Hội An – nơi mà dường như dòng chảy vô tình của thời gian chẳng thể nào vùi lấp đi cái không khí cổ xưa. Những mái ngói cũ phủ đầy rêu phong, những con đường ngập trong sắc đỏ của đèn lồng, những bức hoành phi được chạm khắc tinh xảo, tất cả như đưa ta về với một thế giới của vài trăm năm trước.
Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 và trong vùng đất một cảng thị Hội An đã hình thành từ khá sớm qua các bằng chứng khảo cổ và đặc biệt hưng thịnh ở thế kỷ thứ XVI,XVII. Trải qua 400-500 năm, mặc cho những thăng trầm của lịch sử, đối mặt với sự khắc nghiệt nắng gió và bão lũ, tiếp nhận văn hóa bốn phương nhưng Hội An vẫn là Hội An với những nét riêng có không lẫn vào đâu. Điều gì Một Hội An cuốn hút vừa xưa cũ, vừa tiếp thu những cái mới của đời sống hiện đại luôn hấp dẫn chúng ta.
Có một vẻ đẹp đằm sâu, khó lột tả nhất trong bức tranh đời sống của Hà Nội, đó chính là âm sắc mùa thu…
Có những âm thanh một thời vô cùng thân thiết với người dân Hà Nội, giờ đã trở thành hoài niệm.
Và còn biết bao những âm thanh thân thuộc trong nhịp sống hàng ngày, đôi khi chúng ta chỉ cảm nhận được từ đáy sâu tâm hồn.
Đó là âm thanh cuộc sống, là sự buồn, vui, là khát vọng…
Năm 1881, người Pháp khởi công đặt tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam- nối Sài Gòn- Chợ Lớn. Đó là sự khởi đầu cho sự hình thành hệ thống đường sắt ở Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Dương nói chung. Hỏa xa- xe lửa thực sự là một nhân tố tác động và làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế- xã hội của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX và sau này. Đường sắt không chỉ là phương tiện giao thông quan trọng, chuyên chở người và hàng hóa, mà còn dần dà trở thành một phần trong đời sống tình cảm, tinh thần; tạo cảm hứng trong văn chương với hình ảnh quen thuộc con tàu, sân ga. Trong hành trình đã qua và hành trình sắp tới, đường sắt, xe lửa vẫn là loại hình vận tải không thể thiếu để vươn tới muôn miền, khai mở những không gian phát triển mới. Một tuyến đường sắt cao tốc, dọc dài Tổ quốc thân yêu với những con tàu hiện đại hứa hẹn mang lại phồn vinh cho đất nước trong tương lai không xa.
Tây Nguyên là kho tàng văn hóa đa dạng và đặc sắc. Đặc sắc không chỉ trong nét kiêu sa của mái nhà rông cao vút của người Ba-na, Xơ-đăng; sự bí ẩn trong ngôi nhà dài như “một tiếng chiêng ngân” của người Ê-đê, trong vị nồng say của men rượu cần mà còn bởi sự mê hoặc của vũ điệu và âm thanh cồng chiêng- mạch nguồn âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, là hồn thiêng của cộng đồng các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Với người Ê-đê, cồng chiêng song hành với nhà dài. Cồng chiêng được tấu trong nhà dài và nhà dài là nơi để những thanh âm của cồng chiêng thăng hoa cất cánh. Và âm thanh cồng chiêng giữ nhịp an hòa cho những thanh âm đa dạng của đời sống các thế hệ người Ê đê. Vậy nhưng, những biến đổi theo thời gian khiến nhà dài ngày càng thưa vắng, cồng chiêng chỉ trình diễn trên sân khấu, một năm đôi lần…. Thanh âm ký sự số tháng 8/2023, mời quý vị và các bạn cùng nghe câu chuyện về những ngôi nhà “ dài như một tiếng chiêng ngân” cùng những trăn trở, suy tư và nỗ lực của cộng đồng dân tộc bản địa và những người làm công tác bảo tồn văn hóa để “Nhà dài vang tiếng chiêng ngân”. Chương trình do các BTV Thu Thảo, Minh Châu thực hiện. Chịu trách nhiệm nội dung và thể hiện lời bình: Nguyễn Vũ Duy.
Ngày 28/8/1998, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chính thức được thành lập theo Quyết định số 1069 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 25 năm xây dựng và phát triển của lực lượng Cảnh sát biển là quá trình mỗi cán bộ chiến sĩ tự rèn luyện phấn đấu vươn lên, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân; tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và từng bước hoàn thiện về chính trị, nghiệp vụ pháp luật, phát triển lực lượng, phương tiện trang bị kỹ thuật để xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; là nòng cốt trong thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Lịch sử Việt Nam là cuộc trường chinh không ngừng nghỉ để dựng nước và giữ nước. Lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương để gìn giữ cho Tổ quốc độc lập, tự do, hòa bình và phát triển như ngày hôm nay. Công lao và sự hy sinh cao cả ấy được đất nước và nhân dân đời đời ghi tạc và đền đáp. Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn nhiều gia đình liệt sỹ vẫn ngày ngày khắc khoải, mong ngóng tin tức về người thân đang nằm lại chiến trường. Có nhiều cuộc kiếm tìm đạt kết quả như mong đợi và cả chưa như mong đợi. Và có những cuộc kiếm tìm ròng rã tưởng chừng như vô vọng lại vỡ òa trong bất ngờ. Trong “Thanh âm ký sự” số tháng 7/2023, chúng tôi mời các bạn cùng nghe câu chuyện về cuốn sổ tay của một liệt sỹ ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh được trao trả lại cho gia đình sau hành trình hơn nửa thế kỷ, đi qua nửa vòng Trái Đất tới nước Mỹ và trở về Việt Nam, góp phần an ủi người thân đến giờ này vẫn chưa tìm được mộ phần liệt sỹ. Một hành trình trở về có nhiều tình tiết “tình cờ mà có lẽ không phải tình cờ”.
Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) được ví như “chị em song sinh” với Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - nơi có những dãy núi đá vôi nổi tiếng xinh đẹp, được công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới.
Hai thắng cảnh này chỉ cách nhau một giờ tàu thủy chạy… nhưng “cô chị” Hạ Long đã trở thành cô gái đẹp được cả thế giới biết đến - từ năm 1994, còn cô em Cát Bà vẫn là “người đẹp ngủ trong rừng”.
Làm gì để Cát Bà “trở mình” – sóng đôi cùng cô chị Hạ Long, trở thành “Di sản thiên nhiên thế giới Cát Bà – Hạ Long” vào tháng 9/2023 - như khuyến nghị của UNESCO?
Biển đẹp, núi nguyên sơ ... - “hòn ngọc Vịnh Bắc Bộ” vẫn còn những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để có thể trở thành di sản toàn cầu. Đó chính là băn khoăn “Được - Mất” của người dân nơi đây, trong tiến trình “xanh hóa ngược” quần đảo này.
“Được – Mất ở Bến Bèo” cũng là tựa đề Thanh âm ký sự ngày 25/6/2023, với câu chuyện về hành trình không hề dễ dàng để thay đổi nhận thức – để Bến Bèo, Vịnh Lan Hạ và các đảo nổi tiếng thuộc quần đảo Cát Bà sớm trở thành Di sản “xanh”.
Chương trình do Thu Trang, Thanh Nga thực hiện. Thể hiện lời bình: Nguyễn Vũ Duy.
Với người dân Việt Nam, hình ảnh cánh cò chao liệng kiếm ăn trên những cánh đồng đã quá quen thuộc. Trong các loài chim, cò là loài đi vào đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam sâu đậm nhất. Cánh cò có trong câu ca dao, lời hát ru, theo cả vào giấc ngủ của trẻ thơ. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của đất nước, khi làn sóng đô thị hóa, công nghiệp hóa lan rộng, môi trường nông thôn thay đổi, những cánh cò, cánh vạc đã ...thưa dần.
Chương trình “Thanh âm ký sự” hôm nay mời quý vị về với một vùng quê. Nơi này, một bà lão 82 tuổi đã dành gần hết cuộc đời mình - trồng rừng, giữ rừng để che chở cho những cánh cò bay mỏi... trở về. Tình yêu thiên nhiên, môi trường, thương mến động vật hoang dã của bà được khắc họa trong ký sự “Đất lành”.
Đại dịch Covid đã cướp đi gia đình của hàng nghìn đứa trẻ, nhưng các em không đơn độc! Vòng tay ấm áp của nhiều tấm lòng sẻ chia trong xã hội, đã mang đến cho các em mồ côi vì đại dịch covid 19… “nơi, chốn đi về”. Và ngôi trường mang tên Hy Vọng - thành lập bởi Tập đoàn FPT và Quỹ Hy Vọng đang giúp đỡ hàng trăm trẻ mồ côi lấp đầy những khoảng trống tình cảm, chắp cánh cho các em mồ côi vì đại dịch covid 19 đi tới ước mơ. Chúng ta cùng cảm nhận điều này qua ký sự - “Phía trước, con không một mình”.
Một tấm ảnh đen trắng đã ố màu thời gian với dòng chữ: “Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12-1978” - Tấm ảnh đó tưởng bình thường như bao tấm ảnh khác, nhưng chỉ chưa đầy hai tháng sau, hầu hết họ đã hi sinh trong một sáng mùa Xuân mây trắng 1979. “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử”… Pò Hèn như một ngôi sao màu đỏ, rực sáng trên dải biên cương phía Đông Bắc của Tổ quốc. Tháng Hai này- Pò Hèn rực rỡ với những bông đào rừng bung nở, khoe sắc dọc miền biên viễn. Dưới bầu trời vùng biên ải là màu xanh mát của bình yên, là cuộc sống hiền hòa, êm đềm của người dân nơi đây. Nhưng trong ký ức – ký ức của biết bao người, dọc dài biên cương vẫn còn in đậm tên đất, tên người trong cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc. Trong chương trình “Thanh âm ký sự” hôm nay, chúng ta cùng cựu binh Pò Hèn năm xưa sống lại ký ức của những ngày Tháng Hai bất khuất, qua ký sự: Mây hồng soi bóng Ka Long.
Năm Nhâm Dần sắp kết thúc với nhiều cung bậc cảm xúc. Một vị thế Việt Nam được nâng tầm - Một Việt Nam bền bỉ chống chịu với khó khăn của kinh tế, dịch bệnh - Một Việt Nam kiến tạo, hành động, hướng đến sự tiến bộ, văn minh - Một Việt Nam thành công trên con đường hội nhập và phát triển. Những thành tựu đó đặt nền móng vững chắc để chúng ta tự tin rằng: Đất nước, dân tộc Việt Nam luôn biết cách vượt qua mọi thử thách, mọi gian nan. Bằng quyết tâm, ý chí và sự bền bỉ, kiên gan – hãy cùng thắp sáng Khát vọng Việt Nam. Trong thời khắc chuyển giao năm cũ - đón chào năm mới Quý Mão 2023, hãy cùng chúng tôi lắng mình, nhìn lại – và cùng hy vọng vào tương lai đất nước, con người Việt Nam – khi bản sắc Việt, giá trị Việt, con người Việt đang dần hiện hữu và lan tỏa mạnh mẽ - toàn cầu trong chương trình phát thanh đặc biệt của Đài TNVN: Xuân Việt- bừng Trí Việt.
Không chỉ có những khúc ca giao mùa và nhiều tin vui đâu! Suốt 2 tiếng đồng hồ sắp tới, chúng tôi mời quý vị cùng đồng hành trong một hành trình đặc biệt... Chúng ta sẽ dừng chân ở những miền đất xa xôi để cảm nhận không khí đón giao thừa đầy náo nhiệt...
Nhiều người biết đến địa danh Sài Gòn với diện tích chỉ trong vòng bán kính một cây số rưỡi - tính từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng với đại đa số, lấy lòng người Việt Nam-lòng người Việt Nam xa xứ để đo tình yêu người con đất Việt với “Hòn ngọc Viễn Đông”, thì Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh... là một.
Có 22 quận-huyện-thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn đang có gần 14 triệu dân sinh sống, học tập và làm việc. Trải qua nhiều biến cố thăng-trầm, người Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn bao năm vẫn thế - sống nhịp sống sôi động nhất nước, tạo dựng và hun đúc ngày càng đậm nét hơn: phong thái phóng khoáng, hào sảng ...đậm chất Nam bộ, mà vẫn phảng phất nét rất riêng - Sài Gòn.
Trong chương trình Thanh âm ký sự này, mời quý vị và các bạn tới Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh để hiểu thêm về vùng đất này, với những tính cách “dễ thương’. Ký sự “SÀI GÒN LẠ THIỆT !”
Ký sự do Thu Trang, Hương Giang thực hiện
Thể hiện lời bình: Nguyễn Vũ Duy
Những ngày cuối cùng của năm 2022 này, cụm từ “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” được nhắc nhớ liên tục. 50 trước, vào những ngày cuối tháng 12-1972, trong 12 ngày đêm, quân và dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ. Chiến thắng đó góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh bắn phá Miền Bắc của đế quốc Mỹ, đặc biệt là trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đáng nhớ đó, các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên và nghệ sĩ của Đài TNVN đã kiên cường bám trụ, vượt qua mưa bom bão đạn, phản ánh kịp thời các tin tức “nóng hổi” cuộc chiến đấu tới nhân dân cả nước, đồng thời giới thiệu, sáng tạo nhiều tác phẩm ca nhạc, văn học nghệ thuật, khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân cả nước. Với vai trò “người chép sử dân tộc bằng âm thanh”, Đài TNVN đã góp phần lưu giữ và lan tỏa “Âm vang hào khí “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” cho các thế hệ mai sau.