Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thông báo sẽ từ chức vì lý do sức khỏe hồi tuần trước, cuộc đua vào vị trí chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và kế nhiệm ông Abe đang nóng dần lên. Cũng chính vào thời điểm này, dư luận tiếp tục nhìn lại sự nghiệp chính trị của người giữ chức thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ông Abe được coi là người đã định hình lại nước Nhật thời hiện đại với nhiều di sản về kinh tế và đối ngoại.
Năm 2020 có thể nói là thời điểm có ý nghĩa “sống còn” đối với Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới - gọi tắt là START mới. Vốn được ký dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Hiệp ước START mới hạn chế Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân cùng nhiều điều khoản ràng buộc khác. Tuy nhiên, hiệp ước này sẽ hết hạn vào đầu năm 2021 tới đây. Câu chuyện trở nên phức tạp khi các bên đều đang có những toan tính khác nhau. Nếu như Nga muốn gia hạn không cần điều kiện, Mỹ lại liên tục có những thay đổi - từ chỗ kiên quyết muốn tìm kiếm một thỏa thuận mới gồm 3 bên có sự tham gia của Trung Quốc, nhưng trong động thái mới nhất lại rút lời đề nghị này. Những diễn biến này đang khiến cho triển vọng đàm phán một thỏa thuận thay thế cho Hiệp ước START mới ngày càng bế tắc.
Việc Israel và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hồi tuần trước không chỉ đặt một dấu mốc lịch sử trong quan hệ song phương, mà còn được xem là “cơn địa chấn” tái định hình cục diện chính trị ở Trung Đông. Bản thân Thủ tướng Israel Netanyahu cũng tự tin rằng, sau khi bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Israel có thể tiến tới thiết lập quan hệ với các quốc gia Hồi giáo khác. Dù vậy, các nước Ả-rập lại nổi giận với thỏa thuận này, coi đây là lưỡi dao “đâm sau lưng thế giới Hồi giáo”, đi ngược lại thỏa thuận từng được các quốc gia Hồi giáo đưa ra năm 1967 là không công nhận nhà nước Israel.
Vụ nổ kinh hoàng xảy ra ngày 4-8 tại thủ đô Beirut của Liban không chỉ gây nhiều thiệt hại về người và của, mà còn thổi bùng lên những bất ổn về chính trị, đe dọa “nhấn chìm” quốc gia này. Với nhiều người, vụ nổ giống như “giọt nước tràn ly” khi những bất ổn chính trị-xã hội Liban đã ở ngưỡng đỉnh điểm kể từ nội chiến 1975-1990. Liệu còn lối thoát nào cho cả hai cuộc khủng hoảng về nhân đạo và chính trị ở Liban?
Khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với các nguy cơ của làn sóng thứ 2, cuộc đua sản xuất vắc-xin cũng đang tăng tốc và ngày một khốc liệt hơn. Không phủ nhận mục tiêu tìm ra một loại vắc-xin hiệu quả để ngăn ngừa virus Sars-CoV-2 gây dịch COVID-19, thế nhưng theo giới quan sát, đằng sau cuộc đua này lại là một “trò chơi địa chính trị” giữa các nước lớn trên toàn cầu. Tất yếu, một khi y tế, vắc-xin cũng rơi vào vòng xoáy “chính trị hóa” như rất nhiều lĩnh vực khác thì hệ quả sẽ vô cùng khó lường!
Chỉ còn 100 ngày nữa, nước Mỹ bước vào kỳ bầu cử để lựa chọn ra vị chủ nhân Nhà Trắng nhiệm kỳ 4 năm tới. Trong giai đoạn rất quan trọng này, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump liên tiếp nhận tin không vui, khi hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy ông đang bị đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ vượt lên với khoảng cách khá xa. Tất nhiên, các cuộc bầu cử Mỹ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, và các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử chưa phải là chỉ dấu duy nhất cho sự thành – bại của các ứng viên trong vòng đua cuối. Dù vậy, việc tỷ lệ ủng hộ giảm sút ngay tại những bang "chiến địa" cũng đặt ra thách thức rất lớn cho đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump.
Khi loài người bước lên Mặt Trăng 50 năm trước, đó là một trong những khoảnh khắc đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử, bởi thành tựu khoa học vĩ đại là đỉnh cao của cuộc đua giữa 2 siêu cường Mỹ-Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Nhưng những thành tích này thực sự mới chỉ là khởi đầu của nhân loại. Cuộc đua chinh phục vũ trụ mới đang trở nên gay cấn với sự tham gia của ngày càng nhiều quốc gia. Sau Mặt Trăng, Sao Hỏa là hành tinh mà con người muốn chinh phục nhất và ấp ủ hi vọng có thể trở thành nơi cư ngụ của con người trong tương lai. Ngoài các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, châu Âu, các quốc gia khác như Ấn Độ, Israel, và mới nhất là các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất gia nhập cuộc đua chinh phục vũ trụ với việc phóng thành công tàu thăm dò lên Sao Hỏa - đánh dấu sứ mệnh khám phá hành tinh đỏ đầu tiên trong lịch sử của một quốc gia Ả Rập. Những nỗ lực này đang mang tới điều gì cho khoa học tri thức? Mục đích cuộc cạnh tranh chinh phục không gian giữa các nước là gì? Tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này như ra sao?
Những ngày qua, Armenia và Azerbaijan liên tục cáo buộc lẫn nhau về việc tấn công bằng pháo tại khu vực biên giới chung giữa 2 nước, khiến 1 số binh sĩ phía Azerbaijan thiệt mạng. Đây là cuộc đối đầu trực tiếp, được cho là hiếm khi xảy ra giữa hai quốc gia. Cộng thêm những mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo, căng thẳng hai bên có thể kéo theo những xung đột nóng bỏng hơn, tác động tiêu cực đến an ninh của cả khu vực châu Âu.
Tình hình lũ lụt tại Trung Quốc do mưa lớn kéo dài vẫn đang diễn biến nghiêm trọng. Trong khi vẫn còn bị nước lũ bủa vây sau các trận mưa kéo dài suốt hơn một tháng qua, khu vực miền Nam Trung Quốc lại tiếp tục hứng chịu một đợt mưa lớn khác từ ngày 5/7 và kéo dài 4-5 ngày. Một số địa phương ở tỉnh Hồ Bắc, trong đó có thành phố Vũ Hán đã phải ra báo động đỏ - là mức cảnh báo mưa cao nhất ở Trung Quốc.
Nước Nga đang tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây được coi là thời khắc quyết định, thể hiện ý chí của người dân Nga với kỳ vọng tạo ra những thay đổi then chốt trong cả chính trị và xã hội, giúp quốc gia này ứng phó hiệu quả với những thách thức mới. Nếu được sửa đổi, Hiến pháp mới được coi là thay đổi luật lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Nga. Những thay đổi cơ bản đó là gì, có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của nước Nga ngày nay?
Tưởng rằng đại dịch Covid-19 đã phần nào “giảm nhiệt” tại nhiều quốc gia và khu vực, nhưng sau khi các nước nới lỏng phong tỏa và bắt đầu mở cửa biên giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải đưa ra nhiều cảnh báo, bày tỏ lo ngại trước tốc độ lây lan nhanh chóng trở lại của virus Sars-CoV-2, báo hiệu những nguy cơ mới do làn sóng Covid thứ 2 gây ra. Từ châu Á, châu Mỹ cho đến châu Âu, “bóng ma” Covid lại đang quay trở lại do nhiều nguyên nhân.
Bắt đầu từ ngày 15/6, các nước châu Âu bắt đầu mở cửa biên giới nội khối sau 3 tháng áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan. Với việc mở cửa biên giới, châu Âu hy vọng có thể nhanh chóng khôi phục lại nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch vốn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của nhiều nước thành viên. Tuy nhiên, việc mở cửa cũng được châu Âu tiến hành rất thận trọng trong bối cảnh giới chuyên gia y tế liên tục đưa ra cảnh báo về làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Đức đang đứng trước những mâu thuẫn và căng thẳng mới khi một số nguồn tin mới đây tiết lộ, chính quyền Mỹ có thể sẽ rút khoảng 30% quân - tương đương khoảng 10.000 binh sĩ ra khỏi Đức. Dù đến nay, cả chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ chưa xác nhận thông tin này, nhưng theo giới quan sát, quyết định này nếu trở thành sự thật cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Bởi nó phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” cũng như loạt bước đi thời gian gần đây của Tổng thống Donald Trump. Tất nhiên, thông tin này cũng đặt ra hàng loạt vấn đề và nguy cơ mới đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Đức sau quãng thời gian không mấy tốt đẹp vừa qua.
Sau sự việc một người da màu bị cảnh sát giết chết trong tình trạng không có vũ khí tại thành phố Minneapolis của tiểu bang Minnesota, làn sóng biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Mỹ, bày tỏ thái độ giận dữ trước nạn phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát Mỹ. Đây vốn là câu chuyện nhức nhối trong xã hội Mỹ suốt nhiều năm qua. Thế nhưng tại sao sự việc lần này lại bùng phát dữ dội và lan rộng khắp nước Mỹ đến như vậy?