logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Cải cách hành chính Nhà nước: Khâu yếu nhất vẫn là cán bộ (19/8/2016)

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định “Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của chúng ta đông nhưng chưa mạnh, chưa hết lòng hết sức phục vụ người dân”. Nếu nói cán bộ là gốc của mọi công việc, trong khi thực trạng đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta như hiện nay thì công việc cải cách hành chính sẽ khó sớm đạt được mục tiêu đề ra. Bình luận của biên tập viên Ngọc Chi.

Đừng bỏ trứng vào một giỏ (18/8/2016)

Câu chuyện thanh long tại Bình Thuận, hay xa hơn là cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long chịu sự chi phối của thị trường Trung Quốc, khiến người sản xuất lâm vào cảnh “hỗn loạn” khi thương lái “trở mặt” đang là vấn đề nóng trong thời gian gần đây. Việc thương lái Trung Quốc thao túng, gây bất lợi cho thị trường nông sản, thủy sản Việt là điều không mới, nhưng chúng ta vẫn chưa có giải pháp đối phó hiệu quả. Bình luận của biên tập viên Minh Khánh.

Từ chuyện cắt cỏ đến chi tiêu quốc gia (17/8/2016)

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao với thông tin từ cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc chỉ riêng 24km đường đại lộ Thăng Long Láng-Hòa Lạc mỗi năm đã tốn 53 tỷ đồng cho việc "cắt cỏ, chăm sóc hoa, cây cảnh". Cũng cùng ngày hôm ấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cuộc họp nghe báo cáo về phân bổ vốn ODA và vốn tài trợ nước ngoài. Những diễn biến của cuộc họp này có thể góp phần lý giải câu hỏi "Vì sao cắt cỏ mỗi năm hết 53 tỷ đồng?". Biên tập viên Thu Liên có bài bình luận nhan đề "Từ chuyện cắt cỏ đến chi tiêu quốc gia"

Câu chuyện nghìn tỷ và đồng thuế của dân (16/8/2016)

"Cần có trách nhiệm với từng đồng thuế của dân" là thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra sau khi được Quốc hội bầu vào chức vụ người đứng đầu Chính phủ. Ngay sau đó, Thủ tướng quyết định, không mua thêm xe mới. Thông điệp bằng lời nói, bằng hành động của người đứng đầu Chính phủ được nhân dân đánh giá cao và đặt niềm tin vào sự vận động của bộ máy chính quyền từ Trung ương tới cơ sở. Bình luận của biên tập viên Đàm Hoa.

Minh bạch thông tin doanh nghiệp: Tất cả chây ỳ nên không ai bị xử lý (15/8/2016)

Chính phủ đã có tới 2 nghị định về việc công khai, minh bạch thông tin của Doanh nghiệp Nhà nước, gồm Nghị định 81 và Nghị định 87. Các Nghị định này ra đời trong bối cảnh có quá nhiều doanh nghiệp không công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Thế nhưng, từ thời điểm Nghị định được ký ban hành và có hiệu lực đến nay, tình hình dường như không cải thiện, nếu không muốn nói là dậm chân tại chỗ. Bình luận của nhà báo Vũ Hạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga - Mỹ, EU thiệt đơn thiệt kép (14/8/2016)

Một trong những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua là chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Diễn ra sau cuộc đảo chính hồi tháng 7, đặc biệt là sau những căng thẳng chính trị Nga – Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài từ tháng 11 năm ngoái, chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không đơn thuần chỉ mang lại nhiều lợi ích mà nó còn cho thấy những toan tính địa chính trị của các bên. Nó cũng cho thấy những thất bại của chính sách “hai mặt” mà Mỹ và EU đang áp dụng. Bình luận của biên tập viên Hồ Điệp.

Chống thuốc lá lậu- không thể bỏ lửng. (13/8/2016)

Hàng nghìn tỷ đồng ngân sách của Nhà nước bị thất thoát hàng năm do thuốc lá nhập lậu. Nhiều kẻ xấu hám lợi nhuận, nhiều người dân biết rõ cái chết mà vẫn sử dụng đã khiến cho mặt hàng thuốc lá luôn là điểm nóng trong hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại. Hệ lụy của thuốc lá lậu đối với sức khỏe của người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế là không nhỏ. Chúng ta đang tốn hàng trăm tỷ đồng trong công tác phòng chống thuốc lá lậu. Chính phủ đã ban hành riêng chỉ thị 30 nhấn mạnh các giải pháp, nhưng cho đến nay, việc ngăn chặn thuốc lá lậu vẫn gần như "dậm chân tại chỗ". Bình luận của biên tập viên Xuân Lan.

Khi chất lượng "hiện hình" sau bão. (12/8/2016)

Cơn bão số 1, dù không lớn lắm nhưng đã để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh bị bão quét qua, đặc biệt là Thái Bình và Nam Định. Hàng nghìn cột điện, hàng loạt cây cối bị đổ, nhiều bức tường trong các khu công nghiệp xây chưa lâu cũng đã sập. Thế nhưng, bức tường Nhà máy Dệt Nam Định được xây từ 100 năm trước và đang phá dỡ dở dang thì lại nguyên vẹn. Sau cơn bão, "bức tường mới đã đổ, bức tường cũ còn nguyên" hé lộ những điều gì? Bình luận của biên tập viên Thu Thùy.

Mở cửa bầu trời - Mở tư duy, đón khách du lịch (11/8/2016)

Du lịch là một ngành kinh tế đặc thù có tính liên ngành rất cao, có tiềm năng phát triển rất nhanh và mạnh mẽ nếu có chính sách quản lý tốt. Đây cũng là ngành công nghiệp không khói có thể tạo ra nguồn thu lớn đóng góp vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế, và hơn thế, còn là phương tiện đưa đất nước tham gia vào hành trình hội nhập quốc tế, đóng góp vào nền văn hoá thế giới. Tuy nhiên, Du lịch Việt Nam đang phải đối diện quá nhiều vấn đề, cần phải nhanh chóng tháo gỡ, để thực hiện được phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch là “phải mở cửa bầu trời, đón du lịch” - Bình luận của biên tập viên Thu Liên.

Chung tay để cuộc đời thêm niềm vui, nụ cười. (10/8/2016)

Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, nhưng thảm họa da cam do đế quốc Mỹ gây ra vẫn đang tiếp tục hủy hoại môi trường, hệ sinh thái của Việt Nam và di chứng của nó vẫn còn để lại với hàng nghìn nạn nhân. Để xoa dịu nỗi đau da cam, rất cần ở mỗi chúng ta tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết và có những việc làm thiết thực để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam. Nhân kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam và 55 năm Thảm họa da cam Việt Nam (1961-2016), biên tập viên Mai Hồng có bình luận nhan đề: Chung tay để cuộc đời thêm niềm vui, nụ cười.

Tâm và tầm trong giám sát môi trường (9/8/2016)

Sau hàng loạt dự án phát triển gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân gần đây, như vụ Formosa hay dự án lấn sông Đồng Nai… dư luận lại được phen giật mình trước tình trạng báo cáo đánh giá tác động môi trường được lập ra để đối phó của không ít dự án phát triển hiện nay. Trong nhiều năm qua, dưới sức ép thu hút đầu tư, nhiều bộ, ngành, địa phương đã “tạm quên” rằng “báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là DTM) là công cụ quyết định các dự án đầu tư theo hướng phát triển bền vững”, thậm chí cấp xong lại “tạm quên” vai trò giám sát môi trường, dù đó là những dự án có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng dân cư. Bình luận của biên tập viên Mỹ Hà.

Trách nhiệm là phải trách nhiệm tới cùng. (08/8/2016)

Hành vi xả thải của Formosa gây hủy hoại môi trường biển, đẩy ngư dân bốn tỉnh miền Trung vào sự khốn khó tiếp tục làm nóng các cuộc tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội, nhất là những nơi lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ứng cử. Kiến nghị của cử tri, câu trả lời của các đại biểu Quốc hội đều xoay quanh việc xác định trách nhiệm của những người cấp phép cho Formosa hoạt động, xả thải gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, đã trách nhiệm là phải trách nhiệm tới cùng, chứ không thể làm sai, "rồi cứ lên báo cái mấy câu là xong!". Bình luận của biên tập viên Vân Thiêng.

Asean: Đoàn kết mới làm nên sức mạnh (7/8/2016)

Ngày mai, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean), trong đó có Việt Nam sẽ kỷ niệm trọng thể 49 năm ngày thành lập Asean. Sau gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Asean giờ đã trở thành một tổ chức vững mạnh và là đối tác không thể thiếu của các nước, các trung tâm lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, Asean đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Làm thế nào để vượt qua những khó khăn này, đồng thời duy trì khối thống nhất, giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển cho mỗi thành viên, cũng như cho toàn khu vực. Bình luận của biên tập viên Thu Hà.

Trống đã đánh là phải đánh liên hồi (6/8/2016)

Sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa phương. Trong nhiều vấn đề của đất nước, của xã hội được người dân quan tâm, bày tỏ ý kiến, quan điểm thì điều họ băn khoăn nhất, lo ngại nhất là công tác quy hoạch, luận chuyển, bố trí, bổ nhiệm cán bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bởi tuy là hai vấn đề, nhưng nó lại có mối liên quan chặt chẽ, cái này sẽ là hiệu quả hoặc hệ quả của cái kia. Vì thế, mặc dù đã có những lời nói, những hành động được đưa ra; mặc dù đã có những bước chuyển ban đầu, nhưng nếu không “đánh trống liên hồi” thì sự băn khoăn, lo lắng ấy của người dân sẽ khó hoặc chẳng bao giờ gạt bỏ được.

Nói phải đi đôi với làm. (5/8/2016)

Ngay trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ nhằm cụ thể hóa tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp với rất nhiều phương hướng được đặt ra. Nhưng quan trọng hơn cả, ngay từ những việc ban đầu, Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm của Chính Phủ là "nói phải đi đôi với làm". Bình luận của biên tập viên Thu Thùy.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
06h28-06h30 Quảng cáo
10h55-11h00 Quảng cáo
11h05-11h50 Khởi nghiệp
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
14h50-15h00 Câu chuyện QT
15h00-15h15 Bản tin TS
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 Alo VOV1
16h00-17h00 Theo dòng TS
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
00h00-04h45 Nhập hệ VOV3
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: