Mối quan hệ căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Iran suốt thời gian qua giờ đang có nguy cơ trở thành cuộc xung đột, trả đũa lẫn nhau. Việc Mỹ tấn công sân bay quốc tế Bát-đa, Iraq hôm 3/1, tiêu diệt chỉ huy đơn vị Quds thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - Thiếu tướng Qasem Soleimani, có thể coi như một "lời tuyên chiến" với Iran. Vụ việc chưa từng có này đe dọa đẩy Trung Đông trở lại với vòng xoáy bất ổn mới. Chương trình Hồ sơ sự kiện quốc tế hôm nay sẽ dành thời lượng để phân tích biến cố này, đặt trong hành trình leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1.
Được đề xuất ý tưởng và khởi động tiến trình hợp tác từ năm 1999 trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc theo cơ chế 10+3; nhưng phải đến năm 2008, lãnh đạo 3 nước Trung-Nhật-Hàn mới lần đầu tiên chính thức tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho 3 nước. Dù quy định tổ chức luân phiên mỗi năm 1 lần nhưng do những mâu thuẫn và bất đồng giữa các nước về các vấn đề riêng rẽ như lịch sử hay thương mại, hội nghị thượng đỉnh 3 bên đã bị gián đoạn một vài năm. Chỉ đến năm 2018, cơ chế này mới được nối lại khi các bên cơ bản đang tìm thấy những điểm chung mới. Liệu cái bắt tay lần này tại Thành Đô, Trung Quốc có giúp 3 nền kinh tế lớn của châu Á đạt được lợi ích chung, từ kinh tế - thương mại cho đến vấn đề Triều Tiên?
Tối muộn ngày 9/12, hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy tại Paris (Pháp) đã kết thúc với cuộc họp báo của lãnh đạo 4 quốc gia tham dự gồm Nga, Ucraina, Đức và Pháp. Như vậy là sau 3 năm bị gián đoạn, cơ chế đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ucraina và quan hệ căng thẳng giữa Nga và láng giềng Ucraina mới được tổ chức trở lại. Dẫu còn nhiều vấn đề tồn tại, những mâu thuẫn không dễ giải quyết, sự tiếp nối này được coi là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Bắt đầu thiết lập quan hệ từ năm 1989, mối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc không ngừng phát triển, đến nay đã nâng cấp thành Quan hệ Đối tác chiến lược với hàng loạt lĩnh vực hợp tác trọng tâm và bao trùm. Trong chính sách đối ngoại, hai bên luôn là đối tác quan trọng của nhau. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại, nhà đầu tư lớn thứ 5 của ASEAN, còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hàn Quốc (chỉ sau Trung Quốc). Nhằm kỷ niệm 30 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên, loạt sự kiện quan trọng liên tục diễn ra trong tuần này với sự tham gia của đại diện lãnh đạo 10 nước ASEAN và chủ nhà Hàn Quốc. Có thể kể đến Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 3 diễn ra tại Busan; Hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc lần thứ nhất... Loạt sự kiện điểm nhấn này càng khẳng định mối quan tâm và hợp tác ngày càng hiệu quả giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, liên minh quân sự lớn nhất thế giới sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập khối vào đầu tháng 12 tới. Tuy nhiên, sự kiện quan trọng đánh dấu 7 thập kỷ tồn tại của khối này được cho sẽ bị phủ bóng bởi nhiều vấn đề, trong đó nổi bật nhất là sự chia rẽ và bất đồng trong nội khối. Nói như một chuyên gia quốc tế thì liên minh này có lẽ đang phải đối mặt với “thách thức phức tạp và nan giải nhất trong lịch sử”. Vậy những biểu hiện nào cho thấy điều đó? NATO liệu có tự giải quyết cuộc khủng hoảng của chính mình?
Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) vừa cam kết tái khởi động các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) vốn đã bị đình trệ từ cách đây 6 năm. Giới phân tích cho rằng, việc Ấn Độ từ chối tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong khi EU hứng chịu sức ép từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ đã thúc đẩy cả hai bên tìm kiếm một mối quan hệ thương mại mật thiết hơn.
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan vừa diễn ra tại Thái Lan, lãnh đạo 16 quốc gia châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, đã quyết định lùi thời hạn ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) từ cuối năm 2019 sang năm 2020. Như vậy, những kỳ vọng về việc hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do khu vực có quy mô nhất nhì thế giới, đã không thể hoàn tất trong năm 2019 do bất đồng vẫn tồn tại trong các cuộc thảo luận.