logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Những thách thức tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Indonesia (15/11/2022)

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm nay bắt đầu diễn ra tại Indonesia. Được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nhất của năm, hội nghị diễn ra trong hai ngày và sẽ tập trung thảo luận các vấn đề ưu tiên là an ninh lương thực và năng lượng, cấu trúc y tế toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số. Có thể thấy những vấn đề mà nước Chủ tịch G20 Indonesia đưa vào chương trình nghị sự đều cấp thiết và gai góc, trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới đang có nhiều biến động. Vì vậy, dư luận thế giới đang rất chờ đợi Indonesia sẽ phát huy vai trò của nước Chủ tịch G20 trong năm nay như thế nào để có thể dung hòa quan điểm, lợi ích rất khác biệt của các quốc gia trong G20, để Hội nghị thượng đỉnh lần này có thể đạt được những kết quả thiết thực. Cuộc trao đổi với phóng viên Phạm Hà, thường trú Đài TNVN tại Indonesia sẽ phân tích cụ thể hơn vấn đề này.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung: Cơ hội để tháo gỡ bất đồng (14/11/2022)

Hôm nay (14/11), tại Bali, Indonesia, trước thềm HNCC Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những nỗ lực duy trì và làm sâu sắc hơn nữa các đường dây liên lạc”, cũng như “cách thức quản lý cạnh tranh” và “hợp tác với nhau khi lợi ích song trùng, đặc biệt là liên quan đến những thách thức xuyên quốc gia”. Trước đó, phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông hy vọng sẽ tìm thấy một cơ hội thỏa hiệp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để góp phần hạ nhiệt một số căng thẳng khu vực. Liệu cuộc gặp có tạo được cơ hội để tháo gỡ bất đồng?

ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức (11/11/2022)

Hôm nay, 2 Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 chính thức khai mạc tại Phnôm Pênh, Campuchia. Cùng với đó là hàng loạt các hội nghị cấp cao liên quan với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính... Đây là loạt hội nghị quan trọng cuối cùng trong Năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và các đối tác đối thoại. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự sự kiện này. Hội nghị cấp cao lần này đánh dấu sự nối lại đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo sau hơn 2 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Với chủ đề "ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức", nhiều vấn đề trọng tâm sẽ được thảo luận như hợp tác phục hồi kinh tế khu vực, phối hợp tìm kiếm các giải pháp cho các điểm nóng của khu vực cho đến vấn đề nâng cấp quan hệ đối tác giữa ASEAN với các đối tác nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ. Phóng viên Văn Đỗ, Đài TNVN thường trú tại Campuchia phaann tích sự kiện quan trọng này.

ASEAN cần đoàn kết và quyết tâm đạt được COC có tính ràng buộc pháp lý (10/11/2022)

Cách đây 20 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hai thập kỷ qua, DOC là một cơ sở pháp lý quan trọng mang tính ràng buộc nhất giữa ASEAN và Trung Quốc để tự kiềm chế, bảo đảm hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Từ kết quả thực hiện DOC, hai bên đang nỗ lực đàm phán, tìm đồng thuận nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính pháp lý cao hơn.
Các nước ASEAN phải quyết tâm, đoàn kết trong việc thúc đẩy nhanh các cuộc đàm phán để tiến tới sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ràng buộc về mặt pháp lý. Đây là nhận định của ông Veeramalla Anjaiah – Chuyên gia nghiên cứu Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Indonesia trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN thường trú tại Indonesia, nhân dịp tròn 40 năm Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ( DOC) được ký kết.

Bầu cử giữa kỳ - Định hình chính trường Mỹ 2 năm tới (09/11/2022)

Như tin đã đưa, đến thời điểm này, các đơn vị bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đã gần như hoàn tất quá trình bầu cử. Dù không phải cuộc bầu cử để tìm ra người lãnh đạo đất nước song cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ có ý nghĩa quan trọng khi quyết định đảng Dân chủ hay Cộng hòa sẽ nắm giữ thế đa số trong quốc hội, từ đó ảnh hưởng đến chính trường Mỹ trong 2 năm tiếp theo. Trong lịch sử chính trường Mỹ, đảng của đương kim tổng thống thường sẽ gặp bất lợi và mất ghế tại lưỡng viện Quốc hội trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. Đối với Tổng thống Joe Biden, lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử này cũng được xem như một “bài sát hạch” đối với 2 năm cầm quyền vừa qua của ông.

Kinh tế - điểm kết nối Nga - Ấn (8/11/2022)

Hôm nay, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moskva, trọng tâm là tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai bên. Đây là cuộc gặp lần thứ 4 giữa hai Ngoại trưởng kể từ tháng Hai, thời điểm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina, cho thấy mối quan hệ song phương được hai bên chú trọng như thế nào trong bối cảnh hiện nay.
Ấn Độ vẫn nằm trong nhóm nước thể hiện quan điểm trung lập với cuộc khủng hoảng Ucraina, đồng thời vẫn duy trì quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với Nga. Mới đây, Nga còn vượt qua hai đối thủ nặng ký của nhóm OPEC là Iraq và Ả-rập Xê-út để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ. Cuộc trao đổi với phóng viên Anh Tú, thường trú Đài TNVN tại Nga và phóng viên Phan Tùng, thường trú Đài TNVN tại Ấn Độ sau đây sẽ phân tích rõ hơn về ý nghĩa của mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Ấn Độ trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

COP27 sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết từ COP26? (07/11/2022)

Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã chính thức khai mạc ngày hôm qua tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. Diễn ra từ ngày 6 đến 18/11, Hội nghị COP27 có sự tham dự của khoảng 35.000 đại biểu, trong đó có 2000 diễn giả quốc tế thảo luận khoảng 300 chủ đề khác nhau, nhằm đẩy nhanh việc hiện thực hóa các cam kết nhằm giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến giá dầu tăng tới 60%, giá khí đốt tăng tới gần 400% ở châu Âu, dường như, trước những lộ trình và mục tiêu đã được xác định sẵn, COP 27 được cho là sẽ đối diện với nhiều thách thức.

Mỹ tiếp tục tăng lãi suất tác động gì đến bức tranh kinh tế thế giới? (04/11/2022)

Đúng như dự đoán trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa thông báo quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, nâng biên độ lãi suất cho vay cơ bản của FED lên khoảng 3,75 đến 4%. Đây là mức cao kỷ lục tính từ năm 2008. Kiểm soát lạm phát đã trở thành mục tiêu chính sách hàng đầu của Mỹ trong giai đoạn hiện nay và lộ trình của FED cho thấy tốc độ tăng lãi suất sẽ không sớm dừng lại. Vậy mức độ tăng sẽ đến đâu và tác động của việc tăng lãi suất này đến nền kinh tế toàn cầu ra sao?

Đức mở rộng hợp tác với khu vực Đông Bắc Á, một mũi tên nhiều mục đích (03/11/2022)

Lãnh đạo cấp cao của Đức liên tiếp có các chuyến thăm tới khu vực Đông Bắc Á. Trong khi Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đang có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc thì Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu có chuyến công du Trung Quốc. Ngoài các nội dung về tăng cường hợp tác song phương, dự kiến các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Đức và các nước Đông Bắc Á sẽ tập trung vào sự hợp tác hướng tới việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chuyến thăm tới Trung Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo EU tới Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đồng thời là chuyến thăm đầu tiên của ông tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Đức. Dư luận kỳ vọng gì từ những chuyến thăm dồn dập của các nhà lãnh đạo Đức tới khu vực Đông Bắc Á? Chính phủ Đức tính toán điều gì khi đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực này trong bối cảnh hiện nay?

Bầu cử Quốc hội Israel: Liệu có phá vỡ thế bế tắc chính trị? (2/11/2022)

Cử tri tại Israel đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội với hy vọng phá vỡ thế bế tắc chính trị trong nhiều năm qua. Đây là cuộc bầu cử lần thứ 5 của Quốc hội Israel trong vòng chưa đầy 4 năm. Đáng chú ý, cuộc bầu cử không chỉ nhằm tìm ra 120 đại biểu đại diện cho người dân Israel để quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, mà còn quyết định ai sẽ là Thủ tướng điều hành chính phủ trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng bế tắc chính trị sẽ chưa sớm được khai thông sau cuộc bầu cử lần này.

Ông Lula da Silva trở lại ghế Tổng thống Braxin sau hơn 1 thập niên (01/11/2022)

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Bra-xin, cựu Tổng thống nước này, ông Lu-la đa Xin-va đã giành được 50,8% phiếu bầu, vượt qua Tổng thống đương nhiệm Bôn-sô-na-rô với số phiếu tương ứng là 49,2%. Với kết quả này, ông Lu-la đa Xin-va sẽ nhậm chức vào ngày 1/1 năm tới. Ông Lu-la đa Xin-va là gương mặt quen thuộc trên chính trường Bra-xin khi ông đã nắm giữ cương vị Tổng thống trong hai nhiệm kỳ từ năm 2003-2010 – giai đoạn mà ông được người dân tín nhiệm bởi những thành tựu kinh tế ấn tượng. Nhưng lần trở lại này sau hơn 10 năm, ông Lu-la đa Xin-va phải đối diện với tình hình rất khác, khi Bra-xin vừa trải qua 4 năm đầy biến động dưới thời của chính quyền cánh hữu cũng như tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội do dịch Covid-19 gây ra.

Thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ucraina liệu có chết yểu? (31/10/2022)

Nga vừa tuyên bố ngừng thực hiện thỏa thuận ngũ cốc giữa nước này với Ucraina. Thỏa thuận này đạt được hồi tháng 7 năm nay, với sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm giải phóng xuất khẩu nông sản qua Biển Đen từ Nga và Ucraina, vốn bị ngưng trệ do cuộc xung đột giữa 2 bên. Vì sao Nga dừng thực thi thỏa thuận ngũ cốc và điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy như thế nào? PV Anh Tú, thường trú tại Nga phân tích vấn đề này.

Cảnh báo về sự trở lại của IS (28/10/2022)

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vừa lên tiếng nhận trách nhiệm đã thực hiện cuộc tấn công nhằm vào một đền thờ Hồi giáo ở Iran hôm 26/10 khiến ít nhất 15 người thiệt mạng. Sau 4 năm kể từ ngày Mỹ tuyên bố chiến thắng trước IS, việc tổ chức khủng bố này nhận trách nhiệm thực hiện một vụ tấn công gây thương vong lớn đang khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ IS có thể quay trở lại sau một thời gian củng cố lực lượng.
Trên thực tế, trước khi IS nhận trách nhiệm về vụ tấn công tại Iran, Liên hợp quốc từng có báo cáo về việc IS đang từng bước mở rộng hoạt động tại hơn 20 quốc gia châu Phi, từ đó hình thành cứ điểm mới của một “Nhà nước Hồi giáo” trong tương lai mà IS đang hướng tới. Điều quan trọng mà Liên hợp quốc chỉ ra là các quốc gia dường như chưa quan tâm đầy đủ trong việc ứng phó với IS ngay từ khi tổ chức khủng bố này manh nha trở lại, trong khi các chuyên gia cảnh báo “mọi sự tự mãn luôn là thiếu khôn ngoan”. Phóng viên Ngọc Thạch, thường trú Đài TNVN tại Ai Cập, theo dõi khu vực Trung Đông và Châu Phi sẽ phân tích rõ hơn vấn đề này.

EU tăng tốc hợp tác khu vực Trung Á cạnh tranh với Nga - Trung Quốc (27/10/2022)

Theo giới quan sát châu Âu, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, đang có những dấu hiệu cho thấy Liên minh châu Âu (EU) hướng sự quan tâm đặc biệt đến khu vực Trung Á. Theo đó, giới chức hàng đầu EU thời gian qua liên tục có các cuộc tiếp xúc, hội đàm và hiện cũng đang có chuyến công du đến các nước trong khu vực như Kazakhstan hay Uzbekistan. Vốn được coi là “sân sau” của Nga và đối tác hàng đầu trong Sáng kiến Vành đai-Con đường của Trung Quốc. Khu vực Trung Á đang ngày càng khẳng định vị thế địa chiến lược - đặc biệt khi cuộc khủng hoảng Ucraina đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cục diện các mối quan hệ địa chính trị trên toàn cầu. Vì thế, cũng không khó hiểu khi châu Âu đang nỗ lực “xích lại gần hơn” với khu vực này.

Hungary cứng rắn với EU liên quan đến lệnh trừng phạt Nga (26/10/2022)

Trong một động thái mới nhất, chính phủ Hungary cho biết, nước này sẽ tiếp tục phủ quyết bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Liên minh châu Âu (EU) đối với khí đốt của Nga, nếu điều này ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt cho các công ty của Hungary. Hungary cho biết, nước này không ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, vì chúng không góp phần giải quyết tình hình ở Ukraine và chỉ gây tổn hại cho chính các nước châu Âu.
- Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cho đến nay, EU đã tiến hành 8 gói trừng phạt đối với Nga, bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ châu Âu. Hiện, Hungary là thành viên chỉ trích mạnh mẽ nhất các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Chính phủ Hungary đang tính toán điều gì khi có những động thái cứng rắn này? Thế khó của Hungary trong mối quan hệ giữa EU và Nga là gì? Ngay bây giờ mời quý vị và các bạn cùng BTV Quỳnh Hoa và phóng viên Hải Đăng, thường trú Đài TNVN tại Séc, theo dõi khu vực Đông Âu phân tích câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: