Từ vùng đất khô cằn vì hạn hán tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, cách làm ăn mới đã giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nói về “chìa khóa” mở ra cánh cửa làm giàu, hầu hết người dân địa phương đều gọi tên một người nông dân: ông Huỳnh Văn Tỷ. Mời quý vị và các bạn cùng nghe về mô hình hiệu quả trên vùng đất hạn cũng như về người nông dân Huỳnh Văn Tỷ qua ý kiến của chính những nông dân trong thôn Mỹ Phú:
Làm một việc tốt cho cộng đồng chính là nhân lên niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. Đó là tâm niệm của chị Trần Phương Lan, người khởi xướng thành lập CLB chăm sóc trẻ bị ly thượng bì bóng nước gọi tắt là (EB). Câu lạc bộ đã giúp đỡ cho nhiều trẻ em, gia đình có con bị mắc căn bệnh này. Chị Trần Phương Lan cùng các thành viên của câu lạc bộ sẵn sàng dành thời gian, chi phí đi tới bất cứ nơi đâu để hướng dẫn các gia đình chăm sóc trẻ bị bệnh ly thượng bì bọng nước; hỗ trợ dụng cụ y tế, thuốc men,... Nhờ sự giúp đỡ của chị Lan, hơn chục năm qua, gần một trăm trẻ em bị bệnh ly thượng bì bọng nước đã cơ bản hồi phục sức khỏe có thể đến trường, tự tin hòa nhập cuộc sống. Hiện, chị cùng các thành viên trong câu lạc bộ thường xuyên trợ giúp khoảng hơn 40 bé bị mắc bệnh ly thượng bì bọng nước trên khắp mọi miền đất nước. Cùng phóng viên Thu Hiền gặp gỡ trò chuyện với chị Trần Phương Lan.
Lâu nay, khi nhắc tới Quảng Trị, ai cũng nghĩ đây là vùng đất nắng và gió rất khắc nghiệt, đất cát bạc màu, cây trồng khó chống chịu nổi nếu không có sự can thiệp của khoa học kỹ thuật, trong khi 70% số dân trong tỉnh làm nông nghiệp. Nhưng với sự quyết tâm đồng lòng của chính quyền địa phương, cùng các nhà khoa học, các doanh nghiệp và sự chịu khó, đồng thuận của bà con nông dân đã biến vùng đất khó thành vùng đất cho trái ngọt.
Canh tác theo quy trình sạch, dồn điển đổi thửa tạo ra những cánh đồng lớn, xây dựng thương hiệu, đầu tư mẫu mã bao bì sản phẩm, nhân dân tỉnh Quảng Trị đã thành công trong việc đưa ra thị trường thương hiệu Gạo Ong biển có chứa nhiều hợp chất an toàn, có lợi cho sức khỏe. Với phương pháp trồng lúa hữu cơ không chỉ cho ra những sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần hồi sinh vùng đất chết, tạo thu nhập cao hơn cho người dân còn nhiều khó khăn, chịu nhiều hậu quả do chiến tranh để lại.
Biên tập viên Đài TNVN trò chuyện với ông Hà Sỹ Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về những nỗ lực của chính quyền địa phương, nhà đầu tư và góp sức của người dân Quảng Trị để xây dựng nên một thương hiệu gạo đủ sức vươn tầm quốc tế:
10 tuổi mới đi học lớp 1, nhưng gần 20 năm sau, chàng trai người Mông Giàng Seo Châu đã trở thành thạc sỹ đầu tiên ở huyện Si Ma Cai, Lào Cai. Với quan điểm sống “ở đời này không có con đường cùng và chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu chúng ta phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy”, Giàng Seo Châu từ một đứa trẻ người Mông không biết đọc, biết viết này trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, anh Châu đã có nhiều mô hình sáng tạo trong nông nghiệp, là lãnh đạo gần dân, có uy tín, luôn hết lòng vì sự phát triển của vùng đất Si Ma Cai
Nửa thế kỷ làm công tác nghiên cứu khoa học, hơn 20 năm làm doanh nhân, bà đã xây dựng được một thương hiệu sơn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Bà thuộc nhóm hiếm hoi các nhà khoa học thành công cả trong kinh doanh. Người phụ nữ đã qua tuổi "thất thập" ấy vẫn ngày ngày dành cả chục tiếng đồng hồ trong phòng nghiên cứu. Tập đoàn do bà đứng đầu không những khẳng định thương hiệu Việt, mà còn có những đóng góp lớn lao cho xã hội khi đã trao cho hàng ngàn cá nhân và tập thể trên khắp cả nước các giải thưởng giá trị, với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Người mà chúng tôi muốn giới thiệu trong Chuyện đêm hôm nay là: Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch tập đoàn Sơn KOVA.
Hệ thống trồng cây với 3 bộ phận được ví như “thân xác”, “bộ não” và “linh hồn”do Công ty Treant Protector Việt Nam phát triển, không chỉ giúp các gia đình có rau sạch, quả ngon, mà còn có thể trở thành “khu vườn” trang trí trong nhà, tại các quán cà phê, tạo nên một không gian xanh sống động ở cả những diện tích rất nhỏ hẹp. Với nhiều nỗ lực của các thành viên sáng lập Công ty, đến nay những sản phẩm như T-Farm, T-Harmorny,… được trang bị các công nghệ như giả lập khí hậu, thuỷ canh, khí canh,… và có thể trồng bất kỳ loại cây nào. Cùng nghe Phóng viên Mai Hạnh trò chuyện với anh Hà Tuấn Vũ - Giám đốc điều hành Treant Protector Việt Nam – về những kinh nghiệm khởi nghiệp trong quá trình phát triển sản phẩm T-Farm, T-Harmony.
Một tin vui cho các gia đình có trẻ tự kỷ, đó là một thiết bị mới có thể hỗ trợ phụ huynh trong việc chăm sóc và quản lý trẻ tự kỷ vừa được một nhóm các bạn sinh viên trẻ tại Hà Nội đã nghiên cứu, phát triển. Nhóm có tên gọi ECo4P gồm 12 thành viên trong đó 9 bạn sinh viên bách khoa Hà Nội. Phóng viên Đài TNVN trò chuyện với bạn Nguyễn Văn Giảng, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, chuyên ngành Khoa Học Máy Tính – thành viên của nhóm Eco4P về quá trình nghiên cứu, phát triển thiết bị hỗ trợ trẻ tự kỷ.
Chiếc nón là hình ảnh đã rất quen thuộc với mỗi người dân Việt. Từ trước đến nay, hình ảnh chiếc nón truyền thống của Việt Nam thường được làm bằng lá cối, lá cọ, lá nón... Ấy vậy mà ở cố đô Huế, một thứ vật liệu đơn giản, không mấy ai nghĩ đến như chiếc lá bàng rừng, qua đôi tay cần mẫn, óc sáng tạo của ông Võ Ngọc Hùng (64 tuổi, ngụ phường Kim Long, Tp. Huế) đã tạo nên chiếc “nón bài thơ” vô cùng đặc sắc. Cho đến nay, chỉ duy nhất ông Võ Ngọc Hùng là người làm và đạt được thành công nhất định trong việc sản xuất nón từ lá bàng rừng.
Thầy cô giáo luôn là những người quan trọng nhất giúp định hướng tương lai cho học sinh, giúp các em hiểu mình thực sự mong muốn điều gì và trở thành một người như thế nào. Tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, không hề quá lời khi gọi các thầy giáo, cô giáo là những “chiến sỹ cầm bút, cầm phấn”. Với các thầy cô, nếu không yêu nghề, yêu trẻ và kiên trì thì không bao giờ có thể bám trụ. Mời quý vị và các bạn cùng đến với những vùng khó khăn của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, để cùng chứng kiến hành trình các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám bản, với quyết tâm “gieo chữ” trên non:
Bằng tâm huyết, sự tận tình của mình, cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên Địa lý, Trường THCS Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã dìu dắt, bồi dưỡng nhiều học sinh đạt giải cao tại cuộc thi học sinh giỏi môn địa lý cấp thành phố. Để giúp học sinh hiểu bài nhanh và yêu thích môn học, cô Thu không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ từ đồng nghiệp, tích cực tìm tòi, tiếp cận với các phương pháp giảng dạy mới, ngắn gọn dễ nhớ, dễ hiểu, đồng thời vận dụng các bài học lý thuyết vào thực tiễn để tạo cảm hứng và phát huy tính tự học, tự sáng tạo của học sinh. Trong quá trình công tác giảng dạy, cô luôn học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ là kiên trì, giản dị, gần gũi với học trò và đồng nghiệp. Phóng viên Thu Hiền gặp gỡ và trò chuyện với cô Nguyễn Thị Thu.
Được làm cha, làm mẹ, được chứng kiến sự trưởng thành của con cái từ lúc lọt lòng đến tuổi trưởng thành là một điều tuyệt vời, làm niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tuy nhiên để làm cha, làm mẹ tốt và có thể chăm sóc con cái một cách chu đáo nhất, và quan trọng hơn cả là người phụ nữ trong gia đình cần cập nhật thêm rất nhiều kĩ năng về chăm sóc sức khỏe và trí tuệ cho trẻ. Một sự khởi đầu và lộ trình của việc nuôi nấng con nên người thuận lợi, hiệu quả sẽ tạo tiền đề tốt cho sự phát triển của con từ lúc lọt lòng đến tuổi trưởng thành sau này. Phóng viên Đài TNVN trò chuyện với bà Trần Thu Hà, Phó giám đốc Đánh giá và tư vấn các Dự án y tế, phụ trách Phòng Khám Cây thông xanh của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Phát triển cộng đồng, với mong muốn truyền lại một số kinh nghiệm hay cho các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe, tạo tính tự lập và kỹ năng sống cho con cái mình:
Hà Trang và Thu Hoài, những cô gái thuộc thế hệ 9X, với tình yêu văn học sâu sắc đã lập nên trang Fanpage Trạm Radio để lan tỏa tình yêu ấy đến với mọi người. Gần 2 năm thực hiện, đến nay trang fanpage này đã thu hút hơn 5 nghìn người theo dõi và hàng nghìn lượt nghe. 1 tuần 1 số đều đặn vào thứ 5 hàng tuần, đến nay trạm radio đã có gần 100 số, bằng giọng đọc truyền cảm, từng tác phẩm văn học đã nhẹ bước dần dần, khơi gợi niềm say mê đọc sách còn tiềm ẩn trong nhiều người. Vậy Hà Trang và Thu Hoài đã lập nên Trạm Radio như thế nào và 2 cô gái này đã đưa những tác phẩm văn học nghệ thuật đó đến với mọi người như thế nào, mời quý vị và các bạn cùng nghe Chuyện đêm ngay sau đây.
Ngay cả những ông trùm trong ngành đồ chơi trẻ em cũng phải thừa nhận rằng, chỉ những ai có tâm huyết thật sự mới đầu tư vào lĩnh vực này, bởi sản xuất đồ chơi cho trẻ em rất phức tạp, nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong khi năng lực vốn khả năng tự chủ nguồn cung phụ liệu, thiết kế mẫu của các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Tuy nhiên, có một ông bố trẻ đang ngày ngày mày mò nghiên cứu và quyết định dấn thân vào lĩnh vực khó nhằn này. Đó là anh Bùi Ngọc Cường, Giám đốc Công ty Oli Wood chuyên sản xuất và kinh doanh đồ chơi bằng gỗ an toàn cho trẻ em.
Trước khi đến với nghề này, anh Cường đã ổn định với nghề kỹ sư điện, làm việc tại một tập đoàn lớn của nước ngoài tại Việt Nam với mức lương cao, nhưng khi thấy đồ chơi ngoại chiếm lĩnh thị trường nội địa, trong đó có không ít loại kém chất lượng gây hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, anh Bùi Ngọc Cường đã quyết định làm lại từ đầu. Mời quý vị và các bạn cùng nghe cuộc trò chuyện giữa phóng viên Đài TNVN với anh Bùi Ngọc Cường.
Con giống bột (hay còn gọi là “tò he”) là một trong số ít những món đồ chơi dân gian vẫn còn sức hấp dẫn đối với trẻ em ngày nay. Những bông hoa, rồng, phượng, hay những nhân vật hoạt hình nặn bằng bột nhiều màu sắc và dễ cầm nắm thường được trẻ nhỏ lựa chọn mỗi dịp lễ, tết, nhất là ngày dịp Quốc tế thiếu nhi (1/6) và Trung thu. Tò he là sản phẩm đồ chơi dân gian độc đáo, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang tính khoa học. Giản dị như chính cuộc sống, song tò he là sự tích tụ của trí tuệ dân gian, là món ăn tinh thần rất gần gũi của người dân Việt Nam. Với mong muốn gìn giữ một bộ môn nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân Đặng Đình Hổ (năm nay 45 tuổi) ở thôn Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) đã quyết tâm giữ nghề và gắn bó với nghề, đồng thời lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật làm tò he đến với giới trẻ.