logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang: Nguy cơ một cuộc “đối đầu” (12/4/2021)

Cùng với những điểm nóng khác, những ngày gần đây, căng thẳng khu vực giữa biên giới Nga và Ukraine tiếp tục leo thang. Cuối tuần trước, Nga tuyên bố sẽ không rút quân khỏi đây và để ngỏ khả năng sẽ hành động khi cần thiết. Trong bối cảnh căng thẳng nhanh chóng tại Donbas, Ukraina đã công khai kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này, một động thái “đổ thêm dầu vào lửa” khiến giới chức Nga tức giận.Vậy, điều gì đang xảy ra trong mối quan hệ Nga-Ukraina? Và những căng thẳng hiện nay có tái hiện một kịch bản tương tự như năm 2014 hay không?

Hai vòng đàm phán trong một tuần - những nỗ lực nhằm “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân Iran (09/04/2021)

Sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận trong tuần này tiếp tục là những nỗ lực hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran. Như Đài TNVN đã thông tin, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các bên để tháo gỡ thế bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran đã diễn ra hôm thứ 3 tại Vien (Áo) dù được cho là tích cực, nhưng không đạt được kết quả cụ thể.
3 hôm sau cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên, dự kiến, hôm nay (9/4), theo giờ địa phương, tại Vienna, Áo, Iran và các cường quốc thế giới gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức sẽ có cuộc gặp trực tiếp thứ hai, trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Đáng chú ý, phái đoàn Mỹ tiếp tục tham gia gián tiếp từ một địa điểm gần nơi diễn ra đàm phán, và các nhà đàm phán châu Âu sẽ đảm nhiệm vai trò trung gian.

Động lực mới cho quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ (08/04/2021)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu vừa có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và gặp gỡ với Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdoğan. Đây là lần đầu tiên hai quan chức cấp cao nhất của Liên minh châu Âu cùng họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện thiện chí của cả hai bên trong việc tạo “động lực mới” cho mối quan hệ song phương. Nhưng mặc dù đạt được nhiều điểm chung trong các lĩnh vực như thương mại, biến đổi khí hậu, quản lý dòng người di cư…, giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại khúc mắc lớn liên quan đến vấn đề nhân quyền, đặc biệt phía EU luôn gắn vấn đề nhân quyền như một điều kiện đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu.

Israel: Thách thức thành lập chính phủ liên minh (07/04/2021)

Kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tháng trước, chính trường Israel tiếp tục rơi vào bế tắc khi không có đảng nào giành đủ quá bán số phiếu để tự đứng ra thành lập chính phủ mới. Hai ngày qua, Tổng thống nước này Reuven Rivlin đã phải tiến hành cuộc tham vấn với quan chức các đảng nhằm tháo gỡ tình hình trước thời hạn chót là hôm nay - 7/4.
Công cuộc tìm kiếm người lãnh đạo tại Israel càng phức tạp hơn khi Thủ tướng tạm quyền Benjamin Netanyahu đang đối diện với phiên tòa cáo buộc tham nhũng và sử dụng quyền lực bất hợp pháp. Những kịch bản nào đang chờ đợi chính trường Israel?

Cơ hội “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân Iran (05/04/2021)

Theo kế hoạch, trong tuần này, đại diện các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran họp trực tiếp tại thủ đô Vienna (Áo), thảo luận về thỏa thuận hạt nhân mang tên" Kế hoạch Hành động chung toàn diện" (JCPOA). Cuộc gặp được đánh giá là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, sau gần 3 năm Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua. Trước đó, cuối tuần qua, các quan chức châu Âu và Iran cũng đã có cuộc họp trực tuyến thảo luận về khả năng Mỹ quay trở lại với thỏa thuận và cách thức đảm bảo tất cả các bên thực thi đầy đủ và hiệu quả văn kiện này. Trong một tuyên bố mới đây, người phát ngôn BNG Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ đã nhất trí với các nước còn lại trong Nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ cùng Đức) xác định các vấn đề liên quan đến việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. . Liệu cuộc gặp dự kiến diễn ra ngày mai (06/04), tại Vienna, Áo có tạo cơ hội hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran?

Vì Triều Tiên, Hàn - Trung gác lại bất đồng (2/4/2021)

Hôm nay, Ngoại trưởng Hàn Quốc bắt đầu thăm Trung Quốc và có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị. Mặc dù hai Ngoại trưởng sẽ thảo luận nhiều vấn đề, song dư luận cho rằng mục tiêu chính trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Hàn Quốc là thúc đẩy chương trình nghị sự của Hàn Quốc về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, nhất là sau một số vụ thử tên lửa của Triều Tiên thời gian gần đây. Điều mà dư luận quan tâm là Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ làm cách nào để tìm kiếm được lập trường chung trong vấn đề Triều Tiên, trong bối cảnh hai bên vẫn còn nhiều bất đồng liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của Mỹ cũng như mối quan hệ đan xen phức tạp giữa Mỹ - Trung Quốc – Hàn Quốc.

Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng tại châu Âu (31/3/2021)

Nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao sôi động của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ngụy Phượng Hòa đang có chuyến thăm dài ngày tại châu Âu với nỗ lực đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng tại “Lục địa già”. Sau Hungary, 3 điểm đến trong tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là Hy Lạp, Bắc Macedonia và Serbia. Giới chức Trung Quốc khẳng định chuyến đi nhằm “thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác thiết thực với bộ quốc phòng của các nước châu Âu, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ giữa các lực lượng quân sự phát triển ổn định”. Trong bối cảnh Mỹ đang vận động các quốc gia châu Âu về cùng phía để đối trọng với Trung Quốc, chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc được cho là sẽ mang nhiều thông điệp đến các đối tác cũng như phần nào phản ánh cách tiếp cận của nước này trong mối quan hệ với các nước thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu.

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc và Iran khi ký thỏa thuận hợp tác toàn diện dài 25 năm (30/03/2021)

Sau 5 năm đàm phán, Iran và Trung Quốc đạt được thỏa thuận được đánh giá là lịch sử, mở ra giai đoạn hợp tác mới nhiều triển vọng cho cả hai bên. Không chỉ tăng cường hợp tác về mọi mặt, thỏa thuận này còn tạo đà để hai nước liên minh cùng ứng phó với Mỹ và phương Tây. Để biết rõ về động thái mới nhất, Đại sứ Nguyễn Quang Khai - người có nhiều năm công tác tại khu vực Trung Đông phân tích vấn đề này.

Tính toán mới của Trung Quốc tại Trung Đông (29/3/2021)

Chuyến thăm 6 nước Trung Đông của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Diễn ra 10 ngày sau cuộc đối thoại Trung- Mỹ tại Alaska, chuyến công du của ông Vương Nghị tới Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain và Oman được cho là chuyển tới Mỹ nhiều thông điệp. Trung Quốc cũng không ngần ngại thể hiện một vai trò mới ở Trung Đông khi đề xuất kế hoạch mời Israel và Palestine tổ chức đối thoại cũng như đưa ra các giải pháp mới cho vấn đề hạt nhân Iran.

Quan hệ EU – Trung Quốc: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang" (26/3/2021)

Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang diễn biến rất căng thẳng, sau khi EU trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương và Trung Quốc ngay lập tức đáp trả. Căng thẳng càng bị đẩy lên nấc thang mới, khi cả Trung Quốc và một số nước EU những ngày qua đã triệu Đại sứ của nhau để bày tỏ phản ứng một cách chính thức.
Dù việc trừng phạt lẫn nhau giữa EU và Trung Quốc không có nhiều tác dụng trên thực tế, nhưng lại có tác động rất lớn về mặt ngoại giao, đánh dấu một bước chuyển rõ nét trong cách tiếp cận của EU trong mối quan hệ với Trung Quốc. Đây là một bước thụt lùi lớn kể từ khi hai bên ký kết thỏa thuận đầu tư hồi cuối năm ngoái, thậm chí có ý kiến còn cho rằng mối quan hệ EU – Trung Quốc có nguy cơ đổ vỡ.

Cơ hội cho EU và Mỹ “xây dựng lại liên minh xuyên Đại Tây Dương” (25/3/2021)

Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên minh châu Âu có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dự kiến, Tổng thống Biden phát biểu trước các nhà lãnh đạo EU về hợp tác chống đại dịch Covid-19, giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng nhất trên thế giới. Sự kiện này được coi như một cơ hội để EU và Mỹ “xây dựng lại liên minh xuyên Đại Tây Dương” vốn suy yếu dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, phù hợp với kỳ vọng của cả hai phía. Ông Phạm Phú Phúc - chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế- trao đổi về nội dung này.

Bầu cử Israel, phép thử chính sách của Thủ tướng Benjamin Netanyahu (24/03/2021)

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi 2 năm, Israel phải trải qua 4 cuộc bầu cử để thành lập một chính phủ có khả năng đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Và điều người dân Israel mong chờ vào chính phủ mới là những chính sách ổn định để triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó khủng hoảng, tạo cơ sở vững chắc cho phát triển đất nước, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, tác động tới mọi mặt đời sống của người dân.

Hội nghị Ngoại trưởng NATO – Cơ hội thắt chặt quan hệ đồng minh Mỹ - Châu Âu (23/3/2021)

Hội nghị Ngoại trưởng của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong hai ngày hôm nay và ngày mai tại Brúc-xen, Bỉ. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng nước này sẽ tham dự hội nghị để nhấn mạnh quyết tâm của Chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương – mối quan hệ đã phần nào rạn nứt dưới thời ông Donald Trump. Đây sẽ là cơ sở để NATO hướng tới các mục tiêu đầy tham vọng trong Sáng kiến NATO 2030 nhằm tăng cường khả năng thích ứng của khối trước các mối lo ngại như Nga, Trung Quốc hay các thách thức an ninh khu vực khác. Phóng viên Thúy Ngọc trao đổi với phóng viên Quang Dũng, Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp về nội dung này.

Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Nga: Thông điệp nào gửi tới Mỹ (22/3/2021)

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới Trung Quốc. Đây là động thái ngoại giao được dư luận quan tâm bởi nó có thể hé lộ các bước đi mới nhằm thắt chặt quan hệ Nga - Trung, trong bối cảnh năm 2021 là kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác Nga - Trung Quốc. Bên cạnh đó, chuyến thăm này còn được cho là mang nhiều thông điệp khi nó diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa các quan chức ngoại giao của Trung Quốc và chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Alaska. Để làm rõ những nội dung này, BTV Thu Hà trao đổi cùng chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương.

Cuộc gặp Mỹ - Trung đầu tiên: Ném đá dò đường (19/3/2021)

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Alaska, Mỹ, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Sau nhiều dự đoán, phân tích mối quan hệ Mỹ - Trung kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, đây là sự kiện đầu tiên hé lộ cách tiếp cận trên thực tế của cả hai bên trong mối quan hệ được cho là có ảnh hưởng lớn nhất trong các trục ngoại giao quốc tế.
Là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao nên cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra thận trọng, đồng thời dự liệu sẽ không có bất kỳ thỏa thuận lớn nào có thể đạt được sau cuộc gặp tại Alaska. Nói cách khác, đây sẽ chỉ là bước khởi đầu để hai bên thăm dò lẫn nhau về khả năng điều chỉnh mối quan hệ song phương vốn đang chạm đáy.
Cuộc trao đổi giữa BTV Thúy Ngọc với phóng viên Phạm Huân, Thường trú Đài TNVN tại Mỹ và phóng viên Bích Thuận, Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Trung Quốc phân tích rõ hơn vấn đề này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: