Sau hơn một tuần diễn ra (8-15/9), Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APGN) năm 2024 đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra và kết thúc thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng đẹp cho bạn bè trong nước và quốc tế. Với 800 đại biểu từ 19 quốc gia tham dự, các phiên họp tại Hội nghị đã có nhiều bài thuyết trình về các hoạt động CVĐC, đặc biệt là sự tham gia của thanh niên với nhiều hoạt động thiết thực góp phần chia sẻ tri thức, kinh nghiệm; các khuyến nghị từ CVĐC của nhiều quốc gia để học hỏi lẫn nhau. Ngoài ra, đã có nhiều hoạt động thực địa, ký kết ghi nhớ giữa các CVĐC để tăng cường hợp tác trong tương lai. Đó là những hoạt động ý nghĩa góp phần thúc đẩy các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu Unesco khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thời gian tới.
Sau hơn 1 tuần diễn ra, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APGN) năm 2024 đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra và kết thúc thành công tốt đẹp
Dịp này, BTC Hội nghị đã trao Giấy chứng nhận các thành viên có nhiều đóng góp cho Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; trao quyết định cho các CVĐC vừa được công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO năm 2024… Tỉnh Cao Bằng cũng đã thực hiện nghi thức trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 9 Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho CVĐC Công viên địa chất Langkawi, Malaysia. Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên nói: “Chúng tôi cũng hi vọng CVĐC Non nước Cao Bằng sẽ tiếp tục là một nguồn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của địa phương. Đặc biệt tôi muốn nói đến vai trò của giới trẻ, vì tuổi trẻ họ có rất nhiều điều để cống hiến và để dành cho đất nước của mình và tôi hi vọng UNESCO chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với Việt Nam cùng với Cao Bằng để thúc đẩy tiến trình này. Và cho đến nay Việt Nam đã có 4 CVĐC và các đơn vị này sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của động đồng…”
Tuyên bố Cao Bằng nhấn mạnh yếu tố quan trọng trong một hệ thống quản lý Công viên địa chất hiệu quả là sự hiểu biết chung và toàn diện về tầm quan trọng về tài sản của quốc gia và dân tộc, cùng với bối cảnh xã hội - sinh thái, giữa tất cả các bên có liên quan, bao gồm cả cộng đồng địa phương…
Lễ Ký Tuyên bố Cao Bằng cũng được thực hiện dưới sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, các đại biểu, thành viên Hội đồng, Ban điều hành Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Tuyên bố nêu rõ, văn kiện được ký trong bối cảnh tác động của siêu bão Yagi, Cộng đồng APGN nhận ra nhu cầu cấp thiết phải thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường Trái đất và vai trò quan trọng của các công viên địa chất toàn cầu trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và nuôi dưỡng mối quan hệ hài hòa giữa nhân loại và thiên nhiên. Trong đó nhấn mạnh tinh thần “lấy nhân dân làm trung tâm” trong các hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu, đây cũng là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước ta khẳng định với chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Một số hoạt động bên lề Hội nghị
Tuyên bố Cao Bằng khẳng định, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cần tích cực thu hút cộng đồng địa phương hoặc người dân bản địa (nếu có) với tư cách là những bên liên quan chính trong Công viên địa chất. Đồng thời nêu rõ, một yếu tố quan trọng trong một hệ thống quản lý Công viên địa chất hiệu quả là sự hiểu biết chung và toàn diện về tầm quan trọng về tài sản của quốc gia và dân tộc, cùng với bối cảnh xã hội - sinh thái, giữa tất cả các bên có liên quan, bao gồm cả cộng đồng địa phương…/.
Công Luận- La Ngà/VOV Đông Bắc