Giá vé máy bay nội địa tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp du lịch phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển. Giải pháp nào để người dân và cả nền kinh tế xã hội, không chịu tác động tiêu cực từ việc giá vé máy bay tăng quá cao? Làm thế nào để ngành du lịch và các doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại mỗi đợt giá vé máy bay tăng đột biến?
Không chỉ riêng Hà Nội, Nam Định, việc nghiên cứu và thử nghiệm ra đề thi theo định dạng đề thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được nhiều địa phương triển khai khi đây là năm đầu tiên học sinh dự thi Tốt nghiệp THPT theo định dạng đề thi mới, với nội dung mới – chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cần những điều chỉnh gì sau khi học sinh lớp 11 Hà Nội 'thi thử' tốt nghiệp THPT 2025 theo cách ra đề mới? Chuyên gia giáo dục Trần Mạnh Tùng cùng bàn luận câu chuyện này.
Mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc một số cụm rạp đã bất ngờ bị kiểm tra và bị phạt từ 60-80 triệu đồng do để lọt khán giả nhỏ tuổi vào xem bộ phim “Mai” của đạo diễn Trấn Thành vốn được dán nhãn “phim 18+”. Dư luận nhất là các bậc phụ huynh đều đồng tình với động thái này của các nhà quản lý văn hoá. Thế nhưng bên cạnh đó, nhiều vấn đề cũng được đặt ra. Các rạp chiếu phim đã bị phạt hành chính, nhưng liệu tình trạng này có tái diễn sau đợt kiểm tra vốn chỉ được tiến hành do có phản ánh từ báo chí. Nhất là khi công tác quản lý độ tuổi khán giả tại các rạp chiếu phim trước nay vẫn bị đánh giá là vô cùng lỏng lẻo. Hay kể cả có cấm, hạn chế ở rạp thì trẻ vẫn có thể tiếp cận thoải mái các bộ phim, nội dung 18+ ở bất cứ nền tảng mạng xã hội, ứng dụng xem phim trực tuyến nào. Vậy thì vấn đề kiểm soát, quản lý trẻ tiếp cận, xem “phim người lớn” cần nhìn nhận và xử lý ra sao? Nhà báo Hoàng Anh Tú - chuyên gia tâm lý, người rất gần gũi với giới trẻ và có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn, xử lý các vấn đề tâm lý thanh thiếu niên cùng bàn luận câu chuyện này.
Pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ lao động nữ với tư cách là bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực lao động. Điều này không chỉ nhằm bảo vệ sức lao động, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của lao động nữ mà còn trên nhiều phương diện, như: việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, nhu cầu nghỉ ngơi,... Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ lao động nữ thực hiện các quyền lợi của họ khi tham gia vào quan hệ lao động, bên cạnh nhiều thuận lợi, tổ chức công đoàn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như việc bảo đảm cho lao động nữ thực hiện mục tiêu kép là lao động sản xuất và chăm lo cuộc sống gia đình; hỗ trợ lao động nữ thực hiện tốt các chức năng mang thai, sinh con, nuôi con; bảo vệ lao động nữ trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Những tiến bộ nào trong đảm bảo quyền của lao động nữ thời gian qua? Rào cản nào cần tiếp tục phải quan tâm, tháo gỡ? Nhân dịp hướng tới Ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8 tháng 3, chúng tôi bàn luận nội dung này, bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là khách mời của chương trình.
Năm 2023 vừa qua được đánh giá là một năm thành công của du lịch Việt Nam với những con số và thành tích ấn tượng. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt - gấp 3,4 lần so với năm 2022 và vượt xa so với mục tiêu 8 triệu lượt khách đã đặt ra. Một số dấu ấn khác có thể kể đến như: lượng kìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam năm 2023 trên Google đạt mức tăng trưởng trên 75% - vươn lên xếp thứ 6 toàn cầu; hay tháng 12 vừa qua, Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International công bố danh sách 100 thành phố điểm đến hàng đầu thế giới 2023 có 2 đại diện của Việt Nam là TP.Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
Từ những bước đà năm 2023, năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho
ngành du lịch phấn đấu đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Vậy ngành du lịch cần làm gì để đạt và thậm chí vượt mục tiêu này? Ông Nguyễn Công Hoan - Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội du lịch Việt Nam, Phó TGĐ Flamingo
Holding Group - cùng bàn luận câu chuyện này.
Chăm lo thưởng Tết cho người lao động năm nay như thế nào? “Vấn đề Thưởng Tết 2024: thấu hiểu – sẻ chia” với vị khách mời của chương trình là ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nghị định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm của Chính phủ đã được triển khai đến năm thứ ba. Tuy nhiên, tình trạng hàng nghìn sinh viên bị nợ tiền hỗ trợ xảy ra đồng loạt ở nhiều trường, nhiều địa phương. Vì sao một chính sách nhân văn, nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm khi triển khai vẫn còn đang “tắc” ở nhiều nơi? Với sự tham gia của chuyên gia giáo dục – TS Vũ Thu Hương, Nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Chính phủ chính thức bãi bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ giữ lại xét thăng hạng. Theo Nghị định số 85 sửa đổi một số điều về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức vừa được ban hành cuối tuần trước, viên chức sẽ không còn phải thi mà được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ. Quyết định bỏ thi thăng hạng viên chức ngay lập tức nhận được sự phản hồi tích cực của đội ngũ cán bộ công chức viên chức và các cơ quan quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng, bỏ thi thăng hạng viên chức không chỉ giảm gánh nặng thi cử, tốn kém mà điều quan trọng hơn cả là còn tạo động lực cho cả hệ thống hành chính. Vấn đề còn lại là các Bộ chủ quản xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng ra sao để tránh tiêu cực, khó kiểm soát? Làm thế nào để cán bộ công chức viên chức có động lực cống hiến?
Kết quả khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam do Ban Nữ công thực hiện, với gần 1000 lao động nữ di cư cho thấy: có 53,7% lao động nữ di cư
phải thuê nhà trọ để ở, chỉ có 19 % có nhà riêng trong khi số lao động được doanh nghiệp bố trí nhà, ký túc xá tập thể rất thấp – chỉ chiếm 0,3%. Cũng vì nơi ở chật hẹp, thiếu tiện ích nên hầu hết lao động nữ di cư phải gửi con về quê. Khó khăn gấp lên nhiều lần khi hơn 1 năm nay, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động khiến 57,1% lao động nữ thu nhập bị sụt giảm và gần 18% không có việc làm
thường xuyên. Bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng Ban Nữ Công, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.
Lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, thành thị đến thành thị, thành thị về nông thôn và các khu công nghiệp là một xu hướng tất yếu, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù lao động di cư tham gia vào cả lực lượng lao động chính thức lẫn phi chính thức, có những đóng góp không nhỏ đối với kinh tế - xã hội thế nhưng nhiều lao động di cư không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất và khó tiếp cận với các chính sách về an sinh xã hội, cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành liên quan.
Ma tuý nguỵ trang xuất hiện trong một số loại thực phẩm, đồ ăn với đa dạng màu sắc, hình thức bắt mắt đang âm thầm tấn công vào giới trẻ với nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi. Nghi vấn kẹo bày bán trước cổng trường học có chứa ma túy, khiến học sinh ngộ độc khi ăn phải đã làm nóng mạng xã hội trong những qua. Mặc dù công an địa phương đã khẳng định, những mẫu kẹo này không chứa chất ma tuý nhưng câu chuyện vẫn khiến nhiều phụ huynh lo lắng bởi ma túy thế hệ mới, đa dạng hình thức, mẫu mã, màu sắc, đã và đang “tấn công” giới trẻ với nhiều cách thức tinh vi. Bộ Công an cũng cảnh báo, bên cạnh phương thức, thủ đoạn truyền thống, các đối tượng tội phạm còn chế biến và sản xuất những loại ma túy mới chưa có trong danh mục cấm. Với nhiều kiểu ngụy trang, núp bóng thực phẩm chức năng, bánh kẹo, đồ uống; bằng vỏ bọc nhiều màu sắc và nhìn rất vô hại, những loại ma túy mới với nhiều tên gọi, như: “nước dâu”, “nước vui”, cà phê trắng... âm thầm len lỏi, tấn công giới trẻ. Vậy cách nào để nhận diện ma túy mới ẩn mình dưới vỏ bọc thực phẩm, bánh kẹo? Giải pháp nào để ngăn ngừa loại hình tội phạm tinh vi này? Câu chuyện ngày thứ bẩy hôm nay, chúng tôi có cuộc trao đổi với Thượng tá Bùi Đức Thiêm, nguyên phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an để cùng bàn luận về nội dung này.
Một tấm giấy nhỏ nhưng quan trọng và đang thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây – đó là giấy chuyển viện. Căn nguyên của việc này có liên quan đến đề xuất bỏ loại giấy này khi khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế được nêu trong phiên
thảo luận ngày 20/11 tại kỳ họp Thứ 6, Quốc hội khóa 15 vừa qua. Vấn đề càng đáng chú ý bởi lẽ: để có tấm giấy chuyển viện, người bệnh phải chịu nhiều phiền phức, thậm chí có tình trạng tiêu cực khi bệnh nhân xin chuyển tuyến. Ngay sau đề xuất bãi bỏ giấy chuyển viện, ngành y tế và cơ quan Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có những quan điểm, đề xuất ra sao để giấy chuyển viện phát huy đúng vai trò và tạo thuận lợi cho người bệnh? Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.
Bất cứ ai khi tham gia giao thông cũng đều
phải chú ý là quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao
thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Những ngày gần đây,
dư luận đang bày tỏ sự quan tâm lớn đối với dự thảo Luật trật tự an toàn
giao thông đường bộ với nội dung “điều khiển phương tiện tham gia giao
thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị nghiêm
cấm”. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc uống rượu rồi
tham gia giao thông ngay thì rõ ràng là bị cấm; nhưng thực tế có người
uống rượu từ buổi tối hôm trước mà sáng hôm sau đi làm, trong máu vẫn
còn nồng độ cồn, nếu xử phạt thì “rất băn khoăn”. Câu hỏi đặt ra là có
nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của tài xế khi
tham gia giao thông không? Quy định này cần điều chỉnh như thế nào
cho phù hợp? Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, và PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa cùng bàn luận câu chuyện này.
“Từ vụ PGS bị tố bán công trình nghiên cứu: Khi nhà khoa học phải chật vật mưu sinh”, với sự tham gia bàn luận của PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh, Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Ngoại thương, hiện là giảng viên cao cấp tại Viện Kinh doanh và Công nghệ FSB, Trường Đại học FPT.