Ngày phát hành 9:11 | 10/4/2022
Giữa tháng 3 vừa qua, một tàu vỏ thép ở tỉnh Quảng Ngãi đóng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) được đưa ra bán đấu giá để thi hành án vì chủ tàu vỡ nợ. Con tàu gần 14 tỷ đồng mới hoạt động vài năm, chỉ bán đấu giá 2 tỷ đồng nhưng cuộc đấu giá bất thành vì không có người mua. Cả nước có hơn 1.000 tàu cá, trong đó 335 tàu vỏ thép được đóng mới từ vốn vay theo Nghị định 67. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác, nhiều chủ tàu đã lâm cảnh nợ nần, phá sản. Theo qui định, tài sản thế chấp để vay vốn chính là con tàu nhưng một số Ngân hàng cho vay giữ luôn cả sổ đỏ nhà đất của ngư dân làm thế chấp. Đến khi chủ tàu vỡ nợ, Ngân hàng khởi kiện ra Tòa, thi hành án thì kê biên, thu hồi cả con tàu và nhà ở của ngư dân để bán đấu giá, thu hồi vốn vay, đẩy ngư dân ra đường. Mỗi con tàu đóng mới trị giá từ 14 tỷ đến 20 tỷ đồng, bây giờ bán đấu giá rẻ mạt, thậm chí bán không có người mua, cả Ngân hàng và ngư dân đều chịu thiệt. Trước khi lâm cảnh nợ nần, nhiều chủ tàu là ngư dân dày dặn kinh nghiệm đi biển, từng có đội tàu vỏ gỗ làm ăn hiệu quả, nhiều lần được vinh danh tấm gương tiêu biểu, ngư dân sản xuất giỏi toàn quốc. Vì sao một chính sách đồng hành với ngư dân vươn khơi bám biển lại bộc lộ nhiều bất cập. Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn, cứu những con tàu vỏ thép còn lại?