logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Quan hệ Mỹ - Trung năm 2022 :Đối đầu nhưng không vượt “lằn ranh đỏ”! (19/12/2022)

Năm 2022, thế giới chứng kiến mối quan hệ Mỹ- Trung tiếp tục xu thế đối đầu căng thẳng. Sóng gió đã nổi lên ngay từ đầu năm với việc Mỹ tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh hồi tháng 2/2022. Tiếp đó là một loạt các hồ sơ nóng giữa hai nước cũng không ngừng tăng nhiệt như: vấn đề Đài Loan, cạnh tranh về công nghệ và tranh giành ảnh hưởng trên toàn cầu...
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh và chính quyền Wasinton cho tới thời điểm này vẫn đang nỗ lực kiểm soát rủi ro, tránh tạo nên một sự đổ vỡ, trong bối cảnh thế giới vốn đã hết sức rối loạn và bất ổn do cuộc xung đột Nga- Ucraina. Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phân tích nội dung này.

Australia tăng tốc thúc đẩy quan hệ với các nước Thái Bình Dương, cạnh tranh với Trung Quốc (15/12/2022)

Ngoại trưởng Australia Penny Wong và phái đoàn lưỡng đảng nước này đang có chuyến công du 3 nước khu vực Thái Bình Dương gồm có Vanuatu, Nhà nước Liên bang Micronesia và Palau. Thỏa thuận an ninh quan trọng đạt được tại điểm dừng chân đầu tiên Vanuatu đã cho thấy xu hướng ngày càng gắn kết giữa Australia và các quốc đảo trong khu vực.
Trong bối cảnh Thái Bình Dương đang là điểm đến chiến lược của nhiều nước lớn, Australia cũng đang có cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại đây, liệu chuyến công du lần này sẽ mang lại những thế mạnh nào cho Canbera? PV Việt Nga - Thường trú Đài TNVN tại Australia phân tích vấn đề này.

Thượng đỉnh EU – ASEAN: Kết nối và hợp tác bền vững (14/12/2022)

Hội nghị thượng đỉnh EU – ASEAN diễn ra tại Brúc-xen, Bỉ nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa hai bên. Tại hội nghị, gần 40 nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên hai khối sẽ thảo luận về thách thức an ninh khu vực và toàn cầu, phát triển bền vững và hợp tác kinh tế giữa EU và ASEAN trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có rất nhiều biến động. Là hai dự án hội nhập khu vực thành công nhất trên thế giới, việc kết nối và hợp tác giữa EU và ASEAN được đánh giá là một xu thế tự nhiên. Không những vậy, với tinh thần của chủ nghĩa đa phương, Hội nghị thượng đỉnh EU – ASEAN còn gửi đi thông điệp về tăng cường hợp tác thay vì cạnh tranh và đối đầu, nhất là trong bối cảnh trật tự thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- châu Phi Thu hẹp khoảng cách niềm tin (13/12/2022)

Hàng chục nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước châu Phi dự kiến sẽ đến Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, diễn ra trong 3 ngày, từ ngày hôm nay, do Tổng thống Joe Biden chủ trì. Sự kiện được cho là nhằm tìm cách thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa Mỹ với châu Phi, đồng thời cụ thể hóa chính sách mới của chính quyền Tổng thống Biden về châu Phi. Đây là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ hai sau 8 năm gián đoạn. Trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi, châu Phi trở thành địa bàn có sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, tiếng nói của lãnh đạo Mỹ và châu Phi tại hội nghị lần này sẽ cho thấy rõ hơn xu hướng và sự kỳ vọng của họ vào mối quan hệ đôi bên trong tương lai.

Những tác động của sự kiện Áo phủ quyết Rumania và Bulgaria gia nhập khu vực Schengen (12/12/2022)

Cuối tuần qua, Áo đã phủ quyết phê chuẩn bác bỏ việc Rumania và Bulgaria gia nhập khu vực miễn thị thực Schengen. Động thái này giáng đòn mạnh vào nỗ lực kéo dài cả thập kỷ qua của hai nước vừa nêu. Ngay sau động thái này, quan hệ giữa Áo, Rumania và Bulgaria đã trở nên căng thẳng. Vì sao Áo lại đưa ra quyết định này và hệ lụy của nó đối với Liên minh châu Âu sẽ ra sao?

Trung Quốc điều chỉnh chính sách chống dịch Covid-19 (09/12/2022)

Trung Quốc vừa công bố 10 biện pháp mới về phòng chống dịch Covid-19, trong đó đáng chú ý nhất là cho phép những người mắc Covid-19 dạng nhẹ và không triệu chứng được cách ly tại nhà và loại bỏ phần lớn mã QR y tế vốn là quy định bắt buộc đối với hầu hết các địa điểm công cộng trước đây. Các biện pháp này được Trung Quốc đưa ra dựa trên sự cân nhắc toàn diện để đối phó với các đặc điểm mới của virus SARS-CoV-2. Các biện pháp mới được coi là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho người dân của mình sống chung với Covid-19 sau gần 3 năm ứng phó với dịch bệnh. Sự thay đổi trong cách tiếp cận này của Trung Quốc được dư luận thế giới hết sức quan tâm bởi việc nới lỏng chính sách phòng chống dịch của quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ có tác động đáng kể tới việc khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xác lập “cột mốc mới” cho quan hệ Trung Quốc và thế giới Ả-rập (8/12/2022)

Một trong những sự kiện quốc tế đang thu hút sự chú ý của giới quan sát là chuyến công du Ả-rập Xê-út của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên sau 6 năm. Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm này, Chủ tịch Trung Quốc dự kiến sẽ tham dự ba Hội nghị thượng đỉnh nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia vùng Vịnh, vốn đã và đang trở nên toàn diện, chứ không chỉ hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ.
Với một lịch trình dày đặc các sự kiện quan trọng cùng nhiều thỏa thuận dự kiến được ký kết, chuyến công du của ông Tập Cận Bình được cho sẽ xác lập một “cột mốc mới” cho quan hệ Trung Quốc với thế giới Ả-rập và tác động không nhỏ đến cán cân quyền lực ở Trung Đông. PV Bích Thuận – thường trú Đài TNVN tại Trung Quốc và PV Ngọc Thạch – thường trú tại Ai Cập, theo dõi khu vực Trung Đông cùng phân tích rõ hơn vấn đề này.

Triển vọng hòa bình tại Trung Đông sau chuyến thăm lịch sử các nước Arab của Tổng thống Israel (07/12/2022)

Tổng thống Israel vừa có chuyến thăm đáng chú ý đến 2 quốc gia Arab ở khu vực Trung Đông là Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ vào năm 2020. Cần nhắc lại, 2 năm trước, Bahrain, UAE và Morocco đã trở thành những quốc gia Arab đầu tiên trong nhiều thập kỷ bình thường hóa quan hệ với Israel sau các cuộc đàm phán do chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trum dẫn đầu, tiến tới đạt được Hiệp định Bahrain. Trong thông điệp gửi đi trong chuyến thăm, Tổng thống Israel nhấn mạnh, xu hướng hòa bình tại Trung Đông là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khu vực đang đối diện nhiều nguy cơ bất ổn. Thông điệp này đã được các đối tác Arab đón nhận ra sao, liệu có mở ra những giai đoạn hợp tác phát triển mới cho khu vực?

Áp trần giá năng lượng Nga – đòn “gậy ông đập lưng ông” đối với EU? (5/12/2022)

Việc áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga do nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Australia và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra, dự kiến có hiệu lực. Đây là biện pháp trừng phạt mới nhất của các nước phương Tây nhằm hạn chế nguồn thu lớn của Nga. Theo kế hoạch của châu Âu, phối hợp với Mỹ, G7 và các đồng minh phương Tây khác, nếu giá thị trường của dầu Nga giảm xuống dưới 60 đôla một thùng, giá trần sẽ được hạ xuống tới khi thấp hơn 5% so với giá thị trường.
Trong khi đó, trong một phản ứng trước đề xuất áp giá trần khí đốt của châu Âu, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga nói rằng EU đang gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của chính họ. Vậy, lệnh trừng phạt này có mang ý nghĩa tượng trưng? Và việc châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt này liệu sẽ tạo ra sự khác biệt trong thời gian tới? Phóng viên Quang Dũng, thường trú Đài TNVN tại Pháp, theo dõi khu vực châu Âu phân tích vấn đề này.

Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch hội đồng Châu Âu trong bối cảnh môi trường kinh tế và địa chính trị căng thẳng (02/12/2022)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa có chuyến thăm Trung Quốc trong nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh gây ảnh hưởng với Nga để dừng cuộc xung đột tại Ukraine. Chuyến thăm diễn ra chỉ trong 1 ngày cũng nhằm giảm mức thâm hụt thương mại của Liên minh châu Âu (EU) trong quan hệ với Trung Quốc, cùng nhiều mục tiêu chiến lược khác. Trong bối cảnh quan hệ EU - Trung Quốc vẫn đang khúc mắc về nhiều vấn đề, liệu chuyến thăm lần này có mở ra cơ hội hàn gắn, hợp tác phát triển giữa hai bên?

NATO tăng cường hiện diện ở Baltic và Biển Đen khiến gia tăng căng thẳng Nga - phương Tây (01/12/2022)

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vừa cho biết, liên minh này sẽ mở rộng hiện diện trên khắp Đông Âu, từ biển Đen đến khu vực Baltic. Động thái này của NATO nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Nga, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã kéo dài hơn 9 tháng. Bất chấp các báo cáo rằng phần lớn các quốc gia NATO đang cạn kiệt kho vũ khí và đạn dược, Mỹ và các đối tác đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Những động thái cứng rắn này của các nước thành viên NATO đang đẩy thế đối đầu Nga-phương Tây sang giai đoạn quyết liệt hơn. Để có cái nhìn rõ hơn về những động thái cứng rắn này của NATO.

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Pháp: Đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng (30/11/2022)

Tổng thống Pháp đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ trong nỗ lực đưa quan hệ song phương “trở lại đúng hướng”. Quan hệ giữa Mỹ và Pháp đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc khi năm ngoái, Mỹ thành lập liên minh an ninh AUKUS với Anh và Australia mà không tham vấn các đồng minh châu Âu, dẫn tới việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Pháp. Ngoài ra, hai bên còn không ít vấn đề bất đồng liên quan tới các lĩnh vực thương mại và năng lượng. Vậy tầm quan trọng của chuyến công du này được nhìn nhận ra sao?

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada (29/11/2022)

Canada vừa lần đầu tiên công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – chiến lược có vai trò quan trọng với tương lai phát triển của quốc gia này. Chiến lược dựa trên 5 trụ cột chính gồm: thúc đẩy hòa bình và an ninh bằng việc cử một tàu quân sự đến khu vực; thúc đẩy đầu tư, thương mại; tăng cường hỗ trợ quốc tế về nữ quyền để giải quyết những thách thức liên quan đến phát triển trong khu vực; tài trợ phát triển hạ tầng bền vững; tăng cường hiện diện ngoại giao.
Việc Canada công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phù hợp với xu thế điều chỉnh chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia với khu vực này thời gian gần đây. Điều mà dư luận quan tâm là Canada sẽ có những bước đi như thế nào về hiện thực hóa mục tiêu tăng cường sự hiện diện của Canada tại khu vực, từ đó mang lại lợi ích cho Canada cũng như cho các đối tác. Phóng viên Phạm Huân, thường trú Đài TNVN tại Mỹ, theo dõi khu vực châu Mỹ phân tích rõ hơn những vấn đề này.

EU vẫn mâu thuẫn về áp trần giá khí đốt Nga và những tác động (28/11/2022)

Do có quá nhiều mâu thuẫn và tranh cãi, cuối cùng, cuộc họp các Bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) vào tuần trước vẫn “dậm chân tại chỗ”, khi không thể nhất trí được về mức trần giá khí đốt nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Bất chấp trước đó, một mức giá trần đã được đề xuất ở mức 275 Euro cho mỗi MWh. Nhiều nước dù ủng hộ việc áp giá trần khí đốt nhưng cũng cho rằng, đây là một mức giá trần quá cao, “không thực tế, có cũng như không” và đi kèm quá nhiều điều kiện.

Chiến sự Ukraine phức tạp: Các nước Trung và Đông Âu “tái quân sự hóa" (25/11/2022)

Trong lúc chiến sự ở Ukraine được nhận định có thể kéo dài, nhiều quốc gia khu vực Trung và Đông Âu dường như đang hướng tới triển khai việc nâng cấp năng lực quân sự, nhất là sau vụ một tên lửa rơi xuống Ba Lan hồi tuần trước khiến 2 người thiệt mạng. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tăng cường phòng không ở Đông Âu kể từ khi xung đột Nga- Ukraine nổ ra vào tháng 2. Hồi tháng 10, các quốc gia thành viên NATO do Đức dẫn đầu khởi động sáng kiến cùng mua sắm các hệ thống phòng không, trong đó có cả hệ thống tên lửa Patriot. Những bước đi này cho thấy, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tạo ra sự thay đổi lớn ở châu Âu. Là lục địa mà nhiều quốc gia vốn cắt giảm chi tiêu quân sự sau Chiến tranh Lạnh, các chính phủ châu Âu lại đang tìm cách tái quân sự hóa.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: