Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt khoảng 9.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 25.000 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ. Đặc biệt, đến nay, Hà Tĩnh đang là một trong những tỉnh thành đi đầu trong giải ngân đầu tư công, với số vốn khoảng 2600 tỷ đồng (tương đương 57% kế hoạch). Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “6 tháng đầu năm nay Hà Tĩnh đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành công nghiệp xây dựng có mức tăng cao nhất, với 10,7%; tiếp đến là khu vự dịch vụ…”.
Một góc thành phố Hà Tĩnh
Đóng góp vào chỉ số tăng trưởng 7,6% trong 6 tháng đầu năm của Hà Tĩnh phải kể đến động lực từ ngành công nghiệp, nhất là ngành điện. Việc nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 khắc phục xong sự cố tổ máy số 1, hoạt động ổn định trở lại từ tháng 8 năm ngoái đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung. Trong 6 tháng năm 2024, nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đạt sản lượng khoảng 3 tỷ 600 kwh, bằng 55% kế hoạch năm 2024; doanh thu gần 6500 tỷ đồng. Ông Trần Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh cho biết: “Sản lượng điện hàng năm chúng tôi phát lên lưới khoảng 7 đến 7,2 tỷ kwh. Năm nay chúng tôi được giao kế hoạch gần 6,5 tỷ kwh. Kế hoạch sản xuất 6 tháng đầu năm chênh lệch doanh thu trừ chi phí đạt khoảng 475 tỷ, nộp ngân sách 6 tháng đầu năm 60 tỷ và dự kiến cả năm là 244 tỷ đồng.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vận hành ổn định đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng của Hà Tĩnh
Cùng với sự đóng góp tích cực của ngành điện, khi chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng gần 36%, đó còn là hiệu ứng từ hoạt động hiệu quả của Nhà máy sản xuất Pin VinES tại Vũng Áng, tổng mức đầu tư trên 6000 tỷ đồng; công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc Nam và Dự án đường dây 500kv mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối qua địa bàn Hà Tĩnh sớm hoàn tất… Đối với dự án đường dây 500kv mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 142km, với 285 vị trí móng cột, thuộc 9 huyện, thị xã. Ngoài việc sớm bàn giao mặt bằng, tỉnh Hà Tĩnh còn huy động các nguồn lực đảm bảo hậu cần và tăng cường hỗ trợ thi công đường dây 500 kV mạch 3 đoạn qua địa bàn. Ông Nguyễn Hoài Sơn, Bí thư Thị xã Kỳ Anh cho biết: “Xác định đây là dự án trọng điểm của quốc gia nên thị xã Kỳ Anh đã dồn sức, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng đường dây 500kv qua thị xã đã hoàn tất. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thị xã Kỳ Anh đã huy động lực lượng để giúp đơn vị thi công phát quang tuyến, vận chuyển thiết bị lên điểm thi công, vì địa hình phức tạp khó khăn, chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ…”.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 của Hà Tĩnh tăng 8%
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, duy trì tốc độ tăng trưởng, nhất là kết quả từ năm 2023 khi Hà Tĩnh đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ (trên 8%), tỉnh tập trung ưu tiên các giải pháp, nguồn lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, khơi thông các nguồn vốn; tập trung thực hiện hiệu quả nhiều đề án, chính sách giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có thể kể đến một số dự án vừa được khởi công, chấp thuận chủ trường đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (VSIP Hà Tĩnh), quy mô 190 ha, tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh), quy mô gần 1.000ha, tổng mức đầu tư trên 13.000 tỷ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Ông Võ Trọng Hải nhấn mạnh: “Hà Tĩnh phải phát triển vể công nghiệp. Đến năm 2030 phải được 45%. Trong quy hoạch của Hà Tĩnh đi 4 mạch rất rõ. Đó là phát triển về công nghiệp, phát triển về nông nghiệp, phát triển về du lịch dịch vụ và logistic và phát triển về đô thị. Nhưng đầu tiên Hà Tĩnh phải tập trung cho công nghiệp, mở thêm nhiều nhà máy, khu công nghiệp, nhưng phải đảm bảo vấn đề môi trường….”.
Huy Nam/VOV1