VOV1 - Gần 8.500 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với hơn 8 nghìn 700 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, đa phần là trẻ bị xâm hại tình dục; hàng trăm trẻ bị bạo lực, bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; Hơn 1 nghìn 300 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Đây là con số báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội tính từ tháng 1/2015 đến tháng tháng 6 năm 2019. Trong các vụ xâm hại trẻ, phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và gây hậu quả nghiêm trọng. Thực tế này xảy ra nhiều thời điểm, ở nhiều nơi, ngay cả ở những nơi tưởng chừng như bình yên nhất là gia đình hay trường học. Đây thực sự là vấn đề hết sức nghiêm trọng và đáng báo động. Theo chương trình nghị sự đã được xây dựng, ngày mai (27/5), Quốc hội sẽ dành trọn một ngày để thảo luận trực tuyến Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp quan trọng này nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.
Làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại trẻ em? Khách mời là chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cùng bàn luận về nội dung này.