logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Hàn Quốc: Tầm nhìn “Quốc gia quan trọng toàn cầu” (09/6/2023)

Chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vừa công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới, trong đó vạch ra mục tiêu hiện thực hóa tầm nhìn “Quốc gia quan trọng toàn cầu”. Quyết tâm này đưa ra trong bối cảnh Seoul nhận định, “xung đột về giá trị, hệ tư tưởng và lợi ích trên quy mô toàn cầu đang làm lung lay trật tự thế giới hiện nay”. Một mặt cứng rắn xác định việc Triều Tiên nâng cao năng lực hạt nhân là thách thức an ninh cấp bách nhất, mặt khác Hàn Quốc lại có cách tiếp cận mềm dẻo hơn trong quan hệ với láng giềng Nhật Bản. Liệu những bước chuyển trong chính sách an ninh của Tổng thống Yoon Suk-yeol Hàn Quốc so với người tiền nhiệm đang báo hiệu bầu không khí nào cho khu vực Đông Bắc Á?

Iran nỗ lực tạo động lực mới cho hợp tác khu vực (8/6/2023)

Iran vừa mở lại đại sứ quán tại Ả-rập Xê-út khi hai nước thiết lập lại quan hệ song phương, sau nhiều năm thù địch. Sự kiện lịch sử này không chỉ giúp thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước, mà còn tác động đến cục diện địa chính trị ở Trung Đông. Bên cạnh việc khôi phục quan hệ với một số quốc gia vùng Vịnh, mới đây, Iran cũng đã đưa ra tuyên bố về kế hoạch thành lập một liên minh hải quân với ba quốc gia vùng Vịnh, Ấn Độ và Pakistan nhằm góp phần mang lại an ninh và ổn định trong khu vực. Những nỗ lực của Iran trong tạo động lực mới cho hợp tác khu vực sẽ tác động ra sao tới khu vực Trung Đông đầy bất ổn cũng như an ninh toàn cầu? Phóng viên Ngọc Thạch, thường trú Đài TNVN tại Ai Cập, theo dõi khu vực Trung Đông phân tích rõ hơn vấn đề này.

Thủ tướng Anh thăm Mỹ thắt chặt quan hệ đồng minh (07/6/2023)

Bắt đầu từ hôm nay (7/6), Thủ tướng Anh Rishi Sunak có chuyến thăm Mỹ trong 2 ngày. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Rishi Sunak trên cương vị Thủ tướng Anh, dù trước đó hai nhà lãnh đạo Anh - Mỹ đã có 4 lần gặp gỡ tại nhiều sự kiện quốc tế lớn - mới nhất là Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản. Sau một số dấu hiệu trục trặc trong quan hệ song phương liên quan đến lĩnh vực kinh tế - thương mại, chuyến công du lần này là cơ hội để Thủ tướng Rishi Sunak bày tỏ quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đồng thời, hai bên có thể gợi mở những xung lực mới để mối quan hệ đồng minh Mỹ-Anh ngày càng gắn kết.

Mỹ, Đức tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ (06/6/2023)

Thời gian gần đây, Ấn Độ là một trong số những “điểm đến” cho các cơ hội hợp tác quốc phòng của nhiều nước trên thế giới. Chuyến thăm Ấn Độ gần như đồng thời của Bộ trưởng quốc phòng hai nước Mỹ và Đức từ ngày 4/6 đến nay là một minh chứng cho điều đó. Ngoài việc củng cố quan hệ quốc phòng song phương, cả Mỹ và Đức đều tìm kiếm cơ hội ở quốc gia Nam Á, nơi đang tập trung mạnh cho các hoạt động xuất nhập khẩu thiết bị quốc phòng. Vậy Ấn Độ có thể tận dụng cơ hội nào từ việc hợp tác rộng rãi hơn với các quốc gia có nền quân sự mạnh và tiên tiến?

Trung - Mỹ ráo riết cạnh tranh nhằm thiết lập trật tự địa chính trị mới (5/6/2023)

Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 vừa khép lại tại Singapore hôm qua( 4/6) với một loạt các nội dung thảo luận nóng. Đúng như dự đoán của giới phân tích, đã không có một cuộc gặp song phương Mỹ-Trung như kỳ vọng. Cả Mỹ và Trung Quốc đều bộc lộ những tham vọng mới của mình nhằm tranh giành ảnh hưởng tại khu vực. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc liên tục chỉ trích nhau thông qua các bài phát biểu tại Đối thoại ShangriLa cho thấy đối đầu Mỹ-Trung dường như càng ngày càng tăng nhiệt. Giới phân tích lo ngại hai bên có thể “chạm các lằn ranh đỏ” lẫn nhau có thể khiến cho việc quản trị rủi ro và xung đột không còn hiệu quả. Phóng viên Phương Anh, người vừa có mặt tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 phân tích nội dung này.

Đối thoại Shangri La 2023: xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương cân bằng và ổn định (02/6/2023)

Đối thoại Shangri-La (còn được biết đến với tên gọi Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á) lần thứ 20 được tổ chức trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày hôm nay tại khách sạn Shangri La của Singapore. Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, Đối thoại năm nay sẽ được tổ chức với một chương trình nghị sự mở rộng, tăng cường tính tương tác giữa các diễn giả và đại biểu tham dự. Ban Tổ chức cũng kỳ vọng sẽ tiếp đón hơn 550 đại biểu là các quan chức cao cấp của chính phủ, lực lượng vũ trang, học giả, nhà nghiên cứu và các doanh nhân từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những thông điệp từ hội nghị cùng những sáng kiến hợp tác giữa các nước sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực này.

Trắc trở trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo (01/6/2023)

Tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ kéo dài hơn 1 thập kỷ qua giữa Serbia và Kosovo có nguy cơ đình trệ, khi các cuộc đụng độ liên tiếp xảy ra giữa người bản địa Albani và cộng đồng thiểu số người Serbia tại Kosovo. Căng thẳng leo thang khiến Serbia phải đặt quân đội trong tình trạng báo động toàn diện. Nga, Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU) đều lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế. Cần nhắc lại, vùng lãnh thổ Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008, nhưng Serbia không công nhận và vẫn coi đây là một phần lãnh thổ. Nguồn cơn xung đột là trong số 1,8 triệu dân, có khoảng 120.000 người gốc Serbia sống tại miền Bắc Kosovo không công nhận chính quyền này và mới đây đã tẩy chay các cuộc bầu cử chính quyền địa phương. Liệu những diễn biến phức tạp này sẽ tác động ra sao đến khu vực châu Âu vốn đang phải gồng mình xử lý các tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine?

NATO chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh tại Lít-va (31/5/2023)

Hôm nay, Ngoại trưởng các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Ốt-x-lô, Na Uy. Cuộc họp không chính thức của các Ngoại trưởng NATO là hoạt động tham vấn chính trị nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của khối sẽ diễn ra vào tháng 7 tới tại Lít-va. Một trong những nội dung rất được dư luận quan tâm tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO là tư cách thành viên của Thụy Điển. Ngoại trưởng Thụy Điển Tô-bi-át Bin-strôm mới đây cũng khẳng định quốc gia này “không có kế hoạch B trong việc trở thành thành viên đầy đủ của NATO”. Vậy hội nghị của các Ngoại trưởng NATO tại Na Uy lần này có thể thúc đẩy mong muốn này của Thụy Điển như thế nào?

Hàn Quốc tăng tốc quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương (30/5/2023)

Lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương đang có chuyến thăm Hàn Quốc và có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Với chủ đề “Hướng tới sự thịnh vượng chung: Tăng cường hợp tác với Thái Bình Dương xanh”, hội nghị lần này tập trung thảo luận về cách thức Hàn Quốc có thể phối hợp giải quyết các vấn đề cấp bách nhất mà các đảo quốc Thái Bình Dương đang đối mặt như biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai và phát triển khu vực. Sự kiện lần này được đánh giá là một phần trong kế hoạch triển khai toàn diện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc công bố hồi năm ngoái. Đây cũng là động lực quan trọng trong việc mở rộng tầm nhìn ngoại giao của Hàn Quốc sang khu vực Thái Bình Dương. TS.Phan Cao Nhật Anh - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân tích rõ hơn vấn đề này.

Những thách thức mà Tổng thống Tayyip Erdogan sẽ phải đối mặt trong bối cảnh đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng kiến sự mâu thuẫn gay gắt giữa địa chính trị và kinh tế (29/5/2023)

Cách đây ít giờ đồng hồ, vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm ra được người giành chiến thắng trong một cuộc đua đầy gay cấn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đã buộc phải tổ chức bầu cử Tổng thống vòng 2 khi hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm Erdogan và đối thủ là ông Kemal Kilicdaroglu không được quá bán số phiếu bầu. Và trong một tỷ lệ khá xít xao, Tổng thống đương nhiệm Erdogan đã giành chiến thắng. Tái đắc cử trong một cuộc đua đầy gay cấn, Tổng thống đương nhiệm Erdogan sẽ phải đối mặt với thử thách gì, trong bối cảnh đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng kiến sự mâu thuẫn gay gắt giữa địa chính trị và kinh tế?

Trung Quốc gia tăng nhanh tầm ảnh hưởng toàn cầu: Cơ hội và lợi thế? (26/5/2023)

Thời gian gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực gia tăng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng trong nhiều vấn đề của đời sống chính trị thế giới cũng như thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ với nhiều quốc gia từ châu Phi, Trung Đông đến Trung Á. Từ nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, hỗ trợ tiến trình hòa giải thành công giữa hai quốc gia Hồi giáo Trung Đông là Iran và Ả Rập Xê Út hay thúc đẩy mối quan hệ với nhiều quốc gia như Nga, các nước Trung Á bằng những thỏa thuận lớn.... Trung Quốc dường như đang gây sự chú ý với quốc tế khi tự định vị mình như một nhà trung gian hòa giải và là một đối tác lớn. Cơ hội và lợi thế nào tạo thuận lợi cho Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng và vai trò trên trường quốc tế?

Tận dụng sức mạnh của châu Á để đương đầu với những thách thức toàn cầu (25/5/2023)

Trong 2 ngày 25 và 26/5, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản với chủ đề “Tận dụng sức mạnh của châu Á để đương đầu với những thách thức toàn cầu”. Thực tế, châu Á chiếm 60% dân số thế giới và 40% nền kinh tế toàn cầu, có tiềm năng dẫn đầu trong việc giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu, lạm phát, nghèo đói, chênh lệch kinh tế... Khu vực này cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân số trẻ và đa dạng, nhiều ý tưởng công nghệ đổi mới. Tuy nhiên, châu Á hiện được đánh giá vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và nội lực của mình. Vì thế, hội nghị Tương lai châu Á lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia cùng tìm giải pháp để khu vực có thể phát huy tiềm năng và thế mạnh nhằm giải quyết các vấn đề chung trong một thế giới đa cực.

Những bế tắc trước thỏa thuận trần nợ công của Mỹ (24/5/2023)

Các cuộc đàm phán trần nợ giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa ở Mỹ tiếp tục lâm vào bế tắc khi cả hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Trong cuộc gặp mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin vẫn chưa đạt được thỏa thuận về tăng trần nợ công của chính phủ Mỹ, khi chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là Mỹ có nguy cơ vỡ nợ.
Thỏa thuận tăng trần nợ công phải được cả hai viện Quốc hội Mỹ thông qua khi Đảng Cộng hòa của ông Kevin kiểm soát Hạ viện, trong khi đảng Dân chủ của Tổng thống Biden nắm giữ Thượng viện. Thất bại trong nâng trần nợ sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ cho Mỹ, không chỉ làm rung chuyển thị trường tài chính nước này, mà còn có thể gây ra cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu. Liệu hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ có thể nhượng bộ để gỡ bỏ thế bế tắc này và đi tới một thỏa thuận tăng trần nợ? Phóng viên Phạm Huân, thường trú Đài TNVN tại Mỹ phân tích kỹ hơn vấn đề này.

Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương (23/5/2023)

Sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và rời Nhật Bản, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới Papua New Guinea tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Các quốc đảo Thái Bình Dương. Với lần thứ 2 tổ chức sau 8 năm, Ấn Độ được cho là mong muốn tạo động lực mới cho sự hiện diện tại các quốc đảo Thái Bình Dương sau một thời gian tiếp cận khu vực này với tốc độ khá chậm. Việc Ấn Độ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại các quốc đảo Thái Bình Dương là một phần trong tham vọng của Ấn Độ với tư cách một cường quốc toàn cầu mới nổi. Tuy nhiên, tham vọng này của Ấn Độ sẽ không dễ thực hiện, nhất là khi các cường quốc khác như Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây đều “tăng tốc” các hoạt động ngoại giao tại khu vực này. Một bằng chứng rõ nét là sau khi Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra vào sáng hôm qua, thì đến buổi chiều, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có cuộc gặp với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương và ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ - Papua New Guinea.

Lần đầu tiên một tổng thống Pháp thăm Mông Cổ (22/5/2023)

Sau khi rời Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, hôm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Mông Cổ, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến quốc gia châu Á này. Vì sao Pháp quan tâm đặc biệt tới mối quan hệ với Mông Cổ trong giai đoạn hiện nay? Phóng viên Quang Dũng thường trú tại Pháp để rõ hơn vấn đề này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: