logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Chuyển từ Trường Đại học lên Đại học: Cần thời gian “ủ men” để có “rượu” chất lượng (7/12/2022)

Câu chuyện xôn xao dư luận mấy ngày nay về việc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chuyển thành ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam được chuyển lên mô hình Đại học sau khi Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực. Theo quy định của pháp luật việc chuyển “Trường Đại học” thành “Đại học” không đơn giản là việc chuyển tên mà là chuyển mô hình hoạt động từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực, có sự phát triển cả về quy mô và trình độ đào tạo, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành...những quy định này nhằm năng cao chất lượng giáo dục đại học, hướng đến hội nhập quốc tế. Thế nhưng, ngay sau khi Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thành ĐH Bách Khoa Hà Nội đã nổ ra một cuộc tranh luận nhiều chiều về thuật ngữ “Đại học” và “Trường Đại học”. TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – Người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Đại học cùng bàn luận về câu chuyện này.

Cá độ bóng đá online – Đến hẹn lại lên và hệ luỵ, cần giải pháp (06/12/2022)

Tội phạm cá độ trên không gian mạng có xu hướng diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp diễn ra World Cup 2022. Liên tiếp các đường dây đánh bạc, cá độ bóng đá đã bị triệt phá với số tiền giao dịch lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Với những chiêu trò quảng cáo, chào mời hấp dẫn, công khai, nhiều người dân đã sập bẫy các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng với hình thức cá độ bóng đá. Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy xấu cho xã hội, nảy sinh tội phạm, vi phạm pháp luật khác. Để phòng ngừa, trấn áp kịp thời tội phạm này, lực lượng chức năng trong cả nước đã có nhiều phương án đấu tranh dưới mọi hình thức, nhưng xem ra, đây là vấn đề không hề dễ dàng, cần sự hợp lực từ nhiều phía.

Giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong thanh thiếu niên (05/12/2022)

Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, những “con đường mới nổi” trong lây nhiễm HIV tại nước ta cũng đang cho thấy những vấn đề cần quan tâm khi tỷ lệ lây bệnh qua đường tình dục, trong đó có nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (gọi tắt là MSM), nhóm nghiện chích ma túy đang có xu hướng tăng mạnh tại nhiều địa phương, khiến con đường tiến tới chấm dứt đại dịch Aids kéo dài hơn. Để cùng bàn luận về những cách thức, giải pháp giảm tình trạng lây nhiễm HIV trong thanh thiếu niên, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm nghiện chích ma túy. Ths.BS Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế sẽ cùng bàn luận câu chuyện này.

Trẻ em với công nghệ 4.0: để phát huy lợi ích, hạn chế rủi ro từ không gian mạng (2/12/2022)

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, Internet và các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Smartphone, Laptop, Ipad,… là những vật dụng “bất ly thân” gần như trong mọi lúc của cuộc sống. Trẻ em, những công dân nhỏ tuổi trong xã hội cũng không thể đi ngoài sự phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0.
Nhiều cơ hội, lắm rủi ro là thực tế khi trẻ em tiếp cận với công nghệ 4.0. Làm thế nào để trẻ em có thể nắm bắt được nhiều cơ hội, được bảo vệ và chủ động bảo vệ mình trước những rủi ro đa dạng, rình rập và khó kiểm soát của công nghệ 4.0? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục trẻ em, Bộ lao động thương binh và xã hội.

Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu mô hình tòa thị chính: Liệu có phù hợp? (1/12/2022)

Việc Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu kinh nghiệm các nước về mô hình tòa thị chính và thị trưởng ở đô thị phù hợp với đặc thù nước ta, đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận với nhiều câu hỏi: Liệu sự tìm tỏi, học hỏi này có cần thiết và phù hợp với Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam? Nếu chuyển đổi mô hình, phải làm gì để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, chỉ khác tên gọi chứ không thay đổi cách làm? Đâu là những vấn đề cần lưu ý để cách quản lý nhà nước ở các đô thị dần chuyển đổi sang quản trị, hướng đến sự tham gia và mở rộng đối thoại với người dân mạnh mẽ hơn nữa? Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam) và Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cùng bàn luận câu chuyện này.

Cuối năm, rào rào kích cầu mua sắm online - Hãy là nhà tiêu dùng thông thái! (30/11/2022)

Nếu thường xuyên theo dõi dòng thông tin trên các phương tiện truyền thông nói chung, trên sóng VOV1 nói riêng, quý vị chắc hẳn đã biết về chuỗi sự kiện Tháng khuyến mại tập trung quốc gia hay Ngày hội mua sắm online – Online Friday 2022 ? Chuỗi sự kiện do Bộ Công thương tổ chức, kéo dài gần hết tháng 12, nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm online. Tuy nhiên, có lẽ thông tin nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ quý vị là có những sản phẩm, dịch vụ được khuyến mãi lên đến 100% - liệu rằng chất lượng có đảm bảo hay không?
Khuyến mãi ở mức tối đa, liệu sản phẩm có thể đem lại sự hài lòng cho khách hàng, ồ ạt tổ chức các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm online, cơ quan chức năng sẽ chịu trách nhiệm như thế nào nếu chẳng may người tiêu dùng “mua ảo”-mất tiền thật, lại chỉ nhận bực vào mình khi hàng hóa không như kỳ vọng? Cách thức nào để mua sắm online hiệu quả, đặc biệt trong “mùa sale” như hiện tại? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam!

Tik Toker Nờ Ô Nô “miệt thị” người nghèo để câu view: Ảo tưởng quyền lực hay lệch lạc tư duy? (29/11/2022)

Các video mang tính chất từ thiện, giúp đỡ người khó khăn thường nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Vì lẽ đó, có không ít TikToker đã lợi dụng điều này để tìm cách tăng lượt xem. Những ngày gần đây, TikToker Nờ Ô Nô đang gây làn sóng phẫn nộ, tẩy chay trên mạng xã hội vì những lời lẽ bị cho là "miệt thị người nghèo" trong clip từ thiện mới đây. Nhiều người cho rằng, sự việc miệt thị người nghèo, hơn nữa còn là người lớn tuổi của Nờ Nô Nô chỉ là "giọt nước tràn li". Bởi trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên TikToker Nờ Ô Nô khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì những content nhằm mục đích câu view. Trước đó, Nờ Ô Nô còn bị nhiều nhà hàng dán hình "miễn tiếp" trước cửa quán vì việc làm review thiếu thiếu thiện chí của mình. Nhìn từ sự việc TikToker Nờ Ô Nô “miệt thị người nghèo”: Ảo tưởng quyền lực hay lệch lạc tư duy?

Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo: Start up Việt nhận trách nhiệm giải quyết bài toán quốc gia và quốc tế (28/11/2022)

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2022), với chủ đề “Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới” sẽ diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4/12/2022 tại tỉnh Bình Dương. Đáng chú ý, tại Techfest 2022 sẽ xuất hiện nhiều làng công nghệ mới như Làng Công nghệ Tài chính (Fintech), Làng Vũ trụ ảo (Metaverse), Làng Công nghệ chuỗi khối Blockchain)... và nhiều dự án khởi nghiệp hướng đến giải quyết những bài toán mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế như vấn đề chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, bảo vệ môi trường, giảm tác hại của biến đổi khí hậu theo tinh thần COP26…Khách mời là ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ cùng bàn luận câu chuyện này.

Có nên mời các hot girl tham gia bình luận World Cup 2022? (25/11/2022)

Sau những góp ý của dư luận, Đài Truyền hình VN đã không để 32 cô gái đại diện cho 32 đội tuyển dự World Cup 2022 xuất hiện trong chương trình bình luận trực tiếp trước, giữa và sau mỗi trận đấu tối qua và rạng sáng nay. Diễn biến này thu hút sự chú ý đặc biệt với nhiều câu hỏi: Liệu đây chỉ là quyết định tạm thời hay là động thái thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến khán giả của những người làm thể thao VTV? Vì sao công luận lại thể hiện những quan điểm trái chiều mạnh mẽ, khi nhà đài để các “hot girl” lên sóng bình luận bóng đá? Đâu là những bài học cần rút ra sau sự việc này? Nhà báo Nguyễn Nghĩa – biên tập viên tổ chức sản xuất chương trình Nóng cùng FIFA World Cup 2022 của Ban Thể thao Đài Truyền hình Việt Nam và bà Mai Quỳnh Anh - đại diện dự án truyền thông xã hội “Nhà Nhiều Cột” vì mục tiêu bình đẳng giới cùng bàn luận câu chuyện này.

Giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng mạng xã hội (21/11/2022)

89% trẻ em truy cập và sử dụng internet, trong số này, 87% sử dụng internet hàng ngày. Mặc dù, Internet và mạng xã hội đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp trẻ em có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người, chia sẻ tình cảm, thông tin... Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội nhiều cũng kèm theo những vấn đề tiêu cực cho trẻ em như: Tiếp cận với thông tin giả; truy cập vào những nội dung xấu độc; nghiện sử dụng mạng xã hội. Khi các em chưa ý thức được hết những nguy cơ rình rập khi sử dụng mạng xã hội thì cha mẹ cũng là những người giám sát, chủ động bảo vệ trẻ em.
Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng mạng xã hội? Nội dung được chúng tôi bàn luận trong Dòng chảy sự kiện hôm nay với sự tham gia của khách mời là TS Xã hội học Nguyễn Văn Đáng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp: Nỗ lực giữ lửa nghề - đổi mới sáng tạo không ngừng (18/11/2022)

20/11 hàng năm là dịp tri ân những thầy giáo-cô- giáo. Đây cũng là thời điểm đội ngũ nhà giáo nói chung, đội ngũ nhà giáo dục nghề nghiệp nói riêng nhìn lại, để nỗ lực hơn nữa trong vai trò truyền lửa đam mê cho các thế hệ học viên - trên bước đường nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong đó, với đặc thù 70% thực hành, 30% lý thuyết cùng yêu cầu kỹ năng số - nhà giáo số, các nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang và sẽ cần nỗ lực đổi mới sáng tạo rất nhiều.
Đâu là thuận lợi, thách thức với các thầy-cô trong xu thế này? Đam mê thôi, liệu đã đủ hay chưa? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Nguy hại khi trẻ học cách ứng xử bắt chước thói xấu trên mạng xã hội, cần ngăn chặn phòng ngừa (17/11/2022)

Thời gian qua, không ít các ứng dụng, diễn đàn, mạng xã hội, kênh video... trên internet xuất hiện các bài viết, clip, hình ảnh “gắn mác” dành cho trẻ em, nhưng mang nội dung không có tính giáo dục, phản cảm. Nhiều video vì mục đích câu view, kiếm tiền có nội dung thử thách quái gở nguy hiểm đến tính mạng, clip bạo lực, ngôn từ phản cảm… nhưng lại được chia sẻ rất tích cực đã xâm nhập vào tâm trí, hành động, thói quen của giới trẻ, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em học các hành vi ứng xử qua việc bắt chước trong khi ý thức chưa đủ phát triển để phân biệt được lời nói đùa, không thể hiểu theo cách nói ẩn ý của người lớn". Theo khảo sát của Bộ LĐ-TBXH, trẻ em sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, thời gian lên đến 5-7 tiếng/ngày. Do đó, trẻ rất dễ rơi vào "bẫy" của người lạ trên môi trường mạng. Vậy đâu là giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn những nguy hại khi trẻ học cách ứng xử từ bắt chước thói xấu trên mạng xã hội?

Siết thi chứng chỉ ngoại ngữ: Liệu có giám sát được chất lượng? (16/11/2022)

Những ngày gần đây, Việc Hội đồng Anh tạm hoãn thi IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế khác nhận được sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, không chỉ Hội đồng Anh mà trước đó cũng đã có nhiều đơn vị khác thông báo tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài. Việc tạm dừng thi không chỉ diễn ra với các chứng chỉ tiếng Anh mà còn ở chứng chỉ tiếng Trung và tiếng Nhật...
Câu chuyện này xảy ra ít ngày sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 5871 về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài, vì thời gian qua, hoạt động này tại Việt nam chưa được quản lý chặt chẽ khiến tiềm ẩn những nguy cơ. Việc Bộ GD&ĐT chấn chỉnh, thanh kiểm tra các kỳ thi ngoại ngữ vì nền giáo dục thực chất, đem lại công bằng, minh bạch cho người học. Thế nhưng việc siết thi chứng chỉ ngoại ngữ, liệu có giám sát được chất lượng? Đây cũng là nội dung chúng tôi bàn luận trong Dòng chảy sự kiện hôm nay, với sự tham gia của chuyên gia giáo dục Đinh Đức Hiền – Hệ thống giáo dục Học mãi.

Vi khuẩn Wittmore (ăn thịt người): Nguy hiểm mức độ nào? (15/11/2022)

Thời điểm này, nước ta ghi nhận 3 ca mắc bệnh Whitmore (1 ca ở Đắc Lắc, 2 ca ở Thanh Hóa), trong đó, 1 bệnh nhi quê Thanh Hóa đã tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước có hàng chục ca mắc Whitmore tại các địa phương. Dù là căn bệnh không thường gặp và không lây lan thành dịch nhưng với biểu hiện đa dạng, khó chẩn đoán, trong khi nguy cơ diễn biến nặng và tử vong cao, đây là căn bệnh gây không ít lo lắng cho người dân. Vậy Withmore nguy hiểm ở mức độ nào? Người dân cần làm gì để phòng ngừa, nhận biết căn bệnh này? Để tìm hiểu nội dung này, trong dòng chảy sự kiện hôm nay, chúng tôi mời đến phòng thu trực tiếp TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bảo vệ người lao động thế nào trước làn sóng cắt giảm nhân sự cuối năm? (14/11/2022)

Những ngày gần đây, liên tục có thông tin hàng nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc có nguy cơ mất việc tại khu vực phía Nam. Chỉ trong tháng 10, thành phố HCM đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 11.000 người. Hơn 30 nghìn lao động tỉnh Bình Dương cũng rơi vào cảnh khó khăn vì doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.
Dự kiến “làn sóng” cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm sẽ tiếp tục trầm trọng hơn vào quý 4 năm nay và quý 1 năm sau. Cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của hàng chục nghìn lao động bị mất việc, giảm việc cuối năm? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
06h28-06h30 Quảng cáo
10h55-11h00 Quảng cáo
11h05-11h50 Khởi nghiệp
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
14h50-15h00 Câu chuyện QT
15h00-15h15 Bản tin TS
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 Alo VOV1
16h00-17h00 Theo dòng TS
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
00h00-04h45 Nhập hệ VOV3
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: