logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Các nước Đông Âu bàn cách ứng phó với Nga (04/05/2021)

Các nước Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ucraina vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh chung tại Vacsava, Ba Lan ngày hôm qua (3/5) với nhiều nội dung quan trọng. Không chỉ bàn các vấn đề hợp tác đa phương, Hội nghị còn là diễn đàn để các nước này bàn cách ứng phó với Nga, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Đông Âu vẫn chưa hạ nhiệt liên quan đến các động thái trục xuất các nhân viên ngoại giao mới đây. Vậy quan điểm và động thái của các nước ra sao trong việc ứng phó với Nga?

Tương lai của Afganistan sau khi Mỹ và các lực lượng quốc tế bắt đầu rút quân (3/5/2021)

Cuối tuần qua, Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afganistan theo thỏa thuận đạt được với lực lượng Taliban năm 2020. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ hoàn thành rút hơn 3.000 binh sĩ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút hơn 7.000 binh sĩ vào cuối mùa hè năm nay. Sau thời điểm đó, việc đảm bảo an ninh tại Afganistan sẽ phải do chính phủ Afganistan “tự lực cánh sinh”. Trong bối cảnh lực lượng Taliban vẫn còn kiểm soát khu vực lãnh thổ rộng lớn, trong khi đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afganistan với Taliban vẫn đang “dậm chân tại chỗ”, nhiều người lo ngại việc Mỹ và NATO rút quân sẽ để lại “khoảng trống an ninh” rất lớn mà chính phủ Afganistan chưa thể đảm nhận, thậm chí Afganistan có thể bị đẩy trở lại vòng xoáy bạo lực khi các lực lượng chính trị tranh giành quyền lực. Vậy tương lai nào đang chờ đợi Afganistan sau khi Mỹ và lực lượng quốc tế rút quân? BTV Thúy Ngọc trao đổi với phóng viên Phan Tùng, thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Ấn Độ, theo dõi khu vực Nam Á về vấn đề này.

Bùng phát làn sóng mới đại dịch Covid-19 từ Ấn Độ, Đông Nam Á: Bài học cảnh tỉnh cho thế giới (30/4/2021)

Toàn cầu một lần nữa lại chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca mắc Covid-19 và tâm điểm giờ đây là Châu Á. Làn sóng thứ nhất, thứ 2, thậm chí là thứ 3, thứ 4 đã diễn ra ở rất nhiều quốc gia. Thực tế đang diễn ra ở Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia đang khiến các hoạt động bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí bị đảo lộn nhiều mặt về kinh tế - xã hội. Đã đến lúc, việc tuân thủ các chỉ dẫn y tế trong phòng chống Covid-19 của Tổ chức y tế thế giới là điều quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia, mỗi người dân. Bên cạnh đó là sự chuẩn bị cho những làn sóng mới của đại dịch, bởi ngay cả một số quốc gia giàu mạnh nhất thế giới cũng có thể bị đẩy vào thế không sẵn sàng và để lộ sự thất bại chung trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp. “Đừng chủ quan lơ là, chờ có dịch mới lo chống” - Đó là những bài học mà BTV Đài TNVN phân tích khi nhìn vào bức tranh về làn sóng mới của đại dịch Covid-19 đang bùng phát tại Ấn Độ và một số nước láng giềng.

Cạnh tranh địa chính trị nước lớn trên không gian vũ trụ (28/4/2021)

Cùng với những điểm nóng tại Trung Đông, dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia châu Á, câu chuyện tàu vũ trụ Crew Dragon Endeavour của Công ty hàng không vũ trụ SpaceX (Mỹ) mang theo 4 phi hành gia đã ghép nối thành công với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang hâm nóng dư luận. “Nóng” là bởi đây là bước đi mới nhất trong cuộc đua nhằm đưa người lên Mặt trăng lần đầu tiên trong thế kỷ 21. Bên cạnh chinh phục và thám hiểm Mặt trăng, Sao Hỏa cũng nằm trong “tầm ngắm” của cuộc chạy đua khám phá vũ trụ đầy gay cấn, với 3 “tay đua” đang dẫn đầu lúc này là Mỹ, Nga, Trung Quốc. Nói cách khác, sự kiện này chỉ là một mốc đánh dấu sự cạnh tranh gay gắt đang diễn ra giữa các cường quốc.

Lối thoát nào cho cuộc đối đầu Nga – Mỹ? (27/4/2021)

Cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể diễn ra vào tháng 6 tới. Đó là thông tin từ giới chức Nga sau khi xem xét đề xuất của phía Mỹ về một cuộc đối thoại song phương. Đây thực sự là một tín hiệu tích cực và đáng chú ý trong bối cảnh mối quan hệ Nga – Mỹ vốn đang rơi vào “vòng xoáy” đối đầu mới, với các đòn trừng phạt ngoại giao và kinh tế qua lại chỉ trong vòng 2 tuần qua. Liệu một cuộc họp thượng đỉnh Putin-Biden có thể diễn ra nhằm hóa giải những căng thẳng hiện nay? Khả năng nào cho việc “cài đặt lại” quan hệ Nga – Mỹ?

Tổng thống Mỹ thừa nhận vụ diệt chủng người Armenia: Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ bước vào vòng xoáy căng thẳng mới” (26/4/2021)

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần qua thừa nhận vụ việc đế chế Ottoman sát hại hơn 1,5 triệu người Armenia năm 1915 là tội ác “diệt chủng”, khiến dư luận khá bất ngờ. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ chính thức thừa nhận vụ diệt chủng nhằm vào người Armenia, xảy ra hơn 1 thế kỷ. Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia kế thừa Đế chế Ottoman) đã lên tiếng phản đối gay gắt tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ– ông David Satterfield lên để phản đối. Lo ngại biểu tình sau tuyên bố của Tổng thống Joe Biden, Mỹ cũng đã đóng cửa tạm thời các cơ quan ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những động thái này dự báo: với tuyên bố thừa nhận vụ diệt chủng xảy ra năm 1915, rất có thể quan hệ Mỹ-Thổ rơi vào căng thẳng chạm đáy, rất khó dự báo về tương lai mối quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ những ngày tới.

HNCC đặc biệt ASEAN thảo luận các vấn đề khu vực, trong đó có cuộc khủng hoảng Myanmar (23/4/2021)

Ngày 24/4, tại thủ đô Jakarta, Indonesia, lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ nhóm họp trực tiếp nhằm thảo luận về các nỗ lực xây dựng cộng đồng, quan hệ đối ngoại và các vấn đề khu vực, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Myanmar. Kế hoạch tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN này đã được nước chủ nhà Indonesia thúc đẩy trong vài tuần qua, với sự ủng hộ của Malaysia, Brunei, Singapore và Philippines. Brunei nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, đã lên tiếng ủng hộ tổ chức hội nghị thảo luận về các diễn biến tại Myanmar và cho biết đã yêu cầu các quan chức chuẩn bị cho cuộc họp này tại Jakarta. Trong một tuyên bố chung với Malaysia, Brunei cho biết cả hai nước đã yêu cầu các bộ trưởng và quan chức cấp cao của mình tiến hành “các bước chuẩn bị cần thiết cho cuộc họp sẽ được tổ chức tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia”. Trước đó, tháng 3 vừa qua, bộ trưởng ngoại giao 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã họp trực tuyến đặc biệt thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar.

Thông điệp liên bang và tầm nhìn đối nội, đối ngoại của nước Nga (22/4/2021)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội với nhiều nội dung quan trọng. Sự kiện đặc biệt thu hút dư luận trong bối cảnh, nước Nga đang đứng trước hàng loạt thách thức chưa từng có về nhiều mặt, như đại dịch Covid-19, nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp, căng thẳng Nga - Ucraina... Vậy người đứng đầu nước Nga muốn truyền đi thông điệp gì qua thông điệp liên bang mới nhất? Đâu là tầm nhìn đối nội, đối ngoại của nước Nga trong giai đoạn hiện nay?

Nhật Bản thúc đẩy trả lương qua hình thức thanh toán điện tử (21/04/2021)

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vừa đề xuất các cải cách trong việc chi trả lương, theo đó thành lập một hệ thống giúp thúc đẩy các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên qua hình thức thanh toán điện tử. Đây được xem là nỗ lực của Tokyo nhằm thúc đẩy một xã hội không tiền mặt.

Căng thẳng với Nga, Ukraine có thể chờ đợi gì từ EU?(21/04/2021)

Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu vừa họp trực tuyến, thảo luận tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine tại khu vực biên giới. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Nga điều động số lượng lớn binh sĩ tới khu vực biên giới giáp Ukraine – động thái được đánh giá là phép thử đối với phương Tây và có nguy cơ tạo ra đụng độ nguy hiểm ở khu vực Donbas.
Sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi châu Âu hỗ trợ quốc gia này ứng phó với Nga, dư luận chờ đợi châu Âu sẽ có động thái rõ ràng hơn sau cuộc họp trực tuyến của các Ngoại trưởng. Nhưng bên cạnh những tuyên bố thể hiện sự quan ngại một cách chung chung, các Ngoại trưởng châu Âu đã không thông báo một bước đi cụ thể nào, trong khi ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu tuyên bố khối này không có kế hoạch áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Nga.

Liệu có thể hình thành “Trục chiến lược” mới ở phía Đông Địa Trung Hải? (20/04/2021)

Israel, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp cấp ngoại trưởng, nhấn mạnh nỗ lực xây dựng “một giai đoạn mới cho thịnh vượng và hòa bình của khu vực”. Đây cũng là sự kiện tiếp nối những hoạt động ngoại giao song phương và đa phương sôi động ở khu vực thời gian qua, làm dấy lên câu hỏi: Phải chăng ý tưởng về một “trục chiến lược mới” ở phía Đông Địa Trung Hải đang dần hình thành?

Nga trong vòng xoáy trả đũa ngoại giao với Séc và Ucraina (19/4/2021)

Cuối tuần qua, thế giới chứng kiến căng thẳng ngoại giao leo thang nghiêm trọng giữa Nga với hai nước Cộng hòa Séc và Ucraina. Ngày 17/04, Cộng hòa Séc đã trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga do tình nghi những người này là các sĩ quan tình báo Nga. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ucraina đã yêu cầu nhà ngoại giao cấp cao của Đại sứ quán Nga tại Kiev rời khỏi Ucraina để đáp trả việc Nga bắt giữ và trục xuất Tổng lãnh sự Ucraina ở Saint-Petersburg. Các động thái này đang thổi bùng mâu thuẫn giữa Nga và các quốc gia vốn nhiều hiềm khích, đồng thời đẩy các nước này vào vòng xoáy trả đũa, dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương, người có nhiều năm nghiên cứu về Nga và khu vực Đông Âu trao đổi về vấn đề này.

Củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden (16/4/2021)

Hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington. Cuộc gặp thượng đỉnh thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế bởi ông Suga Yoshihide là nguyên thủ đầu tiên thăm chính thức Mỹ và gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1, trong khi với ông Suga Yoshihide, đây cũng là cuộc gặp đầu tiên của ông với một Tổng thống Mỹ kể từ khi nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái. Nhật Bản được xem là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực, vì vậy hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về cách tiếp cận chiến lược đối với một loạt vấn đề đang nổi lên ở châu Á – Thái Bình Dương như chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc… Giới phân tích nhận định rằng, nếu tìm được cách tiếp cận thích hợp, mối quan hệ Mỹ - Nhật Bản sẽ là nhân tố quan trọng trong việc duy trì ổn định ở khu vực.

Đàm phán hạt nhân Iran trước những động thái cứng rắn của các bên liên quan (15/04/2021)

Hôm nay (15/4), vòng đàm phán mới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện tiếp tục được nối lại với sự tham gia của Iran và các cường quốc thế giới gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức. Cuộc đàm phán mới này diễn ra trong bối cảnh các bên liên quan có những động thái cứng rắn, khiến dư luận lo ngại về khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nga nỗ lực tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông, Bắc Phi (13/4/2021)

Trong một nỗ lực nhằm tiếp tục tăng cường vị thế và ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đang có chuyến công du hai quốc gia địa chiến lược là Ai Cập và Iran. Không chỉ tăng cường quan hệ, hợp tác song phương, chuyến công du còn nhằm cân bằng và cạnh tranh với nỗ lực của nhiều nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc thời gian gần đây liên tục cử các quan chức hàng đầu đến khu vực này.
- Nga đang tính toán gì khi tìm đến Ai Cập và Iran trong bối cảnh hiện nay? Chính sách với khu vực của Nga liệu có điều chỉnh nào đáng kể trong bối cảnh mới? Ông Nguyễn Đăng Phát - Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương làm rõ vấn đề này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: