Ngày phát hành 8:44 | 25/11/2022
Việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đem lại kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn này, thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hướng tới hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mở được đường vào các hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước, cũng như xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Phát triển thị trường hàng hóa và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cải thiện đời sống nhất là tại những địa phương nghèo ở Việt Nam đang là vấn đề được Chính phủ và nhiều bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Vùng Dân tộc thiểu số và miền núi nước ta thuộc địa bàn 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, nơi có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu không thuận lợi và thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu… Làm thế nào để thiết lập kết nối thị trường bền vững giữa các doanh nghiệp và các hợp tác xã thúc đẩy thương mại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa trong các chuỗi giá trị thương mại cả nước, tạo thu nhập cho người dân? Câu chuyện thời sự hôm nay bàn về nội dung này với sự tham gia của vị khách mời là Tiến sĩ Trịnh Thị Thanh Thủy, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương.