logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Chữa bệnh lười để không bị cùn mòn. (12/7/2016)

Google- phương tiện tìm kiếm trên mạng Internet đã trở nên vô cùng quen thuộc với hàng chục triệu người Việt Nam và hàng tỷ người trên thế giới. Cùng với những lợi ích không thể phủ nhận như: cung cấp thông tin nhanh, nhiều lĩnh vực..., thì việc ỷ lại vào Google đang làm cho nhiều người trở nên lười suy nghĩ, ít sáng tạo. Biên tập viên Mai Hồng có bình luận nhan đề "Chữa bệnh lười để không bị cùn mòn".

Cần quản lý chặt chẽ hệ thống dịch vụ bệnh viện (11/7/2016)

Vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi trung ương ngăn chặn không cho xe cấp cứu do người nhà thuê đưa người bệnh về nhà gây bức xúc dư luận mấy ngày qua. Vụ việc cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý hệ thống dịch vụ tại các bệnh viện, để cho một số đối tượng câu kết, trục lợi trên nỗi đau của bệnh nhân. Đã đến lúc ngành Y tế phải dẹp bỏ nạn cò dịch vụ tại các bệnh viện để người dân không còn phải gánh thêm những nỗi đau ngoài bệnh tật; trước tiên là nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các bệnh viện. Bình luận của biên tập viên Vân Thiêng.

Thái độ cực đoan phán chiếu sự đuối lý và nỗi lo sợ bất lực. (10/7/2016)

Trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippin liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc liên tục gia tăng các hành động gây hấn và ngang ngược tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa. Những hành động của Trung Quốc không mới, nhưng vì sao Trung Quốc lại liên tục có những hành động như vậy? Dưới nhiều góc nhìn, giới phân tích cho rằng những lời lẽ khiêu khích, những hành động ngang ngược của Bắc Kinh thực chất phản ánh sự đuối lý và bất lực của nước này khi họ không thể "biến không thành có, biến trắng thành đen" trong vấn đề Biển Đông. Bình luận của biên tập viên Hồ Điệp.

Đã đến lúc nông nghiệp, nông dân cần tiếp sức (9/7/2016)

Vừa qua tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lần đầu tiên trong 10 năm nay, nông nghiệp có con số tăng trưởng âm khi giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) nông lâm thủy sản 6 tháng qua đã giảm 0,18%. Nguyên nhân cũng được ngành đưa ra là bởi ảnh hưởng của thời tiết như rét đậm, hạn hán, xâm nhập mặn... khiến giá trị sản xuất lúa, hoa màu, thủy sản sụt giảm. Thế nhưng con số tăng trưởng âm cũng cho thấy sự phát triển tới hạn của sản xuất nông nghiệp mà thiếu đi những chính sách, tư duy quản lý mới để tiếp sức cho lĩnh vực này. Bình luận của biên tập viên Hương Lan.

Dẹp nạn cán bộ “quan hệ”, cán bộ “đấu thầu” (8/7/2016)

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu khắc phục tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay nhưng chậm đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. Tổng Bí thư cho rằng, còn tình trạng đó là do cán bộ làm sai, nhưng lại được bao che, hoặc có xử lý cũng chưa nghiêm minh. Chính vì vậy, những hành động, những tiếng nói về công tác tổ chức cán bộ thời gian gần đây đã cho thấy quyết tâm của Đảng ta loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất, những cán bộ được hình thành trên cơ sở “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”, làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, lấy lại lòng tin của nhân dân. Bình luận của biên tập viên Đàm Hoa.

Khi kỹ năng sống vẫn là “Hành trang rỗng” (7/7/2016)

Chỉ trong ít ngày gần đây, những thông tin đáng buồn về 3 sinh viên tình nguyện của Đại học Ngoại thương Hà Nội bị lũ cuốn, rồi 5 cháu học sinh ở Bắc Giang bị đuối nước do cứu nhau, 1 nữ sinh Đại học Sư phạm Huế bị giết trên taxi để cướp của… khiến những người lớn không khỏi day dứt. Phải chăng giáo dục của chúng ta đã quá thiên về trang bị kiến thức mà thiếu đi trang bị về kỹ năng sống, để các em bước vào đời với đầy đủ nhiệt huyết, hồn nhiên nhưng lại rất ít kinh nghiệm sinh tồn? Bình luận của biên tập viên Thu Thùy.

Nâng tầm trí tuệ Việt. (6/7/2016)

Tuần qua, một tin vui đến với cộng đồng khởi nghiệp nước ta; phần mềm Monkey Junior chuyên về giáo dục đã vượt qua hơn 1000 thí sinh trên toàn cầu và giành giải nhất trong cuộc thi "Sáng kiến toàn cầu" trong khuôn khổ hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Toàn cầu được tổ chức tại Mỹ. Đây là một sự kiện đầy tính khích lệ với làn sóng khởi nghiệp ở nước ta, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang tích cực ủng hộ và tạo điều kiện cho khởi nghiệp. Bình luận của biên tập viên Thu Liên.

Các nhà khoa học nông nghiệp nước ta đang làm gì? (05/7/2016)

Nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi của người nông dân càng ngày càng tăng. Ai cũng hiểu rõ, một nền nông nghiệp hướng đến cạnh tranh, xuất khẩu, làm giàu được thì phải bắt đầu từ khâu giống, cụ thể là ngành giống phải đạt trình độ, mang chất lượng quốc tế. Thế nhưng hiện nay, có thể nói, ngành giống phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân đã tung ra thị trường những loại giống kém chất lượng, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Và như vậy thì người nông dân còn khổ ngay trên cánh đồng của mình. Bình luận của biên tập viên Phương Hà với nhan đề "Các nhà khoa học nông nghiệp nước ta đang làm gì?"

Tiên trách kỷ - Hậu trách nhân (4/7/2016)

Ngoài câu chuyện Formosa nhận trách nhiệm gây ô nhiễm biển, tình trạng hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động trái phép, xuyên tạc lịch sử Việt Nam... tại Nha Trang, Đà Nẵng cũng đang gây bức xúc dư luận thời gian gần đây. Điều đáng nói là tình trạng này lại có sự tiếp tay của các doanh nghiệp du lịch trong nước. Hãy tự trách mình để tìm giải pháp chấn chỉnh hoạt động đón khách du lịch Trung Quốc là việc phải làm quyết liệt lúc này. Bình luận của biên tập viên Vân Thiêng.

Brexit và bài học về toàn cầu hóa (3/7/2016)

Việc người dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang làm cho chính nước này và các thành viên khác của EU phải đau đầu khi tìm các phương kế để sự việc diễn ra một cách ít "đau thương" nhất. Quyết định này còn cho thấy một vấn đề khác không chỉ của riêng nước Anh, của riêng Liên minh châu Âu mà là của toàn thế giới, đó là những bài học về toàn cầu hóa. Có lẽ bất kỳ quốc gia nào, cho dù có đang tham gia một tổ chức liên kết khu vực hay không cũng đều nhìn thấy bài học cho mình từ câu chuyện của nước Anh. Bình luận của biên tập viên Việt Nga.

Để pháp luật, chính sách đi vào cuộc sống. (2/7/2016)

Nhiều văn bản luật có hiệu lực thi hành, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều chính sách cần đi vào cuộc sống. Câu hỏi đặt ra không mới nhưng vẫn luôn mang tính thời sự đó là: làm thế nào để chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Bình luận của biên tập viên Ngọc Chi.

Bài học mang tên Formosa (1/7/2016)

Chiều qua, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo, thông báo kết luận nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường biển tại các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ thời gian qua. Chính danh thủ phạm đã được chỉ đích danh. Ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu nhận lỗi, cam kết bồi thường và cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tai nguyên nước của Việt Nam.
Dù không mong muốn, thì thảm họa môi trường với hậu quả nhãn tiền và hệ lụy dài lâu đã xảy ra. Cái mất thì rất nhiều, khó mà đong đếm. Nhưng bên cạnh cái mất, có cái được. Cái được thấy rõ nhất là Bài học mang tên Formosa. Bình luận của Nhà báo Uông Ngọc Dậu.

Quyết tâm - phải chuyển thành hành động (30/6/2016)

Năm 2016 đã đi được nửa chặng đường. Đây là thời điểm nhìn lại, sơ kết những gì đã làm được trong nửa năm qua. Những thống kê do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy tổng thể bức tranh kinh tế còn ít điểm sáng. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm chững lại. Nhiều chỉ số cho thấy những yếu tố tạo nên tăng trưởng thời gian qua đã tới hạn, cần một động lực tăng trưởng mới. Giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững đã có, được bàn tới từ lâu, nhưng những gì trên thực tế cho thấy vẫn có sức ỳ quá lớn, tạo nên những tảng đá cản đường cỗ xe tăng trưởng này. Bình luận của biên tập viên Ngọc Diệu.

Siết chặt quản lý, chặn lãng phí xe công. (29/6/2016)

Những con số vừa được Bộ Tài chính công bố qua rà soát về số lượng, chi phí vận hành, bảo dưỡng xe ô tô công của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong cả nước khiến dư luận lần nữa đặt câu hỏi về thực trạng mua sắm, quản lý, sử dụng xe ô tô công hiện nay. Câu chuyện không mới, đã được nói nhiều và cũng đã có quy định, yêu cầu quản lý, sử dụng xe công một cách hợp lý, nhưng vẫn “nhùng nhằng” chưa được tháo gỡ. Nó chứng tỏ sự thiếu chặt chẽ, thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý; sự thiếu ý thức của những người sử dụng. Và nó cũng chứng tỏ tiền thuế của dân, ngân sách của Nhà nước vẫn hằng ngày, hằng giờ bị tiêu xài một cách hoang phí. Để khắc phục thực trạng này đòi hỏi cần siết chặt việc quản lý, sử dụng xe công bằng những quy định cụ thể của pháp luật. Biên tập viên Đàm Hoa có bình luận nhan đề "Siết chặt quản lý, chặn lãng phí xe công"

Gia đình, đừng chỉ no vật chất mà đói tinh thần. (28/6/2016)

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của các gia đình ở nước ta ngày càng đầy đủ hơn. Tuy nhiên, việc chăm lo đời sống tinh thần thì vẫn chưa được nhiều gia đình quan tâm một cách đúng mức. Hạnh phúc của nhiều gia đình vì thế chưa thực sự trọn vẹn. Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), biên tập viên Mai Hồng có bình luận "Gia đình, đừng chỉ no vật chất mà đói tinh thần".

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
06h28-06h30 Quảng cáo
10h55-11h00 Quảng cáo
11h05-11h50 Khởi nghiệp
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
14h50-15h00 Câu chuyện QT
15h00-15h15 Bản tin TS
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 Alo VOV1
16h00-17h00 Theo dòng TS
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
00h00-04h45 Nhập hệ VOV3
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: