logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Hội nghị Munich – trở lại trọng tâm an ninh châu Âu (17/2/2023)

Hôm nay, Hội nghị An ninh Munich khai mạc tại thành phố Munich của Đức với chương trình nghị sự phong phú, trong đó được quan tâm nhiều nhất vẫn là cuộc khủng hoảng Ukraine. Từng có thời gian nỗ lực làm mới mình bằng việc nhấn mạnh vào khía cạnh an ninh của các vấn đề toàn cầu, cuộc khủng hoảng Ukraine được cho là yếu tố đưa Hội nghị năm nay trở về với mối quan tâm truyền thống, đó là trật tự an ninh châu Âu. Tuy nhiên, diễn ra ngay sau một loạt hội nghị lớn của châu lục như Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu – Ukraine… với nội dung cũng tập trung vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Hội nghị An ninh Munich cũng vướng nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng đưa ra những cách tiếp cận, những khía cạnh mới đối với vấn đề này. Chưa kể, bầu không khí căng thẳng hiện tại trong khu vực được cho là cũng sẽ tác động không nhỏ tới khả năng làm cầu nối đối thoại cho các bên của hội nghị.

Kinh tế châu Âu thoát suy thoát, liệu có phục hồi khả quan? (16/2/2023)

Sau thời gian bị phủ bóng bởi những tin tức u ám, số liệu mới nhất được Uỷ ban châu Âu công bố cho thấy, các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone đã có sự khởi sắc đáng kể nên sẽ tránh được suy thoái trong gang tấc, đồng thời triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 cũng được nâng lên mức cao hơn so với dự báo trước kia. Những tín hiệu này không chỉ có ý nghĩa tích cực với châu Âu mà còn với các quốc gia và khu vực có mối quan hệ hợp tác gắn bó về kinh tế và thương mại với châu lục này, như Đông Nam Á chẳng hạn. Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, châu Âu thoát khỏi suy thoái song vẫn còn nhiều lực cản đối với tăng trưởng kinh tế trong năm nay. PV Quang Dũng, thường trú Đài TNVN tại Pháp phân tích vấn đề này.

Israel đứng trước nguy cơ rủi ro (15/2/2023)

Sau hơn một tháng nắm quyền, chính phủ cực hữu non trẻ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đứng trước nguy cơ rủi ro khi vừa phải đối mặt tình hình bất ổn trong nước trước các cuộc biểu tình phản đối các chính sách theo xu hướng cánh hữu, trong khi làn sóng phản đối chính sách về các khu định cư chiếm đóng của Israel từ Palestine và các nước Arập cũng đang ngày càng căng thẳng hơn.
Các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách nền tư pháp của chính phủ Israel đã trải qua tuần thứ 6 liên tiếp. Và bất chấp lời kêu gọi “đối thoại” từ Tổng thống Israel, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và người biểu tình vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào. Với những sóng gió “trong, ngoài” đang bủa vây, liệu chính phủ mới của Thủ tướng Netanyahu có đứng vững?

Tổng thống Iran thăm Trung Quốc- Tăng cường quan hệ hai bên (14/2/2023)

Dự kiến bắt đầu từ hôm nay (14/2), Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày (từ 14-16/2) theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Rai-xi đến Trung Quốc kể từ khi nhậm chức năm 2021 nhằm tăng cường quan hệ giữa hai bên. Trong bối cảnh cả Trung Quốc và Iran đều đang căng thẳng với Mỹ, hai bên kỳ vọng gì vào chuyến viếng thăm lần này? Đâu là những không gian hợp tác tiềm năng giữa hai nước hiện nay?

Kinh tế Nga vững vàng trước lệnh trừng phạt (13/2/2023)

Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Nga Putin cho biết “Nga đã đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa đối với nền kinh tế và kinh tế Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng nhẹ trong năm 2023” . Ông Vladimir Putin đưa ra tuyên bố này tại cuộc họp của Hội đồng giám sát Cơ quan sáng kiến chiến lược diễn ra tuần qua. Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ucraina sắp tròn 1 năm và ông Putin chuẩn bị đọc thông điệp Liên bang .Tuyên bố của Tổng thống Putin được dư luận đặc biệt chú ý. Vì sao ông Putin lại tự tin đưa ra tuyên bố này? Nguyên nhân nào khiến kinh tế Nga vững vàng trước các lệnh trừng phạt? Phóng viên Anh Tú, thường trú Đài TNVN tại Nga phân tích nội dung này.

Hội nghị thượng đỉnh bất thường Eu – vẫn “nóng” chuyện Ukraine (10/2/2023)

Hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu tại Bruxelles, Bỉ, tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Theo kế hoạch ban đầu, hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề nội bộ như khủng hoảng kinh tế, chính sách nhập cư, phản ứng trước chương trình trợ cấp của Mỹ… Nhưng chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Ukraine tới một loạt nước châu Âu đã làm chệch hướng chương trình nghị sự, đưa chủ đề Ukraine tiếp tục bao trùm tại hội nghị. Những vấn đề mà Tổng thống Ukraine đề cập trong các cuộc gặp riêng rẽ với các nhà lãnh đạo châu Âu như Tổng thống Pháp Macrong, Chủ tịch HĐ châu Âu Charles Michel đã làm nảy sinh những tranh cãi trong nội bộ châu Âu về việc tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, dù vấn đề này từng được bàn khá kỹ tại Hội nghị thượng đỉnh EU – Ukraine tại Kiev tuần trước.

Chuyến công du của Tổng thống Philipine tới Nhật Bản nhằm khai thác tiềm năng trong mối quan hệ đồng minh (9/2/2023)

Tổng thống Philipine Marcos đang có chuyến công du đầu tiên tới Nhật Bản- đối tác đặc biệt quan trọng với đất nước Đông Nam Á này. Theo kế hoạch, hôm nay (9/2), Tổng thống Marcos sẽ có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Kishida và yết kiến Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Michiko...Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng thống Philipine Marcos được kỳ vọng sẽ tối đa hóa tiềm năng trong quan hệ đối tác chiến lược Philippines-Nhật Bản trong tất cả các lĩnh vực và hướng tới xây dựng một mối quan hệ quốc phòng, an ninh, chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân gần gũi hơn. Để có cái nhìn rõ hơn về chuyến công du tới Nhật Bản của Tổng thống Philipine Marcos, phóng viên Phạm Hà, thường trú Đài TNVN tại Indonesia, theo dõi khu vực ASEAN và phóng viên Bùi Hùng, thường trú Đài TNVN tại Nhật Bản phân tích nội dung này.

Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp liên bang – liệu có phải là bước tạo đà cho chiến dịch tái tranh cử? (8/2/2023)

Dự kiến 9h sáng nay - ngày 8/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đọc Thông điệp liên bang lần thứ 2 kể từ khi lên nắm quyền. Thông điệp lần này được đặc biệt chú ý khi diễn ra vào thời điểm nước Mỹ vừa tiến hành “bài sát hạch giữa nhiệm kỳ” với chính quyền của ông - trong đó, phe Dân chủ đã đánh mất quyền kiểm soát Hạ viện.
Tìm kiếm sự ủng hộ của các cử tri Mỹ còn hoài nghi, lưỡng lự hay chuẩn bị cho các kế hoạch tái tranh cử Tổng thống vào năm 2024… dự kiến là những mục tiêu trọng tâm mà nhà lãnh đạo nước Mỹ đặt ra trong Thông điệp liên bang lần này.

Nỗ lực của Nga nhằm phá thế thế cô lập của phương Tây (07/2/2023)

Các nỗ lực ngoại giao đang được Nga tiến hành gấp rút trong bối cảnh phương Tây ngày càng tìm cách cô lập Mát-xcơ-va cả về kinh tế lẫn ngoại giao. Chuyến công du Trung Đông và châu Phi hiện nay của Ngoại trưởng Nga là một ví dụ điển hình. Ngoài việc gia tăng hợp tác và thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc và một số đồng minh ở Trung Á, chỉ trong vòng nửa năm qua, mối quan hệ Nga và các quốc gia châu Phi cũng không ngừng được củng cố. Theo giới quan sát, với 54 lá phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, châu Phi là khu vực mà Nga đang không thể bỏ qua trong bối cảnh ngày càng bị phương Tây cô lập về mọi mặt.

Nguy cơ căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây! (6/2/2023)

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây có nguy cơ căng thẳng khi nước này vừa triệu các đại sứ và đại diện của 9 nước phương Tây đến trụ sở Bộ Ngoại giao để phản đối việc hàng loạt các lãnh sự quán tại Istanbun đóng cửa do quan ngại về an ninh. Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích việc các lãnh sự quán châu Âu tại Istanbun đóng cửa là nỗ lực nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội nước này diễn ra vào tháng 5 tới, cho rằng, đây là cuộc chiến tranh tâm lý chống Thổ Nhĩ Kỳ và tìm cách gây bất ổn cho nước này.
Trước đó, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã khuyến cáo công dân không tham gia các sự kiện đông người và tránh đến các điểm nóng du lịch ở trung tâm thành phố Ixtanbun do lo ngại nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng. Các cảnh báo an ninh xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phóng viên Ngọc Thạch, thường trú Đài TNVN tại Ai Cập, theo dõi khu vực Trung Đông phân tích vấn đề này.

Nỗ lực “hướng Đông” trong chuyến thăm Đông Á của Tổng thư ký Tổ chức hiệp ước quân sự Bắc Đại tây dương NATO (03/2/2023)

Chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản của người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ông Jens Stoltenberg trong tuần này mang theo nhiều thông điệp về chính sách của khối quân sự, trong đó cho thấy rõ nỗ lực “hướng Đông” của NATO. Chuyến đi của ông Jens Stoltenberg diễn ra sau lần tham dự chưa từng có của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha hồi tháng 6 năm ngoái. Trước những biến động về tình hình an ninh khu vực và thế giới, cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đều đang tìm cách tăng cường quan hệ với NATO – khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Xu hướng mở rộng hợp tác giữa NATO với các đối tác hàng đầu ở châu Á cũng như những tác động đến an ninh ninh khu vực đang là đề tài được giới quan sát quốc tế quan tâm.

Châu Âu cảnh giác trước nguy cơ xảy ra "chạy đua trợ giá" với Mỹ (02/2/2023)

Mối quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) rơi vào tình trạng căng thẳng khi nhiều nước châu Âu phản ứng với chính sách mới của Mỹ về trợ cấp chống biến đổi khí hậu, dưới hình thức Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành hồi tháng 8 năm ngoái. Theo đó, 7 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), thuộc khu vực Bắc và Đông Âu, vừa đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua với Mỹ trong vấn đề trợ giá liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát. Trước đó, hồi giữa tháng 1 vừa qua, Ủy ban châu Âu cũng đã lên tiếng cho rằng chính sách hỗ trợ giá này sẽ khiến các công ty châu Âu khó cạnh tranh hơn và có thể chuyển hướng đầu tư khỏi khối, dẫn tới các tác động tiêu cực đến thị trường và làm phân mảnh chuỗi cung ứng quan trọng. Vậy, nguyên nhân nào khiến các nước châu Âu lại có những phản ứng gay gắt như vậy và châu Âu sẽ có biện pháp ứng phó ra sao để giảm những tác động tiêu cực từ chính sách hỗ trợ này của Mỹ.

Những nỗ lực đảm bảo ổn định giá dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) (1/2/2023)

Dự kiến hôm nay - 1/2, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (gọi tắt là OPEC+) triệu tập cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tiên trong năm 2023 để bàn thảo và định hình các chính sách sắp tới về sản lượng dầu mỏ. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh, các nước OPEC và các đối tác vẫn đang duy trì chính sách vốn được thống nhất hồi tháng 10 năm ngoái. Theo đó, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái cho tới hết năm 2023.
Dù được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi so với chính sách hiện tại, nhưng cuộc họp của OPEC+ dự kiến sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố mới. Đó là quy mô nhu cầu của Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại, sản lượng dầu xuất khẩu của Nga vẫn tăng mạnh bất chấp các biện pháp trừng phạt hay việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất cơ bản, tạo sức ép lên giá dầu...

Cải cách hưu trí tại Pháp : Cơ hội nào cho thỏa hiệp? (31/1/2023)

Hôm nay, các nghiệp đoàn tại Pháp tổ chức cuộc đình công lớn trên toàn quốc để phản đối yêu cầu cải cách chế độ hưu trí. Đây là cuộc đình công lớn thứ 2 sau cuộc đình công hôm 19/1 nhằm gây sức ép để chính phủ sửa đổi những quy định mà các nghiệp đoàn cho là “cú đánh mạnh vào tất cả người lao động”, nhất là quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi. Bất chấp tinh thần đoàn kết của các nghiệp đoàn khi tuyên bố sẽ kéo dài các cuộc đình công cho đến khi chính phủ phải nhượng bộ, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne mới đây vẫn khẳng định một số thay đổi trong dự luật cải cách hưu trí là “không thể thương lượng”. Quan điểm cứng rắn của cả hai phía đang khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội lớn như đã từng xảy ra tại Pháp năm 1995 khi 2 triệu người Pháp xuống đường phản đối kế hoạch cải cách lương hưu khu vực công.

Đã đến lúc Mỹ cần một cách tiếp cận mới tại Trung Đông và châu Phi (30/1/2023)

Liên tiếp trong tháng đầu tiên của năm 2023, giới chức cấp cao Mỹ thực hiện các chuyến công du quan trọng tới châu Phi và Trung Đông. Hồi giữa tháng này, Bộ trưởng tài chính Janet Yellen có chuyến đi kéo dài 11 ngày đến một loạt quốc gia châu Phi. Từ hôm qua (29/1), Ngoại trưởng Antony Blinken cũng có chuyến thăm Ai Cập, Israel và khu Bờ Tây. Trước đó 1 tuần, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng có mặt tại Israel.
Tuy nhiên bối cảnh khu vực thay đổi cùng với những cam kết thiếu hiệu quả, dường như khiến chính sách Trung Đông –châu Phi của Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn so với Trung Quốc. Chính vì vậy, sự hiện diện của các quan chức Mỹ tại châu Phi và Trung Đông thời điểm này dường như báo hiệu chính sách tập trung hơn của Washington vào khu vực đang có sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt của Trung Quốc. Phóng viên Phạm Huân, thường trú Đài TNVN tại Mỹ phân tích vấn đề này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: