logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Khủng hoảng năng lượng châu Âu đáng sợ mức nào? (28/8/2022)

Năng lượng nói chung và khí đốt nói riêng đang trở thành vấn đề cực kỳ nan giải đối với châu Âu, vốn được dự báo từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra nhưng nay thực sự đã trở thành một cuộc khủng hoảng. Sự khan hiếm khí đốt trở nên trầm trọng hơn sau khi Nga giảm tối đa nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu xuống chỉ còn 20%, thậm chí có nguy cơ cắt hoàn toàn nguồn cung này. Trong khi đó, nhiều nguyên nhân khác cũng khiến các nước châu Âu thiếu điện trầm trọng trong khi mùa đông đang tới gần buộc châu lục này phải đưa ra các biện pháp chưa từng có tiền lệ. Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang ở ngưỡng nào và các nước đang tìm cách gì để ứng phó?

Ít triển vọng cải thiện quan hệ liên Triều? (21/08/2022)

Bán đảo Triều Tiên trong tuần tiếp tục tăng nhiệt với loạt diễn biến mới, từ vụ phóng thử 2 tên lửa hành trình của Triều Tiên ngay sau sự kiện đánh dấu 100 ngày đầu cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol; cho đến “gáo nước lạnh” mà Bình Nhưỡng dành cho đề nghị “đổi hạt nhân lấy viện trợ” của chính quyền Seoul. Dù người đứng đầu chính phủ Hàn Quốc khẳng định, đây là kế hoạch táo bạo nhằm mục đích tái thiết nền kinh tế Triều Tiên trong trường hợp Bình Nhưỡng có các bước đi thực chất hướng tới phi hạt nhân hóa. Thế nhưng, phía Triều Tiên đã chỉ trích và thẳng thừng từ chối các cuộc đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc, khiến cho triển vọng cải thiện quan hệ liên Triều càng trở nên xa vời.

Israel - Palestine: Ngừng bắn có bền lâu? (Ngày 14/8/2022)

Một diễn biến rất đáng chú ý và cũng khá bất ngờ trong tuần là chỉ 3 ngày sau khi Israel triển khai chiến dịch tấn công vào dải Gaza, trong lúc cộng đồng quốc tế vẫn còn đang lo ngại về nguy cơ bùng phát bạo lực nghiêm trọng giữa Israel và lực lượng thánh chiến Jihad của Palestine, Ai Cập đã trung gian thành công, giúp hai bên thống nhất một lệnh ngừng bắn. Cộng đồng quốc tế lập tức hoan nghênh lệnh ngừng bắn này, đánh giá đây là một sứ mệnh ngoại giao rất thành công của Ai Cập. Dù vậy, vẫn còn đó những hoài nghi về sự bền vững của lệnh ngừng bắn trong bối cảnh an ninh tại dải Gaza luôn là một vấn đề nhạy cảm và chỉ một đốm lửa nhỏ cũng có thể bùng phát thành đám cháy lớn.

Leo thang căng thẳng Mỹ-Trung và những tác động! (07/08/2022)

Căng thẳng Mỹ - Trung trong tuần liên tục leo thang khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến công du châu Á, đặc biệt là điểm đến không có trong lịch trình dự kiến là vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi Trung Quốc cáo buộc đây là hành động khiêu khích Bắc Kinh, phía Mỹ lại khẳng định chuyến thăm của bà Pelosi là phù hợp với chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Hai bên liên tục khẩu chiến và có các hành động đáp trả lẫn nhau như diễn tập quân sự, trừng phạt hay đình chỉ đối thoại... Các diễn biến này khiến cho nỗ lực quản lý và kiểm soát rủi ro và mâu thuẫn của cả hai bên sẽ khó lòng thực hiện.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc: Nỗ lực “cạnh tranh có kiểm soát” (31/7/2022)

Cùng với nhiều diễn biến ngoại giao quốc tế đáng chú ý trong tuần, cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cũng là sự kiện được trông đợi khi mối quan hệ giữa hai quốc gia vẫn đang tồn tại một danh sách dài bất đồng, đặc biệt liên quan đến vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Thấy gì từ mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay và khả năng cạnh tranh có kiểm soát giữa hai bên sẽ ra sao là nội dung của Câu chuyện quốc tế tuần này.

Chính phủ Italia sụp đổ và thách thức với châu Âu (Ngày 24/7/2022)

Sau khi Tổng thống Italia Sergio Mattarella hồi tuần trước bác đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi và cho ông Draghi thời hạn một tuần để ổn định chính phủ, cả thế giới – đặc biệt là châu Âu đã hồi hộp dõi theo những diễn biến trên chính trường Italia. Thế nhưng, kịch bản tích cực đã không thể xảy ra khi ông Draghi không thể thành lập liên minh cầm quyền mới và lần thứ hai quyết định từ chức, buộc Italia phải tiến hành bầu cử sớm. Bất ổn trên chính trường Italia có thể tác động tiêu cực tới châu Âu, trong thời điểm toàn bộ khối đang đối mặt với rất nhiều thách thức như lạm phát cao nhất trong vài thập kỷ, nguy cơ khủng hoảng năng lượng cận kề và những tác động chính trị-kinh tế-xã hội do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Tổng thống Mỹ thăm Trung Đông nỗ lực điều chỉnh chính sách với khu vực (17/07/2022)

Tâm điểm dư luận quốc tế tuần qua là chuyến công du các nước Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đang làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu, chuyến thăm Trung Đông lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức của ông Biden được cho nhằm tìm kiếm những giải pháp năng lượng mới để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Quan trọng hơn, chuyến công du nhằm xác định và điều chính cách tiếp cận của Washington với một khu vực Trung Đông địa chiến lược đang thay đổi nhanh chóng.

Sóng gió chính trường làm chao đảo nước Anh (10/7/2022)

Thế giới trong tuần có nhiều diễn biến bất ngờ, một trong số đó là việc Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức sau 3 năm cầm quyền. Quyết định này được đưa ra sau 2 ngày “sóng gió” của chính trường nước Anh khi có tới hơn 50 quan chức rời chính phủ, khiến quyền lực chính trị của thủ tướng suy giảm nghiêm trọng. Sự kiện này diễn ra nhanh chóng và gây bất ngờ với thế giới nhưng không hẳn là cú sốc trên chính trường Anh bởi đây gần như là điều không thể tránh khỏi nhằm cứu vãn uy tín Đảng Bảo thủ trước khi quá muộn. Tuy nhiên diễn biến này và cuộc khủng hoảng trên chính trường hiện nay được cho sẽ khiến nước Anh đối mặt với một giai đoạn khó khăn, thách thức nghiêm trọng hơn.

Indonesia thúc đẩy vai trò trung gian trong giải quyết xung đột Nga - Ukraine (03/07/2022)

Trong tuần, Tổng thống Indonesia Joko Widodo với vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có chuyến công du đáng chú ý đến cả Nga và Ukraine nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa hai bên. Dù chưa có nhiều đột phá nhưng những kết quả bước đầu đã phần nào khẳng định vai trò của Indonesia trong các hồ sơ nóng quốc tế hiện nay, đồng thời chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ được Indonesia đăng cai tổ chức vào tháng 11 cuối năm nay.

Châu Âu thảo luận nhiều vấn đề gai góc tại Hội nghị thượng đỉnh (26/6/2022)

Một sự kiện thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong tuần là Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 23 và 24/6 tại Brussels, Bỉ. Giống như nhiều hội nghị gần đây của Liên minh châu Âu, các vấn đề xoay quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine luôn là trọng tâm trong các cuộc thảo luận. Lần này, một bước tiến rất đáng chú ý của châu Âu là nhất trí cấp cho Ukraine quy chế ứng cử viên, mở ra hành trình để Ukraine trở thành thành viên của EU sau nhiều năm mong mỏi. Bên cạnh đó, các vấn đề kinh tế cũng hâm nóng hội nghị lần này khi châu Âu cũng đang đối mặt với lạm phát tăng vọt, đặc biệt là giá năng lượng và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Thế giới tăng lãi suất để giảm lạm phát: Hiệu quả và hệ lụy? (19/6/2022)

Các chỉ số lạm phát ở nhiều nền kinh tế hàng đầu từ Mỹ đến châu Âu đều ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập niên qua khiến các nước buộc phải tìm các giải pháp ưu tiên nhằm kìm hãm đà lạm phát. Đây cũng là chủ đề hàng đầu trong các câu chuyện quốc tế tuần này. Trong một động thái đáng chú ý, Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới – đã quyết định sử dụng công cụ tiền tệ để giảm lạm phát, cụ thể là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 0,75% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng nối gót Fed. Vấn đề đặt ra là nâng lãi suất có thể kéo theo những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

100 ngày xung đột Ukraine – định hình thế giới phân cực (5/6/2022)

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đánh dấu mốc đặc biệt, 100 ngày kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sau 100 ngày, tình hình chiến sự lúc này vẫn rất khó đoán định với các cuộc giao tranh ác liệt tại nhiều thành phố trọng điểm, trong khi cả Nga và Ukraine đều tự tin tuyên bố sẽ giành chiến thắng. Dù chưa ai có thể dự đoán hồi kết của cuộc xung đột, nhưng một điều có thể nhận thấy rõ ràng, đó là thế giới đang bị chia rẽ, phân cực mạnh mẽ về chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế và văn hóa.

Thông điệp từ loạt động thái mới của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (29/05/2022)

Tuần qua ghi nhận những động thái chiến lược mới của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với chuyến công du 2 đồng minh quan trọng là Hàn Quốc và Nhật Bản của Tổng thống Joe Biden. Chuyến thăm được xem là cơ hội để chính quyền Tổng thống Biden không những tăng cường quan hệ với các đồng minh mà còn thúc đẩy Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ QUAD từ đó thúc đẩy vai trò và tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Tổng thống Mỹ thăm châu Á - Tạo xung lực mới cho quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn (22/5/2022)

Sự kiện được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm trong tuần là chuyến thăm đầu tiên tới châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nhậm chức. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh quan trọng nhất của khu vực, vì thế chuyến thăm nhằm khẳng định vai trò của hai quốc gia này trong chính sách của Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, xóa bỏ những hoài nghi về việc Mỹ có thể đang quá tập trung vào vấn đề Ukraine và cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc mà lơ là các hoạt động hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nguy cơ đối đầu Nga – NATO sau quyết định của Phần Lan (15/5/2022)

Trong tuần, thế giới đã chứng kiến rất nhiều sự kiện đáng chú ý trong đó phải kể đến quyết định lịch sử của Phần Lan khi từ bỏ chính sách trung lập kéo dài nhiều thập kỷ qua để bắt đầu tiến trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khối quân sự do Mỹ dẫn đầu. Dự kiến, Thụy Điển – quốc gia vốn theo đuổi chính sách không liên kết quân sự - cũng sẽ có động thái tương tự sau quyết định của Phần Lan. Như vậy, NATO đứng trước cơ hội mở rộng vùng ảnh hưởng đáng kể nhất trong nhiều năm qua với khả năng toàn bộ các quốc gia Bắc Âu đều sẽ là thành viên NATO và tạo thành một vòng cung bao vây phía Bắc nước Nga. Đương nhiên, các rủi ro đối đầu cũng sẽ gia tăng nhiều lần. Nguy cơ cụ thể ra sao? Mức độ phản ứng của Nga như thế nào?

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h55 Quảng cáo
6h28-6h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: