Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến 20/12/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn giải ngân khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD, thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận. Ngoài vốn đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD. Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ. Nhờ quy mô vốn góp tăng nên dù lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần trong năm 2023 chỉ đạt 3.451 lượt, giảm 3,2% so với cùng kỳ, nhưng vốn góp lại tăng cao. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…), như TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Riêng 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.
Năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Xét về đối tác, trong năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022. Tiếp đến là Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả, như: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xác định đúng định hướng thu hút đầu tư của thành phố trong từng thời kỳ, tăng cường hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, tạo bước chuyển thật sự về chất mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với doanh nghiệp, công dân nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.