logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu: Cần đảm bảo mức an sinh xã hội (21/8/2023)

Một điểm mới quan trọng được thể hiện trong dự thảo luật BHXH lần này là giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu ban soạn thảo đưa ra lộ trình giảm thời gian đóng BHXH từ 15 năm xuống 10 năm thì sẽ rất tốt. Việc này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu thay vì phải nhận BHXH một lần. Cần xây dựng lộ trình giảm đóng bảo hiểm xã hội như thế nào cho hợp lý hợp tình?

Dành gói vay hơn 50,000 tỷ đồng giúp công nhân phòng chống tín dụng đen (18/8/2023)

Tổ chức tài chính vi mô CEP (Liên đoàn Lao động TP.HCM) và liên đoàn lao động 9 tỉnh phía Nam đã ký cung cấp gói vay hơn 50,000 tỉ đồng cho công nhân phòng chống tín dụng đen. Gói vay này được cam kết thực hiện trong 5 năm (2023 - 2028) cho hơn 1,41 triệu lượt vay vốn của công nhân, hộ gia đình công nhân. Cùng với chương trình cho vay ưu đãi, Liên đoàn lao động 10 tỉnh, thành phố phía Nam còn tập trung nâng cao kiến thức tài chính, giúp người lao động phòng tránh tín dụng đen và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân. Để quý vị có thêm thông tin chi tiết về chương trình vốn vay ưu đãi này, chúng tôi đã kết nối với ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh.

Chấn chỉnh lạm thu đầu năm học: Đừng để “đến hẹn lại lên” (17/8/2023)

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là năm học mới 2023-2024 bắt đầu. Đến hẹn lại lên, trong khi học sinh cả nước háo hức được đến trường thì phụ huynh lại bộn bề mối lo tiền sách vở, học phí, đồng phục... Trong đó, không ít phụ huynh ở một số nơi bày tỏ không đồng tình, thậm chí bức xúc với loạt khoản thu tự nguyện đầu năm. Đây là chủ đề luôn “nóng” mỗi năm học mới. Điều đáng nói là, năm nào trước thềm năm học mới, ngành giáo dục cũng ra công văn nhắc nhớ các khoản thu chi đầu năm. Cũng có nhiều trường hợp lạm thu bị phát hiện, đưa lên thông tin đại chúng, thậm chí có trường hợp lãnh đạo nhà trường bị kỷ luật. Tuy nhiên tình trạng lạm thu vẫn tái diễn, “biến tướng” và núp dưới tên gọi khác nhau. Làm thế nào để chấn chỉnh lạm thu đầu năm học, tránh “đến hẹn lại lên”? Nhà giáo ưu tú – TS Nguyễn Thanh Sơn, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục – Ban Khoa giáo Trung ương, Nguyên Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục Vinschool, Nguyên Hiệu trưởng Hanoi Academy cùng bàn luận câu chuyện này.

Cảnh báo lừa đảo bằng hình thức kêu gọi từ thiện, sau việc hàng nghìn người sập bẫy “từ thiện ảo” trên mạng xã hội, mất cả chục tỷ đồng. (16/8/2023)

Công an tỉnh Đắk Nông vừa bắt một đối tượng kêu gọi từ thiện để lừa đảo hơn 3.000 người trong cả nước, với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng trong hơn 3 năm qua. Trước đó, cũng tại Đắk Nông, công an triệt phá một nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 6.000 người với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi tiền từ thiện trên mạng Internet từ năm 2021.
Những vụ việc tương tự từng xảy ra ở Hải Phòng, Kon Tum, Đà Nẵng, TPHCM... và nhiều địa phương khác. Nạn lừa đảo trên mạng Internet không phải vấn đề mới, nhưng những chiêu thức tinh vi nhằm lường gạt người nhẹ dạ, có tấm lòng nhân ái đã khiến dư luận bức xúc và căm phẫn. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Phải làm gì để phát hiện, xử lí nghiêm những kẻ mạo danh từ thiện trên mạng Internet để trục lợi? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là nhà báo Trần Đăng Tuấn, người sáng lập và là Chủ tịch hội đồng quản lý “Quỹ trò nghèo vùng cao” với chương trình “Cơm có thịt” và luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Hà Ninh.

Cảnh giác với sốt xuất huyết, tay chân miệng khi bệnh dịch đang giai đoạn cao điểm (14/8/2023)

Trong những tuần gần đây, hầu hết các cơ sở y tế trong cả nước đều ghi nhận số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng gấp đôi những tuần trước đó, tạo áp lực gia tăng số ca nặng và tử vong cùng tình trạng quá tải trong điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh dịch này. Theo dự báo của ngành y tế, từ tháng 8 này, khi mùa mưa đến, dịch sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ lây lan rộng. Bên cạnh đó, việc học sinh các cấp đi học trở lại cũng có thể khiến bệnh tay chân miệng gia tăng. Rõ ràng đây là những bệnh dịch mùa nào cũng xuất hiện, nhưng số ca mắc và nhập viện điều trị vẫn không giảm? Người dân cần có ý thức cảnh giác với các dịch bệnh này ra sao?

Đề xuất tài xế không lái xe liên tục quá 3 tiếng vào ban đêm: Liệu có hiệu quả và khả thi? (10/9/2023)

Đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc tài xế không lái xe liên tục quá 3 tiếng vào ban đêm, đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến đồng tình ủng hộ, vì quy định này sẽ giúp ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo sức khỏe tài xế... cũng có những đề xuất nên cân nhắc thêm, bởi có thể gia tăng áp lực ùn tắc giao thông vào ban ngày, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp... Hơn nữa, làm sao để giám sát lái xe liên tục quá 3 giờ trong đêm? Phát hiện, xử phạt như thế nào? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức (TPHCM).

Thu phí, lòng đường vỉa hè: Cần triển khai một cách bài bản (9/8/2023)

Từ ngày 1/9, các vỉa hè, lòng đường ở những vị trí đủ điều kiện tại thành phố HCM sẽ được cho thuê làm điểm giữ xe, đỗ xe, kinh doanh, tổ chức hoạt động văn hóa... Tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải nộp phí theo quy định và chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đây là nội dung Quyết định 32/2023 về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố do UBND thành phố HCM vừa ban hành và được nhiều người đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, cùng với đó là không ít băn khoăn: Việc thu phí liệu có giúp ổn định an ninh trật tự, văn minh đô thị? Ai sẽ được thuê vỉa hè, làm thế nào để tránh việc đi thuê rồi cho thuê lại, làm sao để đảm. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là KTS Trần Huy Ánh.

Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2023: Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (8/8/2023)

Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2023 đã chính thức bế mạc. 188 em nhỏ đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em trên khắp cả nước đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các thông điệp, kiến nghị phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, an toàn trên môi trường mạng…Đặc biệt, vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ trên môi trường mạng nhận được sự quan tâm rất lớn bởi hơn 15 triệu trẻ em ở nước ta đang tiếp cận thiết bị kết nối Internet, trong đó, 82% trẻ trong độ tuổi 12-13 tuổi. Học tập, vui chơi giải trí và kết nối liên lạc với bạn bè, người thân là hoạt động chính của trẻ khi sử dụng điện thoại. Cần hướng dẫn trẻ em cách tiếp cận và sử dụng điện thoại và mạng internet như thế nào cho hợp lý, an toàn? Tiến sỹ Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công cùng bàn luận câu chuyện này.

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024: Tăng thế nào cho hợp lý hợp tình (07/8/2023)

Theo dự kiến, ngày 9/8/2023, Hội đồng tiền lương Quốc gia cùng với các cơ quan liên quan xem xét, đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người lao động… Qua đó sẽ tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2024 hay không; nếu điều chỉnh tăng thì ở mức nào. Vấn đề tăng lương tối thiểu vùng đã đặt ra những năm gần đây nhưng chưa thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống người lao động như mong đợi. Với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ngay từ đầu năm 2024 tới, người lao động kỳ vọng và mong mỏi điều gì? Chính sách điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng thế nào cho hợp lý, hợp tình? TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ cùng bàn luận vấn đề này.

Nâng tầm văn hoá trí tuệ nhan sắc Việt thế nào, sau việc tân Hoa hậu thế giới Việt Nam tự xếp mình nổi tiếng như vua Quang Trung? (4/8/2023)

Ồn ào xoay quanh những phát ngôn gây tranh cãi của tân Hoa hậu và Á hậu thế giới Việt Nam 2023 vẫn đang thu hút sự chú ý dặc biệt của dư luận, với nhiều câu hỏi: Đây chỉ là “vạ miệng” liên tiếp của các người đẹp, hay nó thật sự cho thấy lỗ hổng lớn về văn hóa, tri thức của một số cô gái trẻ đại diện cho nhan sắc Việt hiện nay? Liệu họ đã xứng đáng với chiếc vương miện và ngôi vị mình nắm giữ? Vì sao ban tổ chức không ít cuộc thi Hoa hậu thiếu sự sàng lọc và huấn luyện kĩ càng cho các nàng hậu về khâu ứng xử, giao tiếp, nhất là kĩ năng trả lời phỏng vấn báo chí? Phải làm gì để nâng tầm văn hóa và trí tuệ cho họ, xóa đi định kiến “bình hoa di động”? Ông Dương Xuân Nam – Nguyên Tổng Biên tập báo Tiền phong, người sáng lập và tổ chức thành công rất nhiều cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, và nhà văn Trang Hạ cùng bàn luận câu chuyện này.

Đề xuất bổ sung quy định hoạt động của người có ảnh hưởng như nghệ sĩ, KOLs khi quảng cáo sản phẩm, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi trong quá trình thực hiện (03/8/2023)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất bổ sung quy định hoạt động của người có ảnh hưởng như nghệ sĩ, KOLs khi quảng cáo sản phẩm. Dự thảo đề cương nêu rõ: “Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu: phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”. Rất nhiều người ủng hộ và cho rằng đề xuất là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh quảng cáo tràn lan, bát nháo như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi trong quá trình thực hiện… Vậy câu chuyện này nên được nhìn nhận như thế nào?

Cần chính sách gì để hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động? (31/7/2023)

Theo thống kê: Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm nay, số lao động bị mất việc lên tới gần 280 nghìn người. Trong khi số lao động bị giảm giờ làm khoảng 195 nghìn người, trong đó, hơn 17 nghìn người phải nghỉ việc không lương và hơn 8.300 người bị tạm hoãn hợp đồng lao động. Dự báo làn sóng sa thải lao động sẽ còn tiếp diễn từ nay đến cuối năm. Thực trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, người lao động mất việc làm gia tăng đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Cần có chính sách gì để hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động?

Bảo vệ trẻ em trước rủi ro khi sử dụng internet (28/7/2023)

Hơn 15 triệu trẻ em ở nước ta có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet, 82% trẻ trong độ tuổi 12-13 tuổi đã sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Thực tế đó cho thấy, không gian mạng đang có ảnh hưởng lớn thế nào đối với sự phát triển của trẻ em.
Cần nhìn nhận rằng, việc sử dụng điện thoại, Internet mang đến khá nhiều lợi ích cho trẻ em khi được tiếp cận các kiến thức một cách trực quan, sinh động. Tuy vậy theo các chuyên gia, nhiều trẻ em Việt Nam đang được tiếp cận với điện thoại, internet quá sớm. Điều này dẫn đến việc các em tương tác trên môi trường mạng trong khi chưa có kiến thức, kỹ năng an toàn. Đây là một trong những thách thức dẫn đến rủi ro trên môi trường mạng của trẻ ngày càng gia tăng. Thực tế này đòi hỏi cần có các giải pháp hướng dẫn trẻ em cách tiếp cận và sử dụng điện thoại và mạng internet một cách hợp lý. Tiến sỹ Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công cùng bàn về nội dung này.

Nhìn lại một năm học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT (27/7/2023)

Học sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 vừa biết điểm và cân nhắc các nguyện vọng để xét tuyển vào Đại học, cao đẳng, còn học sinh vào lớp 10 năm nay cũng đang băn khoăn lựa chọn các tổ hợp môn học - một trong những việc rất quan trọng để thích ứng với các thay đổi về thi cử, tuyển sinh đại học từ năm 2025.
Năm học 2022-2023 vừa qua, Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai năm đầu tiên ở bậc THPT. Khác với quan điểm “tích hợp” ở bậc học dưới, ở bậc THPT chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp khi học sinh được chọn môn theo sở thích. Song, sau một năm học triển khai, chương trình mới đã bộc lộ một số bất cập, cần phải “gỡ” ngay khi năm học 2023-2024 đang cận kề. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là PGS TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Muôn kiểu tranh chấp chung cư – cách nào để hóa giải (26/7/2023)

Sở hữu một căn hộ chung cư ở các thành phố lớn là niềm mơ ước của nhiều gia đình. Thế nhưng chưa kịp vui mừng sau nhiều năm tích cóp tiền để mua nhà, thì nhiều người đã phải bực dọc, bức xúc. Hình ảnh cư dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư liên tiếp xuất hiện ở nhiều chung cư tại Hà Nội và một số tỉnh thành phố thời gian vừa qua. Tranh chấp gay gắt nhất là xung quanh phần diện tích, tiện ích sở hữu chung, sở hữu riêng như tầng hầm và chỗ để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tập thể thao, các diện tích kinh doanh, cho thuê, mức phí dịch vụ, tiền quỹ bảo trì 2%... Cùng bàn luận kỹ hơn nội dung này với vị khách mời là Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Văn phòng Luật sư Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h55 Quảng cáo
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
16h00-17h00 Theo dòng TS
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: