logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Phòng dịch trong trường học: Cần chủ động trong mọi tình huống (09/11/2021)

Sau 2 năm phòng chống dịch, đến thời điểm này, tất cả các quốc gia đều có chung nhận định, trẻ cần được sống chung một cách an toàn với dịch bệnh, các em cần được đến trường, được học tập trở lại thay vì ở nhà mãi. Song với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay tại nước ta, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ở trẻ vừa mới triển khai và đạt mức rất thấp, khi trẻ đi học trở lại, công tác phòng chống dịch sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn, không rơi vào tình trạng lúng túng, bị động khi xuất hiện những ca bệnh tại cơ sở giáo dục?

Vì sao người dân vẫn hiếu kì tụ tập xem bắt cướp, gỡ bom… bất chấp nguy hiểm? (08/11/2021)

Việc hàng trăm người dân ở thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) tụ tập, xem công an bắt nghi can dùng súng, khống chế con tin ngày hôm qua đã khiến dư luận một lần nữa phải lắc đầu ngao ngán về thói hiếu kỳ, bất chấp rủi ro của số đông này. Đây không phải trường hợp cá biệt người dân tập trung “hóng biến”, xem các vụ trấn áp, bắt cướp có hung khí nguy hiểm.
Thực tế này đã và đang đặt ra rất nhiều câu hỏi: Vì sao người dân lại liều lĩnh như vậy? Cần thay đổi thói hiếu kì, vi phạm pháp luật này ra sao? Cơ quan chức năng cần xử lí quyết liệt vấn đề này như thế nào? Cùng khách mời là nhà báo Hoàng Anh Tú và chuyên gia tâm lí xã hội học Nguyễn Hà Thành bàn luận rõ hơn về nội dung này.

Tái khởi động du lịch quốc tế đảm bảo an toàn và khoa học (05/11/2021)

Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch. Doanh thu du lịch lữ hành sụt giảm, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa.
Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch covid, nhiều địa phương kiểm soát được dịch đã từng bước mở dần du lịch trong nước. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch theo đề xuất của Bộ VH-TT&DL. Ở giai đoạn 1 có 5 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm đón khách. Vậy lộ trình mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch quốc tế khẩn trương, bảo đảm đầy đủ các quy định, triển khai khoa học, an toàn như thế nào trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp? Khách mời là ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch sẽ bàn luận rõ hơn về vấn đề này.

Hàng giả, nhái “ngập” chợ online: Tinh vi trên nhiều nền tảng, nan giải để xử lý (04/11/2021)

Dịch COVID-19 khiến các giao dịch truyền thống giảm, ngược lại, hoạt động mua bán trên mạng xã hội ngày càng bùng nổ kéo theo đó là các đối tượng lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo… chụp ảnh sản phẩm, phát hình trực tiếp (livestream) và đăng bài quảng cáo về sản phẩm không đúng với bản chất thật của hàng hoá, mập mờ về tác dụng.
- Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo về những hành vi quảng cáo sai sự thật khiến tiền mất, tật mang nhưng nhiều người vẫn cả tin và trở thành nạn nhân. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao livestream, quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội lại bát nháo, thật giả lẫn lộn như hiện nay? Và để có thể quản lý các hình thức mua bán hàng online, trong đó có livestream một cách hiệu quả thì pháp luật cần phải có những quy định cụ thể như thế nào? Luật sư Lê Xuân Lộc, Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn T&G – người đã có 20 năm kinh nghiệm xử lý các vụ việc về hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ cùng bàn luận về nội dung này.

Chuẩn bị tâm lý và điều kiện an toàn cho trẻ quay trở lại trường học (3/11/2021)

Tính đến ngày hôm nay có 23 tỉnh, thành cho phép 100% học sinh các cấp đến trường, 16 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 24 tỉnh thành cho học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình. Đặc biệt, sẽ có thêm nhiều tỉnh thành cho học sinh đến trường học trực tiếp trong tháng 11 này, cũng có địa phương quyết định lùi thời gian trở lại trường của học sinh do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian dài gây ra sang chấn nghiêm trọng, tác động đến tâm lý con người khiến chúng ta dễ mắc phải những vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn tinh thần... Đối với lứa tuổi học sinh, sau một thời gian dài sống trong các điều kiện hạn chế đi lại, giao tiếp, học tập trực tuyến kéo dài… khiến cho các em trở thành nhóm đối tượng dễ mắc phải những vấn đề tâm lý nhất.
Mong con sớm trở lại trường học để giảm tải áp lực, nhưng mở cửa trường học trong khi dịch vẫn diễn biến khó lường khiến nhiều phụ huynh vừa mừng, lại vừa lưỡng lự, thấp thỏm. Còn giáo viên phải vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp trên trường. Chưa kể, trở lại trường sau nhiều tháng học online, học sinh khó khăn khi thích ứng với tình hình mới. PGS TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội bàn luận vấn đề này.

Cần giải quyết những nhập nhằng về tác quyền âm nhạc trên mạng Internet như thế nào? (2/11/2021)

Một câu chuyện khá hi hữu vừa xảy ra khi mới đây, nhạc sỹ Giáng Son vừa bị nền tảng chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới Youtube cảnh báo bản quyền chính tác phẩm nổi tiếng của mình là “Giấc mơ trưa”. Youtube cũng yêu cầu nữ nhạc sỹ phải xác minh bản quyền với một đơn vị mà chị chưa từng biết. Tác giả ca khúc “Giấc mơ” đã ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam giải quyết vấn đề này. Sự việc đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều câu hỏi: Vì sao vẫn tồn tại những nhập nhằng về tác quyền âm nhạc trên mạng Internet? Cần có hướng xử lí thế nào trước những bất cập này? BTV Hải Quân trao đổi cùng nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam và nhà báo Kiều Trinh (bút danh Trinh Nguyễn) - chuyên theo dõi mảng văn hóa của báo Thanh niên.

Hà Nội đề xuất đặt 87 trạm thu phí vào nội đô - giảm ùn tắc giao thông và không tăng chi phí?(1/11/2021)

Người dân Thủ đô và cả nước đang đặc biệt quan tâm tới thông tin Hà Nội sẽ “đặt” 87 trạm thu phí, để thu phí giao thông của xe tô vào nội đô. Đề án này dự kiến trình HĐND thành phố vào kỳ họp tháng 12 tới đây. Mục đích đề án là để giảm ùn tắc giao thông, thay đổi hành vi tham gia giao thông và không làm tăng chi phí xã hội.
Theo con số từ Trung tâm quản lý giao thông cộng cộng gửi Sở GTVT Hà Nội, tổng mức đầu tư cho 87 trạm thu phí đặt tại 68 vị trí (từ vành đai 3 vào trung tâm) khoảng hơn 2.600 tỷ đồng. Nguồn tiền này, trong giai đoạn 1 sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn 2 và 3 đầu tư bằng ngân sách hoặc thu hút nhà đầu tư. Vậy việc xây dựng và ban hành chính sách quản lý đô thị đã được các chuyên gia và người dân tiếp nhận như thế nào? Khách mời là Chuyên gia giao thông - TS. Nguyễn Xuân Thủy sẽ bàn luận rõ hơn về nội dung này.

Việc kết dư quỹ bảo hiểm xã hội nói lên điều gì? (29/10/2021)

Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 15, tính đến hết năm 2020, tổng số kết dư của Quỹ BHXH và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt gần 953.078 tỉ đồng. Vậy, việc kết dư quỹ bảo hiểm xã hội nói lên điều gì? Tỷ lệ thu, chi đã hợp lý để vừa tăng quỹ, vừa sử dụng, chi trả hợp lý hay không nhất là khi dịch Covid19 vẫn diễn biến phức tạp, dự báo từ năm nay, nguồn thu quỹ sẽ giảm, chi tăng lên. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội bàn luận về câu chuyện này.

Mạo danh cơ quan điều tra để chiếm đoạt tài sản: Vì sao nhiều người sập bẫy?" (28/10/2021)

Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, trong 1 năm qua cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có 527 vụ đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Giả danh cán bộ cơ quan điều tra gọi điện thoại cho nạn nhân đe dọa vì liên quan đến vụ án đang điều tra. Sau đó, yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản ngân hàng để “phục vụ công tác điều tra”. Thủ đoạn lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn khiến nhiều người “sập bẫy”, mất cả tỷ đồng. Vì sao cơ quan Công an đã liên tục cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”? Làm thế nào để nhận diện và ứng phó với đối tượng nguy hiểm này?

Cảnh báo tình trạng ma túy xâm nhập học đường (27/10/2021)

Thời gian qua, những vụ việc như: 4 học sinh ở Hải Dương tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút; nữ quái; trộn cần sa vào trà sữa đóng chai bán cho học sinh, sinh viên tại Lâm Đồng... khiến dư luận lo lắng về tình trạng ma túy xâm nhập học đường. Mới đây, việc 13 học sinh trường Trung học phổ thông Hoành Bồ, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh dương tính với ma túy sau khi ăn một loại “kẹo lạ” tiếp tục gây hoang mang trong xã hội. Dù công an tỉnh Quảng Ninh vừa kết luận, đây chỉ là “vụ ngộ độc thực phẩm chức năng”, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, song sự việc này một lần nữa cảnh báo tình trạng ma túy thẩm lậu vào học đường hiện nay với những hình thức rất tinh vi. Tiến sỹ Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên Cứu Tâm Lý Người Sử Dụng Ma Túy (gọi tắt là PSD) bàn luận về vấn đề này.

Kiểm tra trực tuyến: Làm thế nào để đảm bảo khách quan, chất lượng (26/10/2021)

Năm học 2021-2022 này, khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng, học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố phải tạm nghỉ học, hình thức học trực tuyến áp dụng ngay từ đầu năm học và dự kiến kéo dài hết học kỳ I. Nhiều trường phổ thông xác định tổ chức kiểm tra trực tuyến để lấy điểm thường xuyên, định kỳ, học kỳ. Lúc này cũng là thời điểm các trường đang chuẩn bị kiểm tra, đánh giá giữa học kỳ I. Tại những nơi học sinh còn phải học trực tuyến và học qua truyền hình, việc kiểm tra, đánh giá sẽ khó hơn so với những nơi học sinh đang được đi học trực tiếp. Bởi vẫn còn đó những học sinh không có phương tiện học tập, đường truyền internet không đảm bảo. Vậy làm sao để “Kiểm tra trực tuyến khách quan, chất lượng?”?

Tránh bệnh thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng (25/10/2021)

Sau 17 năm thực hiện, Luật thi đua - khen thưởng đã đi vào cuộc sống. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua khen thưởng còn tập trung nhiều vào “khen thưởng”, mà chưa chú trọng phát động phong trào “thi đua” một cách mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, giai tầng xã hội; vẫn còn tình trạng “luân phiên nhận giấy khen”…
Luật thi đua, khen thưởng cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn. Vậy làm sao để thi đua thực tế hơn, trách hình thức, thấm sâu từng cơ quan, đơn vị, tạo nên phong trào quần chúng, nhất là trong bối cảnh cả nước đang “gồng mình” chống dịch COVID-19 này? TS Nguyễn Văn Đáng, Viện Xã hội học – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cùng bàn luận, góp tiếng nói vào dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) mà Quốc hội đang thảo luận tại kỳ họp thứ 2. Đây cũng là dự án Luật đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Thế giới phẳng và cạm bẫy đối với trẻ em (22/10/2021)

Tới thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành phố đã quay lại trạng thái bình thường mới, người lớn đã đi làm, nhưng có khoảng 7 triệu 350 nghìn học sinh vẫn đang học trực tuyến, theo ước tính của Bộ GD& ĐT. Khảo sát mới đây của Công ty Cổ phần An toàn Thông tin CyRadar với hơn 1.000 phụ huynh có con đang học trực tuyến tại Hà Nội, thì có tới 75% phụ huynh lo lắng con bỏ học chơi game, khoảng 60% lo con sẽ mải mê sống ảo và có thể dùng thiết bị di động sai mục đích. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ tự học trực tuyến ở nhà khi cha mẹ đều đã đi làm trở lại?

Nói tiếng Việt chèn tiếng Anh là thời thượng, sành điệu hay gây ức chế, phá vỡ “sự trong sáng của tiếng Việt? (21/10/2021)

Chêm xen tiếng Anh vào tiếng Việt khi nói hoặc viết không phải vấn đề mới, song câu chuyện này một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt làm nóng mạng xã hội những ngày qua, sau màn livestream giao lưu với người hâm mộ của của một nữ ca sỹ, diễn viên nổi tiếng. Những cụm từ như “enjoy cái moment này” hay “hoạt activities” của cô ngay lập tức gây bão mạng và tạo ra trào lưu hài hước, nói hoặc viết 1-2 từ tiếng Việt phải chèn thêm 3-4 từ tiếng Anh. Hiện tượng này cũng không phải hiếm trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay, đặt ra nhiều vấn đề về gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Nhiều người đặt câu hỏi: Nói tiếng Việt chêm tiếng Anh là vô tình hay cố ý? Tại sao nhiều người có thói quen và sở thích này? Nói tiếng Việt chèn tiếng Anh ở mức độ, hoàn cảnh thế nào thì chấp nhận được?

Chị Nguyễn Thị Ngọc, người phụ nữ khuyết tật, kiên cường “chiến đấu” với bệnh ung thư (20/10/2021)

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là ngày đặc biệt dành chị em phụ nữ và họ cũng xứng đáng đón nhận những điều tuyệt vời nhất vào tất cả những ngày còn lại. Thế nhưng, có những người phụ nữ không may mắn, mắc phải căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú – lấy đi vẻ đẹp của người phụ nữ nhiều nhất. 18 tuổi, trong một lần tai nạn, chị Nguyễn Thị Ngọc đã mất đi một bên chân. 25 năm sau, chị lại nhận được hung tin mình mắc ung thư vú. Từ đó đến nay chị không chỉ luôn kiên cường chiến đấu với bệnh tật, với số phận, mà còn truyền cảm hứng, lan tỏa năng lượng tích cực đến với những người cùng cảnh ngộ.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h59-6h00 Báo giờ
6h28-6h30 Quảng cáo
7h00-8h30 Theo dòng TS
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h-10h05 Bản tin TS
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
14h05-14h50 Đối thoại
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: