logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Ngoại giao khí hậu: Mỹ - Trung thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế (21/7/2023)

Trong chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày của Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry, hai bên đã lên kế hoạch tăng cường phối hợp thường xuyên hơn trong những tuần ngay trước khi Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) khai mạc tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất vào tháng 11 tới. Hợp tác về khí hậu là một minh chứng cho tuyên bố của cả hai bên về việc “hợp tác khi có thể”, “quản lý bất đồng một cách có trách nhiệm” bất chấp cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác vẫn đang diễn ra khá gay gắt. Nhưng sau những dấu hiệu tích cực từ chuyến thăm của ông John Kerry, hợp tác trong lĩnh vực khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp những thách thức nào?

Bước chuyển mới trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia Vùng Vịnh qua chuyến công du tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Qatar của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan (20/7/2023)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan đang có chuyến công du tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Qatar. Tháp tùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là một số bộ trưởng và các thành viên của Ủy ban Quan hệ kinh tế đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng 200 doanh nhân, nhà đầu tư. Chuyến thăm 3 nước vùng Vịnh lần này diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giữ vững cương vị tổng thống sau thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 5 vừa qua. Chuyến công du lần này tới các nước vùng Vịnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan sẽ tập trung vào những lĩnh vực cụ thể nào? Việc cải thiện quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh đem lại lợi ích ra sao cho sự ổn định cũng như an ninh khu vực và toàn cầu?

Tương lai của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận (19/7/2023)

Trong động thái không quá bất ngờ, Nga đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen khi thỏa thuận hết hiệu lực vào ngày 17/7. Ngay lập tức, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã có cuộc họp khẩn kêu gọi các bên liên quan quay lại đối thoại để khôi phục thỏa thuận ngũ rất quan trọng này. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, việc thỏa thuận biển Đen không được gia hạn có nguy cơ ảnh hưởng tới hàng triệu người và giá lương thực trên thế giới. Vậy tương lai nào cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sau khi Nga tuyên bố dừng tham gia thỏa thuận? Đại sứ Nguyễn Quang Khai sẽ phân tích cụ thể vấn đề này.

Thủ tướng Nhật Bản thăm Trung Đông: Kích hoạt ngoại giao năng lượng (18/7/2023)

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang có chuyến thăm Trung Đông với các điểm đến là Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Qatar. Đây là chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản kể từ sau chuyến thăm của cố Thủ tướng Shinzo Abe vào năm 2020. Chuyến đi này của ông Fumio Kishida nhằm giúp Nhật Bản phát triển quan hệ với các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và xây dựng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng. Ngoài ra, sự vận động chính trị và ngoại giao ở khu vực Trung Đông đang diễn ra nhanh chóng, Nhật Bản cần củng cố vị thế ở khu vực này.

Đức công bố chiến lược mới - giảm tối đa rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc (17/7/2023)

Cùng với nhiều sự kiện quốc tế nóng đang diễn ra, việc Chính phủ Đức mới đây lần đầu tiên công bố 1 chiến lược mới đối với Trung Quốc khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Với độ dài 64 trang, bản chiến lược này cho thấy một nước Đức thực dụng, « không muốn tách khỏi » Trung Quốc, nhưng tìm cách « giảm tối đa rủi ro » trong mối quan hệ với Trung Quốc. Dưới góc nhìn phân tích, bản Chiến lược mới được cholà thể hiện lập trường cứng rắn hơn của Đức đối với Trung Quốc, điều mà Trung Quốc cho rằng sẽ tổn hại đến lợi ích song phương. Câu hỏi đặt ra là vì sao đến thời điểm này Đức mới xây dựng một bản chiến lược riêng với Trung Quốc? Sự thay đổi trong chính sách với Trung Quốc của Thủ tướng Olaf Scholz phản ánh điều gì? Phóng viên Quang Dũng, thường trú Đài TNVN tại Pháp theo dõi khu vực Tây Âu phân tích vấn đề này.

Lạm phát Mỹ chạm đáy 2 năm và những tác động tới nền kinh tế thế giới thời điểm hiện nay (14/7/2023)

Theo dữ liệu mà Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố, trong tháng 6/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 3% so với cùng kỳ - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và thấp hơn dự báo trước đó là 3,1%. Trong khi đó, lạm phát của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm. Những số liệu này cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ áp dụng suốt hơn một năm qua đã phát huy tác dụng. Điều dư luận quan tâm lúc này là tốc độ giảm của chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát của Mỹ đã bền vững hay chưa, và chính sách điều hành lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện như thế nào. Bởi vì, đây là những chỉ dấu của “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ và sẽ có tác động rất lớn tới nền kinh tế thế giới.

Thượng đỉnh NATO: Đồng thuận trong chia rẽ (13/7/2023)

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kết thúc tại Litva. Tuy nhiên, những tuyên bố được đưa ra tại hội nghị, liên quan đến vấn đề kết nạp Ukraine hay kế hoạch phòng thủ chung của khối vẫn là chủ đề thảo luận của giới nghiên cứu quốc tế. Theo giới quan sát, về mặt biểu tượng, Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, với vai trò kết nối của Mỹ đã đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề quan trọng, chẳng hạn thông qua kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh; mỗi thành viên chi tối thiểu 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng; hay những quyết sách hỗ trợ lâu dài cho Ukraine. Song, đặt trong bối cảnh kinh tế - an ninh - địa chính trị thế giới có nhiều biến động, các vấn đề quan trọng này vẫn đang tiếp tục thử thách sự đoàn kết của NATO trong thời gian tới.

Tăng cường hợp tác an ninh Nhật – EU (12/7/2023)

Hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu chuyến thăm châu Âu kéo dài đến thứ Sáu. Theo lịch trình, sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Kishida sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) – Nhật Bản tại Brúc-xen, Bỉ. Theo dự thảo tuyên bố chung sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản, hai bên sẽ khởi động một khuôn khổ hợp tác an ninh mới để cùng nhau giải quyết các vấn đề như an ninh mạng, an ninh hàng hải ở Đông Á, ngăn chặn thông tin sai lệch, mở rộng các lĩnh vực hợp tác thông thường vốn tập trung vào các vấn đề kinh tế. Thông qua tuyên bố này, EU mong muốn gửi đi thông điệp về cam kết của khối đối với các vấn đề an ninh ở châu Á, trong khi Nhật Bản cũng mong muốn thể hiện vai trò ngày càng lớn đối với an ninh khu vực. Phóng viên Nguyễn Hoàng, thường trú Đài TNVN tại Nhật Bản phân tích vấn đề này.

Hội nghị thượng đỉnh NATO và những quyết định quan trọng (11/7/2023)

Hôm nay (11/7), hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc tại Litva. Tại hội nghị kéo dài hai ngày này, dự kiến, các nhà lãnh đạo của NATO sẽ tìm cách giải quyết một loạt vấn đề, từ chia rẽ về tư cách thành viên của Ukraine đến vướng mắc trong kết nạp Thụy Điển và các kế hoạch phòng thủ đầu tiên trong nhiều thập niên. Đây là hội nghị thượng đỉnh thứ tư của NATO kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Hội nghị thượng đỉnh lần này là thời điểm các lãnh đạo của NATO phải đưa ra các quyết định quan trọng, như quy chế mà liên minh quân sự này sẽ trao cho Ukraine, và việc kết nạp Thuỵ Điển làm thành viên. Với những bất đồng hiện nay trong nội bộ khối, liệu hội nghị thượng đỉnh NATO lần này sẽ tìm được tiếng nói thống nhất để đưa ra các quyết định quan trọng?

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN thúc đẩy Tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (10/7/2023)

Từ ngày hôm nay – 10/7 đến 14/7, tại thủ đô Jakarta của Indonesia diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM56) và các hội nghị liên quan. Tại chuỗi hoạt động có quy mô lớn nhất hàng năm của các Bộ trưởng Ngoại giao, đại diện các nước ASEAN dự kiến tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề nhằm duy trì ổn định, hòa bình và khả năng phục hồi kinh tế trong khu vực. Diễn ra sau Hội nghị cấp cao ASEAN 42 với nhiều kết quả và cam kết quan trọng, trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, liệu các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ có những cách tiếp cận nào đáng chú ý với các vấn đề đang nổi lên ở khu vực và toàn cầu? PV Phạm Hà - Thường trú Đài TNVN tại Indonesia - Nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2023 cập nhật những thông tin mới nhất.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tăng cường kết nối và mở rộng hợp tác (6/7/2023)

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vừa ra tuyên bố chung khẳng định sẵn sàng hợp tác sâu rộng với tất cả các quốc gia. Tuyên bố chung này được các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đưa ra sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến do Ấn Độ chủ trì. Ngoài sự tham dự của lãnh đạo 8 nước thành viên SCO, hội nghị trực tuyến năm nay đã chào đón thành viên thứ 9 là Iran. Cũng tại hội nghị thượng đỉnh SCO lần này, lãnh đạo các nước thành viên đã chứng kiến đại diện Belarus ký bản ghi nhớ để khởi động quy trình trở thành thành viên của SCO. Việc kết nạp hai thành viên Iran và Belarus vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ đem lại những lợi ích gì cho tổ chức này cũng như hợp tác của khu vực? Phóng viên Phan Tùng, thường trú Đài TNVN tại Ấn Độ phân tích nội dung này.

Israel bất ngờ triển khai chiến dịch quân sự lớn nhất trong hơn 20 năm qua tại khu Bờ Tây - Nguy cơ leo thang xung đột Israel – Palestine đến đâu? (5/7/2023)

Ngày 3/7 vừa qua, Israel đã bất ngờ triển khai chiến dịch quân sự lớn nhất trong hơn 20 năm qua tại thành phố Giê-nin ở Bờ Tây, nơi trên danh nghĩa do chính quyền Palestine kiểm soát. Phía Israel đã huy động hàng ngàn binh sĩ cùng hàng trăm phương tiện và máy bay không người lái với mục tiêu theo lời Thủ tướng Nê-tan-ny-a-hu là “chống lại các cứ điểm khủng bố”.
Các vụ xung đột từ đầu năm nay tại khu vực Bờ Tây đã khiến 24 người Israel thiệt mạng, trong khi con số nạn nhân phía Palestine là hơn 140. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự quy mô lớn của Israel lần này có nguy cơ đẩy xung đột giữa hai bên lên nấc thang nguy hiểm, làm suy yếu những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giảm căng thẳng ở các vùng lãnh thổ Bờ Tây, trong đó có bảo vệ dân thường Palestine.

Cơ hội nâng tầm quan hệ song phương qua chuyến thăm Australia của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (04/7/2023)

Từ ngày 3-5/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo có chuyến thăm chính thức Australia theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Anthony Albanese. Chuyến thăm chính thức lần thứ 5 của Tổng thống Joko Widodo tới Australia đánh dấu sự hiện diện đầu tiên của ông tại nước này kể từ đại dịch Covid19. Đáng chú ý, đây được nhận định có thể là chuyến thăm cuối cùng trước khi ông Widodo trao lại quyền lực cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào tháng 2/2024. Liệu các nhà lãnh đạo hai nước sẽ tận dụng chuyến công du này như thế nào để có thể tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, cũng như đạt các mục tiêu địa chiến lược khác?

Cục diện cạnh tranh Mỹ - Trung sau khi Mỹ tái gia nhập UNESCO (03/7/2023)

Sau 5 năm vắng bóng, Mỹ đã chính thức tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) sau một cuộc bỏ phiếu tại phiên họp bất thường của tổ chức này cuối tuần qua - với 132 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 15 phiếu trắng. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có một bức thư gửi tới UNESCO bày tỏ mong muốn tái gia nhập với tư cách thành viên chính thức vào tháng 7. Sự trở lại của Mỹ đã ngay lập tức nhận được sự đón nhận của các thành viên UNESCO. Vậy bước đi này sẽ đem lại lợi ích chiến lược nào cho cả Washington và UNESCO?

Khủng hoảng Ukraine tiếp tục chi phối HNCC Liên minh châu Âu (30/6/2023)

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu đang diễn ra tại Brussels (Brúc-xen), Bỉ, lãnh đạo của 27 nước thành viên tập trung thảo luận nhiều vấn đề cấp bách của khu vực, từ chính sách quốc phòng chung, xử lý các mối quan hệ đối ngoại tới quản lý dòng người di cư… Nhưng giống như nhiều hội nghị của khối gần đây, cuộc khủng hoảng Ucraina tiếp tục là vấn đề chi phối chương trình nghị sự của hội nghị, trong đó có việc kết nạp thành viên mới là Ucraina và các quốc gia Tây Ban-căng.
Nhưng một nội dung khác cũng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế đó là cách tiếp cận của Liên minh châu Âu trong mối quan hệ với Trung Quốc. Từ cách đây vài năm, khi cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, châu Âu từng cố gắng xây dựng lập trường chung trong mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng đến thời điểm này, những nỗ lực của châu Âu được cho là chưa mang lại kết quả rõ ràng do châu lục quá tập trung vào xử lý các vấn đề phát sinh do cuộc khủng hoảng Ucraina.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: