Ngày phát hành 0:0 | 8/7/2020
Nhiều năm nay, hệ thống thư viện ở nước ta, nhất là thư viện công cộng hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và yêu cầu phát triển của ngành. Trong khi đó, nhận thức của xã hội về vai trò của văn hóa đọc và thư viện còn hạn chế, người dân chưa thực sự quan tâm đến việc đọc. Hoạt động thư viện nhìn chung còn gặp khó khăn về kinh phí hoạt động. Vì vậy, đã có 2 thư viện cấp tỉnh bị sáp nhập với bảo tàng. Kinh phí đầu tư cho thư viện chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiều thư viện trong tình trạng xuống cấp về trụ sở, trang thiết bị lạc hậu. Hơn 30% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí để bổ sung tài liệu. So với các nước trong khu vực, hoạt động thư viện ở nước ta vẫn còn có khoảng cách khá xa về trình độ phát triển.
Từ ngày 1/7/2020, Luật Thư viện chính thức có hiệu lực mở ra trang mới cho thúc đẩy hoạt động thư viện phát triển, đồng thời nâng cao vị trí thư viện là “nhạc trưởng” cùng các ngành liên quan và toàn xã hội thúc đẩy văn hóa đọc tại Việt Nam. Tuy nhiên, để các quy định của Luật Thư viện đi vào cuộc sống cần có một lộ trình và sự thay đổi về tư duy, cách làm của những người làm thư viện cũng như sự quan tâm đầu tư của xã hội. Cùng bàn luận nội dung này với sự tham gia của người tâm huyết với hoạt động thư viện cũng như văn hóa đọc, đó là anh Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập Sách hóa nông thôn.