logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Căng thẳng Nga-phương Tây và chiến lược đối ngoại của Tổng thống Putin (10/5/2024)

Căng thẳng ngoại giao giữa Nga với các nước phương Tây đang có xu hướng leo thang đáng ngại với loạt động thái, phát ngôn cứng rắn từ hai bên. Trong khi Nga triệu tập Đại sứ Anh và Pháp để phản đối những phát biểu làm gia tăng căng thẳng xung đột tại Ucraina, thì Đức cũng đã triệu hồi Đại sứ nước này ở Nga về nước liên quan đến chiến dịch tấn công gián điệp qua mạng. Mặc dù những phát biểu công kích, trục xuất ngoại giao lẫn nhau hay cấm vận kinh tế khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng diễn tiến theo chiều hướng xấu, nhưng bất chấp điều này, Nga cũng đã nhiều lần khẳng định, luôn muốn đối thoại với các nước phương Tây trên cơ sở bình đẳng. Và trong lễ tuyên thệ nhậm chức hồi giữa tuần này, Tổng thống Nga Putin đã một lần nữa nhắc lại điều này. Vậy, trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Putin sẽ có những ưu tiên gì trong chính sách đối ngoại và những cải cách này tác động thế nào tới phương Tây?

Thúc đẩy hợp tác bền vững Mỹ - Châu Phi (09/05/2024)

Thời gian gần đây, châu Phi chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt giữa các cường quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng của khu vực. Trong cuộc cạnh tranh này, các quốc gia đều sẵn sàng đổ những khoản đầu tư khổng lồ với chương trình nghị sự ưu tiên là thúc đẩy kinh tế, chống nghèo đói hay ứng phó với biến đổi khí hậu... Nhưng lợi ích mà các quốc gia hướng đến đằng sau những chương trình hợp tác này không đơn thuần là kinh tế mà còn là vị thế chiến lược về địa chính trị.

Israel tấn công trên bộ nhằm vào Rafah: Trung Đông diễn biến khó lường (08/5/2024)

Sau nhiều lần đe doạ, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Israel vừa chính thức phát động cuộc tấn công trên bộ và cả trên không nhằm vào thành phố Rafah, nơi có hơn 1 triệu dân thường Palestin đang ẩn náu. Đáng chú ý, động thái này diễn ra ngay sau khi lực lượng Hamas chấp nhận đề xuất ngừng bắn do các nhà trung gian hoà giải Ai Cập và Qatar đưa ra.

Hàn Quốc gắn kết chặt với Autralia và nỗ lực tham gia liên minh Aukus (03/5/2024)

Tại Melbourne, Australia vừa diễn ra cuộc gặp 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước Hàn Quốc và Australia. Tại cuộc gặp này, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Australia, nhắc lại cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và củng cố hợp tác trong bối cảnh chiến lược đang thay đổi. Cũng nhân dịp này, phía Hàn Quốc thông báo, đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc tham gia một phần thỏa thuận đối tác an ninh 3 bên Aukus giữa Mỹ, Anh và Australia. Những động thái gần đây của chính phủ Hàn Quốc trong việc gắn kết chặt chẽ với Australia và nỗ lực tham gia Aukus cho thấy điều gì và tác động ra sao tới khu vực?

Sự thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhìn từ cuộc họp điều hành lãi suất tháng 4 (2/5/2024)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa họp về chính sách tiền tệ trong hai ngày 30/4 và 1/5. Trong đó, vấn đề được dư luận quan tâm nhất là bao giờ FED có thể bắt đầu giảm lãi suất. Nếu như đầu năm, giới đầu tư kỳ vọng FED sẽ sớm giảm lãi suất khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng những dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy các biện pháp kiểm soát lạm phát mạnh tay mà FED áp dụng thời gian qua vẫn chưa mang lại kết quả như kỳ vọng, ảnh hưởng lớn đến quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của cơ quan này. Thời điểm thực hiện cắt giảm lãi suất dự kiến của Mỹ từng được kỳ vọng sẽ diễn ra vào tháng 3, sau đó lùi lại vào tháng 6. Nay tiếp tục lùi lại đến tháng 9, thậm chí một số chuyên gia còn tỏ ra bi quan hơn khi cho rằng có thể phải sang năm 2025 mới có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên. Việc FED thận trọng duy trì chính sách lãi suất cao gia tăng dự cảm về việc kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo lạm phát – yếu tố đè nặng lên triển vọng tăng trưởng trong năm nay. Phóng viên Vũ Hợp, thường trú Đài TNVN tại Mỹ phân tích rõ hơn vấn đề này.

Nhận diện công cuộc chống khủng bố nhân 13 năm ngày thủ lĩnh Al-Qaeda bị tiêu diệt (1/5/2024)

Ngày mai - 2/5 đánh dấu mốc tròn 13 năm trùm khủng bố Osama bin Laden - thủ lĩnh tổ chức Al-Qaeda bị tiêu diệt. Nhìn lại, chiến dịch đột kích bí mật của Mỹ năm 2011 nhằm vào thành phố Abbottabad của Pakistan đã có tác động trên phạm vi toàn cầu; đồng thời cũng bộc lộ những tồn tại và mâu thuẫn tại quốc gia lâu nay vốn được coi là “cái nôi của khủng bố”.

“Sức ép bất thường” với Thủ tướng Israel Netanyahu (30/04/2024)

Chiến dịch kéo dài hơn 7 tháng qua giữa Israel và Hamas khiến hơn 34.000 người Palestine thiệt mạng cũng như phá hủy phần lớn hạ tầng Gaza. Khủng hoảng nhân đạo tại chỗ hiện vô cùng nghiêm trọng. Nguy cơ Tòa án Hình sự quốc tế phát lệnh bắt giữ được mô tả là một “áp lực bất thường” với Thủ tướng Israel Netanyahu. Điều này có thể ảnh hưởng đến chính sách của Israel tại Gaza?

Nhật Bản tìm kiếm lợi ích từ “các nước Nam bán cầu” (29/4/2024)

Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yōko đang có chuyến thăm một loạt các nước Cộng hòa Madagascar, Republic of Cote D'ivoire, Nigieria, Pháp, Sri Lanka và Nepan. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Nhật Bản đến các nước châu Phi thuộc khu vực cận Sahara và hai quốc gia Tây Nam Á và cũng là lần đầu tiên một ngoại trưởng Nhật Bản thăm Cộng hòa Madagascar kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1960. Tại cuộc họp báo trước chuyến đi, Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yōko nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quốc tế chia rẽ và xung đột ngày càng sâu sắc, Nhật Bản cần phải đẩy mạnh hợp tác với các nước đang phát triển và mới nổi, còn gọi là “các nước Nam bán cầu”, đang ngày càng hiện diện mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế. Vậy, với chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yōko tới các nước Nam bán cầu, phía Nhật Bản đang tính toán điều gì trong chính sách đối ngoại của nước này?

Iran nỗ lực hàn gắn quan hệ với Pakistan (26/4/2024)

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vừa có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Pakistan. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai quốc gia Hồi giáo láng giềng tìm cách hàn gắn mối quan hệ sau các cuộc tấn công tên lửa "ăn miếng trả miếng" hồi tháng 1 năm nay. Iran và Pakistan có lịch sử quan hệ không mấy suôn sẻ, nhưng vụ tấn công tên lửa hồi đầu năm nay là vụ việc nghiêm trọng nhất trong nhiều năm. Chính vì thế mà chuyến thăm tới Pakistan lần này của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện và củng cố hơn nữa quan hệ song phương. Trong bối cảnh chảo lửa Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc Iran hàn gắn quan hệ với Pakistan tác động ra sao tới an ninh khu vực?

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc nhằm nỗ lực giảm bất đồng (25/04/2024)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du Trung Quốc từ ngày 24-26/4. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ kể từ tháng 6 năm ngoái, được kỳ vọng sẽ tăng cường quan hệ ngoại giao trong bối cảnh hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng trong hàng loạt vấn đề.

Nhiều thỏa thuận quan trọng được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới Iraq (24/4/2024)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có chuyến thăm tới Iraq để tăng cường hợp tác song phương. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tayyip Erdogan tới Iraq sau hơn một thập kỷ và được đánh giá là bước ngoặt trong quan hệ giữa hai quốc gia. Trong chuyến thăm, ông Tayyip Erdogan đã cùng Thủ tướng nước chủ nhà ký kết thỏa thuận khung nhằm tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như an ninh, năng lượng, kinh tế… - thỏa thuận mà hai nước đánh giá là tạo lộ trình cho sự hợp tác chiến lược và bền vững. Điều mà dư luận quan tâm là vì sao hai quốc gia từng có nhiều bất đồng liên quan đến các vấn đề như năng lượng, nguồn nước, hoạt động của Đảng Công nhân người Cuốc (PKK)… lại có thể tiến tới thỏa thuận mang tính chiến lược như vậy. Phóng viên Bá Thi, thường trú Đài TNVN tại Ai Cập, theo dõi khu vực Trung Đông phân tích rõ hơn vấn đề này.

Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và con đường” với các nước phía Nam (23/04/2024)

Trong chuỗi các hoạt động ngoại giao đáng chú ý ở khu vực, chuyến công du 6 ngày của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Papua Niu Ghi-nê, Indonesia và Campuchia cũng là thông tin được giới quan sát quan tâm. Trung Quốc hy vọng chuyến thăm của ông Vương Nghị sẽ giúp thực hiện sự đồng thuận mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt được với lãnh đạo ba nước và thực hiện các dự án chất lượng cao trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Thông điệp từ việc Triều Tiên thử đầu đạn siêu lớn cho tên lửa hành trình (22/4/2024)

Cuối tuần qua, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm đầu đạn siêu lớn cho tên lửa hành trình chiến lược, cũng như phóng thử tên lửa phòng không kiểu mới ở vùng biển phía Tây Bán đảo Triều Tiên. Đây là vụ phóng tên lửa hành trình thứ 6 của Triều Tiên trong năm nay. Các động thái này cho thấy thông điệp gì từ phía Triều Tiên?

“Cuộc bầu cử lớn nhất thế giới định hình tương lai Ấn Độ” (19/04/2024)

Hôm nay - 19/4, Ấn Độ khởi động cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là lớn nhất thế giới với những kỷ lục mà không cuộc bầu cử nào có được. Đó là đông cử tri đi bầu nhất, cuộc bầu cử có chi phí tốn kém nhất, các lá phiếu được thu thập ở điểm bầu cử cao nhất hơn 4.600m….

Sách Xanh ngoại giao năm 2024 của Nhật Bản (18/4/2024)

Chính phủ Nhật Bản vừa công bố Sách Xanh ngoại giao năm 2024 của nước này. Đây được đánh giá là tài liệu quan trọng của Bộ ngoại giao Nhật Bản nhằm đánh giá tổng quát tình hình và định hướng chính sách ngoại giao trong năm tài khóa 2024. Đáng chú ý trong Sách Xanh ngoại giao năm 2024, Nhật Bản đã có những mô tả mềm mỏng hơn, thể hiện sự cải thiện trong quan hệ với các nước láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc. Cùng với đó, một số điểm mới của Sách Xanh ngoại giao năm nay cũng đã thể hiện nhiều chuyển dịch chính sách của Nhật Bản với các nước Nam Bán cầu, khu vực Đông Nam Á.

Singapore trước thời điểm chuyển giao quyền lực lần thứ 4 (17/04/2024)

Sau 2 thập niên, Singapore sẽ chính thức có thế hệ lãnh đạo thứ 4. Ngày chuyển giao vị trí lãnh đạo của Singapore đã được ấn định vào ngày 15/5 tới với việc Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ tài chính Lawrence Wong sẽ chính thức trở thành Thủ tướng, tiếp nhận vị trí của ông Lý Hiển Long.

Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc nhắm tới nhiều mục tiêu (16/04/2024)

Thủ tướng Đức đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày với trọng tâm thúc đẩy kinh tế và hợp tác toàn diện với Bắc Kinh. Hôm nay (16/4), Thủ tướng Đức sẽ hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh. Trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng, chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Olaf Scholz trong năm nay được cho tiếp tục củng cố trục quan hệ Đức-Trung đồng thời có thể làm giảm bớt những căng thẳng EU-Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.

Trung Đông sau động thái tấn công trả đũa Israel của Iran (15/4/2024)

Tình hình Trung Đông tiếp tục chạm tới đỉnh điểm căng thẳng sau các vụ tấn công trả đũa của Iran và các đồng minh nhắm vào lãnh thổ Israel. Chỉ vài giờ sau khi phát động cuộc tập kích quy mô lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình vào Israel, giới chức Iran tuyên bố kết thúc đòn đáp trả. Đã có nhiều kịch bản đặt ra sau động thái tấn công trả đũa của Iran. Việc Israel tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng các cuộc tấn công trả đũa Iran; việc Tổng thống Mỹ Joe Biden họp khẩn cấp Hội đồng An ninh quốc gia đồng thời cam kết đứng về phía Israel ngăn chặn các động thái tấn công từ Iran đã đẩy Trung Đông đứng trước những tình thế đặc biệt nguy hiểm.

Tác động của kết quả bầu cử Quốc hội Hàn Quốc với chính quyền đương nhiệm (12/4/2024)

Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc đã giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 10/4 vừa qua với tỷ lệ 161 ghế trong tổng số 254 ghế tranh cử trực tiếp. Trong khi đó, Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền chỉ giành được 90 ghế. Kết quả này đồng nghĩa với một thất bại nữa của đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền và dự kiến hoạt động điều hành nhà nước của Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ thêm nhiều khó khăn trong nửa cuối nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2027. Vậy, với chiến thắng giành cho Đảng Dân chủ đối lập trong cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ đối mặt với những thách thức gì và kết quả này tác động ra sao tới các chính sách đối nội và đối ngoại Hàn Quốc trong thời gian tới?

Định hình liên minh 3 bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động tới khu vực (11/04/2024)

Ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên với Nhật Bản và Philippines. Đón tiếp Thủ tướng Nhật và Kishida Fumio và Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos lần này, ông Biden muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế và quốc phòng, trong bối cảnh Washington và các đồng minh đều đang tìm cách ứng phó với những nguy cơ an ninh trong khu vực và toàn cầu, như vấn đề Biển Đông, Triều Tiên, xung đột Ukraina hay Dải Gaza.

Israel đang thay đổi chiến lược ở Gaza (10/04/2024)

Khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bước sang tháng thứ 7, Israel bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Khan Yunes miền Nam Gaza với lời giải thích là để tái bố trí lực lượng “chuẩn bị cho những chiến dịch mới”. Ngay sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đã xác định thời điểm bắt đầu cho cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah – nơi được cho là căn cứ ẩn náu cuối cùng của Hamas.

Liên minh Mỹ - Nhật trước “bước ngoặt lịch sử” (09/04/2024)

Trước khi lên đường tới Mỹ, Thủ tướng Kishida đã nhận định căng thẳng địa - chính trị leo thang đang đẩy thế giới đến “bước ngoặt lịch sử” và buộc Nhật Bản phải thay đổi chính sách an ninh, củng cố thế trận phòng thủ. Trong bối cảnh đó, liên minh Mỹ - Nhật càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, từ đó thúc đẩy các sáng kiến hiện đại hóa quan hệ liên minh để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức trong khu vực.

Pháp làm mới quan hệ với “Lục địa Đen” (08/4/2024)

Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đang có chuyến thăm tới 3 nước châu Phi gồm Kenya, Rwanda và Cote D'ivoire. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Pháp Sejourne đến châu Phi trên cương vị người đứng đầu ngoại giao Pháp. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và một số quốc gia từng là thuộc địa tại châu Phi xấu đi trong thời gian gần đây, chuyến thăm tới châu Phi lần này của Ngoại trưởng Pháp Sejourne hướng tới việc đổi mới quan hệ với châu Phi và xây dựng "những mối quan hệ đối tác cân bằng" có lợi cho lục địa này.

Những vấn đề “nóng” gì được các Ngoại trưởng NATO bàn thảo trong Hội nghị diễn ra trong hai ngày 3-4/4 tại Bruxelles, Bỉ? (04/04/2024)

Không chỉ những vấn đề lớn của khối và công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tháng 7 tới, nhiều vấn đề nóng hiện nay cũng được các Ngoại trưởng NATO bàn thảo, nổi bật là phương thức và khoản hỗ trợ mới dành cho Ucraina có giá trị lên đến hơn 100 tỷ Euro. Cuộc trao đổi với Thiếu tướng - GS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.

Bùng phát căng thẳng Israel – Iran, xung đột Trung Đông thêm phức tạp (3/4/2024)

2 tướng cấp cao và 5 cố vấn quân sự Iran thiệt mạng trong vụ không kích nhằm vào Lãnh sự quán nước này tại Syria (Xi-ri) – vụ việc bất ngờ này đang thổi bùng căng thẳng giữa Israel và Iran. Phía Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công này và thề sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả nhằm vào cả Israel và Mỹ. Là hai thế lực kình địch có tiềm lực hùng mạnh nhất ở Trung Đông, căng thẳng giữa Israel và Iran được cho là có thể diễn biến rất phức tạp. Sự phức tạp đó không chỉ liên quan đến mối quan hệ song phương mà còn có sự đan xen với cuộc xung đột đang diễn biến khó lường ở khu vực hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas, đe dọa những nỗ lực hòa giải và cứu trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế ở dải Gaza. Phóng viên Bá Thi, thường trú Đài TNVN tại Ai Cập, theo dõi khu vực Trung Đông phân tích rõ hơn vấn đề này.

Sức ép trong nước và quốc tế đối với CP Israel tăng cao: Liệu xung đột ở Gaza có thay đổi (02/04/2024)

Gần 6 tháng sau cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, một chiến dịch biểu tình kéo dài 4 ngày của người dân Israel đang diễn ra nhằm yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Chính phủ từ chức. Đây là đợt biểu tình phản đối Chính phủ lớn nhất tại nước này kể từ khi xung đột nổ ra ở Dải Gaza hồi đầu tháng 10/2023. Trước đó, Mỹ - đồng minh của Israel - bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có nội dung kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, động thái gần như là “một cú sốc” đối với Israel.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Pháp, Bỉ : củng cố lập trường đồng minh trong các vấn đề nóng về an ninh toàn cầu (01/4/2024)

Hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tới Pháp và Bỉ. Tại chặng dừng chân đầu tiên là Pháp, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp Tổng thống Pháp Macron để bàn về nhiều vấn đề nóng như việc hỗ trợ Ukraine, tìm giải pháp ngăn chặn xung đột leo thang ở dải Gaza hay ổn định tình hình ở Haiti. Còn tại Bỉ, ông Antony Blinken sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trùng với dịp kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức này, vào ngày 4/4. Vì sao chuyến thăm lần này lại được coi là cơ hội để Mỹ củng cố lập trường với các đồng minh châu Âu trong các vấn đề an ninh nóng của thế giới?

“Tổng thống Pháp thăm Brazil hàn gắn quan hệ song phương” (29/03/2024)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Brazil với kết quả đáng chú ý trên nhiều lĩnh vực hợp tác song phương như an ninh – quốc phòng, kinh tế, bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, hai bên đã cùng chia sẻ tầm nhìn về sự cân bằng quyền lực – nơi các quốc gia tự chủ chính sách phát triển của mình mà không bị cuốn vào xung đột giữa các cường quốc.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao: Vượt qua thách thức, vì tương lai phát triển bền vững (28/3/2024)

Được ví như Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thuỵ Sỹ, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024 đang diễn ra tại Hải Nam (Trung Quốc) từ ngày 26-29/3. Với chủ đề “Châu Á và thế giới: Thách thức chung, trách nhiệm chung”, sự kiện được đánh giá tiếp tục là một kênh hiệu quả để lãnh đạo các nước, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, giới chuyên gia trao đổi ý kiến, quan điểm về các vấn đề kinh tế đang nổi lên hiện nay. Trong bối cảnh khu vực và thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi khó khăn, đối diện nhiều rủi ro và thách thức cả kinh tế và địa chính trị, châu Á cần tập trung vào những lĩnh vực, giải pháp nào để thúc đẩy liên kết, nhanh chóng đưa kinh tế vào quĩ đạo phát triển? Bên cạnh đó, sự kiện lần này liệu có hé lộ chính sách ngoại giao, kinh tế lớn nào của chủ nhà Trung Quốc như thường lệ?

An ninh nội địa tại các quốc gia Châu Âu sau vụ tấn công khủng bố ở Liên bang Nga (27/3/2024)

Vụ tấn công khủng bố chấn động ở Nga diễn ra cuối tuần qua, đã khiến châu Âu cảnh giác cao độ về mối đe dọa khủng bố. Hội đồng An ninh Quốc gia Tây Ban Nha mới đây cũng đã đưa ra cảnh báo Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ thực sự và trực tiếp về các mối đe dọa khủng bố gia tăng do các cuộc xung đột ở Gaza và Ucraina. Nhiều quốc gia châu Âu đã đồng loạt thắt chặt an ninh, nâng cao cảnh giác trước hiểm họa khủng bố trở lại “lục địa già” này, trong bối cảnh chuẩn bị đón Lễ Phục sinh vào tuần tới. Nền an ninh lục địa già đang ra sao trước nguy cơ tấn công khủng bố, đặc biệt là từ các nhóm Hồi giáo cực đoan? BTV Quỳnh Hoa đến với những phân tích của phóng viên Anh Tuấn, thường trú Đài TNVN tại Pháp, theo dõi khu vực châu Âu phân tích vấn đề này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: