logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Khi phụ nữ tự tin khởi nghiệp (19/10/2021)

Trong hơn 810.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì số doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm tới 25%. Phát biểu tại lễ trao giải Phụ nữ Việt Nam và cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh: Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, chiến lược để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, nhằm tạo thuận lợi cho môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam, trong đó có hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp. Tuy vậy, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt với phụ nữ - hành trình khởi nghiệp vốn đã khó khăn lại càng thêm khó. Nhận diện những khó khăn này ra sao? Và điểm tựa nào cho phụ nữ tự tin khởi nghiệp? Bà Lê Thị Khánh Vân - Phó chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Khoa học công nghệ và khởi nghiệp bàn luận về câu chuyện này.

Tiêm vắc-xin cho trẻ em: Điều kiện để trẻ trở lại trường an toàn! (18/10/2021)

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhóm trẻ em được đánh giá là có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn so với người lớn. Mới đây nhất, vụ việc hàng chục học sinh cùng lớp tại trường THCS Chu Hoá, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, mắc Covid 19 đã cho thấy, việc tiêm vắc xin cho trẻ em có ý nghĩa quyết định để các em trở lại trường học an toàn.
- Dù nguồn cung vắc xin tại nước ta còn hạn hẹp, song vào giữa tháng 10 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Vậy chúng ta cần chuẩn bị những gì cho chiến lược tiêm phòng ở trẻ em? Điều quan trọng nhất khi triển khai tiêm ở nhóm đặc biệt này là gì? Và với trẻ em, liệu trào lưu anti vắc xin có diễn ra dưới nhiều hình thức làm ảnh hưởng đến công tác tiêm phòng? Cùng khách mời là TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bàn luận kỹ hơn về nội dung này.

Từ thành công của hiện tượng “Squid Game”: Vấn đề sản xuất và kiểm duyệt phim Việt (15/10/2021)

Bộ phim “Squid Game” – “Trò chơi con mực” của Hàn Quốc vừa lập kỷ lục trở thành phim truyền hình có lượt xem cao nhất lịch sử nền tảng xem phim trực tuyến Netflix với hơn 111 triệu lượt, chỉ sau 4 tuần ra mắt. Thành công vang dội, song bộ phim này cũng nhận được không ít cảnh báo của giới chức một số quốc gia về yếu tố bạo lực kinh dị.
Sức ảnh hưởng và độ lan tỏa của “Squid Game” một lần nữa làm nóng các diễn đàn đóng góp về dự án Luật Điện ảnh Việt Nam (sửa đổi), về vấn đề sản xuất và kiểm duyệt phim, khi nhiều nhà làm phim trong nước đề xuất việc luật này phân loại phim theo độ tuổi, tránh để điện ảnh bị kiểm duyệt bó buộc. Đạo diễn Phan Đăng Di và nhà phê bình phim trẻ Lucas Luân Nguyễn bàn luận câu chuyện này.

Thích ứng an toàn để phục hồi du lịch trong nước (14/10/2021)

Làn sóng thứ tư của dịch Covid 19 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 cho đến nay tiếp tục khiến ngành du lịch Việt Nam vốn đã khó khăn trong thời gian dài, nay lại đứng trước nhiều thách thức. Trong bối cảnh dịch bệnh đang từng bước được khống chế, nhiều địa phương đang có kế hoạch mở cửa, khôi phục ngành công nghiệp không khói trong điều kiện bình thường mới.
Việc du lịch mở lại đón khách trong nước còn nhiều khó khăn, trở ngại, thì ngành du lịch vẫn phải loay hoay tự cứu lấy mình như thay đổi phương án kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, thu hút du lịch trong nước bằng những chiến lược mới. Cùng khách mời là là ông Nguyễn Tiến Đạt, phó chủ tịch câu lạc bộ Du lịch Thủ đô, CEO công ty du lịch AZA sẽ bàn luận rõ hơn về nội dung này.

Những doanh nhân làm thiện nguyện, nhân lên điều tốt đẹp, cùng nhau sớm vượt qua đại dịch(13/10/2021)

Hôm nay, 13/10, ngày doanh nhân Việt Nam. Nhìn lại thương trường gần 2 năm qua: do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nhân-doanh nghiệp đã rời khỏi thương trường, nhưng cũng có nhiều doanh nhân-doanh nghiệp khác nỗ lực trên nhiều khía cạnh - vươn lên mạnh mẽ. Câu chuyện về họ góp phần khẳng định bản lĩnh doanh nhân-doanh nghiệp Việt Nam. Đáng quý hơn cả, không chỉ trụ vững hay biến nguy thành cơ, nhiều người trong số họ tích cực với những hoạt động “vì cộng đồng” – để lại dấu ấn không thể nào quên trong lòng người dân, đặc biệt là người dân nơi tâm dịch.

Những câu chuyện chưa kể của người trong tâm dịch (12/10/2021)

Ngay khi dịch bệnh bước vào giai đoạn nguy cấp nhất, Bộ Y tế đã thành lập 4 Trung tâm Hồi sức Covid 19 quy mô từ 500 đến 1000 giường bệnh tại TP Hồ Chí Minh do 4 BV tuyến Trung ương gồm BV Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức và BV Trung ương Huế vận hành. Trong hơn 2 tháng qua, hàng nghìn y bác sỹ tại các Trung tâm hồi sức Covid các bệnh viện này đã tận tâm tận lực cứu chữa thành công hàng ngàn bệnh nhân nặng và nguy kịch, góp phần đẩy lùi dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh. Theo dự kiến, đến ngày 20/10 này, hàng vạn nhân viên y tế chi viện cho các tỉnh tâm dịch phía Nam sẽ được trở về nhà. Để trò chuyện về những tháng ngày khó quên, những câu chuyện đằng sau công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid 19 nặng và nguy kịch mà không ít thầy thuốc gọi là “3 tháng của đời người”, chúng tôi kết nối với BS Trịnh Thế Anh, Khoa Hồi sức Tích cực từ Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid 19, BV Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh

Xử phạt “nhạc rác”: Đừng để “bắt cóc bỏ đĩa” (11/10/2021)

Trên xu hướng nội dung nổi bật của mạng xã hội Tiktok, giới trẻ đang lan truyền đoạn nhạc nền có lời lẽ phản cảm với hastag #muachoconchieccongtay (mua cho con chiếc còng tay). Đây là một đoạn lời trong ca khúc Censored của Chị Cả - tên thật là Đinh Thanh Tùng, thí sinh cuộc thi King of Rap. Bài rap có ca từ, nội dung được cho là phản cảm, dung tục. Hay mới đây, nhóm Rap Nhà Làm cũng gây bức xúc khi phát hành bài rap Thích ca mâu Chí có nhiều từ ngữ xúc phạm tôn giáo, xuyên tạc hình ảnh của Đức Phật. Đây chỉ là hai ví dụ điển hình trong số nhiều ca khúc bị đánh giá là nhảm, dung tục xuất hiện trên mạng trong thời gian qua. Điều đáng nói là thứ âm nhạc này đang len lỏi, xâm lấn vào đời sống với tốc độ chóng mặt “như một dịch bệnh”, tác động không nhỏ đến người nghe nhạc, nhất là giới trẻ - đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Trong khi, cho đến bây giờ, các cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài cụ thể trong việc xử lý nạn “nhạc rác” trên các phương tiện. Xử phạt “nhạc rác”: Đừng để “bắt cóc bỏ đĩa” là nội dung được BTV Đài TNVN trao đổi cùng nhà báo Nguyễn Mạnh Hà, chuyên viết về mảng âm nhạc của Báo Tiền Phong.

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng (08/10/2021)

Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em trong đó khoảng 2/3 có cơ hội tiếp cận với Internet. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay mọi hoạt động đều dịch chuyển lên Internet, kéo theo rủi ro lớn cho phụ huynh, trẻ em như lộ lọt thông tin, bị lừa đảo, đánh cắp dữ liệu, dụ dỗ lôi kéo, tiếp cận thông tin giả mạo.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số số 830 phê duyệt chương trình ”Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Vậy, làm thế nào để chương trình này là lá chắn để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Khách mời là ông Bùi Duy Thành, chuyên gia an toàn mạng - ChildFund Viet Nam sẽ bàn luận rõ hơn về nội dung này.

Phát ngôn của người nổi tiếng và câu chuyện văn hóa ứng xử (7/10/2021)

Thời gian gần đây cũng có nhiều lùm xùm liên quan đến phát ngôn của những người nổi tiếng, nghệ sĩ cả ngoài đời và trên mạng xã hội. Những phát ngôn thiếu đi sự tích cực, nếu không muốn nói là tiêu cực, thậm chí phóng túng theo kiểu “chợ búa” đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng. Trong khi đó, nghệ sĩ là những người dẫn dắt vẻ đẹp của văn hóa nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội bàn luận về câu chuyện này.

Tranh cãi về quan điểm"Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" (06/10/2021)

Mới đây nổ ra cuộc tranh luận xung quanh quan điểm của một chuyên gia giáo dục ở Hà Nội đưa ra, đó là “giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ”, với không ít băn khoăn, lo lắng “tư cách đạo đức, kỹ năng và kiến thức của trẻ sẽ ra sao với kiểu giáo dục “không phạt”?
Dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Khách mời là TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội bàn luận nội dung này.

Không để doanh nghiệp khó khăn chồng khó khăn (5/10/2021)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị số 27 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp và UBND 28 tỉnh, thành phố, các Bộ, cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp đã kiến nghị về những khó khăn trong sản xuất kinh doanh… Vậy, với chỉ thị này, các tỉnh thành phố và các doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành phục hồi sản xuất như thế nào để chấm dứt việc mỗi tỉnh thành một chính sách riêng? Làm thế nào để doanh nghiệp không phải chịu cảnh khó khăn chồng khó khăn? BTV Lê Tuyết trò chuyện cùng bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) về nội dung này.

Chăm lo đời sống để người lao động yên tâm ở lại (04/10/2021)

Ngay khi TP. HCM và một số tỉnh thành phía Nam nới lỏng giãn cách, hàng chục nghìn người dân đổ về các tỉnh miền Tây và miền Trung khiến các khu cách ly tập trung tại đây quá tải và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra các địa phương. Nhưng điều quan trọng hơn nữa đó là sự thiếu hụt số lượng lớn lao động tại các tỉnh phía Nam khi trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp phục hồi, tái sản xuất trong những tháng cuối năm. Cần làm gì để người lao động yên tâm ở lại, ổn định sản xuất?

Giải pháp nào giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần trong xã hội hiện nay (30/9/2021)

Đại dịch COVID-19 gây ra tổn thất to lớn cho toàn nhân loại suốt 2 năm qua, cướp đi sinh mạng của hơn 4,5 triệu người, gây tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội…, cùng những nỗi đau vô hình không đong đếm nổi. Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt 2 năm qua tại Việt Nam, mỗi ngày chúng ta đều thấy tràn ngập những con số như: Ca mắc, ca nặng, rồi tử vong, số người khỏi bệnh… Nhưng còn một thứ vô hình - những hậu quả gián tiếp của đại dịch thì không thể thống kê. Đó là stress, là những sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tinh thần. Có thể thấy con người trong giai đoạn hiện nay đang phải chịu quá nhiều áp lực, những áp lực đó đã khiến nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, những tổn thương tâm lý kéo dài không được đồng cảm, sẻ chia đã dẫn tới những kết cục đáng buồn.

Làm thế nào để hỗ trợ kịp thời 30.000 tỷ đồng đến tay người người lao động? (20/09/2021)

Trong một cuộc họp bất thường mới đây của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bàn về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết thực hiện việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Có thể khẳng định, Quốc hội, Chính phủ đã có những động thái rất kịp thời, quyết liệt nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Vậy, làm thế nào để những quyết sách của Quốc hội, Chính phủ được triển khai kịp thời, mạnh mẽ đến người lao động vốn dĩ đang rất cần sự hỗ trợ này? Và làm sao để thủ tục hỗ trợ đơn giản, dễ thực hiện?

Tình trạng “lang băm”: Làm gì để chấn chỉnh?(27/9/2021)

Câu chuyện một thầy lang ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang không có bằng cấp chuyên môn, không có giấy phép khám chữa bệnh, chữa hiếm muộn bằng cách quan hệ tình dục với bệnh nhân đang gây xôn xao dư luận. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng “lang băm”, “lang vườn” tràn lan, gây nhiều hệ lụy suốt thời gian qua.
Phải làm gì để sớm chấm dứt tình trạng các thầy lang tự xưng đua nhau "nổ" về khả năng chữa bệnh? Cần truyền thông ra sao để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này? Công tác quản lý của cơ quan chức năng nên có sự thay đổi, điều chỉnh như thế nào để không còn sự nhập nhèm giữa lương y và "lang băm" giữa những bài thuốc thật và... bài thuốc đồn thổi? Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền – Bộ Y tế và bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cùng bàn luận về câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h59-6h00 Báo giờ
6h28-6h30 Quảng cáo
7h00-8h30 Theo dòng TS
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h-10h05 Bản tin TS
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
14h05-14h50 Đối thoại
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: