Cuộc họp của OPEC+ diễn ra giữa lúc giá dầu thế giới gần đây tụt dốc vì căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông xuống thang cùng những dấu hiệu cho thấy sự ảm đạm của triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. OPEC+ muốn tiếp tục siết cung dầu đến hết năm 2025 để kéo giá dầu lên, khi giá dầu giao dịch ở mức gần 80 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách. Giá dầu thế giới đã giảm 10% sau khi lên cao nhất 5 tháng hồi đầu tháng trước. Giá Brent hiện là 81 USD một thùng.
Thái tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - Ảnh: REUTERS
Quyết định mới nhất của OPEC+ không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Liên minh 22 quốc gia, dẫn đầu bởi Ả Rập Saudi và Nga, đã quyết định thu hẹp quy mô khai thác dầu do sản lượng của Mỹ tăng bùng nổ trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế mong manh của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, và sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu nói chung. Theo quyết định này, OPEC+ gia hạn đợt cắt giảm đầu tiên từ cuối năm 2024 cho đến cuối năm 2025. Các quốc gia thực hiện cắt giảm tự nguyện đợt hai là Algeria, Iraq, Kazakhstan, Kuwait, Oman, Nga, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Gabon. Cũng các quốc gia này, ngoại trừ Gabon, tham gia đợt cắt giảm thứ ba. Sau phiên họp ngày hôm qua (2/6), mức giảm 2,2 triệu thùng sẽ được gia hạn đến quý 3 năm nay. Mức giảm 3,66 triệu thùng áp dụng đến cuối năm 2025.
Khai thác dầu mỏ
Từ cuối năm 2022, OPEC+ đã thực hiện hàng loạt đợt giảm sản xuất mạnh tay. Việc OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng được cho là do lo ngại nhu cầu "vàng đen" giảm sút khi các nền kinh tế lớn phải vật lộn với tình trạng lãi suất cao.
Chuyên gia Matt Smith của Công ty phân tích dữ liệu thị trường Kpler cho rằng, các nhà đầu tư đã rất lo lắng trước cuộc họp của OPEC+. Song việc nhóm này vừa nhất trí gia hạn việc cắt giảm sản lượng tới cuối năm 2025 dường như đã vượt quá kỳ vọng của thị trường theo một số cách, với việc gia hạn các đợt cắt giảm được gọi là “tự nguyện” từ các thành viên chủ chốt như Ả-rập Xê-út và Nga đến tận năm sau. Hiện tại, phản ứng trước thỏa thuận này vẫn còn khá trái chiều. Chuyên gia kinh tế Francisco Blanch của BofA Securities nhận định OPEC+ kỳ vọng việc gia hạn cắt giảm sản lượng là biện pháp khả thi giúp trợ giá dầu: “Tôi nghĩ OPEC+ quyết định gia hạn việc cắt giảm sản lượng vì họ lạc quan về nhu cầu dầu, đó là kết quả của cuộc họp lần này. Quyết định cắt giảm là bởi họ tin tưởng giá dầu sẽ tăng lên một chút”.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại Goldman Sachs Group lại nhìn nhận cuộc họp của OPEC+ là “một xu hướng giá giảm”.
Cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thực tế giá dầu đã trải qua sự sụt giảm đáng chú ý trong tuần qua khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả của cuộc họp OPEC+ quyết định tới tương lai việc cắt giảm sản lượng của nhóm sản xuất này. Bất chấp kết quả mà cuộc họp của OPEC+ vừa đạt được, giá dầu trong phiên giao dịch ngày hôm nay tiếp tục giảm, tiếp nối xu hướng giảm trong tuần qua khi giá dầu thô Brent giảm 0,6%, WTI giảm 1%. Với điều kiện thị trường hiện tại, triển vọng giá dầu trong ngắn hạn được dự đoán có thể vẫn sẽ giảm. Sản lượng dầu thô cao của Mỹ và tồn kho toàn cầu ngày càng tăng được cho là yếu tố góp phần không nhỏ vào áp lực giảm giá này./.
Phương Anh/VOV1