logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Những việc cần làm để sớm khắc phục những bất cập của việc bỏ sổ hộ khẩu giấy (24/2/2023)

Sổ hộ khẩu giấy chính thức được bãi bỏ trong tất cả các giao dịch thủ tục hành chính bắt đầu từ 1/1 năm nay. Đây được xem là một dấu mốc, là bước chuyển mạnh mẽ trong công tác quản lý hành chính, hướng tới xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Sau gần 2 tháng triển khai, những lợi ích, khó khăn thách thức được nhìn nhận như thế nào? Người dân và các cơ quan chức năng cần lưu ý gì khi giải quyết các thủ tục hành chính ở thời điểm này?

Thành phố Hà Nội vừa phát động chiến dịch tổng kiểm tra đòi lại vỉa hè: Liệu có lặp lại câu chuyện “đánh trống bỏ dùi”? (23/2/2023)

Thông tin thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm, nhằm “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” đang thu hút sự chú ý của dư luận. Không ít người băn khoăn, liệu ngành chức năng thủ đô có lại “đánh trống bỏ dùi” khi Hà Nội từng quá nhiều lần “trống dong cờ mở”, tiến hành các đợt cao điểm lập lại trật tự văn minh đô thị, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, đâu lại hoàn đấy.

Thấy gì từ việc hàng trăm chủ quán karaoke "kêu cứu" khi phải đóng cửa vì vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy? (22/2/2023)

Tại Hà Nội, gần đây, hàng trăm chủ quán karaoke họp bàn và làm đơn “kêu cứu” lên lãnh đạo cấp cao vì nhiều ngày, nhiều tháng các cơ sở này phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Lí do đã được xác định là các cơ sở kinh doanh này chưa đảm bảo những điều kiện phòng cháy chữa cháy. Các chủ cơ sở kinh doanh karaoke này cho rằng họ đang lỗ, thậm chí có thể phá sản nếu tiếp diễn tình trạng ngưng hoạt động, chỉ vì những quy phạm pháp luật quá chặt chẽ trong công tác phòng cháy chữa cháy., Họ rất cần hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Nhưng sâu xa hơn, có lẽ vấn đề không chỉ ở việc phải tuân thủ những nguyên tắc về phóng chống cháy nổ.

Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 như thế nào cho phù hợp? (21/2/2023)

Những ngày gần đây, học sinh, phụ huynh và giáo viên đang hồi hộp chờ xem Sở GD&ĐT nơi mình sinh sống quyết định có thi môn thứ tư vào lớp 10 hay không? Và nếu có thì đó sẽ là môn nào? Trong khi Hà Nội vẫn chưa có phương thức tuyển sinh lớp 10 thì các địa phương đã công bố nhiều phương án tuyển sinh năm 2023-2024, trong đó nhiều địa phương thông báo những điều chỉnh mới để giảm áp lực cho kỳ thi đầu cấp và chỉ thi 3 môn. Đặc biệt, có địa phương không tổ chức thi tuyển vào lớp 10, thay vào đó là xét tuyển.
Trong bối cảnh, các năm qua, nhiều địa phương tổ chức thi tuyển vào lớp 10 quá căng thẳng, mệt mỏi, biến thành một cuộc “chạy đua” gắt gao, thì bài toán làm thế nào để có một phương thức tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp, giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội lại được đưa ra bàn thảo. Chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc cùng bàn luận câu chuyện này.

Xem COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, phòng dịch sẽ thay đổi ra sao? (20/2/2023)

Nhiều tuần trở lại đây, số ca mắc COVID-19 đã giảm mạnh, một số tỉnh, thành nhiều ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới. Đặc biệt, hơn 1 tháng nay, cả nước không có ca tử vong do Covid - 19 trong khi tỷ lệ bao phủ vắc xin các mũi cơ bản và bổ sung tại Việt Nam giai đoạn năm 2021-2022 ở mức cao nhất thế giới. Ở một góc độ khác, mới đây, Bộ Y tế cũng đã bổ sung COVID-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/4/2023. Với tất cả những yếu tố đó, dư luận đặt câu hỏi, vậy nước ta đã đạt miễn dịch cộng đồng với Covid 19 chưa? Khi nào thì Việt Nam có thể công bố hết dịch? Để tìm hiểu câu chuyện này, chúng tôi kết nối với PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Bất cập quản lý đô thị nhìn từ việc gần 400 đường ở TPHCM cần đổi tên (17/2/2023)

Thông tin gần 400 tên đường tại TPHCM bị sai, bị trùng tên hay vô nghĩa một lần nữa cho thấy những bất cập trong công tác quản lí đô thị hiện nay. Sự việc đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều câu hỏi: Vì sao vấn đề được chỉ ra từ lâu nhưng quá trình điều chỉnh lại quá chậm? Cá nhân, cơ quan, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cho những tắc trách, nhầm lẫn gây nhiều hệ lụy này? Phải làm gì để chấn chỉnh và xử lí các lỗ hổng, thiếu sót trong quản lí đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, quan trọng như TPHCM? Ông Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM và kiến trúc sư Trần Huy Ánh, chuyên gia đô thị giàu kinh nghiệm cùng bàn luận về câu chuyện này.

Nhạc Việt cần làm gì để thế giới tiếp tục “See tình”? (16/2/2023)

Thời gian gần đây, sản phẩm âm nhạc có tên là “See tình” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh và nhóm DTAP gây sốt các nền tảng mạng xã hội. Giới trẻ các nước châu Á - từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia đến Canada, Mỹ… nhiều người cover, nhảy theo, trong đó có không ít người nổi tiếng, ở nhiều lĩnh vực. Trước đó, một số ca khúc Việt cũng từng lập thành tích tương tự, có thể gọi là những giai điệu ngân vang “xuyên biên giới”. Nhiều ca sĩ Việt Nam cũng tạo được hiệu ứng truyền thông khi kết hợp với các nghệ sĩ nước ngoài như Sơn Tùng M-TP, Soobin... hay mới đây nhất là Ðức Phúc với 911. Đó là những tín hiệu vui cho thấy nhạc trẻ Việt Nam đang không chỉ bắt nhịp xu hướng thế giới mà có tiềm năng vươn ra thế giới. Chiến lược nào để âm nhạc Việt Nam mở rộng thị trường - không dừng lại ở một số ca khúc hay clip ngắn ngủi vài chục giây, lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội?

Nhiều trường Đại học ưu tiên xét học bạ, làm thế nào để đảm bảo công bằng? (15/2/2023)

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023, trong đó có gần 80 trường dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết hợp có sử dụng kết quả học tập THPT. Đáng chú ý, hàng loạt trường đại học “top trên” sử dụng phương thức xét học bạ THPT. Không chỉ năm nay, trong những mùa tuyển sinh gần đây, xét học bạ THPT là phương thức được nhiều trường sử dụng, dành phần lớn chỉ tiêu. Tuy nhiên, phương thức này cũng gây ra nhiều tranh cãi vì lo ngại nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở các nhà trường, địa phương. Xét học bạ như thế nào để đảm bảo công bằng? Đây cũng là nội dung chúng tôi bàn luận bây giờ với sự tham gia của chuyên gia giáo dục Trần Mạnh Tùng.

Trách nhiệm và văn hoá của người tham gia giao thông sau những vụ vượt ẩu và tai nạn (14/2/2023)

Liên tục trong thời gian qua, hàng loạt vụ tai nạn giao thông xảy ra, nhưng lái xe trốn tránh không đưa người bị thương đi cấp cứu dẫn đến thương vong đáng tiếc. Cũng không ít những trường hợp tài xế có hành vi không chấp hành đo nồng độ cồn, chống người thi hành công vụ, bỏ chạy khiến cán bộ công an và người đi đường bị thương. Mới đây nhất, vụ việc một xe biển xanh lấn làn khiến cả tuyến đường ùn tắc, một tài xế đã có hành vi chặn đầu xe khác, rồi sau đó chửi bới, nhổ nước bọt sỉ nhục người khác ngay trên tuyến đường vành đai 3 ở Hà Nội.
Những hành vi này cho thấy nhiều người đang cố tình quên các quy định của pháp luật dù họ đã được học bài bản để lấy bằng lái. Họ sẵn sàng có các hành vi thiếu văn hoá, thậm chí là nhẫn tâm vô cảm trước những vụ tai nạn, sự cố do sự việc có thể làm ảnh hưởng đến mình. Cần nhìn nhận những câu chuyện này ra sao? Và giải pháp nào có thể ngăn chặn những hành vi như thế nàynày? Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cùng bàn luận câu chuyện này.

Cho thuê vỉa hè, lòng đường: Làm sao hài hòa lợi ích và cảnh quan đô thị? (13/2/2023)

Đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè ở TP.HCM đang được Sở Giao thông vận tải thành phố gửi các quận huyện rà soát và đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh. Theo đó, TP Hồ Chí Minh dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ. Trong bối cảnh việc quản lý vỉa hè, lòng đường là vấn đề nóng, đề án này được kỳ vọng có thể giúp thành phố phát triển được kinh tế đường phố, đồng thời chỉnh trang, sắp xếp đô thị hiệu quả. Tuy nhiên nhiều chuyên gia và người dân cho rằng cần phải đánh giá kỹ các hệ lụy, tác động lưu thông cũng như cảnh quan đô thị.

Phân biệt tín ngưỡng và mê tín dị đoan, tránh làm giàu bất minh, hại mình, hại người - Nhìn từ vụ "cô đồng bổ cau” (10/2/2023)

Với nhận thức mới, cùng lối sống hiện đại, đa số người dân đã thay đổi được thói quen và hành động theo quan niệm cũ, lạc hậu: tháng Giêng là tháng ăn chơi, hội hè, lễ lạt. Điều đó không đồng nghĩa nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian dần mai một và sẽ hoàn toàn biến mất. Nhiều người dân vẫn tranh thủ thời gian và điều kiện kinh tế, tới đình- đền-chùa-miếu, thư thái hưởng thụ cảnh sắc chốn linh thiêng, cầu sức khoẻ, bình an – một tín ngưỡng đơn thuần – đẹp và cần được lưu truyền!
Đáng lo ngại, vẫn còn không ít người hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc vì mê tín dị đoan mà tìm đến chốn linh thiêng, tìm đến những cá nhân, tổ chức hành nghề bói toán, trục lợi từ hoạt động mê tín dị đoan, xin nọ, cầu kia…hại mình, hại người, gây mất trật tự an ninh xã hội. Vụ việc “cô đồng” bổ cau đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội những ngày gần đây là ví dụ điển hình. Trong bối cảnh internet phổ cập, mạng xã hội phổ biến và chưa thể kiểm soát, điều này càng đáng lo ngại. PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – Phó Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội và PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cùng bàn luận nội dung này,

“Đại thắng” của phim Tết Việt: Kinh nghiệm gì cho các nhà làm phim? (09/2/2023)

Sau một mùa phim Tết khá èo uột với 5 phim Việt được tung ra nhưng phim đạt doanh thu cao nhất chỉ 65 tỉ đồng (Chìa khóa trăm tỉ) vào năm ngoái, mùa phim Tết năm nay dù khiêm tốn về số lượng (chỉ 2 phim) nhưng đều đạt doanh thu ấn tượng, đặc biệt là phim Nhà bà Nữ với liên tiếp những kỷ lục được thiết lập sau từng ngày. Đây là mùa phim tết mà số lượng phim Việt ra rạp ít kỷ lục nhưng có thể thấy doanh thu và suất chiếu cũng như hiệu ứng truyền thông của hai bộ phim là Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2 đã “đè bẹp” tất cả phim Hollywood, phim Hàn, phim Thái - những dự án ngang nhiên chiếm hết thị phần điện ảnh nội địa năm trước. Theo ước tính từ Box Office Vietnam - đơn vị kiểm toán doanh thu phòng vé độc lập, doanh thu phim Tết Việt năm nay cao khoảng gấp 4 lần so với năm ngoái (khoảng gần 400 tỉ đồng). Trong đó, 2 phim Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2 đóng góp khoảng 90% số lượng vé toàn hệ thống rạp. Con số 400 tỉ đồng quả là tín hiệu đáng mừng. Song, thành công phòng vé của 2 phim chiếu rạp dịp Tết năm nay có chứng minh rằng điện ảnh Việt đang đi lên? Doanh thu cao có tương đồng chất lượng và sức nóng liệu có bền lâu? Nhà báo - nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt giải mã những băn khoăn này.

Lễ hội Xuân hồng 2023 - xoá dần sự e ngại hiến máu đầu năm (08/1/2023)

Lễ hội Xuân hồng- sự kiện hiến máu lớn nhất đang diễn ra trong 1 tuần tại Hà Nội và sẽ kết thúc vào ngày 12/2 tới. Khác với hàng ngàn lễ hội đầu Xuân trên cả nước, Xuân hồng là lễ hội duy nhất những người tham gia không mong điều gì cho bản thân, mà đến đây để trao tặng những món quà của sự sống, đó là những bịch máu nghĩa tình dành cho các bệnh nhân cần truyền máu. Với thông điệp “Hiến máu đầu xuân - Nhân lên hạnh phúc”, Lễ hội Xuân hồng qua 16 lần tổ chức đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, không chỉ thu về hàng nghìn đơn vị máu, khắc phục được tình trạng khan hiếm máu sau Tết nguyên đán, mà còn góp phần xoá đi quan niệm cho rằng: hiến máu đầu năm là cho đi vận đỏ. Từ đó hình thành nét đẹp và thói quen hiến máu mỗi dịp đầu Xuân mới.

Tài liệu lưu trữ nhìn từ vụ việc văn thư bán giấy vụn ở Thanh Hoá (7/2/2023)

Một sự việc hy hữu vừa xảy ra tại TP Thanh Hoá, đó là vụ mất tài liệu tại Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa. Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, tài liệu bị mất là do chị Lê Thùy Linh, cán bộ văn thư của ban này đã lấy và bán phế liệu cho một người ở phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) với giá 9 triệu đồng. Hiện số hồ sơ, tài liệu này đã được cơ quan Công an thu hồi. Từ vụ việc này, gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác văn thư, lưu trữ. Câu chuyện tưởng là nhỏ, nhưng lại không hề nhỏ. Tiến sĩ Nguyễn Liên Hương, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ và Quản trị Văn phòng, Đại học KHXH và Nhân văn, (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cùng bàn luận câu chuyện này.

Thông tư về xếp hạng giáo viên của Bộ Giáo dục- sửa đổi thế nào để đáp ứng mong mỏi của giáo viên? (06/2/2023)

Hiện nay vẫn còn rất nhiều địa phương chưa thể chuyển xếp lương mới cho giáo viên, vẫn còn tình trạng giáo viên có bằng đại học đã hơn 10 năm nhưng được xếp lương trung cấp (hệ số lương 1,86-4,06), cao đẳng (hệ số lương 2,1-4,89) mà chưa thể chuyển xếp lương mới. Lý do là vì các giáo viên này vẫn được xếp lương theo chùm Thông tư 20 đến 23 năm 2015. Cách đây 2 năm, chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04 ra đời quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên đã vướng phải nhiều bất cập. Sau đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương tạm dừng việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm Thông tư 01 đến 04 để lấy ý kiến của giáo viên trong cả nước, nhằm khắc phục những bất hợp lí, tạo thuận lợi cho giáo viên. Tuy nhiên, đến nay, Bộ vẫn chưa chính thức ban hành các Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01 đến 04. Điều này khiến các địa phương lúng túng trong việc chuyển xếp hạng giáo viên và dẫn tới thực tế mỗi nơi thực hiện 1 kiểu. Sự chậm trễ này còn dẫn đến nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều giáo viên?.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: