Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới và nông nghiệp là lĩnh vực chịu rủi ro nhiều nhất vì thiên tai với thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vì thế việc thúc đẩy phát triển dịch vụ bảo hiểm trong lĩnh nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra để bảo vệ nông dân và ngành nông nghiệp trước các rủi ro thiên tai. Đây là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông & phát triển bền vững năm 2024, diễn ra sáng 18/12/2024.
Xác định được tầm quan trọng của bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp giảm rủi ro cho người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh nông nghiệp, từ năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58 về các sản phẩm bảo hiểm cây trồng, vật nuôi với nhiều chính sách ưu đãi cho các tổ chức cá nhân trong lĩnh vực này. Trong đó, quy định Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho các cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp cho cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Thế nhưng, việc triển khai các loại hình bảo hiểm theo Nghị định 58 của Chính Phủ về các sản phẩm bảo hiểm cây trồng, vật nuôi còn rất thấp, hiện chỉ chiếm 0,05% doanh thu phí hàng năm. Đơn cử như trường hợp siêu bão Yagi vừa qua, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, hoạt động tín dụng của Agribank và hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay vốn cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Agribank có tổng số 28.200 khách hàng vay bị ảnh hưởng do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 40.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại trực tiếp 14.600 tỷ đồng, trong đó: Chỉ có 130 khách hàng và 94,77 tỷ đồng tương ứng với 0,65% dư nợ bị thiệt hại được bồi thường do có bảo hiểm, còn lại 99,35% dư nợ bị thiệt hại chưa có bảo hiểm. Như vậy, trên 14.500 tỷ dư nợ tín dụng của Agribank (vốn Nhà nước) có nguy cơ trở thành nợ xấu khó có khả năng thu hồi, Ngân sách Nhà nước sẽ phải chi hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai bão, lũ. Thực tế này cho thấy Bảo hiểm Nông nghiệp cả hình thức thương mại và hình thức có chính sách hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước đều chưa đi vào thực tiễn.
Nhiều rào cản khiến bảo hiểm nông nghiệp gặp khó
Nhiều nguyên nhân được các chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra khiến bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển. Trong đó đầu tiên phải kể đến là chính sách về Bảo hiểm nông nghiệp chưa hấp dẫn. Quy định người tham gia bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm còn bất cập. Trong khi Nhà nước khuyến khích phát triển mô hình sản xuất, liên kết tập trung có khả năng hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp để tăng hiệu quả, chất lượng, sản lượng thì chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm lại chưa được khuyến khích, Nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm với nhóm này; trong khi cá nhân, hộ sản xuất nhỏ lẻ được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm. Bên cạnh đó, đối tượng của sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ còn hạn hẹp: Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, chè, cây ăn quả, rau; vật nuôi: Trâu, bò, Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra; địa bàn được hỗ trợ bị hạn chế dẫn đến các khu vực được hỗ trợ không đồng nhất, người dân có sự so sánh về quyền lợi được hỗ trợ dẫn đến khó cung cấp sản phẩm được ngân sách hỗ trợ; Thủ tục để nhận được hỗ trợ và xét duyệt còn khó khăn và nhiều thủ tục: phải có hồ sơ hộ nghèo, cận nghèo để chứng minh, nộp hồ sơ xét duyệt và chờ xét duyệt. Sau khi cấp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện các thủ tục và hồ sơ để thu phí bảo hiểm được nhà nước hỗ trợ.
Một nguyên nhân quan trọng khác là nhận thức của Hộ nông dân về bảo hiểm còn thấp: thông thường, mỗi khi gặp sự cố thiên tai hay dịch bệnh, nông dân thường trông chờ các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác hơn là bảo hiểm. Nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu rõ lợi ích của bảo hiểm, hoặc còn ngần ngại tham gia do chi phí bảo hiểm làm tăng chi phí đầu tư; các sản phẩm bảo hiểm phục vụ Nông nghiệp – Nông dân - nông thôn chưa đa dạng, chưa linh hoạt, phí bảo hiểm cao trong khi thủ tục bồi thường phức tạp.
Khơi thông nguồn lực cho bảo hiểm nông nghiệp
Theo các chuyên gia tài chính và nông nghiệp, phát triển các hoạt động Bảo hiểm vào khu vực Nông nghiệp-Nông dân-Nông thôn tại Việt Nam cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các hợp tác xã và Nhà nông. Trong đó, Nhà nước cần đóng vai trò hướng dẫn và định hướng cho người nông dân trong việc mua bảo hiểm nhằm mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững của người dân làm việc trong khu vực sản xuất nông nghiệp.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank (ABIC) – đơn vị thành viên của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) phát triển các hoạt động kinh doanh bảo hiểm dưới hình thức thương mại vào khu vực Tam Nông, đề xuất: Chính phủ, Bộ Nông nghiệp, Trung ương Hội nông dân Việt Nam lựa chọn một mô hình mẫu đồng hành cùng Nhà Nông và Phát triển bền vững. ABIC cam kết “Đồng hành bền vững cùng Tam Nông” và mong muốn đẩy mạnh phát triển bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bảo hiểm nguồn vốn của Agribank từ 18% lên 30-50% trong 5 năm tới. Nếu đạt được, sẽ có khoảng 5 triệu cá nhân, hộ gia đình và trên 10.000 doanh nghiệp được bảo vệ, với tỷ lệ vốn tín dụng Nhà nước được bảo hiểm lên tới 1 triệu tỷ đồng.
Theo ông Hoàng, hiện nay, ABIC đang cung cấp hơn 100 sản phẩm bảo hiểm vào khu vực Tam nông với doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 2.000 tỷ VND/năm, đối tượng khách hàng chủ yếu là 3 triệu hộ nông dân, chiếm 95% khách hàng của ABIC. Hàng năm, Bảo hiểm Agribank chi trả hơn 700 tỷ đồng cho các hộ nông dân bị tổn thất do thiên tai rủi ro gây ra.