logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Tạm tháo ngòi nổ xung đột Nagorny - Karabakh (Ngày 11/10/2020)

Sau khi bùng phát vào ngày 27/9, cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorny-Karabakh trong tuần tiếp tục diễn biến nghiêm trọng với số thương vong ngày càng tăng. Thậm chí, cả Armenia và Azerbaijan cùng cáo buộc nhau sử dụng bom chùm – một loại vũ khí bị cấm để tấn công đối phương. Tuy nhiên, xung đột Armenia – Azerbaijan đã tạm thời được tháo ngòi nổ sau khi hai bên đồng ý đến Moscow tiến hành hòa đàm dưới sự trung gian của Nga.

Cạnh tranh nước lớn “phủ bóng” kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (27/9/2020)

Tuần này, Kỳ họp thứ 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã khai mạc và diễn ra các phiên họp quan trọng theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh toàn cầu bị chia cắt bởi đại dịch Covid-19. Trong kỳ họp trực tuyến kéo dài 6 ngày chưa từng có trong lịch sử 75 năm của LHQ, bài phát biểu của các lãnh đạo thế giới đã nêu rõ mọi xung đột, khủng hoảng và chia rẽ trước một thế giới mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng “căng thẳng địa chính trị gia tăng” khiến nỗ lực hợp tác trong đối phó với khủng hoảng như đại dịch Covid-19 trở nên thất bại. Và quả thực, câu chuyện cạnh tranh, đối đầu nước lớn trở thành một trong những chủ đề bao trùm tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ năm nay.

EU thay đổi chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc (Ngày 20/09/2020)

Một sự kiện được dư luận quốc tế rất quan tâm trong tuần là Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu – Trung Quốc, được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ban đầu, sự kiện dự kiến kéo dài 3 ngày và sẽ là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội ngộ với lãnh đạo của tất cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu. Nhưng sau đó, hội nghị đã rút xuống chỉ còn là cuộc trao đổi trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Thủ tướng Đức. Cuộc họp lần này được xem là một trong những hoạt động đáng chú ý nhất trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Đức và được cho là sẽ đưa ra các chỉ dẫn rõ ràng hơn cho mối quan hệ chiến lược có tính sống còn nhưng đang căng thẳng giữa EU và Trung Quốc.

Căng thẳng biên giới Ấn – Trung lại tăng nhiệt (6/9/2020)

Tình hình tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong tuần lại có diễn biến phức tạp khi hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau tiến hành xâm nhập lãnh thổ và có động thái khiêu khích. Thậm chí, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã điều động lực lượng tới Đường Kiểm soát thực tế (LAC), bao gồm cả xe tăng để có thể khai hỏa bất cứ lúc nào. Những diễn biến này khiến dư luận lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ giữa hai nước như đã từng xảy ra hồi tháng 6.

Thủ tướng Nhật Bản từ chức và những tác động đến các chính sách an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Một trong những sự kiện chính trị quốc tế nổi nhất trong tuần là quyết định từ chức bất ngờ của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hôm 28/8, trong khi nhiệm kỳ hiện tại của ông vẫn còn hơn 1 năm. Đây là lần thứ hai ông Abe phải bỏ dở nhiệm vụ vì lý do sức khỏe. Giới quan sát đánh giá, Thủ tướng Abe Shinzo trong những năm tháng tại vị đã để lại rất nhiều dấu ấn kiến tạo cho đất nước Nhật Bản, nổi bật như chính sách “Abenomics” hay các quyết sách ảnh hưởng sâu rộng đến địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cũng chính vì thế, sau quyết định từ nhiệm của ông, đất nước Nhật Bản sẽ bước vào một thời kỳ chính trị mới; đồng thời tác động không nhỏ đến các chính sách an ninh của khu vực mà Nhật Bản đóng 1 vai trò quan trọng.

Mỹ quyết tìm cách trừng phạt Iran (23/8/2020)

Sau một tuần cố gắng gia hạn lệnh cấm vận vũ khí thông thường với Iran nhưng bất thành, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới trụ sở Liên hợp quốc tại thành phố New York để chính thức kích hoạt “quy trình đảo ngược” trong thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa nhóm P5+1 với Iran nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc với Iran. Đây được xem là bước đi chưa từng có tiền lệ trong một thỏa thuận ngoại giao đa phương cấp cao và có nguy cơ đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran đến chỗ sụp đổ hoàn toàn.

Thỏa thuận hòa bình Israel-UEA: Bước đi tái định hình chính trị Trung Đông (16/8/2020)

Một thỏa thuận trở thành tâm điểm chú ý tại Trung Đông trong tuần qua. Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Israel đạt thỏa thuận tiến tới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn được xem là một bước tiến ngoại giao lịch sử tại khu vực, khi đa số các quốc gia Arab và Israel cho tới nay vẫn xem nhau như kẻ thù số một. Trong khi nhiều nước gọi đây là “đột phá to lớn”, một số ý kiến lại chỉ trích gay gắt, coi thỏa thuận này như “lưỡi dao” đâm sau lưng thế giới Hồi giáo, cụ thể là Palestine. Dù nhìn ở góc độ nào, giới quan sát cũng cho rằng thỏa thuận vừa rồi có thể sẽ tái định hình bức tranh địa - chính trị Trung Đông.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung và những tác động! (9/8/2020)

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung trong tuần tiếp tục nóng với nhiều diễn biến mới. Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh cấm mọi giao dịch với 2 công ty của Trung Quốc gồm ByteDance - chủ sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok và Công ty Tencent - chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat. Các sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong 45 ngày tới. Các sắc lệnh này được ban hành trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Trump trong tuần thông báo đẩy mạnh các biện pháp “thanh lọc” những ứng dụng không đáng tin cậy của Trung Quốc trong mạng lưới công nghệ số ở Mỹ. Tổng thống Trump cũng gọi những ứng dụng như TikTok và WeChat là “những mối đe dọa nghiêm trọng”.
Có ý kiến cho rằng, không phủ nhận yếu tố “an ninh” mà Mỹ đưa ra nhưng “tảng băng chìm” lại là việc Mỹ đang thực sự lo ngại về tốc độ phát triển quá nhanh của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, có thể lấn át Mỹ và thống lĩnh thị trường toàn cầu. Để có phân tích sâu về cuộc chiến công nghệ giữa 2 “ông lớn” Mỹ - Trung, chúng tôi có cuộc trao đổi với chuyên gia Trần Thanh Tuấn, Thông tấn xã Việt Nam.

Bầu cử Mỹ bước vào chặng nước rút (2/8/2020)

Chỉ còn 3 tháng nữa là nước Mỹ bước vào ngày bầu cử quyết định để lựa chọn ra vị chủ nhân của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo. Thông thường, đây là giai đoạn nước rút quan trọng để các ứng viên tìm cách thu hút lá phiếu cử tri thông qua các chiến dịch tranh cử rầm rộ. Nhưng kỳ bầu cử Mỹ năm nay là một kỳ bầu cử đặc biệt, khi nước Mỹ đang phải vật lộn chống chọi với dịch Covid-19, tác động rất lớn đến chiến lược và chiến thuật của các ứng cử viên.

Quan hệ Mỹ - Trung: “Rơi tự do” liệu có “chạm đáy”? (26/07/2020)

Việc chính phủ Mỹ bất ngờ ra lệnh Trung Quốc phải đóng cửa lãnh sự quán tại Houston và Trung Quốc đáp trả bằng lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô chỉ là một trong những “bước lùi” của mối quan hệ song phương, nhưng lại phản ánh mức độ đối đầu gay gắt nhất, kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ hơn 4 thập kỷ trước. Bên cạnh đó, bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về những nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc cũng dấy lên những dự cảm không lạc quan về mối quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai.

Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Trung (19/7/2020)

Quan hệ Mỹ - Trung trong tuần tiếp tục có hàng loạt diễn biến căng thẳng mới. Sau cuộc khẩu chiến kéo dài về nguồn gốc và cách ứng phó với đại dịch Covid-19, vừa qua, cả hai đều đẩy mạnh các động thái và tuyên bố “mạnh tay” hơn. Nếu như Trung Quốc hồi đầu tháng tiến hành diễn tập đổ bộ tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông thì Mỹ cũng ngay lập tức điều các nhóm tàu sân bay đến khu vực này để tập trận, mới nhất đã bày tỏ thái độ rõ ràng bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Chưa hết, Tổng thống Donald Trump còn ban hành sắc lệnh hành pháp chấm dứt các ưu đãi thương mại đối với Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc), đồng thời áp đặt lệnh cấm liên quan đến 5 công ty công nghệ của Trung Quốc.

Hiến pháp mới – khởi đầu mới cho nước Nga? (5/7/2020)

Một trong những chủ đề thời sự quốc tế đáng chú ý trong tuần là việc nước Nga chính thức sửa đổi Hiến pháp sau cuộc trưng cầu ý dân với đa số người dân ủng hộ. Đây là cuộc cải cách Hiến pháp lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Nga với kỳ vọng hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho xứ sở Bạch dương. Số phiếu ủng hộ ở mức cao đối với Hiến pháp sửa đổi cũng thể hiện niềm tin của người dân Nga đối với Tổng thống Vladimir Putin - vị “thuyền trưởng” đã chèo lái “con tàu” đất nước vượt qua nhiều chông gai, thử thách.

Châu Âu chia rẽ về mở cửa biên giới (28/6/2020)

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang dự định mở lại các đường biên giới châu Âu từ ngày 1/7 tới, sau một loạt cuộc đàm phán kéo dài nhiều ngày qua, các nước thành viên đến nay vẫn đang chia rẽ về việc, liệu có tiếp tục cấm du khách từ các nước vẫn đang phải chống chọi với đại dịch hay không. Đáng nói là khi giới chức khu vực còn đang bàn thảo chưa thể thống nhất thì tại một vài nước, chính quyền thậm chí đã mở cửa sân bay đón du khách từ các nước ngoài khu vực châu Âu. Cộng thêm những khác biệt và mâu thuẫn có sẵn, châu Âu vẫn tiếp tục rối bời trong xử lý các vấn đề trong và sau dịch Covid-19.

Căng thẳng Trung - Ấn sang giai đoạn mới (21/6/2020)

Một trong những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần là căng thẳng biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, với các cuộc ẩu đả gây thương vong lớn nhất trong vòng 40 năm qua. Nguồn cơn của những căng thẳng này bắt nguồn từ chuyện tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài nhiều thập niên giữa hai quốc gia. Mặc dù những diễn biến trên thực địa đã có phần hạ nhiệt nhưng dường như mặt trận ngoại giao lại đang tăng nhiệt khi Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với toàn bộ thung lũng Gan-oan – nơi hiện đang xảy ra tranh chấp với Ấn Độ.

Nhìn lại 2 năm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên tại Singapore: Giậm chân tại chỗ! (14/6/2020)

Hai năm trước, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Singapore đã được dư luận ca ngợi là sự kiện lịch sử, khi lần đầu tiên một Tổng thống đương nhiệm của Mỹ ngồi đối thoại cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đặc biệt nữa, hai bên đã cùng ra tuyên bố chung hướng tới xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên đến nay, sau 2 năm, Tuyên bố Singapore được các nhà lãnh đạo ký kết tại cuộc gặp dường như vẫn chỉ là trên giấy, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thể tìm thấy lối thoát.
Đâu là nguyên nhân của những bế tắc hiện nay? Đối thoại Mỹ - Triều nói riêng, tình hình bán đảo Triều Tiên liệu có mãi “giậm chân tại chỗ”? Khách mời của chương trình là Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công An sẽ phân tích cùng quí vị.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h55 Quảng cáo
6h28-6h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
16h00-17h00 Theo dòng TS
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: