Trong số 20 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng 2021 vừa qua, có sự góp mặt của nữ ca sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà với nghệ danh là Hà Myo ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, với hành trình mang Xẩm lên các sân khấu trong nước và quốc tế, mang Xẩm đến với nhiều hơn những khán giả, nhất là người trẻ để có thể giữ gìn và phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế. Năm 2021 cô cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Hơn 10 năm được định hình là một ca sĩ nhạc trẻ, sôi động, cơ duyên đặc biệt đưa Hà Myo đến với xẩm để rồi cùng với những sự kết hợp độc đáo cùng âm nhạc hiện đại, cô đã mang đến màu sắc mới mẻ cho âm nhạc truyền thống.
Tốt nghiệp chuyên ngành thú y, Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi làm việc 3 năm ở trại nuôi lợn huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), anh Lê Phi Long trở về quê và xin vào làm nhân viên thú y tại xã Bình Sơn. Khi đi nhiều, gặp gỡ nhiều hộ dân trong xã và nhận thấy: mặc dù số lượng hộ chăn nuôi gà thả vườn lớn nhất huyện, nhưng người dân lại vất vả và không có thu nhập cao, nên anh Long đã quyết tâm nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi gà sinh học. Năm 2017, vay 25 triệu đồng từ Quỹ đồng hành với thanh niên tỉnh Đồng Nai, anh Long thử nghiệm chăn nuôi 500 con gà theo kiểu an toàn sinh học, không dùng thuốc kháng sinh. Sau nhiều nỗ lực học tập kinh nghiệm, tìm hiểu trong sách vở và thực tế, Hợp tác xã của anh đã đạt doanh thu hàng tỷ đồng. Thành công trong chăn nuôi đã giúp anh trở thành 1 trong 57 nhà nông trẻ đạt Giải thưởng Lương Định Của. Chuyện đêm hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng nghe Phóng viên Mai Hạnh trò chuyện với anh Lê Phi Long - Bí thư chi đoàn xã Bình Sơn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chăn nuôi sinh học – về những kinh nghiệm chăn nuôi gà theo phương pháp sinh học.
Đang là giáo viên Mầm non, vì kinh tế gia đình và nhận thấy tiềm năng phát triển của xã hội từ cung cấp cây cảnh, cây bóng mát của các gia đình, cũng như các trường học, cơ quan, đơn vị là khá lớn, nên đầu năm 2015 chị Nguyễn Thị Mai (SN 1986) hội viên nông dân thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã quyết định xin nghỉ dạy về nhà thuê đất làm nghề trồng cây công trình, cây dự án. Từ niềm đam mê và nhạy bén trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay gia đình chị Mai đã có quy mô sản xuất và ươm trồng hơn 10 héc ta (10,2 ha) với rất nhiều loại giống cây và đầy đủ máy móc phục vụ sản xuất như hệ thống bơm tưới, xe nâng, xe vận chuyển, đất sản xuất, đất bến bãi... Mô hình của gia đình chị Mai đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 người, và khoảng 50 lao động khi vào mùa vụ. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 3,5 tỷ đồng. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Mai luôn được chính quyền địa phương và các hội đoàn thể ghi nhận và tạo điều kiện phát triển. Chị Mai đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của Hội nông dân tỉnh và là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương. Đặc biệt chị vừa vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Câu lạc bộ Doanh nhân Chữ Thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh, tiền thân là câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình Chữ Thập đỏ, là cầu nối các nguồn lực từ doanh nhân - doanh nghiệp hoạt động dựa trên các nguyên tắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền đoàn thể, các đơn vị cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng, các hoạt động xã hội nhân đạo. Một năm trước, thành phố Hồ Chí Minh đang trong cao điểm bùng phát dịch covid -19, sức khỏe, tính mạng của nhân dân thành phố bị đe dọa nghiêm trọng, hoạt động phát triển kinh tế xã hội bị đình trệ. Trong bối cảnh đó, không ít doanh nhân đã cởi bỏ bộ vest và khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, lao vào tâm dịch, bệnh viện dã chiến, các khu phố bị cách ly, xóm trọ nghèo, xóm ve chai… để hỗ trợ lương thực thực phẩm, oxy, thuốc, vật phẩm y tế cho những người đang cần sự giúp đỡ. Và đến nay, khi thành phố đang dần lấy lại nhịp sống sau cơn “bạo bệnh”, câu lạc Doanh nhân Chữ Thập đỏ thành phố HCM vẫn tiếp tục có những hoạt động ý nghĩa, lan tỏa thông điệp yêu thương tới những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Như Đài TNVN vừa tường thuật trực tiếp, lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 vừa kết thúc. Đây là giải thưởng cao quý dành tặng các tác phẩm báo chí, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất. Đã có 10 giải A được trao cho các tác phẩm bởi tính chân thực, xúc động, lay động lòng người, có tính lan tỏa cao trong xã hội. Một trong số những tác phẩm đoạt giải A lần này là loạt phóng sự điều tra “Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc "ma mị" giữa thủ đô” của báo Đại Đoàn Kết , được thực hiện trong vòng 5 tháng với tổng cộng 61 tin, bài, phóng sự và các hội thảo đã được thực hiện và đặc biệt là tiếng vang lớn trong dự luận xã hội, góp tiếng chung vào công cuộc bài trừ mê tín dị đoan. Cùng nghe chia sẻ của nhà báo Công Khanh về quá trình thu thập dữ liệu và chứng cứ để thực hiện loạt phóng sự điều tra này.
Năm 2021 Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đạt 2 giải thưởng chính thức của Hiệp hội Phát thanh-Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (ABU) gồm Giải thưởng đặc biệt của Ban Giám khảo ở hạng mục “Giải quan điểm chủ đề” với tác phẩm “Đừng từ bỏ” của tác giả Kiều Thanh Phượng (Ban Văn hóa - Xã hội VOV2). Tác phẩm “Nước ơi” của tác giả Hoàng Văn Ân (Ban Thời sự VOV1) đoạt giải xuất sắc thể loại Phóng sự thời sự. Đây là lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam giành được đồng thời 2 giải chính thức và cũng là lần đầu tiên giành giải ở thể loại “Phóng sự thời sự”.
Mời quý vị và các bạn cùng nghe mục Chuyện đêm với câu chuyện về một cô giáo tốt nghiệp Đại học sư phạm nhạc họa nhưng đã chọn làm giáo viên mầm non vì nhu cầu thực tế của địa phương và rồi cũng bởi nặng lòng với cây xanh nên một lần nữa chị đã quyết định chuyển hướng công việc để tạo dựng thành công mô hình “ươm trồng cây công trình, cây dự án” qua đó làm giàu cho bản thân và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người lao động.
Năm 2017, tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội với nhiều thành tích xuất sắc, nhưng Vũ Minh Ngọc (31 tuổi) lại
quyết định về quê tại làng Bách Cốc cổ (xã Thành Lợi, H.Vụ Bản, Nam Định)
để khởi nghiệp từ nghề làm giấm gia truyền, đồng thời làm tiền đề phát triển
phong trào thanh niên nông thôn làm kinh tế, tạo bản sắc riêng cũng như xây
dựng làng nghề bền vững với sứ mệnh “Từ sinh kế tới sinh thái”. Giai đoạn
đầu khởi nghiệp, là kỹ sư ngành kỹ thuật nên khi bước vào mảng nông nghiệp
là một thách thức lớn đối với anh Ngọc. Trong tay anh ngoài công thức gia
truyền thì không có gì khác. Anh còn phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều
của những người thân trong gia đình. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng tìm
tòi, nghiên cứu, sáng tạo, anh dần gây dựng được doanh nghiệp giấm Cô Tâm,
góp phần phát triển kinh tế tại quê hương, tạo công ăn việc làm cho nhiều
người lao động. BTV Đài TNVN trò chuyện với chàng
kỹ sư xây dựng Vũ Minh Ngọc, anh đã thành công với nghề lên men giấm
truyền thống này. Anh cũng vừa nhận Giải thưởng Lương Định Của 2021 của
Trung ương Đoàn TNCSHCM:
Những ngày này, hình ảnh 6 bài tập về nhà được lan tỏa rộng rãi trên các trang mạng xã hội với rất nhiều bình luận như là: “bài tập về nhà của thầy giáo tuyệt vời quá”; “Đây mới đúng là thầy giáo quốc dân”; “Đọc bài tập về nhà mà thấy thật xúc động và thanh thản”; “Không hiểu sao đọc mà khóc luôn”...thậm chí là có người còn bình luận như thế này: “Hy vọng người thầy này có thật chứ ko phải chỉ là 1 câu chuyện vẽ ra câu view”...Rất nhanh, thông tin về thầy giáo soạn những bài tập đặc biệt này đã được tìm ra-đó là thầy giáo Đỗ Đức Anh, Tổ phó Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nổi tiếng trên truyền thông và mạng xã hội với các lá thư nhắn nhủ, bài giảng sáng tạo để mang đến cho học trò những tiết học thú vị, hấp dẫn và hiệu quả.
Mang trong mình tình yêu với các dòng tranh dân gian của dân tộc và nỗi lo về sự mai một, thất truyền, nếu không kịp thời nghiên cứu thì có thể những dòng tranh ấy sẽ dần dần biến mất. Vì thế, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã bắt tay vào tìm hiểu tư liệu, khảo sát điền dã về “tranh dân gian Việt Nam”. Và kết quả sau nhiều ngày tháng tìm hiểu tư liệu, khảo sát điền dã dọc miền tổ quốc của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã ra mắt những cuốn sách về tranh dân gian Việt Nam như: Tranh dân gian Hàng Trống, Tranh dân gian Kim Hoàng, Tranh dân gian Đông Hồ và mới đây nhất là cuốn: tranh dân gian Huế và Tranh dân gian đồ thế. Đặc biệt Bộ sách gồm 2 cuốn: Dòng tranh dân gian Kim Hoàng và Dòng tranh dân gian Đông Hồ đã đạt giải B Giải Sách Quốc gia lần thứ 3 năm 2020 giúp độc giả biết được lịch sử phát triển, sự thăng trầm của làng tranh, dòng tranh Kim Hoàng, Đông Hồ. Sách là một phần của dự án khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ nhằm góp phần giữ hồn dân tộc qua tranh.
Những ngày hè rực rỡ, thật là tuyệt vời khi được cùng gia đình tận hưởng kỳ nghỉ tràn ngập niềm vui, khám phá những điều thú vị về thiên nhiên và con người. Những chuyến đi không chỉ nạp thêm năng lượng mà còn là dịp gắn kết tình thân và chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc cùng nhau, lưu giữ những kỷ niệm không thể nào quên. Vậy làm sao để những chuyến du lịch gia đình cũng là thời gian để các con được rèn luyện kỹ năng mềm, để trưởng thành hơn sau mỗi chuyến đi. Cùng nghe những chia sẻ doanh nhân Nguyễn Thị Quỳnh Anh, một phụ huynh ở Hà Nội về những chuyến đi thật nhiều cảm xúc này.
Anh Phan Văn Đạt - Bí thư Đoàn xã Võng La (huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) là một đoàn viên hoạt bát, năng nổ, thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó trong xã. Mùa hè này, cùng với các hoạt động tình nguyện trong chiến dịch mùa hè xanh của thanh niên xã Võng La, anh Đạt không quên “nhiệm vụ” hàng ngày, đó là vận hành cơ sở sản xuất đậu phụ Làng Chài xã Võng La. Đây là cơ sở sản xuất của Hợp tác xã Thanh niên Võng La (do anh là Giám đốc). Anh Đạt kể, năm 2019 khi Thành phố Hà Nội công nhận Võng La là làng nghề truyền thống, mặc dù đã tốt nghiệp Đại học Luật, nhưng ước mơ gìn giữ nghề làm đậu phụ truyền thống của làng đã giúp anh mạnh dạn quay về thành lập Hợp tác xã, huy động thêm đoàn viên, thanh niên tại địa phương cùng tham gia sản xuất. Chuyện đêm hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng nghe Phóng viên Mai Hạnh trò chuyện với anh Phan Văn Đạt – Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Võng La – về mơ ước gìn giữ nghề truyền thống đang dần thành hiện thực.
Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một trong những cái nôi khai sinh ra nhiều làn điệu quan họ đằm thắm, mặn mà. Việt Yên cũng là huyện duy nhất của tỉnh Bắc Giang có 5 làng quan họ cổ thuộc danh sách 49 làng quan họ Kinh Bắc được UNESCO vinh danh. Bởi vậy, “làm thế nào để gìn giữ và trao truyền những câu hát quan họ giao duyên bên dòng sông Cầu cho thế hệ kế cận” vẫn luôn là câu hỏi khiến những liền anh, liền chị ở tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Việt Yên nói riêng trăn trở. Trong chuyên mục Chuyện đêm hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng phóng viên Trần Long ghé thăm một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Quan họ thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu cách những làn điệu quan họ tồn tại, ngấm sâu trong đời sống người Kinh Bắc.
Kết thúc 2 năm đầu đại học, chưa tìm được sự hứng thú với ngành Y và phải chịu nhiều áp lực khi cường độ học tập cao, nữ sinh Đào Việt Hằng từng có ý định bảo lưu kết quả học tập để thực hiện ước mơ du học. Nhưng nhớ lời tâm niệm của người ông trước khi mất: “mong sẽ có một cháu gái trong gia đình làm bác sĩ”, cộng với sự động viên của thầy cô, cô gái 8X Đào Việt Hằng đã quyết tâm trở thành bác sĩ, giảng viên giỏi với niềm đam mê, nhiệt huyết cháy bỏng và đã trở thành Tiến sĩ, giảng viên Bộ môn Nội tổng hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi của Trường Đại học Y Hà Nội. Hãy nghe Tiến sĩ - Bác sĩ Đào Việt Hằng chia sẻ về sự nỗ lực của các bác sĩ trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người.