Ngày phát hành 14:8 | 4/12/2024
Tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra vào tháng 11/2024 vừa qua, Việt Nam kiên định mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Muốn trung hoà carbon hay đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 (Net Zero) thì từng lĩnh vực, ngành nghề, thậm chí từng cá nhân đều phải có trách nhiệm thực hiện và đạt được mục tiêu này.
Tại Việt Nam, sản xuất điện là nguồn phát thải carbon lớn nhất do còn nhiều nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Do vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, “xanh hoá” các nhà máy điện than hiện hữu, sau năm 2030 không đầu tư mới các nhà máy nhiệt điện than và từ năm 2050 không còn sử dụng than để phát điện.
Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khoá XV (có hiệu lực từ 01/02/2025) nhấn mạnh việc“Khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp... ; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Ghi nhận những nỗ lực giảm phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than hiện hữu, đồng thời phân tích những khó khăn thách thức và đưa ra khuyến nghị giải pháp nhằm hiện thực hoá mục tiêu “trung hoà carbon”, nhóm PV Nguyên Long và Quang Huy thực hiện loạt bài 03 kỳ “Chuyển đổi xanh: Thách thức từ các nhà máy nhiệt điện than”. Chương trình hôm nay phát sóng bài đầu tiên với nhan đề: “Diện mạo xanh từ các nhà máy nhiệt điện than truyền thống”.