Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự mong đợi của đại đa số người dân và đặc biệt là những bạn trẻ đang hăng hái với các hoạt động bảo vệ môi trường. Nhưng để có được 1 tỷ cây xanh, sẽ cần 1 cây xanh, đến 100 cây xanh, rồi 1 nghìn, 1 triệu… Và nhiều nhóm bạn trẻ hiện nay đã hiện thực hóa được điều này bằng chỉ số hạnh phúc mang tên màu xanh do chính các bạn tạo ra. Có thể kể đến các nhóm như Hạnh phúc xanh, Xanh Hà Nội, … với những dự án như trồng thêm 1 triệu cây xanh trên toàn thành phố Hà Nội hay trồng rừng ngập mặn ở Sóc Trăng; phủ xanh đô thị; tái tạo những cánh rừng đã mất…. Trong studio mở hôm nay, chúng tôi mời quý vị cùng gặp gỡ với những người trẻ đang cùng nhau xây dựng lối sống xanh, phát triển bền vững. Đó là anh Nguyễn Hoàng Nam, Người sáng lập Xanh Hà Nội
Sáng nay (15/11/2020) Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết. Là Hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của 10 nền kinh tế ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, RCEP là một trong 13 mục tiêu ưu tiên của năm ASEAN 2020. Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam sẽ thông tin tới quý vị và các bạn về tiến trình đàm phán cũng như những lợi ích mà Hiệp định RCEP mang lại cho các nước tham gia vào hiệp định RCEP, trong đó có Việt Nam.
Yêu ghét xưa nay là việc của mỗi người, ai cũng có quyền thể hiện cảm xúc. Bởi vậy, thời nào, nghệ sĩ cũng có cả người yêu lẫn kẻ ghét. Nhưng thời gian gần đây, một loạt vụ ồn ào giữa nghệ sĩ và antifan (một khái niệm chỉ những người không có cảm tình, thậm chí ghét nghệ sĩ) nổ ra trên các diễn đàn. Hàng loạt sao Việt như: Phạm Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Lâm Vĩ Dạ, Nhật Kim Anh, Hương Giang, Thuỷ Tiên... đều là “nạn nhân” của một số cộng đồng anti-fan.
Những sự việc ồn ào của sao Việt với anti-fan gần đây cho thấy, thật sự có sức mạnh tẩy chay giống ngành giải trí Hàn Quốc hoặc những nền giải trí lớn khác trên thế giới. Khán giả ngày càng văn minh, biết chọn lọc hơn, cư dân mạng xã hội cũng đã lớn và có chính kiến hơn. Nhưng liệu antifan có quyền năng nắn chỉnh nghệ sĩ? Thể hiện yêu ghét như thế nào là văn minh? Câu chuyện này được chúng tôi bàn luận với sự tham gia của khách mời là nhà văn Trang Hạ và chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Hiện nay chúng ta đang có khoảng 8 triệu người cao tuổi, chiếm đến 8,3 % dân số cả nước. Với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay, ngày càng có nhiều Viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc người cao tuổi được thành lập, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần của nhiều người cao tuổi. Tuy nhiên, còn không ít ý kiến cho rằng, việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là đi ngược lại với đạo “hiếu” của người Việt Nam, bởi quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người. Nhân tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam, chúng tôi mời đến chương trình hôm nay Tiến sỹ Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Người cao tuổi, Hội người cao tuổi Việt Nam
Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 năm nay có chủ đề: Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang là một thách thức rất lớn. Theo dự báo, dự kiến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu khoảng hơn 4 triệu nữ giới. Trong Studio Mở hôm nay, chúng tôi và các vị khách mời sẽ bàn luận về chủ đề: Có con gái thật tuyệt!
Rằm trung thu, bánh nướng, bánh dẻo không chỉ thơm ngon mà còn phải đẹp về hình thức. Và để làm ra những chiếc bánh đó, ngoài sự khéo léo của thợ làm bánh thì còn cần đến một chiếc khuôn đẹp. Ở Hà Nội, đến giờ vẫn còn một số ít người tiếp tục duy trì việc làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo bằng gỗ một cách thủ công. Dẫu rằng, thời hiện đại, người ta sản xuất hàng loạt mẫu khuôn nhựa, khuôn silicon, thậm chí khuôn có cả lò xo để làm bánh cho dễ... nhưng khuôn gỗ thủ công vẫn giữ được chỗ đứng cho riêng mình.
Việt Nam là một trong những nước thành công trong đổi mới kinh tế đi cùng xóa đói giảm nghèo với tốc độ khá nhanh. Nhưng bên cạnh đó, quá trình phát triển luôn đi kèm với các vấn đề xã hội như tệ nạn ma túy, mại dâm, bạo lực gia đình, trẻ em thiếu sự chăm sóc, người già cô đơn… Một nền kinh tế đang phát triển luôn tồn tại những vấn đề đã nêu và những người làm công tác xã hội chính là những “y bác sỹ” điều trị, chữa lành những “tổn thương” để duy trì sự phát triển bình thường và khỏe mạnh của xã hội. Theo thống kê, Việt Nam hiện có đến 28% dân số cần sự trợ giúp dịch vụ công tác xã hội, nhưng trên thực tế những thiếu hụt về nguồn lực hiện nay cũng đang là vấn đề làm cho nghề công tác xã hội ở nước ta còn những hạn chế nhất định. Nhằm giúp quý vị thính giả hiểu thêm về lĩnh vực nghề nghiệp đặc biệt này, ngay sau đây chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Hiệp Thương, Trưởng Khoa Công tác Xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Một câu chuyện văn hóa được mọi người trao đổi, thậm chí tranh cãi trên mạng xã hội tuần qua đó là việc: Nam công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài đi làm. Có nhiều ý kiến phản đối việc làm này và cho rằng mặc áo dài tới công sở không phù hợp, không hợp thời, không tiện dụng, lãng phí… Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên –Huế là đơn vị tiên phong quảng bá chiếc áo dài ngũ thân, không chỉ nữ mà cả nam công chức, viên chức của Sở. Trong đó, khuyến khích mọi người mặc chiếc áo dài ngũ thân truyền thống mà chúa Nguyễn Phúc Khoát đã khai sinh, tiếp đến là vua Minh Mạng đã đưa nó trở thành “Quốc phục”.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi” là hành trình lan toả sâu rộng trong thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, tri ân công lao, sự hi sinh của các thế hệ cha anh đi trước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, từ đó thôi thúc thanh niên tu dưỡng, học tập, rèn luyện để sống có ích, có ý nghĩa, chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, trong những ngày này, kỷ niệm Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh mùng 2/9, chặng 4 của chương trình đang diễn ra trên khắp cấp hội với chủ đề: Tự hào Việt Nam đã có những hoạt đọng đem đến cảm xúc khó quên trong các bạn đoàn viên thanh niên. Khách mời là anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết về những hoạt động này của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Một mình, ta làm được rất ít; cùng nhau, ta làm được rất nhiều. Có được những kết quả bước đầu khả quan như hiện nay, sự đóng góp của các y bác sĩ tuyến đầu, của mỗi người dân và của những người bạn nước ngoài ở chính tâm dịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Cũng chính nhờ những biện pháp đồng bộ, hiệu quả trên toàn TP Đà Nẵng nên dịch Covid-19 tại đây đã được kiểm soát. Sự chung tay của cả nước đã giúp địa phương này vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng ta dễ nhận thấy cuộc đua để sản xuất sớm vắc-xin nhằm kiểm soát dịch bệnh đang được các quốc gia, tập đoàn dược phẩm đầu tư với quy mô chưa từng có. Các nhà khoa học Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc đua đó. Tại sao Việt Nam cần chủ động nghiên cứu và sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19? Những thách thức mà các nhà khoa học của chúng ta đang phải đối mặt là gì? Cần làm gì để sớm thấy được ánh sáng cuối đường hầm trong cuộc đua tìm ra vắc-xin để ngăn chặn đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 700.000 người trên toàn cầu? Cùng bàn luận về những câu hỏi này, khách mời là TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (gọi tắt VABIOTECH), thuộc Bộ Y tế - 1 trong 4 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19.
Gạt những lo lắng về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sang một bên, trong sáng chủ nhật tuần này, chúng tôi muốn gửi đến quý vị những năng lượng tích cực từ một người phụ nữ ngoài 70 tuổi ở Hà Nội:"Tôi sinh năm 49. Tôi chỉ ước mình mãi như tuổi 49 để làm từ thiện" - đó là lời bà Đinh Thị Thũng, 71 tuổi, trú tại phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Bất chấp mưa nắng, ngày ngày, người phụ nữ ấy vẫn tự mình chở cả trăm lít nước đến trước cổng bệnh viện phát miễn phí cho bệnh nhân, những phận đời nghèo khổ, vất vả mưu sinh ngoài đường phố. Những ngày giãn cách vì COVID cách đây ít lâu, bà và những người bạn đồng hành của mình cũng không quên quyên góp gạo, mỳ tôm để chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh quanh mình. Dù cuộc mưu sinh vẫn còn gian nan, nhưng người phụ nữ trong căn nhà nhỏ, tuềnh toàng ở phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm ấy luôn chắt chiu từng đồng để làm từ thiện. Bà mang trong mình một tình yêu lớn cho những phận người kém may mắn ở chốn Hà Thành. Chuyện tưởng chừng khó tin nhưng hoàn toàn có thật. BTV Hương Giang sẽ bật mí với quý vị thính giả về nhân vật đặc biệt này.
Sau gần 100 ngày, ngày 25/7, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng. Trong sáng 26/7, nước ta tiếp tục ghi nhận thêm một ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng tại Đà Nẵng. Dịch COVID-19 vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp và dư luận đang mong chờ các nhà khoa học trong nước sớm tìm vắc-xin ngừa COVID19. Hành trình đó của các nhà khoa học đến nay đã có được những kết quả gì? Cùng trò chuyện với TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (gọi tắt VABIOTECH), thuộc Bộ Y tế - 1 trong 4 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19.
Cách đây hơn 40 năm, để phong trào ca hát của thiếu nhi phát triển rộng khắp trên cả nước, Liên hoan Tiếng hát hoa phượng đỏ toàn quốc ra đời và đã trở thành hoạt động truyền thống do Đài TNVN tổ chức. Nhiều giọng hát hay đã trưởng thành từ phong trào này. Với chủ đề "Giai điệu tuổi thần tiên", Liên hoan năm nay có điểm gì mới, các em thiếu nhi đã có sân chơi lành mạnh, bổ ích ra sao trong mùa hè này? Tất cả sẽ được giải đáp trong Studio Mở hôm nay. Chúng tôi đã mời đến phòng thu trực tiếp ông Trần Nhật Dương, Phó Trưởng Ban Âm nhạc VOV3...; Chị Trần Thị Thanh Loan, BTV phụ trách đoàn Đài PTTH Bình Dương.