VOV1 - Rừng ngập mặn giữ vai trò quan trọng và then chốt trong việc bảo vệ bờ biển, chống xói lở bờ biển, chống gió bão, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho cộng đồng dân cư ven biển. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn đã gây nên thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, do vậy quản lý và sử dụng rừng ngập mặn bền vững được xem là một trong nhiều giải pháp có tính bền vững. Trong đó, mô hình quản lý bền vững rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng cho vùng ven biển được đánh giá là mô hình phát triển sinh kế hợp lý về sinh thái nhưng vẫn đảm bảo quản lý rừng bền vững. Hay nói cách khác, quản lý rừng dựa vào cộng đồng là dựa vào những gì cộng đồng đã, đang và sẽ có và những hiểu biết của họ về tài nguyên môi trường khu vực quản lý, về tình trạng khai thác, sử dụng nguồn lợi, về tình hình kinh tế, xã hội, về văn hóa truyền thống và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Sự tham gia của cộng đồng có thể là tham gia hình thức và tham gia thực sự, khi tham gia thực sự thì các bên sẽ được đảm bảo về quyền, có được tiếng nói trong các quyết định. Sự tham gia của cộng đồng sẽ phát huy tính tương trợ cộng đồng do nhận thức của người dân dần thay đổi sẽ giải quyết khắc phục được các mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân hay giữa chủ rừng và người dân. Đây cũng là hướng đi được áp dụng khá hiệu quả tại rừng ngập mặn ven biển thuộc vườn quốc gia Xuân Thuỷ, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định – Khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam