logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Từ việc TP Hồ Chí Minh chấp nhận cho dạy thêm: Quản lý như thế nào để dạy thêm không thành dạy chính? (25/10/2022)

Câu chuyện dạy thêm, học thêm được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Câu chuyện này càng có thêm nhiều ý kiến tranh luận, khi TP Hồ Chí Minh có chỉ đạo về dạy thêm, học thêm, tổ chức hoạt động ngoài giờ tại trường tiểu học. Theo đó, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh yêu cầu giáo viên phải lập kế hoạch dạy thêm trên cơ sở nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa. Đặc biệt chú ý đến đặc điểm học sinh, từ đặc điểm vùng miền, hoàn cảnh gia đình, kết quả học tập cuối năm để có cách dạy học phù hợp.
Thực tế, việc dạy thêm, học thêm là xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người học và cả người dạy, khi học sinh muốn cải thiện những kỹ năng còn thiếu hụt, phát triển những năng lực cần thiết cho bản thân. Nhưng nếu lạm dụng việc học thêm một cách tràn lan thì lại là điều đáng bàn. Cần làm gì để dạy thêm, học thêm không trở thành gánh nặng “cơm áo gạo tiền” đối với nhiều gia đình? Làm sao để quản lý dạy thêm chặt chẽ hơn thay vì cấm nửa vời hoặc thả nổi, để dạy thêm không thành dạy chính? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là chuyên gia giáo dục Trần Mạnh Tùng

Chỉ một đêm thêm hai tân hoa hậu và câu chuyện lạm phát các cuộc thi sắc đẹp (24/10/2022)

Chỉ trong 1 buổi tối 22/10 vừa qua, Việt Nam ghi nhận cùng lúc hai hoa hậu đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu Biển đảo Việt Nam và Hoa hậu Hoàn Cầu 2022. Việc chỉ trong một đêm có thêm hai hoa hậu đã nhận nhiều tranh luận trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài Hoa hậu Biển đảo Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Cầu 2022, trong 3 tháng cuối năm, nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước vẫn tiếp diễn. Trong đó, hai cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Siêu quốc gia đang trong giai đoạn tổ chức vòng sơ khảo. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm nay có tổng cộng 25 cuộc thi hoa hậu xin cấp phép. Trong đó, 3 cuôc thi không tổ chức như dự kiến, 8 cuộc thi dồn lại từ năm ngoái. Còn theo một chuyên trang nhan sắc trong nước tổng kết và đưa ra con số khoảng gần 50 cuộc thi lớn, nhỏ diễn ra trong năm nay. Nếu như trước đây, con số cuộc thi sắc đẹp chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay hoa hậu, á hậu “đếm không xuể”. Cuộc thi này chưa qua, cuộc thi khác đã tới khiến cho công chúng “bội thực” hoa hậu. Không chỉ bội thực, lạm phát về số lượng, nhiều cuộc thi đạt chất lượng không cao, thậm chí còn không ít lùm xùm, tai tiếng. Trước việc lạm phát các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp, yêu cầu đặt ra là cần phải có biện pháp siết chặt, lập lại trật tự các cuộc thi nhan sắc.

Ứng xử chung cư giữ nếp văn minh hay giữ thói quen làng xã? (21/10/2022)

Đại diện chính quyền phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã khẳng định "Nếu có hiện tượng tái diễn, sẽ xử lý, xử phạt nghiêm" khi nhắc tới việc cư dân bật nhạc đám ma để át tiếng nhạc karaoke ở tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Câu chuyện tạm lắng xuống nhưng đặt ra nhiều dấu hỏi lớn về văn hóa ứng xử chung cư, giữ nếp văn minh thế nào khi mỗi người vẫn còn thói quen làng xã? Cần làm gì để đẩy lùi những thói quen xấu, cách hành xử thiếu chuyên nghiệp trong giải quyết mâu thuẫn?

Giải pháp nào để xử lý bạo lực học đường tận gốc? (18/10/2022)

Năm học 2022-2023 mới diễn ra chưa đầy 2 tháng nhưng tại các địa phương liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường, gây bức xúc trong dư luận. Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ, mà thậm chí còn có những học sinh phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bị bạn cùng trường hành hung.
Đáng lo ngại hơn, rất nhiều vụ việc chỉ bị phát hiện khi đã lan truyền các clip trên mạng xã hội. Tại sao bạo lực học đường không phải vấn đề mới, nhưng đã và đang trở thành vấn đề khó giải quyết, gây tổn thương rất lớn tới tâm lý, sức khỏe của học sinh? Vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội như thế nào để đẩy lùi thực trạng này? Giải pháp nào để xử lý bạo lực học đường tận gốc? Chuyên gia giáo dục – TS Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công cùng bàn về câu chuyện này.

Ðề xuất trích 3.500 tỷ mua sách giáo khoa cho học sinh mượn - làm thế nào để không lãng phí (17/10/2022)

Đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc trích ngân sách nhà nước 3.500 tỉ đồng mua sách giáo khoa (SGK) cung cấp cho các thư viện trường học để học sinh mượn đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây là chính sách nhân văn, mang lại ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với học sinh mà còn có ý nghĩa với tất cả người dân, nhất là khi cả nước mới trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và ở một số vùng, hàng năm học sinh vẫn chịu ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai, lũ lụt. Song vấn đề quan trọng đặt ra là việc quản lý chi tiêu, sử dụng ngân sách này như thế nào từ trung ương đến địa phương để tránh lãng phí, SGK đến được tay học sinh thực sự cần.

Dịch sốt xuất huyết vẫn chưa "giảm nhiệt", giải pháp nào để giảm ca nặng và tử vong? (14/10/2022)

Tính đến thời điểm này, cả nước ghi nhận gần 250.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 100 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,7 lần, tử vong tăng 80 trường hợp. Đáng chú ý là dù đã sang tháng 10, nhưng dịch sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt", thậm chí vẫn tiếp tục gia tăng mạnh tại khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
Các chuyên gia dịch tễ nhận định, từ nay đến cuối năm, sốt xuất huyết còn diễn biến hết sức phức tạp với số ca mắc có thể tăng cao nhất trong 25 năm trở lại đây. Trước số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh mỗi tuần, mới đây, “tâm dịch” sốt xuất huyết TP Hồ Chí Minh đã phải đưa ra giải pháp phân tầng điều trị bệnh nhân. Còn với gần 5.000 ca mắc, 5 ca tử vong, Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc cũng đang ghi nhận dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Vậy đây có phải là điều bất thường của bệnh dịch sốt xuất huyết? Giải pháp nào để giảm số ca nặng và tử vong? BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương – đơn vị đang tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tới khám và điều trị mỗi ngày cùng bàn luận về câu chuyện này.

Giải pháp nào bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh xăng - dầu khan hiếm và giá cả thất thường? (13/10/2022)

Xô xát với nhân viên bán xăng vì không được mua đủ 5l xăng cần mua; người nhà bệnh nhân xếp hàng chờ mua xăng, mang đến bệnh viện tặng bác sĩ; nhiều người dân tìm cách mua loại mặt hàng này, tích trữ trong nhà, để dùng dần…Thực tế này đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.
Cơ quan chức năng không ngờ tới, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng không tưởng tượng sẽ có thời điểm như hiện tại; và đặt nhiều dấu hỏi nhất có lẽ là người dân – khi đời sống sinh hoạt bị đảo lộn, kéo theo đó là nhiều vấn đề kinh tế-xã hội khác. Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

Ban đại diện cha mẹ học sinh và câu chuyện lạm thu đầu năm học (11/10/2022)

Thời gian qua, thông tin về các khoản thu đầu năm học “núp bóng tự nguyện” ở nhiều trường lại tràn ngập trên các diễn đàn, mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Điều khiến dư luận bức xúc là nhiều khoản từ Quỹ phụ huynh không phải chi cho học sinh mà là bồi dưỡng giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường. Thậm chí, có những trường còn mượn tay Ban đại diện phụ huynh, để thu tiền và chi cho các hoạt động của nhà trường.
Không thể phủ nhận vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh vì trên thực tế hoạt động dạy học của nhà trường và học sinh khó có thể thực hiện tốt nếu không có sự vào cuộc nhiệt tình của ban đại diện. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những ban dại diện “lạm quyền”, “bày vẽ”, trở thành “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng, gây bức xúc cho phụ huynh và dư luận.
Trước hàng loạt sự việc xảy ra, nhiều câu hỏi được đặt ra: Ban đại diện cha mẹ học sinh có còn đại diện cho tất cả phụ huynh? Có nên duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh nữa không? Cần làm gì để ban đại diện hoạt động hiệu quả, đúng tinh thần thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh? TS Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục cùng bàn luận câu chuyện này.

Chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường (10/10/2022)

Trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Noru. Một số địa phương không nằm trong trung tâm bão đổ bộ nhưng đã bị ảnh hưởng hoàn lưu sau bão rất nặng nề như ngập lụt, lũ quét ở huyện Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; tình trạng ngập lụt sau những trận mưa lớn hay ô nhiễm không khí ở các đô thị ngày một gia tăng là những cảnh báo từ thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày một phức tạp, trái quy luật, khó dự báo. Tình trạng này phản ánh điều gì từ câu chuyện tầm nhìn chiến lược, công tác lập quy hoạch, trong đó có quy hoạch môi trường? Giải pháp nào để chủ động ứng phó trước những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu?

Tiêu dùng số - lợi ích thiết thực và những vấn đề người dân cần quan tâm (07/10/2022)

Lần đầu tiên Việt Nam có Tháng Tiêu dùng số. Đây là một trong những hoạt động nổi bật hướng đến Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10 – đang được truyền thông nhiều và nhiều người quan tâm. Hưởng ứng Tháng Tiêu dùng số, người tiêu dùng có thể nhận được rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, ban tổ chức thuộc Bộ Thông tin và truyền thông khẳng định, mục đích của chương trình không đơn thuần là ưu đãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Mục đích lớn nhất là nâng cao kỹ năng số cho người dân. Cụ thể, thực tế người dân đang có kỹ năng số như thế nào, khả năng tiêu dùng số tới đâu và có thể được hỗ trợ như thế nào, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số nói chung?

Việt Nam đã phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên về từ nước ngoài, biện pháp nào để khoanh vùng, kiểm soát, hạn chế lây lan bệnh dịch? (05/10/2022)

Sau khi nước ta ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên từ nước ngoài trở về, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm. Với đậu mùa khỉ hiện có 2 chủng lưu hành chính ở Tây Phi và Trung Phi, trong đó chủng lưu hành ở Tây Phi thì nhẹ hơn. Hầu hết các ca bệnh ghi nhận ở châu Âu, Mỹ và các quốc gia khác là chủng ở Tây Phi. Ca bệnh ghi nhận ở Việt Nam cũng là chủng của Tây Phi. Dù đậu mùa khỉ không dễ lây lan như Covid 9, song người dân cần có thông tin để nhận biết, tuân thủ theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng ngừa bệnh dịch này. Vậy khi đã có ca bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, các biện pháp nào cần được triển khai để khoanh vùng, kiểm soát, hạn chế lây lan bệnh dịch?

Làm thế nào để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong những đợt thiên tai tiếp theo? (3/10/2022)

Những năm qua, thiên tai cực đoan liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng miền trên cả nước. Mưa bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đã cuốn theo tài sản, hoa màu và thậm chí cả tính mạng của biết bao người dân. Cơn bão số 4 (bão Noru) vừa qua là một ví dụ điển hình. Mặc dù đã có các biện pháp phòng chống từ sớm, tuy nhiên những thiệt hại đáng tiếc vẫn xảy ra.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, các tỉnh miền Trung sẽ đối mặt với mưa bão dồn dập vào cuối năm. Để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong những đợt thiên tai tiếp theo cần phải làm gì? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng Cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Kiểm soát dịch bệnh sau bão lũ (29/9/2022)

Bão số 4 là một trong số các cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây, song khi chính quyền và người dân đã chủ động phòng chống, thiệt hại ban đầu đã được giảm tối đa, đặc biệt là số người bị thương vong ở mức thấp nhất.
- Các chuyên gia dự báo những tháng cuối năm 2022 thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10 và 11/ 2022. Chính vì vậy, việc nhận diện và phòng ngừa các bệnh lý sau bão lũ là hết sức cần thiết với bà con. Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu, duy trì phòng chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết và các bệnh lý thường gặp khi thiên tai, bão lũ. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế bàn luận vấn đề này.

Những bài học, kinh nghiệm nghiệm ứng phó với bão lũ, thiên tai, nhìn từ thực tế cơn bão số 4 (28/9/2022)

Như Đài TNVN đã đưa tin, sáng nay, bão số 4 đã đổ bộ vào đất liền một số tỉnh miền Trung. Mặc dù được đánh giá là cơn bão lịch sử với những số liệu mà từ trước đến nay các bản tin dự báo bão chưa bao giờ ghi nhận được, nhưng nhờ sự ứng phó quyết liệt, kịp thời, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thiệt hại đã được giảm đến mức thấp nhất.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Phó trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng trao đổi về những kinh nghiệm ứng phó với bão lũ, thiên tai, nhìn từ thực tế cơn bão số 4.

Bài toán môi trường trong phát triển bền vững ở Việt Nam (27/9/2022)

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của nước ta. Ngày 12/09 vừa qua, Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành và Đại học Auburn của Mỹ tổ chức Hội thảo “Ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp”. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với một số nhà khoa học nghiên cứu về môi trường tại các trường Đại học của Mỹ về chủ đề: Bài toán môi trường trong phát triển bền vững của Việt Nam. Đó là Giáo sư Bryan Brooks, Đại học Baylor, bang Texas; Giáo sư Clifford Shultz, Đại học Loyola, Chicago, bang Illinois và Giáo sư Hoàng Chung Thẩm, Đại học Auburn, bang Alabama.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
06h28-06h30 Quảng cáo
10h55-11h00 Quảng cáo
11h05-11h50 Khởi nghiệp
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
14h50-15h00 Câu chuyện QT
15h00-15h15 Bản tin TS
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 Alo VOV1
16h00-17h00 Theo dòng TS
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: