VOV1 - "Lĩnh hoa Yên Thái, Gốm Bát Tràng, Bạc Định Công, Đồng Ngũ Xã" là tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long xưa. Mặc cho năm tháng và những thăng trầm, nhưng tứ trụ tinh hoa ấy vẫn bền bỉ với thời gian. Trong đó, nghề Đậu Bạc tại làng Định Công, quận Hoàng Mai được biết đến như một dẫn chứng điển hình nhất tại đất kinh kỳ Thăng Long cho sức sống của làng nghề cổ.
Nghề đậu bạc ở làng Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội có từ thế kỷ thứ VII, thời Tiền Lý, do ba ông Tổ nghề là Trần Điền - Trần Điện - Trần Hòa truyền lại cho dân làng với những nét đặc trưng riêng biệt không nơi nào có.
Từ những thỏi bạc, với bàn tay tài hoa, tinh xảo, bộ óc sáng tạo, người thợ khéo léo kéo chúng thành các sợi bạc nhỏ, mảnh như sợi chỉ rồi uốn ghép thành các chi tiết khác nhau để tạo nên những sản phẩm đa dạng từ hình thức đến kích thước, chinh phục thi hiếu khách hàng.
Với sự cầu kỳ riêng biệt, nghề đậu bạc ở làng Định Công từng được biết đến là một trong bốn nghề truyền thống bậc nhất của đất kinh kỳ Thăng Long xưa. Nhưng cũng như bao làng nghề khác, nghề đậu bạc làng Định Công cũng không tránh khỏi những năm tháng thăng trầm, tưởng như mai một.
Nhờ bao công sức, tâm huyết của những nghệ nhân ít ỏi còn lại, nghề đậu bạc đã dần được phục hồi, trở thành một nét độc đáo của đất Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Trong chương trình chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu tới quý vị và các bạn về nghề đậu bạc Định Công và sự bền bỉ, kiên trì của những nghệ nhân tài hoa, với mong muốn lưu truyền nghề truyền thống độc đáo này cho thế hệ hôm nay và mai sau...
Tác giả : Kim Thanh