Từ sáng sớm hay đến tận đêm khuya, mặc nắng gắt hay đêm đông lạnh giá, tiếng loa phát thanh từ đỉnh Hàm Rồng vẫn đều đặn vang lên. Anh Ngô Khổng Tuấn Anh, 1 trong 4 kỹ thuật viên trực phát sóng cho biết: từ khi trạm phát sóng được dời từ thành phố Pleiku lên đỉnh Hàm Rồng, bán kính phủ sóng phát thanh truyền hình từ 40 – 50 km đã được mở rộng thành 80-100 km, bao phủ hầu hết địa bàn tỉnh Gia Lai. Nhưng đổi lại, cả 4 người phải làm việc trong môi trường gần như hoàn toàn cách biệt.
(Ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, Trạm phát sóng Hàm Rồng quanh năm sương mù giăng phủ)
Theo anh Ngô Khổng Tuấn Anh, dù kề bên quốc lộ 14 đông đúc và cách thành phố Pleiku chỉ 14 km, nhưng đỉnh Hàm Rồng hầu như vắng lặng, quanh năm chỉ có nắng, gió, mưa hoặc mây mù. Từ chân núi đến trạm phát sóng là con dốc quanh co, cao hơn 400m, lên xuống không hề dễ dàng: “Trong mùa mưa, đường lên núi Hàm Rồng đường rất trơn, khi mà lá thông hai bên tràn xuống bên đường, đi xe lên rất khó khăn. Nhiều khi mình đi lên xe trượt, sìa và ngã, trên đường thì rất vắng, không có người qua lại. Mình vẫn cố gắng dựng xe dậy và lên trên trạm cho đúng giờ quy định để chuyển giao ca cho anh em. Khó khăn nhưng mình vẫn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ”.
(Những người thầm lặng trên đỉnh Hàm Rồng để đảm bảo cho làn sóng phát thanh, truyền hình đến được với khán thính giả Gia Lai)
Anh Trần Thiên Thế cũng là kỹ thuật viên truyền dẫn phát sóng đã có nhiều năm gắn bó với trạm Hàm Rồng. Anh cho biết, mình cùng đồng nghiệp đã quen với việc sống, nghỉ ngơi trong căn nhà cấp 4 nhỏ của trạm, với bữa cơm đơn giản. Nhưng nỗi lo sét đánh trong mùa mưa và cháy rừng trong mùa khô, lại luôn thường trực, vì Hàm Rồng cao như một cột thu sét tự nhiên và được bao phủ bởi rừng thông dễ cháy. “Gần như năm nào cũng có sét đánh, lúc thì nhẹ, có những lúc thiệt hại lớn, mùa khô dễ xảy ra hiện tượng cháy thảm thực vật ở rừng xung quanh. Sự cố gì về sức khỏe thì cũng sẵn sàng thay đổi ca với nhau. Mùa mưa bão các sự cố kĩ thuật rất thường hay xảy ra, khi đó một người rất khó giải quyết được công việc. Không phải ca trực, nhưng mà khi có sự cố thì anh em đều sẵn sàng bỏ công việc ở nhà để tập trung lên trạm hỗ trợ để giải quyết sự cố”.
(Bữa ăn hàng ngày được các kỹ thuật viên "tự biên tự diễn" trên đỉnh núi)
Ông Nguyễn Khắc Quang, Phó Giám đốc Đài phát thanh-truyền hình tỉnh Gia Lai cho biết: tất cả chương trình truyền hình, phát thanh ở tỉnh đều phụ thuộc vào Trạm phát sóng Hàm Rồng để đến được với khán thính giả. Gần 1 năm nay, Đài phát thanh –truyền hình Gia Lai có thêm nhiệm vụ mới là phát sóng kênh phát thanh quốc gia VOV1 và VOV4, thời lượng 19 giờ mỗi ngày. Dù ở khá xa trung tâm, điều kiện công tác nhiều khó khăn và không ít nguy hiểm, nhưng các kỹ thuật viên tại trạm đều cố gắng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Đài tạo điều kiện quan tâm về mọi mặt kể cả về vật chất cũng như tinh thần, có chế độ khuyến khích cho anh em thêm để anh em để anh em có chi phí ngoài chế độ của đài nói chung. Hơn 1 năm nay Đài TNVN đưa máy phát thanh kênh VOV4 vào, đồng thời là tiếp sóng của VOV1 nữa thì phải nói với góc độ của đơn vị chúng tôi rất phấn khởi, đáng mừng khi có máy mới, chất lượng phát sóng rất tốt. Dưới Kbang, vùng căn cứ cách mạng nghe rất tốt. Qua đó bà con tiếp cận được rất nhiều nội dung tốt, rất phấn khởi cho bạn nghe đài ở tỉnh Gia Lai nói chung và cả khu vực xung quanh”.
Đêm buông xuống, trong không khí lạnh buốt của đỉnh Hàm Rồng, những cán bộ truyền sóng của Đài phát thanh truyền hình Gia Lai vẫn thầm lặng làm việc. Họ vượt qua sự khó khăn, đơn độc để góp phần đưa thông tin đến với khán thính giả gần xa./.
(HOÀNG QUI/VOV TÂY NGUYÊN)