Ngày phát hành 0:0 | 7/3/2020
Nhắc đến ĐBSCL chắc hẳn không ít người sẽ liên tưởng ngay đến những cánh đồng lúa xanh mướt bạt ngàn, những vườn cây trĩu quả quanh năm, những dòng kênh hiền hòa uốn lượn bao quanh vùng đất phù sa màu mỡ. Nhưng nếu có dịp đến với ĐBSCL thời điểm này, chúng ta sẽ có thêm những hình dung khác về một vùng đất đang “oằn mình” chống chọi với hạn mặn lịch sử. Ở đó những cánh đồng cháy khô, cây trái héo rũ vì hạn mặn và người dân phải chắt chiu từng giọt nước ngọt sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.
ĐBSCL - vùng đất là nơi sinh sống của 20 triệu người dân Việt Nam, khu vực cung cấp một nửa sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 1/3 GDP của cả nước đang đứng trước những thách thức lớn vô cùng to lớn của biến đổi khí hậu. Ước tính, nước biển dâng, hạn mặn gay gắt; sạt lở bờ sông, bờ biển đã cướp đi của người dân vùng đất “chín rồng” hàng trăm ha đất canh tác cùng thiệt hại kinh tế ước tính gần 8000 tỷ đồng mỗi năm. Theo các kịch bản được công bố bởi Bộ Tài nguyên và môi trường, đến cuối thế kỷ 21 sẽ có khoảng 40% diện tích của ĐBSCL sẽ bị ngập mặn, đây là nguy cơ hiện hữu cho việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bền vững của khu vực được xem là vựa lúa, vựa thủy sản và trái cây lớn nhất cả nước.
Biến đổi khí hậu không còn là những dự đoán mà đang diễn ra với tốc độ nhanh, tác động mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất ở khu vực ĐBSCL, khiến không ít thói quen, tập quán của người dân buộc phải thay đổi. Trong sản xuất, cách làm cũ không ứng phó được với biến đổi khí hậu cũng buộc phải “xoay chuyển”.
Chủ động thích ứng theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng nước hợp lý, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên cũng chính là nguyên lý cốt lõi của các mô hình canh tác “thuận thiên”. Sự thay đổi này không chỉ là tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp mà còn được xem là giải pháp “sống còn” đối với vùng đất “chín rồng” trước những thách thức vô cùng to lớn của Biến đổi khí hậu.