logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Đổi mới, sáng tạo để phát triển kinh tế biển bền vững (6/6/2020)

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới, có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (chưa kể đến một số đảo), với tổng chiều dài bờ biển hơn 3.260 km. Bờ biển lại mở ra cả ba hướng: Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế qua đại dương. Trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, thì đẩy mạnh nghiên cứu khoa học – công nghệ để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế tài nguyên từ biển, đang là xu thế tất yếu, khách quan cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Để biển mang lại giá trị và lợi ích thiết thực cho cuộc sống và người dân có thể làm giàu từ biển, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển nước ta đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Ban chấp hành trung ương ban hành tại Nghị quyết số 36, tháng 10/2018 và đang được các ban ngành và địa phương cả nước tổ chức thực hiện. Đổi mới, sáng tạo để phát triển kinh tế biển bền vững là nội dung của chương trình Đối thoại cuối tuần với khách mời là ông Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN; Ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường.

Kích cầu du lịch nội địa - phục hồi tăng trưởng (30/5/2020)

Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Để phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, các cá nhân - doanh nhân và cơ quan chủ quản hoạt động này đã, đang có nhiều giải pháp, trong đó, kỳ vọng thu hút khách du lịch nội địa. Hành trình này có thể gặp những khó khăn-thuận lợi gì, cần sự phối hợp - hỗ trợ như thế nào từ cấp trung ương, các ban - ngành liên quan và cả người dân. Bàn về vấn đề này, khách mời là ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và bà Trần Nguyện – Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Sun Group.

Cán bộ Đại hội XIII của Đảng: Cái gốc của mọi công việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh (16/5/2020)

Từ thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Sự tốt hoặc kém của cán bộ thể hiện ở đức và tài, trong đó đức là “gốc”. Người dạy rằng, “Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trong suốt chặng đường 90 năm lãnh đạo đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ luôn được Đảng ta thực hành nghiêm túc và hiệu quả. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa 12 này, và giai đoạn chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, củng cố lòng tin của nhân dân theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa sâu sắc và được thực hiện mạnh mẽ.
Bàn luận về nội dung này, Khách mời là ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 14 và ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng.

Nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao: Điều kiện cần trong bối cảnh kinh tế mới (9/5/2020)

Nguồn nhân lực cho nền kinh tế trong bối cảnh mới hiện là nhu cầu cấp thiết. Nhu cầu này hiện rõ nhất trong khối doanh nghiệp ngành sản xuất, cần nhân lực chất lượng cao, tay nghề giỏi. Chương trình gợi mở những lý do cùng giải pháp, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên liên quan, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Khách mời là ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Đảm bảo an toàn khi dạy học trở lại: An toàn để đi học – Đi học phải an toàn (2/5/2020)

Sau quãng thời gian nghỉ học kéo dài do tác động của dịch COVID-19, nhiều trường học đã có thông báo đi học trở lại vào đầu tuần tới. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm, thì câu chuyện làm thế nào đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay. “Đảm bảo an toàn khi dạy học trở lại: An toàn để đi học – Đi học phải an toàn” là chủ đề bàn luận với khách mời là ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT và bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Gói an sinh xã hội 62.000 tỷ: Để không bị “lạc đường” (28/4/2020)

Đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu lao động nước ta đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động tự do, lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được Chính phủ ban hành ngày 9/4 có ý nghĩa vô cùng lớn trong bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội. Vậy nhưng điều mà các đối tượng được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội trong Nghị quyết 42 mong mỏi nhiều nhất, đó là việc thực hiện phải đảm bảo kịp thời, công bằng, minh bạch, không bị trục lợi. Khách mời là Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và bà Nguyễn Thu Hương, quản lý cấp cao Chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam Việt Nam cùng bàn luận về vấn đề này.

Đợt giãn cách xã hội thứ 2: Những vấn đề đặt ra trong phòng chống Covid-19 (18/4/2020)

Trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian giãn cách xã hội ở một số địa phương đến ngày 22/4, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng chia các tỉnh, thành phố ra ba nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Tinh thần chung trong tuần giãn cách thứ ba vẫn là quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, không được phép lơ là, mất cảnh giác. Tuy nhiên. trong tuần thứ ba thực hiện giãn cách xã hội này, có những vấn đề đặt ra trong phòng chống dịch, khiến mỗi người cùng kiên nhẫn đồng lòng vượt qua? Trong chương trình Đối thoại cuối tuần hôm nay, chúng tôi kết nối trực tiếp với Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh để cùng trao đổi về câu chuyện này.

HTX nông nghiệp vượt khó và phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (11/4/2020)

Liên tiếp thời gian gần đây thiên tai, dịch bệnh xảy ra như mưa đá các tỉnh phía bắc, hạn mặn ở ĐBSCL, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, đặc biệt đại dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát hiện nay đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp, đe dọa đến khả năng về đích của Đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Làm thế nào để các HTX nông nghiệp vượt khó và vươn lên đứng vững, phát triển trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay? Kỷ niệm 74 năm ngày Bác Hồ viết thư kêu gọi điền chủ nông dân tham gia HTX và trở thành ngày truyền thống HTX Việt Nam, 2 vị khách mời bàn luận về vấn đề này là TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT – Bộ Nông nghiệp và PTNT và ông Lê Văn Việt, Tổng GĐ Liên hiệp HTX Thủy sản Xuyên Việt, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Giải pháp nào giúp ĐBSCL ứng phó với hạn mặn xâm nhập? (4/4/2020)

Khách mời là Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái trao đổi các giải pháp để giúp đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn mặn nghiêm trọng.

Cần hoàn thiện các quy định của Pháp luật về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (31/3/2020)

Thực tế thực thi pháp luật về đất đai ở nhiều địa phương cho thấy, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vấn đề mang tính kinh tế-xã hội, nhưng cũng rất phức tạp về mặt pháp lý và bộc lộ nhiều hạn chế, làm nảy sinh những tranh chấp, sai phạm trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những hạn chế đó là gì? Làm sao để giải quyết dứt điểm để tránh phát sinh tranh chấp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật? Làm sao để không còn tình trạng tham nhũng trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Bàn luận vấn đề này, khách mời là GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong.

Ngăn chặn những “chuyến tàu vét” trước Đại hội (28/3/2020)

Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đang được tiến hành. Đây là thời điểm rất nhạy cảm, chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, và cũng dễ xuất hiện những biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” thực hiện những “chuyến tàu vét” bằng cách “ký đại” dự án, bổ nhiệm ồ ạt. Đó chính là biểu hiện của chạy chức, chạy quyền, của thực trạng tham nhũng cán bộ vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của một số cán bộ lãnh đạo. Thực trạng này sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào? Làm sao để ngăn chặn không cho nó xảy ra? Khách mời là ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 cùng bàn luận vấn đề này.

Cơ chế pháp lý nào cho loại hình bất động sản Condotel (21/3/2020)

Condotel - loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, không phải nhà ở đang là cái tên gây sốt trên thị trường bất động sản trong suốt thời gian qua. Gây sốt cả theo nghĩa là điểm nóng của thị trường bất động sản khi phát triển mạnh, rầm rộ, nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào loại hình bất động sản này để đầu tư. Và gây sốt cả về những tranh cãi, tai tiếng của loại hình bất động sản này, đặc biệt từ sau khi chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng là Công ty Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô tuyên bố đơn phương không trả đủ lãi như cam kết đối với nhà đầu tư thứ cấp ở dự án này tại Đà Nẵng do kinh doanh thua lỗ, khiến nhà đầu tư hoang mang và khiếu kiện ở nhiều nơi. Vậy nút thắt nào cần tháo gỡ cho loại hình condotel? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico sẽ cùng bàn về câu chuyện này.

Giá đất và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn (14/3/2020)

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, cứ 5 năm một lần, Chính phủ ban hành khung giá đất. Căn cứ theo khung giá đất này, UBND cấp tỉnh sẽ xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất. Bảng giá đất có hiệu lực 5 năm. Hàng năm, UBND tỉnh sẽ quy định hệ số điều chỉnh giá đất. Thực tế giá đất nhà nước đưa ra chưa bao giờ tiếp cận dược giá thị trường. Vì sao có thực trạng này và làm gì để đưa giá đất về gía trị thực của nó? Bàn luận về vấn đề này có hai vị khách mời: - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến, Phó trưởng khoa pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội và Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Covid-19 và giải pháp của ngành thủy sản (7/3/2020)

Bước sang năm 2020, ngành thủy sản đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sau khi trải qua năm 2019 khá khó khăn và về đích chưa được như mong đợi. Tuy nhiên, ngay trong tháng đầu tiên năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm khá sâu và đối diện với nhiều khó khăn hơn khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Sars CoV-2 diễn biến phức tạp.
Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2020 chỉ đạt khoảng 644 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do tháng 1 rơi vào thời điểm nghỉ tết, đồng thời dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu tôm, cá tra của các doanh nghiệp sang nước này. Nếu dịch bệnh còn kéo dài thì dự kiến, sản xuất và xuất khẩu thủy sản có thể bị ảnh hưởng và đình trệ nghiêm trọng hơn, có thể đến tháng 8. Khi đó, kim ngạch xuất sang Trung Quốc nửa đầu năm sẽ giảm 30% còn 400 triệu USD, và ước tính cả năm nay thủy sản sang thị trường này sẽ đạt khoảng 1,33 tỉ USD, giảm 6%.
Tác động của dịch Covid-19 đối với ngành thủy sản ra sao và giải pháp nào để hoàn thành các mục tiêu xuất khẩu thủy sản đã đề ra trong năm 2020? Hai khách mời là ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Chuyên gia thương mại bàn luận về nội dung này.

Phòng chống Covid-19 trong cộng đồng – Đẩy lùi dịch bệnh (29/2/2020)

Dù Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước đánh giá cao về công tác kiểm soát, phòng chống Covid-19, song với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, chúng ta không cho phép chủ quan, lơ là trong bất cứ thời điểm nào. Có thể nói, giai đoạn mở đầu phòng chống Covid-19 đã đi qua và đất nước ta đã giành chiến thắng ở trận mở màn này, song một trong những biện pháp quan trọng luôn được duy trì, đẩy mạnh là việc phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này. Khách mời là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) và Phó Giáo sư - Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cùng trao đổi về nội dung này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
19h55 đến 20h00 Quảng cáo
19h55 - 20h00 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: