logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Hội nghị Ngoại trưởng G20- Tiếp tục chia rẽ, bất đồng liên quan tới xung đột Ukraine (02/3/2023)

Hôm nay, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ kết thúc sau hai ngày làm việc. Với cương vị Chủ tịch G20 trong năm 2023, nước chủ nhà Ấn Độ đã đưa ra chương trình nghị sự với nhiều vấn đề toàn cầu như chủ nghĩa đa phương và sự cần thiết phải cải tổ, an ninh năng lượng, lương thực và hợp tác phát triển, chống khủng bố và các mối đe dọa mới… Dù vậy, sự chia rẽ giữa các nước thành viên liên quan đến cuộc khủng hoảng Ucraina đã gây nhiều khó khăn trong các cuộc thảo luận, thử thách mục tiêu mà Ấn Độ đưa ra ngay từ khi tiếp quản vị trí Chủ tịch G20 là tăng cường đoàn kết để giải quyết các thách thức toàn cầu. Với sự chia rẽ này, nhiều người lo ngại Hội nghị Ngoại trưởng G20 có thể không đạt được tuyên bố chung giống như cuộc họp của các quan chức kinh tế, tài chính G-20 cuối tuần trước.

Tổng thống Emmanuel Macron thăm 4 nước châu Phi để khôi phục ảnh hưởng của Pháp (1/3/2023)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du tới 4 nước châu Phi, trong nỗ lực nhằm củng cố tầm ảnh hưởng của Pháp tại khu vực này. Trong chuyến thăm, Tổng thống Pháp sẽ tập trung vào vấn đề môi trường, dự một hội nghị thượng đỉnh về rừng tại Gabon, gặp gỡ các nghệ sĩ châu Phi.
Chuyến thăm các nước châu Phi diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Pháp Macron luôn khẳng định châu Phi là ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình và Pháp đang chứng kiến sự suy giảm tầm ảnh hưởng đối với các nước thuộc địa cũ tại châu Phi, sau khi Pháp rút quân khỏi một số nước trong khu vực. Trong bối cảnh châu Phi đang trở thành “điểm nóng” cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc, Tổng thống Pháp Macron tính toán điều gì khi thực hiện chuyến công du tới lục địa này? Phóng viên Quang Dũng, thường trú Đài TNVN tại Pháp phân tích vấn đề này.

Ấn Độ trong tầm nhìn chiến lược của châu Âu (28/2/2023)

Ngay sau chuyến công du của Thủ tướng Đức Ô-láp Xôn, tuần này Thủ tướng Italia Giooc-gia Mê-lô-ni cũng tới thăm Ấn Độ 2 ngày. Điều này cho thấy các nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang đặc biệt quan tâm đến quốc gia Nam Á, trong lúc các quốc gia đang đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế nhằm tìm kiếm những cơ hội hợp tác kinh tế và an ninh mới. Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng thu hút sự quan tâm của thế giới với việc các nước lớn đang hướng tới các lợi ích và xây dựng chiến lược của mình tại đây. Bởi vậy, vai trò “cầu nối” từ Tây sang Đông của Ấn Độ ngày càng nổi bật...

Cuộc xung đột Nga - Ukraine: Năm 2023 có khả năng là một bước ngoặt (24/2/2023)

Hôm nay (24/2) đánh dấu tròn 1 năm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucrai-na. Nhìn lại 1 năm qua, cuộc xung đột đã tác động mọi mặt đến toàn cầu, từ chính trị - an ninh cho đến an ninh năng lượng - lương thực... “Tròn 1 năm là thời điểm tốt để các bên nhận ra rằng, các mục tiêu chiến lược đều không thể đạt được nếu tiếp tục cuộc chiến. Chỉ có ngoại giao là con đường duy nhất để có thể kết thúc cuộc xung đột này”.

Tương lai nước Nga qua Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin (22/2/2023)

Không nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ucraina là điểm nhấn quan trọng trong Thông điệp liên bang năm 2023 của Tổng thống Nga Putin. Thông điệp liên bang lần này được Tổng thống Nga Putin đưa ra vào thời điểm cuộc xung đột tại Ucraina sắp tròn 1 năm, trong khi chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt.
Tổng thống Nga Putin cũng đã đưa ra tầm nhìn về đường hướng phát triển trong tương lai của nước Nga, những định hướng chính trong phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo năng lực quốc phòng và an ninh, cũng như các biện pháp an sinh xã hội đối với công dân Nga. Vậy, tương lai nước Nga sẽ như thế nào qua Thông điệp liên bang lần này của Tổng thống Putin? Dư luận phản ứng ra sao trước bản Thông điệp liên bang đặc biệt này? Cùng nghe cuộc trao đổi giữa BTV Quỳnh Hoa và phóng viên Anh Tú, thường trú Đài TNVN tại Nga, thông tin, phân tích về Thông điệp liên bang lần thứ 18 của Tổng thống Nga Pu-tin

Chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Mỹ Joe Biden với thông điệp chính trị và quân sự trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp tròn 1 năm (21/2/2023)

Trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa sẽ tròn 1 năm cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du Ba Lan, trong đó dự kiến sẽ có một bài phát biểu quan trọng tại đây. Truyền thông quốc tế đều tập trung đến sự kiện được cho là mang nhiều thông điệp này của nhà lãnh đạo Mỹ. Kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Tổng thống Mỹ có 2 chuyến công du Ba Lan - quốc gia láng giềng và có sự ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền Kiev. Sự hiện diện của Tổng thống Joe Biden tại Ba Lan được cho sẽ mang nhiều thông điệp về chính trị và quân sự của Mỹ và NATO đối với Ukraine.

Bán đảo Triều Tiên cận kề miệng hố chiến tranh? (20/2/2023)

Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt sau khi nước này phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ra vùng biển ngoài khơi phía tây Nhật Bản. Động thái của Triều Tiên nhằm thể hiện sự đối trọng với các cuộc tập trân chung giữa Mỹ và Hàn Quốc sắp diễn ra. Giới phân tích cho rằng diễn biến hiện nay có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường. Để rõ hơn về “sức nóng” của bán đảo Triều Tiên ở thời điểm hiện nay và những nguy cơ về an ninh đối với khu vực này, chuyên gia các vấn đề quốc tế, Đại sứ Nguyễn Quang Khai phân tích.

Hội nghị Munich – trở lại trọng tâm an ninh châu Âu (17/2/2023)

Hôm nay, Hội nghị An ninh Munich khai mạc tại thành phố Munich của Đức với chương trình nghị sự phong phú, trong đó được quan tâm nhiều nhất vẫn là cuộc khủng hoảng Ukraine. Từng có thời gian nỗ lực làm mới mình bằng việc nhấn mạnh vào khía cạnh an ninh của các vấn đề toàn cầu, cuộc khủng hoảng Ukraine được cho là yếu tố đưa Hội nghị năm nay trở về với mối quan tâm truyền thống, đó là trật tự an ninh châu Âu. Tuy nhiên, diễn ra ngay sau một loạt hội nghị lớn của châu lục như Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu – Ukraine… với nội dung cũng tập trung vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Hội nghị An ninh Munich cũng vướng nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng đưa ra những cách tiếp cận, những khía cạnh mới đối với vấn đề này. Chưa kể, bầu không khí căng thẳng hiện tại trong khu vực được cho là cũng sẽ tác động không nhỏ tới khả năng làm cầu nối đối thoại cho các bên của hội nghị.

Kinh tế châu Âu thoát suy thoát, liệu có phục hồi khả quan? (16/2/2023)

Sau thời gian bị phủ bóng bởi những tin tức u ám, số liệu mới nhất được Uỷ ban châu Âu công bố cho thấy, các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone đã có sự khởi sắc đáng kể nên sẽ tránh được suy thoái trong gang tấc, đồng thời triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 cũng được nâng lên mức cao hơn so với dự báo trước kia. Những tín hiệu này không chỉ có ý nghĩa tích cực với châu Âu mà còn với các quốc gia và khu vực có mối quan hệ hợp tác gắn bó về kinh tế và thương mại với châu lục này, như Đông Nam Á chẳng hạn. Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, châu Âu thoát khỏi suy thoái song vẫn còn nhiều lực cản đối với tăng trưởng kinh tế trong năm nay. PV Quang Dũng, thường trú Đài TNVN tại Pháp phân tích vấn đề này.

Israel đứng trước nguy cơ rủi ro (15/2/2023)

Sau hơn một tháng nắm quyền, chính phủ cực hữu non trẻ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đứng trước nguy cơ rủi ro khi vừa phải đối mặt tình hình bất ổn trong nước trước các cuộc biểu tình phản đối các chính sách theo xu hướng cánh hữu, trong khi làn sóng phản đối chính sách về các khu định cư chiếm đóng của Israel từ Palestine và các nước Arập cũng đang ngày càng căng thẳng hơn.
Các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách nền tư pháp của chính phủ Israel đã trải qua tuần thứ 6 liên tiếp. Và bất chấp lời kêu gọi “đối thoại” từ Tổng thống Israel, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và người biểu tình vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào. Với những sóng gió “trong, ngoài” đang bủa vây, liệu chính phủ mới của Thủ tướng Netanyahu có đứng vững?

Tổng thống Iran thăm Trung Quốc- Tăng cường quan hệ hai bên (14/2/2023)

Dự kiến bắt đầu từ hôm nay (14/2), Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày (từ 14-16/2) theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Rai-xi đến Trung Quốc kể từ khi nhậm chức năm 2021 nhằm tăng cường quan hệ giữa hai bên. Trong bối cảnh cả Trung Quốc và Iran đều đang căng thẳng với Mỹ, hai bên kỳ vọng gì vào chuyến viếng thăm lần này? Đâu là những không gian hợp tác tiềm năng giữa hai nước hiện nay?

Kinh tế Nga vững vàng trước lệnh trừng phạt (13/2/2023)

Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Nga Putin cho biết “Nga đã đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa đối với nền kinh tế và kinh tế Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng nhẹ trong năm 2023” . Ông Vladimir Putin đưa ra tuyên bố này tại cuộc họp của Hội đồng giám sát Cơ quan sáng kiến chiến lược diễn ra tuần qua. Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ucraina sắp tròn 1 năm và ông Putin chuẩn bị đọc thông điệp Liên bang .Tuyên bố của Tổng thống Putin được dư luận đặc biệt chú ý. Vì sao ông Putin lại tự tin đưa ra tuyên bố này? Nguyên nhân nào khiến kinh tế Nga vững vàng trước các lệnh trừng phạt? Phóng viên Anh Tú, thường trú Đài TNVN tại Nga phân tích nội dung này.

Hội nghị thượng đỉnh bất thường Eu – vẫn “nóng” chuyện Ukraine (10/2/2023)

Hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu tại Bruxelles, Bỉ, tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Theo kế hoạch ban đầu, hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề nội bộ như khủng hoảng kinh tế, chính sách nhập cư, phản ứng trước chương trình trợ cấp của Mỹ… Nhưng chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Ukraine tới một loạt nước châu Âu đã làm chệch hướng chương trình nghị sự, đưa chủ đề Ukraine tiếp tục bao trùm tại hội nghị. Những vấn đề mà Tổng thống Ukraine đề cập trong các cuộc gặp riêng rẽ với các nhà lãnh đạo châu Âu như Tổng thống Pháp Macrong, Chủ tịch HĐ châu Âu Charles Michel đã làm nảy sinh những tranh cãi trong nội bộ châu Âu về việc tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, dù vấn đề này từng được bàn khá kỹ tại Hội nghị thượng đỉnh EU – Ukraine tại Kiev tuần trước.

Chuyến công du của Tổng thống Philipine tới Nhật Bản nhằm khai thác tiềm năng trong mối quan hệ đồng minh (9/2/2023)

Tổng thống Philipine Marcos đang có chuyến công du đầu tiên tới Nhật Bản- đối tác đặc biệt quan trọng với đất nước Đông Nam Á này. Theo kế hoạch, hôm nay (9/2), Tổng thống Marcos sẽ có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Kishida và yết kiến Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Michiko...Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng thống Philipine Marcos được kỳ vọng sẽ tối đa hóa tiềm năng trong quan hệ đối tác chiến lược Philippines-Nhật Bản trong tất cả các lĩnh vực và hướng tới xây dựng một mối quan hệ quốc phòng, an ninh, chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân gần gũi hơn. Để có cái nhìn rõ hơn về chuyến công du tới Nhật Bản của Tổng thống Philipine Marcos, phóng viên Phạm Hà, thường trú Đài TNVN tại Indonesia, theo dõi khu vực ASEAN và phóng viên Bùi Hùng, thường trú Đài TNVN tại Nhật Bản phân tích nội dung này.

Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp liên bang – liệu có phải là bước tạo đà cho chiến dịch tái tranh cử? (8/2/2023)

Dự kiến 9h sáng nay - ngày 8/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đọc Thông điệp liên bang lần thứ 2 kể từ khi lên nắm quyền. Thông điệp lần này được đặc biệt chú ý khi diễn ra vào thời điểm nước Mỹ vừa tiến hành “bài sát hạch giữa nhiệm kỳ” với chính quyền của ông - trong đó, phe Dân chủ đã đánh mất quyền kiểm soát Hạ viện.
Tìm kiếm sự ủng hộ của các cử tri Mỹ còn hoài nghi, lưỡng lự hay chuẩn bị cho các kế hoạch tái tranh cử Tổng thống vào năm 2024… dự kiến là những mục tiêu trọng tâm mà nhà lãnh đạo nước Mỹ đặt ra trong Thông điệp liên bang lần này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: