Theo hãng UBS, số người dùng công cụ chatbot phổ biến ChatGPT do OpenAI phát triển được cho là cán mốc 100 triệu người/tháng, chỉ 2 tháng sau khi phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) ra mắt, trở thành ứng dụng cho người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Trước đó, TikTok cần 9 tháng , Instagram mất hơn 2 năm, ứng dụng dịch Google Translate là hơn 6 năm sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng. ChatGPT hay trí tuệ nhân tạo (AI) đang là những từ khoá hot nhất hiện nay. Sự ra đời của ChatGPT khiến cuộc đua về AI càng trở nên gay cấn hơn, tạo nên cơn địa chấn đối với lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, thay đổi hoàn toàn cách nhìn về công nghệ AI.
Đầu xuân năm mới luôn là khoảng thời gian đong đầy cảm xúc, luôn là khoảng thời gian thiêng liêng, sâu sắc với bất cứ ai: dù là công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc dưới mái nhà chung – nơi 54 dân tộc anh-em đoàn tụ; hay là Kiều bào ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Đầu Xuân năm mới là dịp để mỗi người lắng mình nhìn lại, nghĩ suy về năm qua và nhìn về tương lai rộng-dài phía trước. Sâu xa hơn, đây là khoảng thời gian quý giá để những công dân Việt Nam cùng nhận diện và hy vọng vào tương lai đất nước, con người Việt Nam – khi bản sắc Việt, giá trị Việt, con người Việt đang dần hiện hữu và lan tỏa mạnh mẽ toàn cầu.
Chọn một lối đi thiện nguyện từ 0 đồng; Miệt mài với các hoạt động tình nguyện đóng góp tích cực cho xã hội từ năm… 17 tuổi; Lọt vào danh sách những gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi do Forbes Việt Nam bình chọn năm 2020. Sở hữu nhiều giải thưởng danh giá: một trong 10 gương mặt xuất sắc Giải thưởng Thanh niên tình nguyện ASEAN mở rộng; giải A Sáng kiến vì cộng đồng; Giải thưởng tình nguyện Chim én; Giải Mầm nhân ái; Thanh niên kiến tạo năm 2017; - Giải thưởng tình nguyện quốc gia; Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen….Chàng trai trẻ được mệnh danh viển vông viết cổ tích mỗi ngày đó là ai? Xin giới thiệu đến quý vị, đó là Hoàng Hoa Trung – Phó Trưởng ban Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Bắc và Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin thuộc Trung tâm tình nguyện quốc gia, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, lực lượng Công an liên tiếp phát hiện, triệt phá thành công nhiều đường dây đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng; cho thấy, tội phạm cá độ trên không gian mạng có xu hướng diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp diễn ra World Cup 2022. Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy xấu cho xã hội, nảy sinh tội phạm, vi phạm pháp luật khác. Để phòng ngừa, trấn áp kịp thời tội phạm này, lực lượng Cảnh sát hình sự trong cả nước đã có nhiều phương án đấu tranh dưới
mọi hình thức, nhưng xem ra, đây là vấn đề không hề dễ dàng, cần sự hợp lực từ nhiều phía. PGS.TS Hà Thị Hồng Lan – Phó Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân cùng bàn luận về nội dung này.
Thời gian qua, không ít các ứng dụng, diễn đàn, mạng xã hội, kênh video... trên internet xuất hiện các bài viết, clip, hình ảnh “gắn mác” dành cho trẻ em, nhưng mang nội dung không có tính giáo dục, phản cảm. Nhiều video vì mục đích câu view, kiếm tiền có nội dung thử thách quái gở nguy hiểm đến tính mạng, clip bạo lực, ngôn từ phản cảm… nhưng lại được chia sẻ rất tích cực đã xâm nhập vào tâm trí, hành động, thói quen của giới trẻ, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em học các hành vi ứng xử qua việc bắt chước trong khi ý thức chưa đủ phát triển để phân biệt được lời nói đùa, không thể hiểu theo cách nói ẩn ý của người lớn". Theo khảo sát của Bộ LĐ-TBXH, trẻ em sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, thời gian lên đến 5-7 tiếng/ngày. Do đó, trẻ rất dễ rơi vào "bẫy" của người lạ trên môi trường mạng. Vậy đâu là giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn những nguy hại khi trẻ học cách ứng xử từ bắt chước thói xấu trên mạng xã hội?
800 khách mời và đại biểu trong nước, quốc tế đã có mặt tại Hà Nội để tham dự Liên hoan phim Quốc tế lần thứ 6, trong đó có gần 70 đại biểu là các nhà hoạt động điện ảnh và các nghệ sỹ điện ảnh quốc tế. Sau lần lỡ hẹn vì dịch bệnh, LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 6 trở lại sôi động và tươi mới ngày 8/11 và bế mạc tối qua 12-11, với thông điệp Điện ảnh - Nhân văn, thích ứng và phát triển. Qua 6 mùa tổ chức, LHP Quốc tế Hà Nội là sự kiện điện ảnh mang tầm khu vực trong phạm vi các nước ASEAN, là một sân chơi nghệ thuật của những người làm điện ảnh. Đây cũng là cơ hội học hỏi, giao lưu với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, hơn hết là dịp để chúng ta nhìn lại điện anh Việt đang ở đâu.
Sau 4 năm theo học tại Đại học âm nhạc quốc gia Bucharest-Rumani, năm 2019 Nghệ sỹ Đinh Hoài Xuân đã hoàn thành tu nghiệp tại Romania và nhận bằng Tiến sĩ, trở thành nữ tiến sĩ cello đầu tiên tại Việt Nam. Mong muốn truyền cảm hứng tới mọi người niềm yêu thích với âm nhạc đỉnh cao, nghệ sỹ Đinh Hoài Xuân lựa chọn quay về quê hương để lan tỏa niềm đam mê đó và làm cầu nối để đưa âm nhạc cổ điển đến với công chúng Việt. Đó cũng chính là lý do để dự án Cello Fundamento và “1 triệu bàn tay chạm cello” ra đời. Trò chuyện với Nghệ sỹ Đinh Hoài Xuân-nữ Tiến sỹ Cello đầu tiên mong muốn đưa giai điệu tuyệt vời của tiếng đàn cello chinh phục công chúng Việt Nam.
Là một vấn đề không mới nhưng “bạo lực học đường” lại trở thành từ khóa nổi bật trong dòng tin tức trong tuần này khi liên tiếp hàng loạt vụ bạo lực nghiêm trọng đã xảy ra. Ngay hôm qua, 2 đoạn clip ghi lại cảnh bạo lực học đường của nhóm học sinh tại TPHCM và một nhóm nữ sinh khác túm tóc, đánh hội đồng bạn cùng trường ở Quảng Ngãi tiếp tục gây xôn xao dư luận. Hay chỉ cách đây 2 ngày, Công an thành phố Tân An, Long An đã khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng liên quan đến vụ đánh một học sinh lớp 11 tử vong. Và ngay trước đó là một loạt vụ việc tương tự mà tôi tin là bất cứ bậc cha mẹ nào cũng không khỏi lo lắng, bất an.
Ở lứa tuổi học trò, đương nhiên có những hành động bồng bột, nhưng chuyện đánh nhau đến mất mạng vì những nguyên nhân nhỏ nhặt thì quá khủng khiếp. Đáng lo ngại hơn, rất nhiều vụ việc chỉ bị phát hiện khi đã lan truyền các clip trên mạng xã hội. Tại sao bạo lực học đường không phải vấn đề mới, nhưng đã và đang trở thành vấn nạn, dai dẳng và gây tổn thương rất lớn tới tâm lý, sức khỏe của các em học sinh? Vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội phải thể hiện ra sao để đẩy lùi thực trạng này? Giải pháp nào để xử lý bạo lực học đường tận gốc?
Lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15 vừa diễn ra tại thủ đô tuần qua. Ban tổ chức đã vinh danh nhiều tác phẩm, nhân vật, việc làm cũng như ý tưởng vì tình yêu với thành phố Hà Nội.
Trong số đó, có cuốn sách Tranh dân gian Kim Hoàng đã đoạt giải thưởng ở hạng mục Tác phẩm.
Mấy ngày qua dư luận xôn xao trước một video clip ghi lại cảnh hai cảnh sát giao thông ở Sóc Trăng truy đuổi và đánh 2 thiếu niên lái xe mô tô vi phạm luật giao thông đường bộ. Ngay sau sự việc, lãnh đạo công an tỉnh Sóc Trăng đã vào cuộc nhanh chóng xác minh vụ việc và đưa ra mức kỷ luật thích đáng với các chiến sỹ vi phạm. 3 chiến sỹ công an bị tước quân tịch, một người bị cảnh cáo, một đội phó bị giáng chức. Dư luận đồng tình với cách xử lý nhanh chóng, dứt khoát và mạnh mẽ của lãnh đạo Bộ Công an, tỉnh Sóc Trăng và công an tỉnh Sóc Trăng trước những cán bộ vi phạm. Việc xử lý cán bộ sai phạm là cần thiết và kịp thời, nhưng qua vụ việc này còn có một vấn đề nữa mà báo giới ít đề cập: đó là trách nhiệm của phụ huynh, người lớn khi để các con chưa đến tuổi đi xe moto phân khối 150, thản nhiên lái xe, vi phạm luật giao thông đường bộ. Phụ huynh nói riêng và người lớn nói chung cần quan tâm và đồng hành ra sao với những thiếu niên 14-16 tuổi, bước vào tuổi dậy thì, đang dư thừa năng lượng, khát khao chứng tỏ mình, đôi khi là ngang và nghênh để các em biết được giới hạn đúng – sai, phải – trái?
Xâm hại tình dục là vấn đề xã hội đáng báo động. Mỗi khi một câu chuyện xâm hại tình dục lan truyền trên mạng xã hội, không chỉ nạn nhân mà cả những người xung quanh cũng cảm thấy đau đớn và phẫn nộ vì những “con yêu râu xanh”. Nạn nhân bị xâm hại tình dục thường chịu rất nhiều áp lực tâm lý, không chỉ về việc bị xâm hại mà còn vì những lời chỉ trích của những người xung quanh. Vì thế, rất nhiều trường hợp bị xâm hại nhưng vì sợ hãi nên vẫn lựa chọn giữ im lặng. Những ngày gần đây, dư luận lại một phen rúng động vì vụ việc một nữ hướng dẫn viên du lịch bị một thanh niên người dân tộc cưỡng hiếp tại một bungalow ở Hà Giang. Câu chuyên hành xử của đối tượng phạm tội, của nhân viên và người quản lý homestay đang khiến dư luận hết sức phẫn nộ và bất bình. Và việc cô gái dũng cảm đứng lên tố giác tội phạm đang nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của cộng đồng mạng xã hội.
Trong khuôn khổ Segames 31, tổng chặng đường mà các vận động viên phải hoàn thành ở bộ môn ba môn phối hợp là khoảng 50 km thì ngày 28/08 vừa qua, có một cô gái người Việt đã vượt qua chặng đua 2.260 km - để trở thành nhà vô địch cuộc thi ba môn phối hợp khắc nghiệt nhất thế giới diễn ra tại Thụy Sĩ đó chính là nữ vận động viên Vũ Phương Thanh ( hay còn gọi là runner Thanh Vũ). Trong chuyên mục Studio mở hôm nay chúng ta sẽ cùng gặp gỡ với nữ vận động viên này.
Những ngày qua, vụ cháy quán Karaoke ở Bình Dương, khiến 33 người thiệt mạng đã khiến nhiều người dân tại Bình Dương và các tỉnh lân cận hiếu kỳ tập trung về theo dõi cảnh sát khám nghiệm hiện trường. Hai ngày sau khi xảy ra vụ việc, phía bên ngoài hiện trường vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương vẫn có rất đông YouTuber, TikToker và người dân tụ tập theo dõi và livestream. Và cũng hành vi tương tự, vụ cháy tại quán Bi-a Club ở Bắc Ninh ngay sau đó, nhiều người dân hiếu kỳ tập trung gần khu vực đám cháy livestream lên mạng xã hội, gây cản trở lực lượng chữa cháy. Trước đó chúng ta cũng đã chứng kiến, từ đám ma cho đến đám cháy, ẩu đả, tai nạn giao thông… nhiều các Youtuber, facebooker, streamer... chen lấn, hò hét bất chấp để câu view, câu like, trục lợi trên sự đau khổ của người khác. Livetream không xấu nhưng việc sử dụng không đúng nơi, đúng chỗ thì lại vô tình gây nhiều phản cảm, vô ý thức, thậm chí còn gây họa. Thế nhưng đáng tiếc là ngày nay, những vụ livetream có vẻ “điên rồ” này lại dường như trở thành phong trào của giới trẻ. Một thực trạng đáng “quan ngại”.
Hẳn quý vị đều biết đỉnh Everest, nơi được mệnh danh “nóc nhà” của thế giới, nhưng rất nhiều chuyên gia môi trường phải thừa nhận, “nóc nhà” của chúng ta đã biến thành một bãi rác, khi ngày càng có nhiều người leo lên và vứt lại những thứ họ không dùng tới.
Nơi cao nhất thế giới vẫn không thoát khỏi sự bừa bãi của con người. Ở Việt Nam, xu hướng trekking trong rừng già, chinh phục những đỉnh núi cao, dã ngoại cắm trại tận hưởng thiên nhiên hùng vĩ đang được nhiều người lựa chọn và ngày càng phổ biến. Sẽ không có gì đáng nói, nếu sau những cuộc cắm trại vui vẻ, những chuyến trekking thú vị đó, những gì còn lại là chai nhựa, vỏ lon, túi nylon, vỏ bánh kẹo bị thải ra môi trường… Nhiều người trong số chúng ta lo lắng khi mà xem những hình ảnh về những bãi rác ở những nơi đẹp nhất, trong lành nhất nhưng sau đó có thể bị những áp lực khác của cuộc sống lấn át rồi quên đi. Nhưng cũng có những tổ chức và cá nhân vẫn mong muốn làm 1 điều gì đó để thay đổi thực trạng đáng lo ngại này. Và dự án rất thiết thực có tên “Bàn chân xanh – leo núi không xả rác” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đã ra đời nhằm góp phần cho những chuyến đi sạch hơn, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người đi du lịch và người làm du lịch.