logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Hội nghị "Tương lai châu Á "(FOA 2021) và dấu ấn của Việt Nam (21/05/2021)

Hội nghị Quốc tế lần thứ 26 về "Tương lai châu Á "(FOA 2021) đã chính thức khai mạc ở Tokyo, Nhật Bản. Hội nghị năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến sau một năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Dư luận kỳ vọng, hội nghị lần này sẽ mở khóa nhiều vấn đề nóng như COVID-19, tái kết nối các nền kinh tế, và đặc biệt là định vị châu Á trong bức tranh toàn cảnh thế giới hiện nay.

Chuyến công du Mỹ đầy khó khăn của Tổng thống Hàn Quốc Moon jae In (20/5/2021)

Tổng thống Hàn Quốc MoonJae In bắt đầu chuyến công du 5 ngày tới Mỹ. Sau khi gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Phó Tổng thống và một số quan chức khác của nước chủ nhà, ông MoonJae In sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Việc ông MoonJae In là nguyên thủ thứ hai trên thế giới được ông Joe Biden tiếp đón cho thấy tầm quan trọng của Hàn Quốc với tư cách là đồng minh của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng ở góc độ khác, Hàn Quốc lại bị đánh giá là “mắt xích yếu nhất” trong liên kết của Mỹ tại khu vực, với cách tiếp cận khác biệt với Mỹ trong hàng loạt vấn đề nóng của khu vực như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc… Bởi vậy, chuyến công du của ông MoonJae In tới Mỹ dự kiến sẽ không dễ dàng. Phóng viên Bùi Hùng, thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Nhật Bản, theo dõi khu vực Đông Bắc Á sẽ phân tích rõ hơn vấn đề này.

Mỹ chạy đua giải quyết căng thẳng giữa Israel và Palestine nhằm khẳng định vị thế tại Trung Đông (19/5/2021)

Cuộc xung đột nghiêm trọng giữa Israel - Palestine đang tiếp tục là điểm nóng quốc tế những giờ qua. Trong mục Vấn đề quốc tế ngày hôm qua (18/5), chúng tôi đã bàn về vai trò, nỗ lực của các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc tháo gỡ ngòi nổ căng thẳng tại khu vực. Tuy nhiên, trong hồ sơ nóng hàng đầu Israel - Palestine tại khu vực Trung Đông không thể không nhắc tới vai trò và sự can dự của Mỹ.

Gỡ thế căng thẳng Israel - Palestine: Vai trò của các tổ chức khu vực (18/05/2021)

Chảo lửa Trung Đông tiếp tục nóng lên từng ngày với các đợt nã pháo “ăn miếng trả miếng” không khoan nhượng giữa lực lượng Israel và phong trào Hamas phía Palestine. Các cuộc tấn công đã kéo dài hơn 1 tuần với con số thương vong lên đến hàng trăm người. Trong lúc này, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp “dập lửa” cuộc xung đột Palestine - Israel có nguy cơ bùng lên thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Nếu các cuộc đụng độ này không được ngăn chặn, nó có thể lan sang toàn khu vực Trung Đông và các vấn đề an ninh khác của khu vực. Cùng với Liên hợp quốc, các tổ chức đa phương khác ở khu vực như Liên đoàn A-rập, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cũng được kỳ vọng là những bên giúp gỡ thế căng thẳng hiện nay. Nhưng liệu còn những rào cản gì chi phối sự tham gia tích cực của các tổ chức này?

Hội nghị thượng đỉnh khu vực Tây Balkan, liệu những "giấc mơ" có trở thành hiện thực (17/05/2021)

Theo kế hoạch, hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc khu vực Tây Balkan sẽ diễn ra tại Slovania. Khu vực Tây Balkan được cho là bao gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ “nhỏ” ở châu Âu, nhưng đang ôm một “giấc mơ lớn”, đó là trở thành một phần của Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, khu vực Tây Balkan sẽ nỗ lực như thế nào để vượt qua thách thức và thực hiện giấc mơ vốn khá là xa vời?

Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực hàn gắn quan hệ với các nước Ả-rập (14/5/2021)

Trong nỗ lực mới nhất nhằm hàn gắn quan hệ với các nước Ả-rập, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vừa có cuộc gặp với Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông đến nước này trong nhiều năm qua, trong bối cảnh quan hệ hai nước chạm đáy sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại năm 2018. Hồi giữa tuần trước, giới chức ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập cũng đã cuộc họp tham vấn chính trị về bình thường hóa quan hệ hai nước sau gần một thập niên rạn nứt. Ðây cũng là một trong những bước đi nhằm "phá băng" trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước A-rập, vì lợi ích cũng như nâng cao vị thế của Ankara trong khu vực. Để có cái nhìn rõ hơn về những bước đi tích cực này của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với các nước Ả-rập, phóng Tuấn Nguyễn, thường trú Đài TNVN tại khu vực Trung Đông thông tin về nội dung này.

Triển vọng Hiệp ước Bầu trời Mở sau loạt động thái của Nga - Mỹ (13/5/2021)

Tương lai Hiệp ước Bầu trời Mở lại đang đứng trước các kịch bản mới, sau khi Tổng thống Nga Vladimia Putin thông báo vừa đệ trình lên Hạ viện Nga về việc rút khỏi thỏa thuận này. Đáp lại, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden sau một thời gian lưỡng lự cũng tuyên bố đang xem xét lại quyết định rút nước này khỏi Hiệp ước của chính quyền tiền nhiệm.
Các động thái và tuyên bố này đang báo hiệu tương lai nào cho Hiệp ước Bầu trời Mở? Chuyên gia Nguyễn Đăng Phát - Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương bàn luận về nội dung này.

Leo thang bạo lực giữa Israel và Palestine vẫn chưa có hồi kết (12/05/2021)

Khởi động bằng một cuộc tấn công tên lửa từ dải Gaza vào miền Nam Israel, bạo lực tại khu vực Đông Jerusalem tiếp tục leo thang nghiêm trọng trong những ngày gần đây. Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel với người Palestine liên tục diễn ra với hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, trong khi lực lượng dân quân tại dải Gaza phóng hơn 100 quả rốc-két vào lãnh thổ Israel và Israel đáp trả bằng cách không kích các mục tiêu quân sự trong dải Ga-za. Các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, Liên đoàn Ả-rập đã phải triệu tập các phiên họp bất thường để bàn về những diễn biến căng thẳng tại Jerusalem, nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, với xung đột xuất phát từ những nguyên nhân mang tính lịch sử, với những quan điểm cứng rắn từ cả Israel và Palestine, đâu là cơ hội để “hạ nhiệt” tình hình tại Jerusalem hiện nay?

Scotland nung nấu ý định độc lập: Nước Anh đứng trước thách thức lớn thời hậu Brexit (11/5/2021)

Câu chuyện Scotland đòi tách ra khỏi Vương quốc Anh một lần nữa lại trở thành chủ đề “nóng” tại Xứ sở sương mù khi đảng ủng hộ độc lập của Scotland vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội. Chiến thắng của Đảng Quốc gia Scotland có khả năng tạo tiền đề cho một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của vùng đất này.
Thực chất việc Scotland đòi độc lập khỏi Anh không phải là mới nhưng thời gian qua chủ đề Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) đã “phủ bóng” lên mọi chương trình nghị sự lẫn sự quan tâm của người dân Anh. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, đa số cử tri Scotland không muốn ly khai nhưng khi đó chưa có Brexit. Giờ đây, Anh đã rời khỏi EU, vai trò và chỗ đứng của Anh tại châu Âu đã có sự thay đổi, vì thế, giới chức vùng Scotland đã bắt đầu đánh tiếng về cuộc bầu cử độc lập lần 2.

Nguy cơ khủng hoảng y tế đe dọa các quốc gia châu Á: Bài học từ tâm lý chủ quan (10/05/2021)

Cùng với những điểm nóng xung đột Israel-Palestine, ngày chiến thắng Phát xít ở Nga, thông tin về diễn biến đại dịch COVID19 tại các quốc gia tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Tính đến sáng nay, trang thông tin Worldemerter cho biết đã có 159 triệu người nhiễm COVID19 trên toàn cầu, trong đó hơn 3,3 triệu người tử vong. Một thông tin rất không vui đó là số ca nhiễm mới không ngừng tăng ở nhiều quốc gia châu Á, mà tâm điểm là Ấn độ với đỉnh dịch đang sắp chạm ngưỡng trong một hai ngày tới. Giới chuyên môn đang mô tả làn sóng đại dịch COVID19 như một cuộc khủng hoảng y tế mới có thể sẽ nhấn chìm các quốc gia, đặc biệt là châu Á nếu không dồn toàn lực để chống dịch ở thời điểm hiện nay.

Trung Quốc đình chỉ đối thoại kinh tế cấp cao với Australia: Quan hệ Trung Quốc - Australia liệu sẽ “chạm đáy"? (07/05/2021)

Cùng với những diễn biến nóng của dịch COVID19 trên toàn cầu, quan hệ Trung Quốc - Australia cũng đang khiến giới phân tích quốc tế chú ý. Trong một động thái mới nhất khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia tiếp tục leo thang, Trung Quốc đã quyết định "đình chỉ vô thời hạn" đối thoại thương mại, kinh tế cấp cao với Australia. Đây là bước đi quyết liệt của Trung Quốc nhằm phản ứng trả đũa sau khi Australia có động thái đảo ngược sự tham gia của bang Victoria vào sáng kiến “Vành đai, Con đường” mà Bắc Kinh khởi xướng. Trước đó, phía Trung Quốc cảnh báo sẽ "đáp trả kiên quyết và mạnh mẽ" nếu Australia không thu hồi quyết định về hủy bỏ thỏa thuận liên quan đến Vành đai, Con đường. Liệu các đòn “ăn miếng trả miếng” của Trung Quốc và Australia có đẩy căng thẳng hai nước chạm tới làn ranh đỏ?

Hội nghị G7: Những quan tâm về “các mối đe dọa đang nổi lên” (6/5/2021)

Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 vừa họp tại Anh, trong lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên kể từ hơn 2 năm qua. Cuộc họp trong 2 ngày 4 và 5/5 được coi là sự kiện chuẩn bị cho HNCC G7 tại Cornwall, Anh, tháng 6 tới. Thành lập năm 1975 như một diễn đàn để các quốc gia giàu có nhất phương Tây thảo luận về các cuộc khủng hoảng đang nổi lên, G7 hiện đang quan tâm và tìm cách đối phó với các thách thức chung như quan hệ chính trị căng thẳng với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia rộng lớn và ngày càng quyết đoán, cũng như các vấn đề “nóng” khác từ đại dịch Covid-19 cho đến biến đổi khí hậu… BTV Thanh Huyền trao đổi với PV Quang Dũng – Thường trú Đài TNVN tại Pháp, theo dõi khu vực Tây Âu, về những quan tâm hiện nay trên bàn nghị sự nhóm G7

Nước Mỹ “hồi sinh” từ COVID-19 (5/5/2021)

Các bang New York, New Jersey, Connecticut - từng là tâm dịch Covid-19 của nước Mỹ vừa tuyên bố chính thức mở lại hoạt động hoàn toàn kể từ ngày 19/5 tới đây. Việc các bang tâm dịch mở cửa hoàn toàn trở lại được xem như biểu tượng “hồi sinh” của nước Mỹ sau hơn một năm chao đảo bởi đại dịch Covid-19, khẳng định thành quả chống dịch của chính quyền mới của ông Joe Biden kể từ khi nhậm chức. Với chương trình tiêm chủng vắc-xin thuộc nhóm nhanh nhất thế giới, nước Mỹ kỳ vọng sẽ sớm đưa nền kinh tế phục hồi trở lại, từ đó củng cố vị thế của cường quốc số 1 thế giới trong các lĩnh vực chính trị và ngoại giao.

Các nước Đông Âu bàn cách ứng phó với Nga (04/05/2021)

Các nước Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ucraina vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh chung tại Vacsava, Ba Lan ngày hôm qua (3/5) với nhiều nội dung quan trọng. Không chỉ bàn các vấn đề hợp tác đa phương, Hội nghị còn là diễn đàn để các nước này bàn cách ứng phó với Nga, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Đông Âu vẫn chưa hạ nhiệt liên quan đến các động thái trục xuất các nhân viên ngoại giao mới đây. Vậy quan điểm và động thái của các nước ra sao trong việc ứng phó với Nga?

Tương lai của Afganistan sau khi Mỹ và các lực lượng quốc tế bắt đầu rút quân (3/5/2021)

Cuối tuần qua, Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afganistan theo thỏa thuận đạt được với lực lượng Taliban năm 2020. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ hoàn thành rút hơn 3.000 binh sĩ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút hơn 7.000 binh sĩ vào cuối mùa hè năm nay. Sau thời điểm đó, việc đảm bảo an ninh tại Afganistan sẽ phải do chính phủ Afganistan “tự lực cánh sinh”. Trong bối cảnh lực lượng Taliban vẫn còn kiểm soát khu vực lãnh thổ rộng lớn, trong khi đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afganistan với Taliban vẫn đang “dậm chân tại chỗ”, nhiều người lo ngại việc Mỹ và NATO rút quân sẽ để lại “khoảng trống an ninh” rất lớn mà chính phủ Afganistan chưa thể đảm nhận, thậm chí Afganistan có thể bị đẩy trở lại vòng xoáy bạo lực khi các lực lượng chính trị tranh giành quyền lực. Vậy tương lai nào đang chờ đợi Afganistan sau khi Mỹ và lực lượng quốc tế rút quân? BTV Thúy Ngọc trao đổi với phóng viên Phan Tùng, thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Ấn Độ, theo dõi khu vực Nam Á về vấn đề này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: