logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - các quốc đảo Thái Bình Dương: “Bài sát hạch” với Mỹ ở Thái Bình Dương (26/9/2023)

Sau một năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương lại gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra trong hai ngày 25-26/9 tại Washington. Hội nghị này được xem như “bài sát hạch” với Mỹ trong việc thực hiện những cam kết với khu vực mà Mỹ từng đưa ra cách đây một năm. Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jeans Pierre, sự kiện này là cơ hội để Mỹ tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương, để cùng thảo luận những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững. Nhưng theo các chuyên gia, điều quan trọng là Mỹ phải cân bằng được những quan ngại về an ninh của Mỹ với những ưu tiên phát triển của các quốc đảo Thái Bình Dương. Phóng viên Phạm Huân, thường trú Đài TNVN tại Mỹ phân tích rõ hơn nội dung này.

Căng thẳng trong vấn đề xuất khẩu ngũ cốc - Áp lực đè nặng quan hệ Ba Lan– Ukraine (25/9/2023)

Sự kiện được dư luận chú ý, đó là việc Ba Lan, một trong những đồng minh thân cận nhất của Ukraine trong Liên minh châu Âu cho biết sẽ ngừng gửi vũ khí tới Kiev. Quyết định của Ba Lan được cho là do là bởi những căng thẳng bùng lên do lệnh cấm nhập khẩu của Ba Lan, Slovakia và Hungary với ngũ cốc Ukraine khiến Ukraine nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Căng thẳng trong vấn đề xuất khẩu ngũ cốc đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính bền vững trong mối quan hệ Ba Lan – Ukraine, hình ảnh thu nhỏ của tình đoàn kết châu Âu với Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga. Vậy tác động của động thái này sẽ đẩy quan hệ Ba lan- Ukraine, rộng hơn là EU-Ukraine tới đâu?

Căng thẳng ngoại giao giữa Cannada và Ấn Độ và những tác động tiêu cực đến khu vực (22/9/2023)

Ấn Độ vừa trục xuất một nhà ngoại giao cao cấp của Canada. Đây là động thái đáp trả hành động tương tự của Canada nhằm vào một nhà ngoại giao Ấn Độ đang làm việc tại Ottawa. Việc hai nước có màn trả đũa nhau diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng leo thang liên quan đến vụ sát hại ông Hardeep Singh Nijjar, thủ lĩnh Phong trào vũ trang Lực lượng con Hổ Khalistan tại Canada. Trước đó, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đã thất bại, trong khi Canada quyết định hủy chuyến thăm của phái đoàn thương mại tới Ấn Độ dự kiến vào tháng 10 tới. Liệu những động thái cứng rắn của các bên có đẩy quan hệ song phương Ấn Độ-Canada chạm lằn ranh đỏ?

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Syria (21/9/2023)

Trong một động thái ngoại giao đáng chú ý, hôm nay, Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Syria tới quốc gia đối tác quan trọng này kể từ năm 2004. Trung Quốc cũng là quốc gia thứ 3 ngoài các nước Ả-rập mà Tổng thống Bashar al-Assad tới thăm kể từ khi xung đột nổ ra ở Syria. Trung Quốc gần đây mở rộng vai trò ở Trung Đông sau khi làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Ả Rập Xê-út và Iran, đồng thời tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc xung đột ở Syria. Vì thế chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Syria không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt với mối quan hệ hai nước mà còn phản ánh sự hội nhập của Syria cũng như những ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông. PV Bá Thi – thường trú Đài TNVN tại Ai Cập theo dõi khu vực Trung Đông và PV Tuấn Đạt – thường trú tại Trung Quốc cùng phân tích vấn đề này.

Nga - Trung chia sẻ cam kết về một thế giới đa cực l (20/9/2023)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến công du 4 ngày đến Nga, đồng thời tham dự Tham vấn An ninh Chiến lược Trung-Nga lần thứ 18. Sự kiện này tiếp nối loạt chuyến thăm và hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa Trung Quốc và Nga diễn ra trong thời gian gần đây, thằm thúc đẩy quan hệ hai nước dựa trên những cam kết về một thế giới đa cực. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Trung Quốc với các nước phương Tây đều đang căng thẳng liên quan cuộc xung đột Nga-Ukraine, hay việc Bắc Kinh tăng cường hiện diện trong khu vực, chuyến công du lần này sẽ mang lại những thoả thuận, lợi ích nào cho hai nước?

EU chia rẽ vì ngũ cốc Ukraine (19/9/2023)

Ủy ban châu Âu (EC) vừa qua đã kêu gọi Ba Lan, Hungary và Slovakia có thái độ mang tính xây dựng sau khi 3 quốc gia này đơn phương tuyên bố sẽ tiếp tục cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, bất chấp quyết định của Ủy ban châu Âu về việc chấm dứt lệnh cấm này. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu hôm qua cũng tổ chức cuộc họp với tất cả các quốc gia thành viên để thảo luận sâu hơn về vấn đề này. Nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine đã làm nảy sinh bất đồng kéo dài giữa Liên minh châu Âu và các thành viên ở phía Đông, nhất là trong bối cảnh các quốc gia này đang đứng trước những kỳ bầu cử quan trọng. Vậy Liên minh châu Âu có các biện pháp giải quyết như thế nào để duy trì các nguyên tắc thương mại thống nhất của khối, xa hơn là sự thống nhất trong hỗ trợ với Ucraina? PV Hải Đăng, thường trú Đài TNVN tại Cộng hòa Séc, theo dõi khu vực Đông Âu phân tích vấn đề này.

Gian nan kế hoạch gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ (18/9/2023)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa tuyên bố, nước này có thể "chia tay" Liên minh châu Âu (EU) nếu cần thiết. Tuyên bố của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đưa ra trong bối cảnh những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập khối tiếp tục gặp thách thức. Trước đó, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một báo cáo cho biết quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp tục trong hoàn cảnh hiện tại, đồng thời kêu gọi EU khám phá "một khuôn khổ song song và thực tế" cho mối quan hệ giữa liên minh với nước này Vậy, tương lai nào cho con đường gia nhập EU đầy trắc trở của Thổ Nhĩ Kỳ?

Bước cải tổ nội các mới nhất của chính quyền Nhật Bản (15/9/2023)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vừa công bố cải tổ nội các và ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Trong đó, nội các được cải tổ lần này có tỷ lệ nữ giới cao kỷ lục - với 5 người đảm nhận các vị trí cấp Bộ trưởng, với mục tiêu làm mới hình ảnh về một chính phủ cân bằng, gần gũi và hướng đến nhân dân nhiều hơn. Động thái này được cho cũng nhằm tạo động lực cho chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio, mở đường cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện tiếp theo và củng cố nền tảng chính trị của Thủ tướng trước thềm cuộc đua bầu ra Chủ tịch đảng vào năm 2024.

“Chuyện công – chuyện tư” trong bài phát biểu thường niên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (14/9/2023)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von De Leyen đã có bài phát biểu thường niên kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Bài phát biểu đề cập những vấn đề cấp bách nhất mà Liên minh châu Âu đang phải đối mặt, trong đó được quan tâm nhiều nhất là chính sách năng lượng và chính sách khí hậu của EU, trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều đồn đoán về sức chống chịu của EU trong mùa đông tới. Cùng với những chính sách chung của toàn khối, điều mà nhiều người chờ đợi ở bài phát biểu của bà Ursula Von De Leyen là kế hoạch của cá nhân bà khi cuộc đua vào vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu diễn ra năm sau. 4 năm trong nhiệm kỳ đầu tiên, bà Ursula Von De Leyen đã chèo chống đưa EU vượt qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, vì vậy đang có rất nhiều đồn đoán về việc bà có thể tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai. Phóng viên Anh Tuấn, thường trú Đài TNVN tại Pháp, theo dõi khu vực châu Âu thông tin chi tiết hơn về vấn đề này.

Phân tích những cơ hội và hợp tác đầu tư cũng như việc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu khi Liên minh châu Phi gia nhập nhóm G20 (13/9/2023)

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa đưa ra một quyết định mang tính lịch sử, đó là cấp quyền thành viên thường trực G20 cho Liên minh châu Phi (AU). Việc kết nạp Liên minh châu Phi vào G20 là một sự thừa nhận mạnh mẽ đối với vai trò ngày càng quan trọng hơn của châu lục này trên trường quốc tế. Trong khi đó, việc Liên minh châu Phi gia nhập Nhóm G20 cũng sẽ mang lại một "khuôn khổ thuận lợi" cho lục địa này, "đóng góp hiệu quả" vào nỗ lực của thế giới giải quyết những thách thức toàn cầu. Trong bối cảnh châu Phi giàu tài nguyên đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây, việc Liên minh châu Phi tham gia nhóm G20 sẽ mở ra những cơ hội hợp tác và đầu tư nào cho châu lục này?

Vì sao hành lang kinh tế mới kết nối Ấn Độ - Trung Đông – châu Âu được nhìn nhận là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”? (12/9/2023)

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại New Zeland (Ấn Độ) vừa diễn ra, một liên minh gồm một loạt quốc gia cùng Ấn Độ đã công bố kế hoạch đầy tham vọng, nhằm tạo ra một hành lang kinh tế mới, nối liền châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ thương mại với những tác động địa chính trị trên phạm vi rộng lớn. Kỳ vọng của các nước vào hành lang kinh tế này là rất lớn - Thực tế triển vọng ra sao? PV Phan Tùng - Thường trú Đài TNVN tại Ấn Độ phân tích vấn đề này.

Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Australia với những nỗ lực “xích lại” gần ASEAN (11/9/2023)

Cùng với các diễn biến thời sự quốc tế nóng, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc chính phủ Australia công bố Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040. Tại diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa diễn ra, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng đã khẳng định “vai trò trung tâm của ASEAN rất quan trọng đối với tương lai của Australia”; đồng thời thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Philippines, một thành viên của ASEAN. Vì sao, Australia lại công bố Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 thời điềm này? Chiến lược mới này có điểm gì đáng chú ý?

Thách thức của chủ nhà Ấn Độ khi Thượng đỉnh G20 thiếu vắng Nga, Trung Quốc (7/9/2023)

Ấn Độ đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế khi đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong hai ngày 9 và 10/9. Đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Nam Á, mang theo những kỳ vọng của nước chủ nhà Ấn Độ vào thúc đẩy phát triển bền vững, lan tỏa tăng trưởng kinh tế đồng đều hơn giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Nhưng điểm đáng chú ý trong số các lãnh đạo G20 năm nay thiếu vắng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, làm dấy lên lo ngại về việc hội nghị có thể trở thành diễn đàn thể hiện ý chí của các quốc gia phương Tây, đồng thời ảnh hưởng tới khả năng đạt được đồng thuận trong những vấn đề lớn mà nước chủ nhà đưa vào chương trình nghị sự.

Nước Pháp với thách thức làm mới hình ảnh ở Châu Phi (06/9/2023)

Là quốc gia có nhiều ảnh hưởng ở châu Phi, nước Pháp đang đứng trước không ít thách thức khi các cuộc đảo chính quân sự tại Tây Phi và Trung Phi diễn ra liên tiếp. Sau Niger, cuộc đảo chỉnh ở Gabon được cho là giáng thêm một đòn nặng nề vào ảnh hưởng của nước Pháp tại khu vực này. Bất ổn chính trị ở châu Phi và xu hướng “bài Pháp” gia tăng tại một số các quốc gia ở khu vực này buộc chính phủ của Tổng thống Pháp phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn các cách tiếp cận để làm mới hình ảnh nước Pháp. Tuy nhiên, đây là thách thức không nhỏ trong chính sách đối ngoại của quốc gia Tây Âu này.

HNCC ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN (5/9/2023)

Hôm nay (05/09), tại Indonesia, diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan. Hội nghị lần này tập trung vào 4 trọng tâm chính, bao gồm việc thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan có sự tham dự của 19 nhà lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác. Ngoài ra, có 9 người đứng đầu các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc, dự Hội nghị. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, In-đô-nê-xia, Chủ tịch ASEAN năm 2023 sẽ đưa ra những ưu tiên cụ thể gì để hiện thực hoá chủ đề của năm "ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm Tăng trưởng", phóng viên Phạm Hà, thường trú Đài TNVN tại Indonesia phân tích về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: