Khẳng định chủ đề Diễn đàn: “Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh - Phát triển kinh tế số” là xu thế tất yếu, là con đường ngắn nhất và rẻ nhất để Việt Nam đi đến tương lai tươi sáng. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tin tưởng với tố chất thông minh, chịu khó, sẵn sàng tiếp nhận cái mới của người Việt Nam đang là một lợi thế. Nêu rõ, nước ta đã có chủ trương xác định chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ 4 và Chính phủ đã có chương trình hành động về nội dung này. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết nước ta đang có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế số. “Chúng ta đã làm được chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, đã có sự đầu tư khá mạnh mẽ và nhanh chóng cho hạ tầng số, một số đoanh nghiệp Việt Nam đã có sự khởi động ngoạn mục và ngày càng có vị thế cao hơn trong cạnh tranh khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp FDI, có cả các tập đoàn hàng đầu ví dụ như Intel, Samsung, LG... đã chọn Việt Nam làm đại bản doanh”. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm gian trưng bày
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có 6 việc cần làm để Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh - Phát triển kinh tế số. Trong đó cần đặc biệt quan tâm tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cách đào tạo kỹ sư chip bán dẫn để kịp cung ứng nhân lực, đáp ứng nhu cầu. “50 ngàn kỹ sư chip bán dẫn đến năm 2030 chúng ta nên hướng đến hướng, mà tôi cũng đang làm là tôi kêu gọi Intel, Samsung, LG cùng đào tạo với chúng tôi. Đào tạo xong có xưởng làm luôn, bởi vì khoảng cách giữa chúng ta học ở trường và ứng dụng trong thực tiễn xa lắm. Trong công cuộc hiện nay của AI và chuyển đổi số này càng xa, xa mỗi ngày luôn. Cho nên chỉ có một cách học trong xưởng là hay nhất. Hoặc ở lớp đặt kế bên xưởng đó là xuất sắc nhất”.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại diễn đàn
Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, nước ta có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022; liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP./.