Thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống, qua đó, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, bảo đảm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội. Các chính sách ưu đãi được áp dụng như: miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...
Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng thực tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa nói là vẫn còn thấp xa so với nhu cầu thực tế, khiến nhiều đối tượng thu nhập thấp, người lao động còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và phải sử dụng loại hình nhà trọ không bảo đảm chất lượng, điều kiện sống. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do các chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có các gói tín dụng ưu đãi khi triển khai chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cần làm gì để gói tín dụng ưu đãi phát triển nhà ở xã hội đi vào cuộc sống? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Vũ Đình Ánh
Hơn 2 triệu sáng kiến, đạt hơn 200% chỉ tiêu, tổng giá trị làm lợi của các sáng kiến ước đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng. Đây là những con số ấn tượng, vượt ngoài mong đợi trong Chương trình “1 triêu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện 2 năm 2022-2023. Đâu là những nguyên nhân khiến Chương trình tạo sự lan rộng trên toàn quốc, được sự hưởng ứng tham gia tích cực của công nhân viên chức, người lao động? Những bài học nào cần rút ra để tiếp tục nhân rộng những phong trào ý nghĩa, thiết thực, tạo không khí thi đua sản xuất, nâng cao tay nghề, làm lợi cho người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế?.v.v.v. Ông Nguyễn Văn Toản, Phó Chánh Văn phòng Tồng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.
Vụ cháy chung cư mini đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều
người thiệt mạng xảy ra ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho thấy nhiều bài học nghiêm khắc cần
được rút ra. Trong đó ngoài việc thường xuyên kiểm tra giám sát các chung cư mini nói riêng,
nhà ở nói chung đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, còn cần đẩy nhanh xây dựng nhà ở để nhiều người yếu thế có cơ hội mua hoặc thuê ở trong những ngôi nhà an toàn. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.
Từ ngày mai, 10/9, các nhà mạng sẽ dừng bán SIM qua đại lý. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận thông tin này tại cuộc họp báo tháng 9 của Bộ mới đây. Trước đó, tại nhiều cửa hàng sim thẻ, người dùng vẫn có thể dễ dàng mua SIM đã kích hoạt và dùng luôn. Điều này là do các đại lý "lách luật", thuê người đứng tên thuê bao, sau đó bán ra thị trường cho người khác, gây ra tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác, lừa đảo thời gian qua. Đây là thách thức không chỉ riêng ở nước ta. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS.
Vào ngày kỉ niệm hay dịp lễ lớn của đất nước, người dân thường lựa chọn tới tham quan các “địa chỉ đỏ” như một cách để tưởng nhớ, tri ân chiến công và sự hi sinh của các thế hệ đi trước. Thời gian vừa qua, các bảo tàng, triển lãm, khu di tích lịch sử đang dần hot trở lại, thu hút một lượng khách du lịch đông đảo, đặc biệt là các bạn trẻ trong độ tuổi học sinh, sinh viên.
Điều đó cho thấy, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, các bảo tàng, khu di tích lịch sử đã “tiến gần” hơn tới giới trẻ. Tuy nhiên, ngoài những bạn đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, có không ít bạn trẻ vẫn coi việc tham quan các bảo tàng, triển lãm, khu di tích lịch sử là “trào lưu, hot trend”, khi nhiều người đến đây với một tâm thế để check-in, sống ảo nhằm có ảnh đẹp mang về. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là TS Xã hội học Thân Trung Dũng - Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển Tri thức.
Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới đây - thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024. Vẫn là… bên có – bên không; bên mong muốn nhiều – bên kỳ vọng không thay đổi. Hội đồng tiền lương quốc gia mới họp 1 lần, sẽ còn các phiên họp nữa dự kiến diễn ra vào quý Tư, mới có phương án trình Chính phủ. Việc điều chỉnh lương tối thiểu là quan trọng, cần thiết nhưng điều chỉnh tăng ở mức bao nhiêu, thực hiện từ thời điểm nào cho đảm bảo hợp lý, hài hoà lợi ích các bên… luôn là bài toán khó. Tính khách quan và công minh phải là yêu cầu tiên quyết mới mong việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024 hợp tình-hợp lý, hỗ trợ phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về
việc tài xế không lái xe liên tục quá 3 tiếng vào ban đêm, đang thu hút sự
chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến đồng
tình ủng hộ, vì quy định này sẽ giúp ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm
bảo sức khỏe tài xế... cũng có những đề xuất nên cân nhắc thêm, bởi có
thể gia tăng áp lực ùn tắc giao thông vào ban ngày, làm tăng chi phí cho
doanh nghiệp... Hơn nữa, làm sao để giám sát lái xe liên tục quá 3 giờ
trong đêm? Phát hiện, xử phạt như thế nào? Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô
Việt Nam và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức
(TPHCM) cùng bàn luận về vấn đề này.
Cứ 10 người dùng internet tại Việt Nam thì có hơn 5 người liên quan đến các hành vi bắt nạt. 21% những người được khảo sát cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối. Đây là những số liệu được đưa ra trong Hội thảo “Việt Nam và Israel phòng chống bắt nạt trên môi trường mạng” do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây.
Nghiên cứu về nội dung độc hại và tác động tiêu cực đến sự an toàn của trẻ em trên không gian mạng cũng cho thấy “bắt nạt trực tuyến” là vấn đề an toàn mạng nghiêm trọng nhất đối với trẻ em không chỉ ở trên mạng, mà cả ngoài đời thực. “Bắt nạt trực tuyến” không chỉ khiến trẻ em bị tiếp xúc với những nội dung tiêu cực, nhất là các lời bình luận với ngôn từ gây “sát thương” nghiêm trọng và có nhiều trường hợp khiến trẻ bị trầm cảm nặng trong thời gian dài. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là GS TS Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học TÂM LÝ- GIÁO DỤC Việt Nam.
Trải qua 94 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp thiết thực vào những thành tựu chung
của đất nước. Trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, toàn diện; trước nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ xuất hiện, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới với tầm mức cao hơn, đột phá hơn. Đây vừa là nhu cầu tự thân của tổ chức, là đòi hỏi của đoàn viên, người lao động, là mệnh lệnh của cuộc sống. Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.
ASEAN được kỳ vọng trở thành trung tâm của tăng trưởng ở khu vực. Đây là chủ đề được nước chủ tịch ASEAN năm nay là Indonesia đưa ra cho chương trình nghị sự của ASEAN trong suốt năm 2023 này. Trong đó, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực được nhận định là nền tảng để biến ASEAN thành Tâm điểm tăng trưởng. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 và các hội nghị liên quan diễn ra trong tuần này tiếp tục hướng tới mục tiêu đó bằng việc tái khẳng định các cam kết về đoàn kết, đối thoại, hợp tác cũng như đưa ra các sáng kiến để ASEAN ứng phó trước những thách thức. Vậy, những sáng kiến đó là gì, đã đủ để hiện thực hóa mục tiêu “ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng” hay chưa? Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có gì khác so với các quốc gia trong và ngoài khu vực?
Sau 3 năm trì hoãn vì Covid-19, từ ngày 1/7 năm nay, mức lương cơ sở đã chính thức tăng thêm 20,8%, từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng. Với mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, lần tăng lương cơ sở lần này được kỳ vọng sẽ cải thiện thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vốn bị đánh giá là thấp hơn mức sống trung bình, giúp đội ngũ này có thể trang trải cuộc sống bằng thu nhập chính thức để toàn tâm toàn ý với công việc. Nhưng bên cạnh tâm lý phấn khởi, vẫn còn có những lo ngại việc giá cả có thể tăng theo tăng lương, kiểu “té nước theo mưa” như đã từng xảy ra trước đây. Bởi vậy, bài toán đặt ra là làm cách nào giám sát chặt chẽ, tránh hiệu ứng tăng lương dẫn đến tăng giá, để đời sống của cán bộ,
công chức, viên chức thực sự được cải thiện, và tăng lương lúc này, tiếp sức kích cầu, tăng tiêu dùng trong nước. Chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cùng bàn luận câu chuyện này.
Từ 1/7/2023 đến 1/7/2026 Bộ Công an sẽ thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe ô tô trên môi trường trực tuyến. Để chuẩn bị cho hoạt động này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39 ngày 26/6/2023 quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Bộ công an cũng sửa Thông tư số 58 và Thông tư số 59 về quy định cấp, thu hồi đăng ký biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo quy định, danh sách biển số trong dãy số chuẩn bị cấp của 63 địa phương công khai trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử Cục cảnh sát giao thông và trang thông tin điện tử trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản để người dân lựa chọn, đăng ký tham gia đấu giá. Sau khi thực hiện các thủ tục đăng ký, nộp tiền đặt trước… theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, phiên đấu giá đầu tiên sẽ chính thức diễn ra. Làm thế nào để hoạt động đấu giá biển số xe đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người mong muốn sở hữu biển số đẹp, vừa bảo đảm quản lý nhà nước hiệu quả? Đây là chủ đề được đề cập trong câu chuyện thời sự hôm nay với sự tham gia của vị khách mời là Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ công an.
Nghỉ hè là khoảng thời gian nhiều học sinh, đặc biệt là trẻ em yêu thích, mong đợi. Thế nhưng, nghỉ hè cũng là khoảng thời gian nhiều phụ huynh loay hoay, chật vật: để các em tự do sinh hoạt thì có thể nảy sinh tiêu cực, thậm chí hậu quả khôn lường, còn nếu quá để tâm đến các con, công việc lại bị ảnh hưởng.
Nắm bắt tâm lý đó, rất nhiều khoá học mùa hè dành cho học sinh, trẻ em đã ra đời – chủ yếu do các công ty tổ chức sự kiện thực hiện và thu phí. Mục đích, mục tiêu là tốt, nhưng thực tế cũng đã bộc lộ những mặt chưa được. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là bà Lê Quỳnh Lan – Quản lý tác động chương trình và đối tác, Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam với nhiều hoạt động uy tín toàn cầu vì trẻ em và ông Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học viện Thành công.
Là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, đa dạng, các món ăn phổ biến như phở, nem, bún chả hay bánh mỳ của Việt Nam đã có mặt ở khắp năm châu và ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến. Sự lan tỏa này nhờ một phần lớn của hoạt động “ngoại giao ẩm thực” – đang được thúc đẩy trong những năm gần đây. Hình ảnh các nguyên thủ, lãnh đạo nước ngoài đi dạo, thưởng thức ẩm thực đường phố dường như đã trở thành thông lệ mỗi dịp Việt Nam tiếp đón chính khách quốc tế. Như một lẽ tự nhiên, những địa chỉ từng đón chính khách tại Việt Nam tiếp nhận hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ để trở nên nổi tiếng. Mới đây, 103 nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội và TPHCM đã được vinh danh trong lễ gắn sao Michelin đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, để nâng tầm ẩm thực Việt ra với thế giới và khai thác tốt hơn nữa nguồn “tài nguyên” đầy lợi thế này thì rõ ràng rất cần có một chiến lược quảng bá bài bản và sự chú trọng hơn nữa đối với “ngoại giao ẩm thực”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ cùng bàn luận chủ đề này.