Theo các đại biểu, nền kinh tế số tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động và đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Nhiều ngành nghề cũ đang dần mất đi, nhiều ngành nghề mới ra đời, nên bắt buộc danh mục ngành nghề đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cũng phải thay đổi theo. Tuy nhiên có một vấn đề mà xã hội Việt Nam làm chưa tốt, đó là việc hướng nghiệp cho học sinh, dẫn đến tỉ lệ sinh viên Việt Nam ra trường chọn nghề nghiệp trái ngành rất lớn.
Tọa đàm giúp học sinh chọn ngành nghề trong thời kỳ chuyển đổi số
Phó Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, ngành Giáo dục và Đào tạo cần khắc phục những bất cập trong việc hướng nghiệp cho học sinh và các trường đại học cũng có trách nhiệm tham gia vào quá trình hướng nghiệp này: “Trường đại học không phải là chỉ chờ đợi học sinh khi đã chọn trường mà chúng tôi muốn là sự đồng hành cùng với các trường học sinh thầy cô giáo từ khối trường phổ thông để cùng với các em là có sự trải nghiệm nghề nghiệp. Ví dụ như trường đại học thì có lợi thế rất là lớn là có cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm và công nghệ mới. Nếu chúng ta tổ chức những chương trình giới thiệu cho các em học sinh từ phổ thông đến trường đại học. Bản thân các trường đại học cũng có thể là về các trường cấp 3 để tham gia các dự án STEM hay đồng hành của các em, cùng thầy cô thì tôi nghĩ là các em sẽ có những trải nghiệm từ rất sớm, như vậy thì các em có thời gian trải nghiệm, các em sẽ tìm được việc mà các em yêu thích”.
Các đại biểu tại cuộc tọa đàm
Các nhóm ngành nghề có triển vọng tăng trưởng trong tương lai được các đại biểu đề cập như: Nhóm ngành công nghệ thông tin như phần mềm, an ninh mạng, data, giữ liệu... Đây cũng là nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực rất cao. Tiếp đó là nhóm ngành tự động hóa; Nhóm ngành về công trình thủy lợi, xây dựng, vật liệu thông minh; Nhóm ngành về công nghệ sinh học và công nghệ môi trường, phát triển bền vững; Nhóm ngành về tài chính, quản trị kinh doanh, du lịch và Nhóm ngành sức khỏe.
Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, các thí sinh và các trường đại học không nên chỉ tập trung vào những ngành “hot” trong thời điểm hiện nay mà phải có cái nhìn dài hạn về những ngành nghề trong tương lai: “Các ngành nghề “nóng” nó chỉ đáp ứng được có thể trong một giai đoạn ngắn nào đấy, có thể trong một giai đoạn khác thì nó sẽ thay đổi cũng là chuyện đương nhiên của thực tế biến đổi của xã hội. Một trong những vai trò quan trọng để các trường đại học muốn có được sự đào tạo bền vững, phát triển đáp ứng được cả cho nhu cầu xã hội trước mắt cũng như dài hạn thì chúng ta phải có dự báo thêm, làm sao để trong dài hạn, chúng ta vẫn phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội, nhưng trước mắt thì vẫn phải thực hiện được giai đoạn ngắn hạn trong thời kỳ đặc biệt là thời kỳ chuyển đổi số”.
Ngày 27/04 tới, các học sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Vì vậy, các đại biểu cho rằng, ngoài việc chọn ngành, chọn trường yêu thích, phù hợp với xu thế thì người học cần trang bị tiếng Anh tốt để thích ứng với môi trường làm việc thời kỳ chuyển đổi số./.