logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

"Gặp khó” với Nga, châu Âu tìm đến Israel (15/6/2022)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu vừa có chuyến thăm 2 ngày tới Israel và Palestin, trong đó trọng tâm của chuyến đi là cuộc gặp với Thủ tướng Israel Naftali Bennett để thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và an ninh lương thực. Theo các chuyên gia, hàng loạt chuyến thăm gần đây của các nhà lãnh đạo châu Âu tới Trung Đông xuất phát từ những khó khăn mà châu Âu đang phải đối mặt từ cuộc khủng hoảng Ukraine, đó là thiếu lương thực, thiếu khí đốt, từ đó đẩy lạm phát tăng vọt. Vì vậy, châu Âu tìm đến Israel như một đồng minh “có giá trị” về quốc phòng, năng lượng và an ninh lương thực nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ các thị trường Nga và Ukraine.

Lạm phát Mỹ tăng cao kỷ lục - Bài toán khó cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố các dữ liệu mới cho thấy, lạm phát Mỹ cán mốc 8,6% trong tháng 5 vừa qua, cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt. Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng lạm phát tại Mỹ sẽ lên tới 9% vào tháng 6 này. Lạm phát tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tăng lãi suất quá nhiều sẽ khiến nước Mỹ đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái và đó mới là thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ. Vậy đâu là những nguy cơ, thách thức mà chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt khi mức lạm phát không ngừng phi mã?

Những điểm nóng an ninh khu vực nhìn từ Đối thoại Shangri-La 19 (13/6/2022)

Những ngày cuối tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri La đã diễn ra tại Singapore. Đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Với chương trình làm việc dày đặc cùng hàng loạt vấn đề an ninh được đưa ra thảo luận tại đối thoại này cho thấy sự quan tâm của các quốc gia, không chỉ ở châu Á mà ở nhiều khu vực khác, trong việc nhận diện các thách thức mà khu vực đang đối mặt, đồng thời tìm cách giải quyết những vấn đề đó. An ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nhìn nhận ra sao từ Đối thoại Shangri La lần thứ 19? Đâu là những điểm nổi bật của Hội nghị lần này? Để cùng làm rõ những câu hỏi này, phóng viên Thanh Huyền – đưa tin trực tiếp tại Đối thoại Shangri La phân tích.

Đối thoại Shangri La 2022: Quản lý cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực (10/6/2022)

Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày hôm nay tại khách sạn Shangri La của Singapore. Dự kiến có khoảng 500 đại biểu là quan chức Chính phủ, quan chức quốc phòng-an ninh, ngoại giao, nhà nghiên cứu, học giả, doanh nhân… từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự Đối thoại năm nay.
Những thách thức an ninh khu vực, những sáng kiến hợp tác giữa các nước sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực này. Phóng viên Thanh Huyền có mặt và đưa tin tại Hội nghị Shangri La ở Singapore phân tích cụ thể hơn những vấn đề được đề cập và quan tâm tại đối thoại năm nay.

Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt khi các bên liên quan có nhiều động thái “ăn miếng, trả miếng” (09/6/2022)

Bán đảo Triều Tiên đang ngày một tăng nhiệt trong thời gian gần đây với những động thái đáp trả lẫn nhau của các bên liên quan. Trong khi Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ở khu vực biển Nhật Bản, phía Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa, với nhiều lo ngại nước này sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân. Liệu các động thái ăn miếng trả miếng của các bên liên quan có đẩy bán đảo Triều Tiên chạm lằn ranh đỏ, khi các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang ngày một xa vời?

Vai trò Đông Nam Á trong chiến lược của Australia (8/6/2022)

Thủ tướng Australia Antoni vừa kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Indonesia với những thỏa thuận quan trọng đạt được trong lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, hỗ trợ Indonesia xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của ông Antoni kể từ khi nhậm chức,cho thấy tầm nhìn chiến lược của Australia trong việc tăng cường gắn kết với Indonesia nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Phóng viên Việt Nga, phóng viên thường trú Đài TNVN tại Australia phân tích rõ hơn vấn đề này.

Tổng thống Mỹ và những mục tiêu chiến lược tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (07/6/2022)

Từ ngày 6-10/6, Mỹ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ lần thứ 9 tại Los Angeles. Sự kiện được mong chờ và chuẩn bị từ lâu đang kỳ vọng sẽ giúp Mỹ “sửa chữa” những rạn nứt bấy lâu và hâm nóng lại quan hệ giữa Washington với các quốc gia trong khu vực, từ đó tái khẳng định vị thế của Mỹ trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh. Kỳ vọng là vậy, tuy nhiên để hội nghị có thể thành công như mong muốn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đứng trước không ít khó khăn để có thể tái gắn kết với các nước láng giềng phía Nam. Đó là những thách thức gì? Đâu là triển vọng của hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ lần này?

Liên minh Châu Phi tìm Nga để giải bài toán an ninh lương thực (6/6/2022)

Người đứng đầu Liên minh châu Phi, ông Macky Sall đã có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại thành phố Sochi. Nội dung chính được hai bên bàn thảo là vấn đề an ninh lương thực. Châu Phi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng chưa từng có, nhất là khi xung đột Nga – Ukraine làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì, khiến giá lương thực leo thang. Trong bối cảnh này, Liên minh châu Phi đang trông đợi gì từ phía Nga để giải quyết khủng hoảng lương thực? Và liệu có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này khi chiến sự giữa Nga và Ucraina vẫn căng thẳng kéo dài? PV Ngọc Thạch, thường trú tại Trung Đông- Châu Phi và PV Anh Tú, thường trú tại Nga phân tích rõ hơn nội dung này.

Nga tìm cách “gỡ thế khó” của lệnh trừng phạt (2/6/2022)

Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp đã thăm Ả-rập Xê-út và có cuộc gặp với Ngoại trưởng 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Cuộc gặp diễn ra ngay trước khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhóm họp tại Viên, Áo, vì thế nội dung được dư luận quốc tế rất quan tâm là quan điểm của Nga và các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh liên quan đến sản lượng và giá dầu mỏ thế giới.
- Nếu phía Nga tìm đến Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh nhằm “gỡ thế khó” của các lệnh trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt với Nga, thì ngược lại, các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cũng mong muốn Nga thể hiện vai trò với Iran nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an ninh ở khu vực liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Vậy những lợi ích của các bên đã cùng được đặt lên bàn thảo luận trong cuộc gặp hôm qua như thế nào? Phóng viên Ngọc Thạch, thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Ai Cập, theo dõi khu vực Trung Đông phân tích rõ hơn vấn đề này.

Đan Mạch trưng cầu ý dân về tham gia chính sách quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) (01/6/2022)

Hôm nay, Đan Mạch sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về việc gia nhập Chính sách quốc phòng và an ninh chung của Liên minh châu Âu (gọi tắt là CSDP). Sau khi Thụy Điển và Phần Lan gửi đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuộc trưng cầu ý dân ở Đan Mạch thu hút sự quan tâm của dư luận bởi sự kiện này có thể góp phần xác nhận xu hướng các nước Bắc Âu dần từ bỏ cơ chế trung lập sau những biến động lớn về an ninh – chính trị thế giới gần đây. Kết quả khảo sát trước cuộc thăm dò cho thấy, khoảng 49% cử tri ủng hộ Đan Mạch tham gia chính sách quốc phòng chung của EU, trong khi số phản đối là 27%. Tuy nhiên, đa số những cử tri còn đang lưỡng lự lại có xu hướng nghiêng về bên phản đối, xuất phát từ chủ nghĩa hoài nghi châu Âu còn khá phổ biến tại Đan Mạch. Bởi vậy, cuộc trưng cầu ý dân hôm nay dự kiến sẽ chứng kiến cuộc bám đuổi sít sao giữa hai phe.

Nguy cơ chia rẽ bao trùm Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU (31/5/2022)

Trong 2 ngày 30 và 31/5, Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh bất thường đánh giá và thảo luận tình hình khủng hoảng ở Ucraina, hợp tác quốc phòng, chi phí năng lượng và an ninh lương thực. Trong bối cảnh khối này vẫn đang bế tắc trong việc tìm kiếm sự đồng thuận nội bộ về gói trừng phạt tổng thể mới nhằm vào các nguồn năng lượng từ Nga, Hội nghị lần này đang bị bao phủ một bầu không khí căng thẳng bởi các lo ngại chia rẽ và rạn nứt. Liệu hội nghị bất thường lần này có thể gợi mở giải pháp nào để thu hẹp bất đồng, hay sẽ lại “bi quan” như chính giới chức EU lo ngại rằng, chưa bao giờ sự đoàn kết thống nhất của Liên minh châu Âu lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay? Phóng viên Quang Dũng - Thường trú Đài TNVN tại Pháp theo dõi khu vực Tây Âu phân tích rõ hơn vấn đề này

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương (30/5/2022)

Tiếp tục chuyến công du một loạt quốc gia ở Thái Bình Dương, hôm nay (30/05), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ chủ trì cuộc họp cấp ngoại trưởng Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ hai tại Fiji. Đây là lần đầu tiên hội nghị này được tổ chức ở một quốc đảo. Dự kiến, tại hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ công bố một văn bản có tên gọi là “Tầm nhìn phát triển toàn diện”. Giới quan sát nhìn nhận đây là một nỗ lực mới mà Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, khi mà trước đó, Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận quan trọng với quốc đảo Solomon. Những động thái xích lại gần hơn với các quốc đảo ở Thái Bình Dương của Trung Quốc đã khiến Mỹ, Australia và Newzealand lo ngại khi khu vực này đang trở thành tâm điểm trong các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc thời gian gần đây. Những động thái này của Trung Quốc tác động ra sao tới cuộc đua giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Australia ở khu vực Thái Bình Dương và liệu các nước Nam Thái Bình Dương có bị cuốn vào cuộc tranh ảnh hưởng này?

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gây sức ép với phương Tây trong việc Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO (27/5/2022)

Ngay khi Thụy Điển và Phần Lan tuyên bố nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối và nêu lên những mối lo ngại an ninh với quốc gia. Giới chức NATO cho rằng các bên có thể thảo luận để tìm ra giải pháp, hướng tới mở cánh cửa NATO đối với hai quốc gia Bắc Âu. Tuy nhiên việc thảo luận không mấy tiến triển khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn trong vấn đề này. Trong diễn biến mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Thụy Điển và Phần Lan phải có bước đi cụ thể giải quyết sự hiện diện của các tổ chức khủng bố tại hai quốc gia này, đồng thời dọa có thể rút khỏi NATO. Giới phân tích cho rằng những tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ hướng tới Thụy Điển và Phần Lan mà còn nhằm gây sức ép với phương Tây, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây gần đây có khá nhiều khúc mắc.

Nước Mỹ lại dậy sóng vấn đề kiểm soát súng đạn (26/5/2022)

Nước Mỹ lại vừa chứng kiến một vụ xả súng kinh hoàng tại một trường tiểu học ở bang Texas khiến ít nhất 21 người thiệt mạng, trong đó có 19 học sinh. Đây là vụ xả súng tại một trường tiểu học gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ kể từ vụ tấn công tại Connecticut hồi năm 2012, cướp đi sinh mạng của 26 người, trong đó có 20 trẻ em. Một thập kỷ trôi qua, cơn ác mộng xả súng đẫm máu tại Mỹ lại khiến dư luận phải bàng hoàng.
Trong 10 năm qua, hàng nghìn vụ xả súng vẫn liên tiếp xảy ra tại Mỹ, nhưng một khi đã làm tổn thương đến trẻ em - thậm chí rất nhiều trẻ em thì đó là những giới hạn đỏ mà dư luận không thể bỏ qua. Nhưng liệu “đau thương có thể biến hành động” như quyết tâm của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu mới nhất ngay sau vụ xả súng? Bởi câu chuyện kiểm soát súng đạn vẫn là vấn đề nan giải, thách thức khó vượt qua của các đời Tổng thống Mỹ. Liệu Tổng thống Biden có thể làm gì trong bối cảnh vô vàn sức ép đang dồn dập khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến rất gần? Nhà báo Trần Thanh Tuấn - Thông tấn xã Việt Nam, người từng có nhiều năm công tác tại Mỹ cùng phân tích rõ hơn vấn đề này.

Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Quad: Thúc đẩy sự hợp tác mới (25/5/2022)

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm “Bộ tứ kim cương” hay còn gọi là nhóm bộ tứ Quad gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ diễn ra hôm qua tại Tokyo là một trong những sự kiện họp thượng đỉnh quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của khu vực trong năm nay. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh, kinh tế, dịch bệnh và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày một phức tạp, vì thế đây được xem là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác mới giữa 4 quốc gia với những cam kết ngày càng mạnh mẽ hơn. Ngoài việc tái khẳng định quyết tâm của nhóm trong việc bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhóm Bộ tứ Quad còn thảo luận và đưa ra loạt sáng kiến liên quan đến thương mại và an ninh khu vực.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: