư tiến sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh, giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội bàn luận về vấn đề này.

Làm sao để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng? (9/7/2021)

Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, tại các thành phố lớn trên toàn quốc, có đến gần 97% trẻ đang sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau. Cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội.
Mỗi ngày, có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng. Đây là thực trạng đòi hỏi phải có cái nhìn nghiêm túc về những rào chắn an toàn bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã đủ và đã phát huy hiệu quả hay chưa? Làm thế nào để trẻ em được trang bị vắc xin chống đỡ, thậm chí là miễn nhiễm trước những rủi ro trên không gian mạng?Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) bàn luận về vấn đề này.

Nở rộ học hè online: Làm thế nào để tránh "tiền mất tật mang"? (08/07/2021)

Do dịch COVID-19 khiến các trường học phải chuyển đổi hình thức sang học online. Đến thời điểm này, đã đầu tháng 7 nhưng vẫn còn nhiều trường chưa thi hết năm học. Do đó việc học online vẫn tiếp tục duy trì thậm chí gia tăng các lớp phụ đạo online nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Trong khi đó, kỳ nghỉ hè kéo dài khiến trẻ em, nhất là ở khu vực đô thị hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời. Ở nhà với 4 bức tường, nhiều em chỉ biết làm bạn với tivi, điện thoại… Lo các con quên kiến thức hoặc sa đà vào game hay các thiết bị điện tử, nhiều phụ huynh đã tìm đến các khóa học online với hy vọng con được bù đắp kiến thức bị gián đoạn từ những đợt nghỉ dịch, đồng thời có thêm kỹ năng sống, duy trì thói quen tự giác. Thế nhưng, trước bối cảnh “nở rộ” các chương trình học hè online, không ít phụ huynh đang “bơi” trong loạt chương trình này, từ miễn phí đến học phí thấp, học phí cao và tỏ ra lúng túng không biết chọn chương trình nào, khóa học nào. Vậy học hè online, làm thế nào để tránh “tiền mất tật mang”?

Ngành giáo dục nỗ lực để đảm bảo cho một kỳ thi nghiêm túc và an toàn (06/07/2021)

Ngày mai, hơn nửa triệu thí sinh của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ bước vào đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 – kỳ thi quan trọng nhất của mỗi học sinh sau 12 năm đèn sách. Đây là lần thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt cũng là năm thứ hai ngành giáo dục chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trải qua năm học 2020-2021 rất đặc biệt, khi cả 2 học kỳ đều có thời gian phải nghỉ học để phòng dịch, các thí sinh bước vào kỳ thi với hai nỗi lo: lo thi sao tốt và lo đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố. Những ngày qua, công tác chuẩn bị đã được ngành giáo dục khẩn trương triển khai tại tất cả các điểm thi trong cả nước, đặc biệt là ở các “điểm nóng” dịch bệnh như TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Phú Yên, Bình Dương hay Đồng Tháp, Bạc Liêu… Tất cả để sẵn sàng cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc và an toàn.

Thấy gì từ dư luận trái chiều về việc hơn 300 sinh viên ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương vào TP HCM hỗ trợ chống dịch Covid 19 (05/07/2021)

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bình luận trái chiều về thái độ được xem là chưa chuyên nghiệp của đoàn hơn 300 sinh viên trường Đại học Kĩ thuật Y tế Hải Dương khi làm tình nguyện viên, tham gia chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự việc bị đẩy lên khá căng thẳng khi nhiều quan điểm có tính chất phân biệt, kì thị vùng miền, gây chia rẽ 2 miền Nam – Bắc.
Vậy nên nhìn nhận và đánh giá ra sao về câu chuyện này? Đâu là những vấn đề cần rút kinh nghiệm sau sự việc đáng tiếc lần này? Phải làm gì để tất cả người dân đồng lòng chung sức cùng chính quyền địa phương và các bộ ngành chiến thắng dịch bệnh COVID 19? Cùng bàn luận vấn đề này với 2 vị khách mời là bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Nam, Chủ nhiệm Khoa Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cách ly 7 ngày với khách đã có hộ chiếu vắc xin và giải pháp đảm bảo an toàn phòng dịch (2/7/2021)

Tỉnh Quảng Ninh đang gấp rút chuẩn bị cho thí điểm cách ly y tế 7 ngày cho người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin Covid 19. Đây được coi là bước tiến trong lộ trình thực hiện hộ chiếu vắc xin, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Điều quan trọng hiện nay là làm sao đảm bảo các điều kiện đón du khách an toàn, từ đó nhân rộng mô hình cách ly 7 ngày ra toàn quốc? TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bàn luận về vấn đề này.

Đừng tạo áp lực cho con bằng kỳ vọng của cha mẹ (01/07/2021)

Nhiều năm nay, kỳ thi vào lớp 10 công lập có sức ép không hề nhỏ, thậm chí còn gay gắt hơn cả thi đại học. Trong khi hiện nay đại học đã có nhiều hình thức xét tuyển hơn, “cánh cửa” cũng dường như cũng rộng mở hơn thì kỳ thi vào lớp 10 như ở Hà Nội năm học 2021-2022 này, chỉ có hơn 60% học sinh đỗ vào các trường công lập, còn gần 40% các em sẽ phải chọn những con đường khác. Vì thế mà những ngày gần đây, khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường công lập đã mang lại thật nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nước mắt. Phụ huynh của những thí sinh thi trượt thất vọng 1 thì những đứa trẻ tuyệt vọng 10. Bởi các em không chỉ “gục ngã” trước một trong những kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời học sinh, mà còn mang cả áp lực và gánh nặng từ chính cha mẹ trên đôi vai nhỏ bé của mình. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc làm lúc này của các bậc phụ huynh là “Đừng tạo áp lực cho con bằng kỳ vọng của cha mẹ”, để con có tinh thần thoải mái, bước vào những lựa chọn mới.

Đừng tạo áp lực cho con bằng kỳ vọng của cha mẹ (01/07/2021)

Nhiều năm nay, kỳ thi vào lớp 10 công lập có sức ép không hề nhỏ, thậm chí còn gay gắt hơn cả thi đại học. Trong khi hiện nay đại học đã có nhiều hình thức xét tuyển hơn, “cánh cửa” cũng dường như cũng rộng mở hơn thì kỳ thi vào lớp 10 như ở Hà Nội năm học 2021-2022 này, chỉ có hơn 60% học sinh đỗ vào các trường công lập, còn gần 40% các em sẽ phải chọn những con đường khác. Vì thế mà những ngày gần đây, khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường công lập đã mang lại thật nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nước mắt. Phụ huynh của những thí sinh thi trượt thất vọng 1 thì những đứa trẻ tuyệt vọng 10. Bởi các em không chỉ “gục ngã” trước một trong những kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời học sinh, mà còn mang cả áp lực và gánh nặng từ chính cha mẹ trên đôi vai nhỏ bé của mình. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc làm lúc này của các bậc phụ huynh là “Đừng tạo áp lực cho con bằng kỳ vọng của cha mẹ”, để con có tinh thần thoải mái, bước vào những lựa chọn mới.

Làm thế nào để gói hỗ trợ kinh tế lần 2 của Chính phủ đến với người lao động nhanh nhất và đạt hiệu quả nhất? (30/06/2021)

Hơn hai tháng bùng phát, đợt dịch Covid 19 lần thứ tư đã lan ra 50 tỉnh thành phố với số ca nhiễm vượt 16 nghìn 500 người. Dịch đã xâm nhập các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, đe dọa sản xuất các tỉnh thành phía nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo dịch bệnh nếu tiếp tục tác động xấu tới khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động phải cách ly, ngừng việc có thể lên tới 2 đến 2,5 triệu người. Trước tình hình này, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Tuy nhiên, làm thế nào để gói hỗ trợ kinh tế lần 2 của Chính phủ đến với người lao động nhanh nhất và đạt hiệu quả nhất là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm.

Làm thế nào để nhận diện và ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan khi kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển Đại học đang đến gần? (29/6/2021)

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương khiến nhiều người lo lắng. Và nếu như phần lớn sĩ tử đang khẩn trương ôn tập nước rút, cũng có không ít học sinh và cả một số bậc phụ huynh lại mải mê đi xem bói, đi thỉnh bùa phép… với hy vọng sẽ gặp may mắn trong thi cử. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là, vì sao các hoạt động có biểu hiện mê tín dị đoan ngày càng nở rộ trước mỗi mùa thi? Làm thế nào để phân biệt rõ và không mù quáng sa vào tệ thói này? Các thí sinh và phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý ra sao trước khi bước vào kỳ thi lớn, có tính bước ngoặt cuộc đời của con em? BTV Hải Quân trao đổi cùng Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì Chùa Giác Ngộ (TP.HCM) và nhà báo Hoàng Anh Tú về nội dung này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h59 Quảng cáo
5h59-6h00 Báo giờ
06h28-6h30 Quảng cáo
08h35-8h40 Quảng cáo
11h54-11h59 quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h05-13h20 Mùa vàng (PL)
13h40-13h45 Quảng cáo
14h00-14h05 Bản tin TS
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
00h00-04h45 Nhập hệ
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: